Người "giữ lửa" thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Chủ nhật - 18/08/2019 16:39 - 3085 lượt xem
Điệu múa uyển chuyển của Nghệ nhân Ưu tú Dương Ngọc Vũ diễn xướng trong một giá hầu đồng
Điệu múa uyển chuyển của Nghệ nhân Ưu tú Dương Ngọc Vũ diễn xướng trong một giá hầu đồng
Nghệ nhân Dương Ngọc Vũ (sinh năm 1972) ở khu dân cư Đại, phường An Lạc (TP Chí Linh) là một trong 3 người của Hải Dương vừa được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Danh hiệu mà nghệ nhân Dương Ngọc Vũ có được vì có thành tích, cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Thực hành nhuần nhuyễn 45 giá đồng

Gặp nghệ nhân Dương Ngọc Vũ tại quê nhà, ông chia sẻ dù thời điểm được trao danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú đã trôi qua hơn 1 tháng nhưng đến giờ vẫn thấy vui mừng, tự hào. "Tôi cảm thấy rất ấm lòng vì những gì mình cống hiến đã được đền đáp", ông Vũ nói. 

Trò chuyện với tôi về hát văn và các nghi lễ hầu đồng, ông ngẫu hứng hát một đoạn trong giá hầu Quan lớn Tuần Tranh: "Đệ tử con khấu đầu cung thủ/ Tiến văn chầu Đệ Ngũ Tuần Tranh/ Uy gia lẫm liệt tung hoành/ Trừ tà sát quỷ lên danh tướng tài...". Giọng hát ông trong sáng, kỹ thuật thuần thục từ điệu mở đầu đến những điệu biến cách, lúc trầm bổng, khi ngân nga, luyến láy...

Từ nhỏ ông đã được truyền thụ các làn điệu cổ từ truyền thống ca hát của gia đình. Sau đó, ông bén duyên với loại hình nghệ thuật này khi theo đồng thầy Nguyễn Thị Sổ (sinh năm 1907) ở phường Thái Học (TP Chí Linh) học chữ Hán và thực hành nghi lễ hát văn, hầu đồng. Năm 1987, ông Vũ trình đồng mở phủ và thực hành tín ngưỡng cho đến nay.  

Nghệ nhân Ưu tú Dương Ngọc Vũ đang nắm giữ thuần thục các tri thức, kỹ năng về hát văn, đọc, viết thành thạo chữ Hán, các nghi lễ, loại múa trong giá đồng. Theo ông, hát nghi lễ hầu Thánh Tứ phủ là một thể loại âm nhạc quy định rất chặt chẽ từ làn điệu đến phương thức trình diễn, trang phục cũng như sự kết hợp hát và múa. Trong các giá hầu có sự xuất hiện của những nhân vật múa với tính cách khác nhau, đồng thời quy tụ khá nhiều thể loại, hình thức dân ca, dân nhạc của các địa phương, vùng miền, dân tộc khác nhau, đòi hỏi người thể hiện phải hiểu biết lịch sử tâm linh, có kinh nghiệm chuyên môn và quan trọng hơn là phải nhập tâm.

Ông Vũ có thể hát được hơn 100 bài hát văn từ hát mở đầu giới thiệu những người có công với đất nước đến điệu chính gốc như các bài văn Đức Thánh Mẫu, Công Đồng, Quan Đệ Nhất, Đệ Nhị... Trong nghi lễ hầu đồng, ông thực hành nhuần nhuyễn 45 giá đồng trong hơn 100 giá đồng khác nhau với cách thức từ trang phục, dâng hương đến hành lễ, Thánh giáng, múa đồng, ban lộc, nghe văn, Thánh thăng…

Nhiều người dân địa phương rất thích xem mỗi khi Nghệ nhân Ưu tú Dương Ngọc Vũ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bà Nguyễn Thị Lan ở khu dân cư Đại cho biết cứ khi nào nghệ nhân mở giá hầu đồng là bà cố gắng thu xếp công việc để đến xem vì ông múa đẹp, các động tác rất dẻo, hát văn hay.

Từ năm 1995 đến nay, ông truyền dạy cho trên 1.000 học trò, đệ tử về các nghi thức hầu đồng, hát văn, nghi lễ cúng. Nhiều học trò trình đồng mở phủ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt một cách thuần thục.

Thực hành đúng Luật Di sản văn hóa

Làm sao để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đúng cách, đúng với bản chất tốt đẹp vốn có, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt là điều ông Vũ trăn trở. Theo ông, nhiều người hiện lợi dụng danh nghĩa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà làm sai lệch đi bản chất, giá trị văn hóa tốt đẹp. Có trường hợp hầu giá đồng Quan lớn Tuần Tranh, cô Bơ lại đi múa song kiếm là không đúng. Muốn thực hành đúng phải nhạy cảm, hiểu biết và bỏ hết sự trần để nhập tâm, thả hồn vào công việc. Phải biết mình thực hành cái gì, Mẫu là ai, các vị thần linh nào trong các giá đồng, các ngài có nhiệm vụ gì, các đạo cụ nào phù hợp...

Ông Vũ cho biết sẽ tiếp tục giáo dục con cháu, các học trò phải thực hành tín ngưỡng theo đúng Luật Di sản văn hóa. Mong cơ quan chức năng quan tâm ngăn chặn những người thực hành tín ngưỡng chưa đúng, biến tướng, lạm dụng, làm ảnh hưởng đến một nét đẹp văn hóa của người Việt.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Chí Linh nhận xét: Nhiều năm qua, ông Vũ tích cực tham gia vào các công việc của Lễ hội đền Cao An Lạc, nhất là điều hành, thực hiện một số nghi lễ, sự lệ quan trọng của đền. Ông đã và đang tích cực vận động nhân dân, các con nhang, đệ tử góp công, góp của để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, góp phần bảo tồn, gìn giữ di sản của địa phương. Đặc biệt, ông Vũ đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy rất tốt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

THẾ ANH (Báo Hải Dương điện tử)
 
Không chỉ tích cực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ năm 2013 đến nay, ông Vũ cùng các con nhang, đệ tử đóng góp gần 20 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích của địa phương và các vùng lân cận như đền Cao An Lạc, đền Cả, đình Lạc Đạo, chùa Minh Nguyệt, chùa Đụn…; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, các cháu thanh thiếu nhi trong các dịp lễ, Tết.

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây