Kỷ niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả tại chùa Côn Sơn

Thứ năm - 04/04/2019 16:28 - 2686 lượt xem
Đệ Nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả
Đệ Nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả
Ngày 5/4/2019 (Ngày 1 tháng 3 năm Kỷ Hợi), tại chùa Côn Sơn sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả.

Chương trình buổi lễ gồm:
- Sáng: cúng giỗ; treo và thỉnh Đại hồng chung lên gác chuông; tụng kinh.
- Chiều: Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc kết hợp với Giáo hội Phật giáo Hải dương tổ chức tọa đàm khoa học về: “Vai trò, đóng góp của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa Tôn Giả với Thiền Phái Phật Giáo Trúc Lâm và chùa Côn Sơn”.

Nội dung tọa đàm khoa học nhằm tôn vinh những đóng góp của Tổ Pháp Loa đối với Côn Sơn nói riêng và các di tích Thiền Phái Trúc Lâm nói chung qua hệ thống di tích và lễ hội liên quan đến Tổ Pháp Loa; hệ thống di sản Hán Nôm: văn bia, thần tích, thần sắc,...từ đó làm rõ hơn những đóng góp của Tổ với chùa Côn Sơn.

Thiền Sư Pháp Loa (1284 – 1330) tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La (nay là xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương). Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Tương truyền, từ nhỏ, Đồng Kiên Cương đã mộ đạo, có chí hướng tu hành, không ăn mùi hôi tanh, không nói lời thô tục.
Năm 1304, Điều Ngự Trần Nhân Tông đi chu du thuyết pháp qua hương Cửu La, Đồng Kiên Cương đến bái yết và xin được xuất gia tu hành, Điều Ngự nhận làm đệ tử và ban cho tên là Thiện Lai. Năm Hưng Long thứ 13 (1303), Điều Ngự dẫn sư lên liêu Kỳ Lân ở Côn Sơn cho thụ giới Tỳ kheo và giới Bồ Tát rồi ban cho Pháp hiệu là Pháp Loa Tôn Giả.

Tại Am Ngọa Vân ở Yên Tử, Điều Ngự lấy y bát giao cho Pháp Loa. Năm Hưng Long thứ 15 (1307), Pháp Loa đứng đầu trong các thị giả của Điều Ngự. Lúc này ông 24 tuổi.

Ngày 1 tháng giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308), tại chùa Siêu Loại, Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông trao quyền nối dòng thừa kế cho Pháp Loa. Ông trở thành vị tổ thứ hai của Thiền Phái Phật giáo Trúc Lâm, khi mới 25 tuổi. Cũng năm đó, Quốc sư vâng mệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp trụ trì chùa Cam Lồ, chùa Siêu Loại và làm chủ sơn môn Yên Tử. Tháng 11 năm 1308, Điều Ngự viên tịch, Quốc sư phụng mệnh cung nghinh xá lỵ về kinh đô. Trở về núi, Thiền sư soạn lại những bài tụng của Điều Ngự lúc ở Thạch thất, làm thành sách “Thạch thất mỹ ngự”.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Quốc sư phụng chiếu tiếp tục khắc bản kinh Đại Tạng giảng truyền Đăng Lục tại chùa Siêu Loại.

Năm Hưng Long thứ 21 (1313), Quốc sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang định chức cho tăng đồ. Chúng tăng từ đấy mới có sổ bộ, chính Quốc sư là người cầm sổ bộ ấy. Từ đó về sau thành lệ cứ 3 năm sư độ tăng 1 lần (làm sổ bộ, định chức tăng đồ, mỗi lần hơn nghìn vị tăng). Những hàng Thái hậu, Công chúa, Vương công, Quý khanh đều thỉnh Quốc sư truyền giới xuất gia Bồ Tát, cho đến vua Trần Anh Tông cũng xem như đệ tử của Ngài. Họ cùng nhau cúng đất, vàng, tiền để Quốc sư lập chùa, đúc tượng Phật, in kinh,...

Đầu năm Khai Hựu (1329), đời Trần Hiến Tông, Quốc sư mở rộng thêm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai, làm thành danh lam tùng lâm.

Hơn hai mươi năm chủ trì thiền phái Trúc Lâm, Quốc sư kiểm lại những công việc Phật sự: Đúc tượng Phật kể cả lớn và nhỏ có hơn 1300 pho, tạo đại già lam được 2 ngôi, xây tháp được 5 ngọn, lập tăng đường hơn 200 sở, độ tăng và ni hơn 15.000 người, in được một bộ kinh Đại Tạng, đệ tử đắc pháp hơn 3000 người, thành Đại pháp sư có 6 vị.

Đương thời, Pháp Loa biên soạn nhiều sách Phật học như “Tham thiền chỉ yếu”, “Pháp nguyện văn”. Quốc sư còn viết “Đoạn sách lục”, một bản niên phả khá chi tiết về cuộc đời và hành trạng của Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông. Ngoài ra, ông cũng chú giải một số bộ kinh như “Kim cương đại trường đà la ni kinh”, “Tán pháp hoa kinh khoa sớ”, “Bát nhã đa tâm kinh”... Phần lớn trước tác Phật học của Quốc sư đến nay đều đã thất lạc, chỉ còn một phần “Đoạn sách lục” và một phần sách “Tham thiền chỉ yếu” còn giữ được và in vào bộ sách “Tam tổ Thực lục”
Năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Quốc sư phát bệnh và an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Quốc sư đem xá lỵ lên nhập tháp tại núi Thanh Mai. Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông thương tiếc bậc Quốc sư đã về Thanh Mai kính viếng và ngự bút ban hiệu cho Đệ Nhị Tổ là Tịnh Trí Tôn Giả, tên tháp là Viên Thông Bảo Tháp, tặng 10 lạng vàng để xây tháp.

Theo BQL Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

 Từ khóa: côn sơn, trúc lâm, kỷ niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây