Người đưa chổi chít Mật Sơn xuất ngoại

Chủ nhật - 11/08/2019 22:11 - 3557 lượt xem
Ông Nguyễn Văn Quyết có nhiều công lao trong việc phát triển nghề làm chổi chít và đưa sản phẩm này xuất ngoại thành công
Ông Nguyễn Văn Quyết có nhiều công lao trong việc phát triển nghề làm chổi chít và đưa sản phẩm này xuất ngoại thành công
Nghề làm chổi chít ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm làng nghề chổi chít Mật Sơn đã đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển ấy.
Giữ lửa nghề

Một ngày đầu tháng tám, chúng tôi hẹn gặp ông Nguyễn Văn Quyết để tìm hiểu về nghề làm chổi chít ở Mật Sơn, nhất là việc làm thế nào mà chổi chít nơi đây lại có thể xuất ngoại. Đang mải ngắm nhìn thành phố trẻ thì điện thoại của tôi rung lên. Ở đầu máy bên kia vang lên giọng khá trầm ấm: "Bác đứng đón cháu ở trước cửa nhà hàng 559 cạnh quốc lộ 18 rồi nhé". Không để ông đợi lâu, tôi nhanh chóng di chuyển, khoảng 5 phút sau thì có mặt tại điểm hẹn. 

Trên đường về nhà, ông Quyết kể ông sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình. Năm 1978, ông sang Hải Dương làm việc tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại. Vì yêu quý vùng đất địa linh nhân kiệt và cảm động trước tình người Chí Linh nên ông đã quyết định ở lại nơi đây lập nghiệp. Năm 1979, ông kết hôn với bà Hoàng Thị Bé ở khu dân cư Mật Sơn, xã Chí Minh (nay là phường Chí Minh). Đây cũng là cơ duyên giúp ông gắn bó với nghề làm chổi chít truyền thống đến tận hôm nay.

Theo các cụ cao tuổi trong làng thì nghề làm chổi chít ở Mật Sơn đã có hơn 100 năm. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm chổi chít cứ đời này truyền đời khác, đến nay có gần 100 hộ theo nghề. "Ngày mới học nghề, tôi khá vụng về nhưng làm nhiều thành quen. Thời đó, chổi chít làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình hoặc bán cho các hộ có điều kiện trong vùng vì thường có giá cao hơn chổi rơm", ông Quyết kể.

Ngôi nhà của ông Quyết nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ ven quốc lộ 18. Từ ngoài sân đến trong nhà nhìn đâu cũng thấy cỏ chít, chổi chít. Chỉ về ngọn núi phía xa, bà Hoàng Thị Bé, vợ ông Quyết nói: "Trước đây, cứ sau Tết Nguyên đán, hoa chít lại nở trắng cả một vùng. Từ chân núi nhìn lên như những màn sương mỏng vắt ngang sườn núi. Người người kéo nhau về khu vực khe Râm, chùa Hú, núi Đá Bàn ở Bắc An, Hoàng Hoa Thám lấy chít, nhưng vùng nhiều chít nhất phải kể đến Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh). Ngày ấy, để có cỏ chít làm chổi, chúng tôi phải đạp xe hàng chục đến cả trăm cây số. Do rừng rậm heo hút đi lại khó khăn nên chúng tôi phải đi theo đoàn từ 5-7 người vừa để giúp đỡ nhau vận chuyển cỏ chít vừa đề phòng thú dữ. Mỗi ngày chúng tôi kiếm được từ 20-40 kg cỏ chít khô".

Do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp nên cỏ chít cũng dần biến mất. Để có nguyên liệu cung cấp cho gần 100 hộ làm nghề, ông Quyết phải lặn lội lên các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình... thậm chí sang cả Lào mua. Tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, ông lại tiếp tục rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố trong nước để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, chổi chít Mật Sơn không chỉ có mặt tại các đại lý trong nước mà còn được ông Quyết đưa sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Trên khoảng sân trước cửa nhà ông Quyết, những bàn tay nhanh thoăn thoắt tỉ mỉ tách từng ngọn chít. Người lành nghề hơn thì gom nhặt, trau chuốt từng bó chít rồi tết thành những con nhỏ. “Để làm ra một chiếc chổi chít phải trải qua 4 công đoạn chính gồm tách chít, lên con, vào chổi, gắn cọc hay bện cán. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Người thợ kiên trì hay nóng vội đều thể hiện qua sản phẩm. Thợ lành nghề chỉ mất khoảng 30 phút để tạo ra một sản phẩm", ông Quyết chia sẻ.

 
Chổi chít Mật Sơn được nhiều người ưa chuộng nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó

Với ước muốn giữ lửa nghề truyền thống cho thế hệ mai sau, ông Quyết đã tích cực tuyên truyền, vận động mọi người mở các lớp dạy nghề cho các em nhỏ và người khuyết tật trên địa bàn TP Chí Linh. Chị Nguyễn Thị Đông, chủ một cơ sở sản xuất chổi chít ở phường Chí Minh cho biết: "Được sự vận động của ông Quyết và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên gia đình tôi đã mở một lớp đào tạo nghề cho trên 50 học viên tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương. Làm chổi chít khá nhẹ nhàng, không tốn sức, phù hợp với mọi lứa tuổi. Tuỳ theo khả năng nên mỗi người có thể đảm nhận những công việc phù hợp. Không chỉ truyền nghề, chúng tôi còn cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho các học viên".

Đưa chổi chít sang trời Tây

Những năm trước đây, người dân chủ yếu quen dùng chổi rơm, còn chổi chít rất kén khách nên làng nghề chổi chít Mật Sơn chỉ hoạt động cầm chừng, thu nhập thấp, số gia đình và số lao động làm nghề ngày càng giảm. Nhận thấy chổi chít Mật Sơn không thể mãi quanh quẩn nơi quê nhà, ông Quyết đi tìm thị trường mới để phát triển thương hiệu chổi chít Mật Sơn. Bằng kinh nghiệm bản thân và sự giới thiệu của bạn bè gần xa, ông đã bắt đầu hợp tác với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh bằng những bản hợp đồng cung cấp chổi chít định kỳ. Ông còn liên hệ với các đại lý bán lẻ ở Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... để giới thiệu sản phẩm. Nhờ mẫu mã đẹp và được làm bằng những chất liệu tự nhiên như cỏ chít, mây, tre, gỗ nên chổi chít Mật Sơn nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Năm 2007, Mật Sơn được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với người dân ở khu dân cư Mật Sơn. Mặc dù vậy, ước mơ đưa chổi chít ra thị trường quốc tế vẫn luôn canh cánh trong lòng ông Quyết. Năm 2013, trong một lần giao hàng bên tỉnh Bắc Giang, ông tình cờ gặp đối tác Mỹ sang kiểm tra hàng thủ công tại đây trước khi xuất xưởng. Ý tưởng đưa chổi chít xuất ngoại xuất hiện ngay trong đầu ông. Không biết tiếng, ông Quyết nhờ người phiên dịch giới thiệu giúp sản phẩm chổi chít quê nhà. Nhận thấy đây là mặt hàng thủ công được làm bằng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nên phía đối tác Mỹ đã đặt hàng trước 3.000 sản phẩm.

Thế nhưng để chổi chít Mật Sơn xuất được sang thị trường Mỹ không phải dễ dàng. Để tạo niềm tin với đối tác, ông Quyết đã chia nhỏ đơn hàng cho các hộ có kinh nghiệm làm chổi chít lâu năm. Dẫn tôi đi thăm cơ sở sản xuất của gia đình ông Ngô Văn Thiệm, một trong những hộ có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu, ông Quyết cho biết thông thường chít chỉ cần đập qua là đã có thể đưa vào sử dụng. Nhưng đối tác Mỹ yêu cầu nghiêm ngặt hơn, phải dùng cỏ chít có chất lượng tốt nhất và được đập kỹ để loại bỏ hết hoa và phấn. Chổi phải bảo đảm độ dài 80 cm, bản chổi rộng 30 cm. Đặc biệt là phải sử dụng các vật liệu tự nhiên, tuyệt đối không dùng nhựa, sắt, thép...

Do chưa có kinh nghiệm nên sau khi kiểm tra, đối tác Mỹ đã trả lại một số chổi không đủ tiêu chuẩn. Không nản chí, ông Quyết mang số hàng bị trả về kiên trì tháo ra làm lại, cứ thế vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, qua thời gian các mặt hàng cơ bản bảo đảm chất lượng, được các đối tác đánh giá cao. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Chí Minh cho biết: "Mỗi năm, làng nghề chổi chít Mật Sơn bán ra thị trường từ 400.000-500.000 sản phẩm, tổng doanh thu ước đạt 12-15 tỷ đồng. Trong đó có trên 6.000 sản phẩm xuất sang thị trường Mỹ và gần 20.000 chiếc chổi sang thị trường Trung Quốc... với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/chiếc, cao gấp đôi so với thị trường trong nước. Làng nghề tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng". Hiện nay, chổi chít Mật Sơn được nhiều người ưa chuộng nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Nhiều hộ muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng không có vốn để đầu tư. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục tham mưu, đề nghị UBND phường, TP Chí Linh tạo điều kiện cho các hộ vay vốn để mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu chổi chít Mật Sơn vươn xa.

Trong khi nhiều làng nghề đang dần mai một thì chổi chít Mật Sơn đã tìm ra lối đi riêng. Mặc dù chỉ là một vật dụng quen thuộc nhưng ông Nguyễn Văn Quyết vẫn biết cách nâng tầm cho sản phẩm truyền thống quê hương.

ĐỖ QUYẾT (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây