Phát triển du lịch tâm linh di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Thứ sáu - 19/04/2019 16:26 - 4521 lượt xem
Nghi môn đền Kiếp Bạc.
Nghi môn đền Kiếp Bạc.
Nhằm khai thác, phát huy tác dụng giá trị tối đa nguồn lực từ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP Chí Linh, đặc biệt phát triển khu di tích tâm linh Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành địa chỉ đỏ, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tâm linh, du lịch của du khách. Thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, Sở VHTT&DL, Thành ủy, UBND TP Chi Linh cùng các Sở, ngành đã luôn quan tâm, đầu tư tôn tạo, phục hồi giá trị di sản và có nhiều chính sách, chế độ thu hút, kêu gọi đầu tư của các tổ chức, cá nhân đối với khu di tích.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khu di tích Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề; đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía Tây Bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng với sông núi Chí Linh.

Đây là vùng đất lịch sử còn âm vang mãi những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc, như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán…

Với những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, UBND tỉnh Hải Dương đã đưa vào quy hoạch xây dựng Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia (với những tiêu chí quy định tại Luật Du lịch); Trở thành trung tâm liên kết các khu, điểm du lịch dịch vụ khác trong khu vực Bắc bộ vào năm 2025. Trong đó, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch tâm linh. So với các khu du lịch ở Đồng bằng Bắc bộ, Côn Sơn - Kiếp Bạc có hệ thống di tích khá phong phú và đa dạng, có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử từ thế kỷ XIII đến nay. Các di tích kiến trúc đền, chùa, miếu là những công trình văn hóa tâm linh nơi diễn ra các lễ hội truyền thống đặc sắc.

Nếu như Khu Di tích lịch sử Kiếp Bạc là một trung tâm nội đạo thờ Đức thánh Trần thì Khu Di tích Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt mà Điều Ngực Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIV. Côn Sơn còn là nơi thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những khu di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên: Phật giáo - Đạo giáo - Nho giáo cùng hòa đồng, mục đích là quy tụ nhân tâm, lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ cho dân tộc. Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm và Thanh Mai, Côn Sơn là chốn tổ của thiền phái trúc lâm, một thiền phái mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi cảnh sắc, mỗi hiện vật, mỗi dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi về bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ở triều đại nhà Trần.

Hàng năm, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội truyền thống mùa Xuân và mùa Thu. Lễ hội mùa Xuân là dịp tưởng niệm ngày viên tịch của thiền sư Huyền Quang (ngày 23 tháng Giêng). Lễ hội mùa Thu tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương (ngày 20/8 âm lịch) và ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16/8 âm lịch). Nội dung lễ hội bao gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm, lễ hoa đăng liên hoa hội thượng, lễ tế trời đất, lễ cúng đàn Mông Sơn; các hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian như: Hội thi pháo đất tỉnh Hải Dương, thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Hải Dương, đấu vật, cờ tướng, viết thư pháp, hát quan họ (khu di tích Côn Sơn); Lễ khai hội, lễ ban ấn, liên hoan diễn xướng hầu Thánh, lễ cầu an và hội hoa đăng, hội quân trên sông Lục Đầu; các trò chơi dân gian: Đua thuyền, rối nước và các hoạt động giải trí và sinh hoạt cộng đồng khác có liên quan đến Đức Thánh Trần Hưng Đạo (khu di tích Kiếp Bạc).

Ngoài 2 kỳ lễ hội truyền thống ở Côn Sơn - Kiếp Bạc hàng năm còn có các sự lệ, lễ tiết được bảo lưu và tổ chức thường niên như: Lễ khai xuân phát lộc (đêm Giao thừa); Lễ giỗ Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả (ngày 03/3 âm lịch); Lễ Phật Đản (ngày 08/4 âm lịch); Lễ Vu Lan (ngày 15/7 âm lịch); Lễ giỗ Đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (ngày mùng 01/11 âm lịch); Lễ giỗ Nguyễn Phi Khanh - thân phụ Nguyễn Trãi (ngày 05/11 âm lịch); Lễ giỗ Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán (ngày 14/11 âm lịch), được tiến hành thường niên tại chùa Côn Sơn đã tạo nên phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của cư dân và thiện nam tín nữ trong vùng.

Tại đền Kiếp Bạc tiệc khai sắc và giao đồ (ngày 11 tháng Giêng); Lễ giỗ An Sinh Vương - thân phụ Trần Hưng Đạo (ngày 30/3 và mùng 01/4 âm lịch); Lễ giỗ Đức Thiện Đạo Quốc Mẫu - Thân mẫu Trần Hưng Đạo (ngày 01/6 âm lịch); Lễ giỗ Đức Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa - Phu nhân Trần Hưng Đạo (ngày 27, 28/9 âm lịch); Lễ Đản sinh Đức Thánh Trần (ngày mồng 10 tháng Chạp). Ngoài ra còn có lễ cầu đảo mỗi khi bị giặc giã ngoại xâm, hạn hán, bệnh dịch… Các nghi lễ của đền Kiếp Bạc quy tụ đông đảo nhân dân thập phương tham gia.

Bên cạnh những lễ hội truyền thống đặc sắc thì văn hoá ẩm thực ở di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong lịch sử mang dấu ấn cung đình. Tại đây có rất nhiều loại bánh độc đáo để tiến Thánh ở đền Kiếp Bạc trong các kỳ lễ hội như: Bánh trong, bánh lọc, bánh thanh dao, bánh giầy, bánh mật, bánh xu xuê, bánh trầng gừng... Các loại bánh này đều có nguồn gốc từ thời Trần, gắn với tập tục sinh hoạt của phủ đệ Trần Hưng Đạo Đại Vương. Do ở gần sông Lục Đầu lắm tôm nhiều cá, nên trong bữa ăn của người dân ở đây có rất nhiều món ăn chế từ các loại thủy sản. Đặc biệt ở đây có các món gỏi cá, nem hến, cá chép lưng gù, trạch nướng... Ngoài ra, ở Côn Sơn còn có đặc sản gà đồi, rượu Côn Sơn Tửu, mật ong rừng... Hiện nay, ẩm thực ở Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được nhân dân địa phương khôi phục đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách thập phương.

Ngoài ra, các truyền thuyết dân gian, văn hóa dân gian của khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thu hút được rất đông du khách đến đây khám phá, cụ thể như: Truyền thuyết về kéo thuyền trên núi Phượng Hoàng; Truyền thuyết về đền Sinh; Truyền thuyết về giếng mắt Rồng; Truyền thuyết về Cồn Kiếm; Truyền thuyết về đám tang của Trần Hưng Đạo; Truyền thuyết về miếu An Bài và Phạm Nhan; Truyền thuyết về Cao Biền yểm ở núi Quy; Truyền thuyết về đền Cao; Truyền thuyết về bến cổ Nhạn Loan; Nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, như: hầu đồng, hát xẩm, hát văn cũng được trình diễn trong lễ hội. Hát chèo, hát ca trù trong chương trình biểu diễn văn nghệ chuyên nghiệp, không chuyên, phong trào văn nghệ quần chúng địa phương. Tục ngữ, ca dao về vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc và vùng phụ cận trong đời sống dân gian.

Một hình thức du lịch tâm linh khác tại Côn Sơn là du lịch thiền, đây là loại hình du lịch vừa nâng cao trí lực vừa góp phần nâng cao thể lực cho du khách. Tại Côn Sơn các địa điểm thiền khá nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách là Ngũ Nhạc Linh Từ, Am Bạch Vân, Thạch Bàn...

Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển du lịch, ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 920/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đến năm 2020”. Phạm vi quy hoạch có tổng diện tích 8.340ha. Đến nay, nhiều nội dung trong quy hoạch tổng thể đã được thực hiện. Năm 2014, hoàn thiện dự án tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc gồm 12 hạng mục công trình. Năm 2016, hoàn thiện dự án phục dựng tòa Cửu Phẩm liên hoa chùa Côn Sơn với các công trình: Tôn tạo tòa Cửu Phẩm liên hoa, Tổ đường, Hậu đường và sân vườn nội tự chùa. Năm 2018, hoàn thiện công trình Gác chuông chùa Côn Sơn, khởi công xây dựng công trình lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Cơ sở hạ tầng của khu di tích cũng được đầu tư xây dựng khang trang hơn. Năm 2014, tổ chức thi công đường vào đền Kiếp Bạc (5,1km) đến nay đã xong giai đoạn 1 (1,8km). Năm 2015, xây dựng mới bãi đỗ xe số 3 (diện tích 2ha). Hiện nay, các đơn vị thiết kế, thi công đang tích cực hoàn thiện mẫu tượng Phật ngọc Quán âm Bồ Tát, dự án kè Hồ đền Kiếp Bạc và cải tạo cảnh quan khu di tích.

Từ năm 2006 UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện đề án lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc, phục dựng thành công các nghi lễ diễn xướng đã bị thất truyền như: Lễ rước nước, lễ đàn Mông Sơn thí thực, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, lễ ban ấn, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, Hầu Thánh... và một số trò chơi dân gian như: Đấu vật, cờ tướng, chọi gà… Qua các kỳ tổ chức, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã khẳng định được tầm vóc, quy mô, sức ảnh hưởng, sự lan tỏa rộng khắp trong cả nước, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, khen ngợi của đồng bào cả nước.

Xu thế du lịch tâm linh sẽ tiếp tục được phát triển bởi ngoài giá trị tâm linh, sản phẩm du lịch tâm linh còn lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Yếu tố văn hóa kết hợp tâm linh tạo nên sức hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá. Trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa thế mạnh loại hình du lịch này, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, tôn tạo các di tích, nghiên cứu nâng cấp nội dung lễ hội; Ưu tiên bố trí kế hoạch vốn ngân sách cho các đề án, chương trình về du lịch, tạo cơ chế hấp dẫn thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án về phát triển du lịch đúng tiến độ, có chất lượng, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về khu di tích văn hóa tâm linh Côn Sơn - Kiếp Bạc đến với du khách trong và ngoài nước.

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng, thế mạnh ở Côn Sơn - Kiếp Bạc. Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan của di sản, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã và đang tích cực xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đầu tư vào các hoạt động du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hóa, lịch sử, đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích. Du lịch tâm linh đang hướng tới sự phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương nói chung và TP Chí Linh nói riêng.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây