TP Chí Linh: Phát huy giá trị các khu di tích, danh thắng

Thứ bảy - 20/04/2019 21:56 - 2306 lượt xem
Lễ khai bút tại đền thờ Chu Văn An ngày càng được nâng tầm, thu hút sự quan tâm của du khách khắp mọi miền
Lễ khai bút tại đền thờ Chu Văn An ngày càng được nâng tầm, thu hút sự quan tâm của du khách khắp mọi miền
Chí Linh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích, danh thắng để phát triển du lịch, dịch vụ.
Tích cực tôn tạo

Chí Linh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng như: khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu di tích danh thắng Phượng Hoàng, khu danh thắng chùa Thanh Mai... Các di tích này đều gắn liền với tên tuổi của các bậc danh nhân nổi tiếng trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ, Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa, Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả... Sự xuất hiện dày đặc của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nổi tiếng là lợi thế lớn giúp Chí Linh phát triển ngành du lịch, dịch vụ.

Nắm bắt được lợi thế trên, những năm qua, Chí Linh một mặt tích cực huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng quán dịch vụ tại các di tích do địa phương quản lý. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, liên kết xây dựng các tour tuyến để hút khách du lịch. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Chí Linh đã huy động xã hội hóa được hơn 7 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo khu di tích đền Cao và 5,1 tỷ đồng để xây nghi môn, tháp mộ tại đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Ngân sách thành phố cũng đầu tư gần 5 tỷ đồng để tôn tạo bãi đỗ xe, đường dạo... tại đền thờ Chu Văn An. Khu di tích đền Sinh - đền Hóa được đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để chống xuống cấp. Các di tích liên tục được đầu tư tôn tạo nên ngày càng hoàn chỉnh về quy mô, đẹp về cảnh quan. Hệ thống giao thông, các công trình phụ trợ như bãi đỗ xe, đường dạo, hàng quán dịch vụ... cũng được quy hoạch gọn gàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Để hút khách du lịch về với địa phương, Chí Linh chú trọng bảo tồn, nâng cấp, quảng bá rộng rãi các lễ hội gắn liền với di tích. Lễ khai bút đầu xuân tại đền thờ Chu Văn An những năm gần đây luôn thu hút một lượng lớn du khách, đặc biệt là những người công tác trong ngành giáo dục, học sinh, sinh viên trong cả nước về tham dự. Lễ hội đền Cao được duy trì hằng năm, trong đó nhiều nghi lễ, hoạt động được phục dựng và nâng cấp như lễ ban khước thánh, thi nấu chè kho, giã bánh dày, vật truyền thống...

Ban Quản lý di tích Chí Linh tích cực quảng bá, mời gọi, liên kết với các đơn vị lữ hành để xây dựng các tour tuyến du lịch, đưa khách du lịch về tham quan các di tích, danh thắng tại địa phương. Năm 2018, Chí Linh đón khoảng 12 vạn khách tới tham quan, tăng 4 vạn khách so với năm 2017. Ngành du lịch, dịch vụ đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mời gọi nhà đầu tư

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ ở TP Chí Linh ngày càng hoàn thiện. Thành phố hiện có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm thương mại, điểm dừng chân... cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Ngoài các di tích, Chí Linh còn có nhiều khu vực có thể phát triển thành điểm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái như hồ Bến Tắm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch, dịch vụ ở Chí Linh vẫn còn đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách. Đa phần du khách khi về các di tích, danh thắng dâng hương xong lại đi nơi khác. Tại đền thờ Chu Văn An hiện mới có 36 ki ốt bán hàng, đền Cao và đền Sinh mỗi nơi có trên 10 hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Dù lượng khách về Chí Linh tăng dần theo từng năm nhưng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ không cao...

Đưa du lịch, dịch vụ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu của thành phố trẻ này trong tương lai gần. Chính quyền thành phố sẽ quy hoạch hợp lý, hài hòa giữa diện tích, không gian để phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn để mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, không gian trải nghiệm cho du khách tại các khu du lịch, danh thắng. Có cơ chế khích lệ người dân tham gia làm du lịch để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn và mang tính đặc thù. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, nâng cao chất lượng các hoạt động tổ chức lễ hội, nghi lễ, nghi thức thực hành tín ngưỡng tâm linh. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch...

Mới đây, tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh đã tạo điều kiện cho một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp về khảo sát làm cơ sở đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái vào khu vực hồ Bến Tắm. Sắp tới, tỉnh sẽ triển khai cải tạo, mở rộng đường vào khu di tích Phượng Hoàng, đường vào và các hạng mục ở chùa Huyền Thiên... Những dự án này thành công chắc chắn sẽ tạo ra tín hiệu lạc quan và là đòn bẩy để du lịch Chí Linh phát triển lên một tầm cao mới.

TIẾN MẠNH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây