Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả và an vị chuông, trống chùa Côn Sơn

Thứ bảy - 06/04/2019 21:10 - 2295 lượt xem
 Lễ cúng Đệ nhị tổ Pháp Loa chùa Côn Sơn
 Lễ cúng Đệ nhị tổ Pháp Loa chùa Côn Sơn
Sáng ngày 05 tháng 4 năm 2019 (tức ngày 01 tháng 3 năm Kỷ Hợi) tại chùa Côn Sơn, Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, trụ trì chùa Côn Sơn long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả và an vị chuông, trống chùa Côn Sơn

Dự lễ có đồng chí Nguyễn Thành Trung - Phó giám đốc Sở VHTT&DL; Thượng tọa Thích Thanh Viễn - trụ trì chùa Côn Sơn; đồng chí Nguyễn Thị Thùy Liên - Trưởng ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc, đồng chí Lê Duy Mạnh - Phó trưởng ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc, các tăng, ni chùa Côn Sơn và đông đảo nhân dân tham dự.

Lễ tưởng niệm Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả diễn ra vào hồi 8h00 với các nghi thức: Dâng hương tưởng niệm, tụng kinh, cúng Phật, cúng lịch đại tổ sư, khoa cúng Đệ nhị tổ... Đây là sự lệ truyền thống tại Côn Sơn nhằm tri ân công đức của Đệ nhị tổ Pháp Loa với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm nói chung và lịch sử chùa Côn Sơn nói riêng.

Đệ nhị Tổ Pháp Loa tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 07 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách Giang (nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương). Năm Hưng Long 13 (1304), nhân chuyến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Kim Cương ra bái yết. Nhân Tông nhận ra Ông là người có đạo nhãn, cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho tên là Thiện Lai.

Thiện Lai thông minh, hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật, không ăn mùi hôi tanh, không nói lời thô tục. Năm 1305, tại liêu Kỳ Lân (Côn Sơn) Pháp Loa được Đệ nhất giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông cho thụ giới Tỳ kheo và giới Bồ Tát rồi ban cho Pháp hiệu là Pháp Loa tôn giả.

Ngày 01 tháng 01 năm  Hưng Long 16 (1308), Pháp Loa được trao truyền thừa kế sự nghiệp, trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Ngày 05 tháng 5 năm  Khai Hựu thứ 2 (1330), khi Pháp Loa đang giảng kinh ở Thiền viện An Lạc thì mắc bệnh. Ngày 13, Pháp Loa về chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19, bệnh trầm trọng, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến để trao cho các bảo pháp mà 22 năm trước, Trần Nhân Tông đã trao cho ông và dặn lại “Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm ngày 03 tháng 3, Pháp Loa viên tịch tại Quỳnh Lâm. Xá lỵ của ngài được đặt trong “Viên Thông bảo tháp”, sau chùa Thanh Mai.

Trong sự nghiệp của Pháp Loa, ông đã đào tạo được 30 học trò xuất sắc, độ 15.000 tăng ni, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Quỳnh Lâm. Bia “Thanh Mai viên thông tháp bi ghi rõ: “Sư (Pháp Loa) tạo hơn 1.300 pho tượng Phật lớn nhỏ, hơn 100 tượng bằng đất, dựng hai ngôi chùa lớn và 5 tòa tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng ni, in bộ kinh Đại Tạng”. Văn bia cũng cho biết, Pháp Loa còn cho san khắc “Tứ Phần Luật” với con số sao bản ấn tống, gần 500 bản.     

Đương thời, Pháp Loa biên soạn nhiều sách Phật học như “Tham thiền chỉ yếu”, “Pháp nguyện văn”. Quốc sư còn viết “Đoạn sách lục”, một bản niên phả khá chi tiết về cuộc đời và hành trạng của Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông. Ngoài ra, ông cũng chú giải một số bộ kinh như “Kim cương đại trường đà la ni kinh”, “Tán pháp hoa kinh khoa sớ”, “Bát nhã đa tâm kinh”... Phần lớn trước tác Phật học của Quốc sư đến nay đều đã thất lạc, chỉ còn một phần “Đoạn sách lục” và một phần sách “Tham thiền chỉ yếu” còn giữ được và in vào bộ sách “Tam tổ Thực lục”.

Năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Quốc sư phát bệnh và an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Quốc sư đem xá lỵ lên nhập tháp tại núi Thanh Mai. Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông thương tiếc bậc Quốc sư đã về Thanh Mai kính viếng và ngự bút ban hiệu cho Đệ Nhị Tổ là Tịnh Trí Tôn Giả, tên tháp là Viên Thông Bảo Tháp, tặng 10 lạng vàng để xây tháp.

Vào hồi 9h00 cùng ngày, diễn ra Lễ an vị chuông, trống chùa Côn Sơn. Năm 2017, được sự cho phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương Gác chuông, Gác trống chùa Côn Sơn được tôn tạo. Để tiến tới khánh thành công trình, ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn được tiến hành.

Chuông chùa Côn Sơn được đúc  theo chuông tại chùa Văn Bản có niên đại thời Trần. Chuông nặng 1,2 tấn, cao 1,8m, đường kính 1,2m, chất liệu đồng đỏ. Chuông đúc theo kiểu thượng thu, hạ thách, quai chuông là rồng đôi đối lưng. Thân chuông chia làm 2 phần, có 4 mặt. Mặt chuông khắc bài Minh nội dung nói về ý nghĩa của chuông đối với ngôi chùa Việt. Đây là một pháp khí không thể thiếu trong các lễ nghi của Phật giáo, là phương tiện để thức tỉnh, khai mở trí tuệ. Với những người học đạo bước đi trên con đường giải thoát giác ngộ, tiếng chuông có một giá trị thiêng liêng và ý nghĩa sâu sắc. Tiếng chuông chùa rung lên làm cảm động chín cõi mười phương, vang vọng, chuyển tải những lời cầu nguyện của dân chúng cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Sau khi chuông, trống được treo, nghi thức an vị được diễn ra theo nghi thức truyền thống. Sau nghi thức an vị, đồng chí Nguyễn Thành Trung - đại diện lãnh đạo Sở VHTT & DL; Thượng tọa Thích Thanh Viễn - trụ trì chùa Côn Sơn; đồng chí Nguyễn Thị Thùy Liên - Trưởng ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc đồng niêm hương, thỉnh 108 tiếng chuông, trống.

Lễ an vị chuông, trống nhằm tiến tới khánh thành Gác chuông, Gác trống chùa Côn Sơn, góp phần hoàn chỉnh quy mô, kiến trúc của khu di tích Côn Sơn, tạo thuận lợi cho việc thực hành các lễ nghi tôn giáo truyền thống của chùa Côn Sơn, đáp ứng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và tăng ni, phật tử cả nước.

Nằm trong các hoạt động của Lễ tưởng niệm Đệ nhị tổ Pháp Loa, vào hồi 13h30, tại Côn Sơn diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Vai trò, đóng góp của Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và chùa Côn Sơn” do Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh chủ trì.

Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến trao đổi tích cực đã khẳng định và làm nổi bật về Thân thế, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa; Vai trò của Pháp Loa với thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và với chùa Côn Sơn; Hệ thống di sản Hán Nôm liên quan đến Pháp Loa; Hệ thống di tích và lễ hội liên quan đến Pháp Loa; Phương pháp tu thiền của Pháp Loa...

Đây là hoạt động khoa học thường kỳ của Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc, có ý nghĩa thiết thực góp phần tri ân công đức các vị Thánh tổ gắn với sự phát triển của Phật giáo nói chung và chùa Côn Sơn nói riêng. Đồng thời củng cố kiến thức, trang bị cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý di tích những kiến thức khoa học nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI LỄ:

cúng 222

Lễ an vị Chuông, Trống chùa Côn Sơn

cúng 3 33

Chuông được treo an vị

cúng 4444

Chuông được an vị trên lầu gác

cúng 555

Trống được an vị lên lầu gác

bbb

Các đại biểu dâng hương tại Lễ an vị

cúng 666

Thượng tọa Thích Thanh Viễn - trụ trì chùa Côn Sơn thỉnh chuông chùa Côn Sơn

cúng 777

Đồng chí Nguyễn Thành Trung - Phó giám đốc Sở VHTT&DL thỉnh chuông

VVV

Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Liên - Trưởng ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc thỉnh chuông 

cúng 9090

Các vị đại biếu, quý khách chụp ảnh lưu niệm

cúng 000

Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học tại nhà khách Côn Sơn

Theo: Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây