Những tiết học không còn khô khan

Thứ bảy - 07/10/2017 12:17 - 4857 lượt xem
Học sinh Trường THPT Chí Linh thực hành kiểm tra tháo, lắp súng
Học sinh Trường THPT Chí Linh thực hành kiểm tra tháo, lắp súng
Những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, thực hành khiến học sinh, sinh viên hứng thú hơn với môn học giáo dục quốc phòng - an ninh...
Không còn những tiết học khô cứng, môn học giáo dục quốc phòng - an ninh (QPAN) trong các trường THPT và giáo dục chuyên nghiệp đang có nhiều đổi mới, tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên. 

Nâng cao nhận thức

Một ngày cuối tháng 9, có mặt tại Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, chúng tôi thấy các sinh viên đầu đội mũ cối, trên mình mang bộ quân phục màu xanh bạc đang say sưa thực hành cách tháo, lắp súng. Em Nguyễn Văn Đạt, sinh viên năm thứ nhất cho biết: "Sau hơn 2tuần học môn giáo dục QPAN, em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Những tiết  thực hành ngoài thao trường kết hợp với những bài giảng trên lớp giúp em và các bạn nâng cao nhận thức về QPAN, thấy rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc". 

Từ lâu, Trường THPT Chí Linh tập trung đổi mới việc giáo dục QPAN cho học sinh theo hướng sinh động, sôi nổi hơn. Sau mỗi học phần, nhà trường tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại khóa, tham quan thực tế huấn luyện cùng các hoạt động giao lưu kết nghĩa với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn. Những trải nghiệm thực tế giúp học sinh hiểu hơn về môn học. 

Được tham quan thực tế huấn luyện, nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội khiến các em xác định rõ hơn mục đích học tập, phấn đấu. Em Phạm Tuấn Anh, học sinh lớp11, Trường THPT Chí Linh cho biết: "Em sẽ thi vào trường quân đội để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Giờ thảo luận chính trị với chủ đề: "Chủ nghĩa Mác Lê nin - tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam" của thầy giáo Nguyễn Dương Cầm, Trưởng bộ môn giáo dục thể chất quốc phòng, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương diễn ra với3 nhóm thảo luận. Mỗi nhóm tự đưa ra ý kiến của mình, các nhóm còn lại bổ sung để hoàn thiện. Theo thầy giáo Nguyễn Dương Cầm, trong phần thảo luận đòi hỏi từng sinh viên phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu trước khi lên lớp. Phương pháp này được nhà trường hướng đến trong giảng dạy nói chung và giáo dục QPAN nói riêng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài đổi mới phương pháp giảng dạy môn giáo dục QPAN, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương còn liên kết với Trường Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức giảng dạy nhằm chuyên biệt hóa nội dung học tập.

Thầy giáo Phạm Văn Luận, giáo viên môn QPAN Trường THPT Chí Linh cho biết: "Để tạo hứng thú cho học sinh đối với môn học, tôi luôn kết hợp học mới ôn cũ, sử dụng sơ đồ, tranh, ảnh minh họa trực quan, sinh động. Sau mỗi tiết học tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em để kịp thời rút kinh nghiệm cho các giờ học sau". Từ năm 2015, Trường THPT Chí Linh đã đưa vào sử dụng hệ thống bắn súng điện tử gồm máy tính, máy bắn, súng và bia áp dụng với bài 4A. Với hệ thống này, sau khi ngắm bắn ngoài thao trường bằng súng tập, học sinh sẽ được ngắm thực tế trên súng bắn điện tử, có đường ngắm bằng hệ thống camera, khi bóp cò sẽ lưu điểm tự động trên máy tính, làm cơ sở để giáo viên đánh giá chất lượng học tập của học sinh.

Với việc đưa môn học QPAN vào nội dung học tập chính khóa trong các nhà trường, môn học này được quản lý chặt chẽ như các bộ môn văn hóa khác. Theo trung tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Ban Dân quân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, để nâng cao chất lượng giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường, đơn vị xây dựng nội dung chương trình, đề cương môn học đúng quy định, sát với tình hình thực tiễn. 
Một trong những giải pháp hiệu quả là các trường học chủ động phối hợp tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế tại một số đơn vị quân đội trên địa bàn, trực tiếp chứng kiến sinh hoạt, rèn luyện hằng ngày của bộ đội. Qua đó không chỉ củng cố kiến thức về QPAN mà còn giáo dục nền nếp, hình thành ý thức học tập, phấn đấu nghiêm túc cho học sinh. Với cách làm đó, mỗi năm toàn tỉnh tổ chức giáo dục QPAN cho 60.000 - 62.000 học sinh, sinh viên. Qua kiểm tra, đánh giá, 100% số học sinh, sinh viên đều đạt yêu cầu.

TRƯƠNG HÀ - Báo Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây