Manh mối từ hai chữ Hải Hưng
Năm 1971, ông Ishighaki Misao - phóng viên hãng NDN thường trú tại Hà Nội đã quay bộ phim tài liệu "Những người lính mới của Quân đội nhân dân Việt Nam" dài hơn 14 phút. Bộ phim kể lại diễn biến ngày lên đường nhập ngũ của những thanh niên miền Bắc. Tuy nhiên, bộ phim chưa được phát bao giờ và đã bị để quên trong kho phim của NDN suốt mấy chục năm. Năm 2014 - thời điểm còn 1 năm nữa là đến dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, ông Misao (thời điểm đó là Giám đốc của NDN) lục lọi đống tư liệu và sững người khi xem lại bộ phim. Trong đầu ông hiện ra một loạt câu hỏi: Không biết số phận của những thanh niên Việt Nam nhập ngũ năm 1971 thế nào? Liệu còn ai sống sót sau cuộc chiến ấy?... Ông Misao đã liên hệ với người đại diện Văn phòng NDN tại Hà Nội để lập ê kíp đi tìm người lính trẻ năm xưa.
Những tháng ngày tìm ra nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong phim (ông Minh) rất gian nan, vất vả đối với những người trong ê kíp sản xuất chương trình của NDN. Những thước phim khi xem còn khá rõ nhưng không có tiếng động, không biết địa danh đã quay ở đâu bởi ngày đó NDN phải tuân thủ nguyên tắc bí mật quân sự. Ê kíp này tìm gặp 3 người từng là phiên dịch cho NDN giai đoạn 1971, cho xem lại phim và trích xuất thành ảnh để tìm manh mối nhưng cũng không có tác dụng. Tưởng như việc tìm kiếm rơi vào ngõ cụt thì trong lúc xem ảnh, ông Cảnh - một trong 3 người từng là phiên dịch cho NDN đã nhận ra chữ "Hải Hưng" trong bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường nhà của người thanh niên xuất hiện nhiều nhất trong phim. Vùng tìm kiếm được thu hẹp, ê kíp làm phim của NDN mừng rỡ và bắt đầu tìm kiếm. Suốt mấy tháng ròng, họ về 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, đến những nơi có nhiều cựu chiến binh sinh sống cho xem phim, xem ảnh và dò la tin tức. Cách nữa là làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự 2 tỉnh để nhờ hỗ trợ tìm kiếm...
Gần đến ngày 30.4.2015, ê kíp của NDN nhận được tin vui: một cựu chiến binh xem phim đã nhận ra trại Sao Đỏ - một trong 2 địa điểm huấn luyện tân binh ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. NDN đã về phường Sao Đỏ vào đúng ngày Hội Cựu chiến binh ở đây tổ chức mít tinh kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bộ phim được phát cho những cựu binh ở Sao Đỏ xem giữa giờ giải lao và họ nhanh chóng nhận ra người thanh niên xuất hiện nhiều nhất trong bộ phim chính là ông Vũ Bình Minh. "Hôm đó do sức yếu nên tôi không ra hội trường dự lễ mít tinh. Đang ngồi ở nhà xem ti vi thì thấy em gái tôi dẫn cả đoàn làm phim của NDN vào. Họ rất vui mừng khi tìm ra tôi. Một người Nhật Bản trong đoàn làm phim gọi điện thoại cho ông Misao để thông báo về tin vui này", ông Minh nhớ lại.
Chỉ huy đội cảm tử
Ông Vũ Bình Minh (trái) năm 1971, thời gian chuẩn bị lên đường nhập ngũ
NDN đã phỏng vấn ông Minh rất nhiều về những diễn biến sau ngày nhập ngũ, nhất là chuyện cùng các đồng đội chiến đấu ra sao tại chiến trường miền Nam.
Năm 1972, sau khóa huấn luyện tân binh rồi hạ sĩ quan tại Hải Dương, ông Minh được điều vào chiến trường miền Tây Nam Bộ, là cán bộ thuộc Trung đoàn Đồng Tháp 1, Quân khu 8. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh sập đồn bốt, phục kích, vận động, tiêu diệt địch và đánh chìm tàu địch trên sông... Giữa chiến trường bom đạn ác liệt, ông Minh luôn mưu trí, dũng cảm, lãnh đạo trung đội tổ chức nhiều trận đánh du kích. "Họ gọi tôi là chỉ huy đội cảm tử, vì gần như chỗ nào nguy hiểm nhất là chúng tôi có mặt", ông Minh nói.
Kỷ niệm ông Minh nhớ nhất là trận đánh địch ở ngã sáu Cai Lậy (Tiền Giang) năm 1973. Hôm đó, trung đội trưởng Minh bơi qua sông để tiếp cận đồn địch nhưng không may bị phát hiện. Địch câu pháo xuống sông khiến ông Minh bị ngất giữa dòng. Đồng đội đưa ông lên bờ, định chuyển về căn cứ nghỉ ngơi thì ông tỉnh lại và tiếp tục đứng dậy cầm súng xông lên chiến đấu. Nhưng ác liệt nhất phải là trận đánh trên quốc lộ nối đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn.
Tại đây, địch cho xây dựng căn cứ vững chắc, được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai, có pháo binh chi viện. Việc tiêu diệt căn cứ này không hề dễ dàng. Trong lúc khó khăn, đại đội trưởng Minh (đơn vị của ông Minh lúc này đã phát triển thành đại đội) đã xung phong ôm bộc phá đánh sập hàng rào để các đồng đội tiến lên tiêu diệt căn cứ địch thành công. "Có nhiều trận đánh ác liệt. Đồng đội của tôi cũng hy sinh rất nhiều, nhưng biết làm sao, chiến tranh mà. Chỉ có bom đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh được bom đạn. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội vì được sống sót để trở về", ông Minh bồi hồi nói.
Năm 1983, ông Minh chuyển về làm cán bộ Phòng Điều tra an ninh của Quân khu 3. Ông nổi tiếng là một cán bộ điều tra giỏi, phá thành công nhiều vụ án khó liên quan đến trộm cắp, tham ô, gián điệp... và được cấp trên đánh giá cao. Năm 1989, khi đi công tác, ông Minh không may gặp tai nạn giao thông và phải nghỉ mất sức 91%. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại.
Thông điệp của nhà làm phim
NDN đã dày công thực hiện bộ phim "Đi tìm người lính trẻ năm ấy" với nhân vật chính là cựu binh Vũ Bình Minh. Bên cạnh đó, NDN cũng đưa khán giả trở lại chiến trường cũ để gặp lại nhiều đồng đội và cả những ân nhân đã từng che chở, đùm bọc cho đơn vị của ông Minh năm xưa... Từ năm 2016 đến nay, cứ vào dịp 30.4, Đài Truyền hình Việt Nam lại phát bộ phim này. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng xin bản quyền bộ phim để phát hành trong toàn quân nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho chiến sĩ trẻ.
"Đi tìm người lính trẻ năm ấy" được kết thúc bằng cảnh quay tại nghĩa trang liệt sĩ. Giám đốc NDN Ishighaki Misao khi trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Việt Nam nói: "Tôi thực sự mong muốn các bạn đừng quên đi quá khứ khắc nghiệt của đất nước. Chúng tôi - những người Nhật Bản cũng sẽ không quên. Bây giờ, Việt Nam khác rồi nhưng để có được một Việt Nam phát triển như thế này thì Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều đau thương, mất mát. Nguyện vọng của chúng tôi là mong mọi người có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn, không chỉ một số ít người mà tất cả mọi người, nhất là những người từ chiến trường trở về. Tôi mong họ được hạnh phúc".
TIẾN MẠNH (Báo Hải Dương điện tử)