Nằm ở phường Văn An (Chí Linh), đình Kiệt Đoài là một di tích có giá trị không chỉ về quy mô kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di vật, cổ vật, mà còn về những nhân vật được thờ trong di tích.
Theo trí nhớ của những người cao tuổi trong phường, trước đây ngôi đình nằm ở một vị trí rất đẹp, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, trên bến dưới thuyền. Phía trước đình có một cây cầu nhỏ hình dải lụa bằng gỗ lim, bắc qua sông Con chảy từ làng Kỳ Đặc đến làng Kinh Trung. Từ cây cầu này đi qua đê sang sông Kinh Thầy. Dưới bến sông, thuyền bè tấp nập. Cách đình 30 m về phía đông là chợ Dọc, người ra vào buôn bán nườm nượp. Ngôi đình được bao quanh bởi tường gạch kiên cố. Nghi môn đẹp và vững chãi. Sau nghi môn là khoảng sân gạch rộng. Hai bên sân là hai dãy giải vũ gọi là tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian. Trong sân là ba cây đa cổ thụ, thân lớn, cành lá sum suê toả bóng mát quanh năm tạo vẻ đẹp cổ kính, yên bình nơi thờ tự. Ẩn hiện dưới tán lá đa là ngôi đình kiến trúc kiểu chữ "Đinh" gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu bằng gỗ lim, trên các vì kèo có nhiều bức chạm nghệ thuật, chân cột kê trên đá tảng, mái lợp ngói mũi cổ.
Căn cứ vào hệ thống bia ký hiện lưu giữ tại di tích thì đình được trùng tu, tôn tạo vào năm hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) và năm Bính Ngọ - Thành Thái 18 (1906).
Trải qua thời gian và hai cuộc chiến tranh, lại nằm trong vùng chiến tranh ác liệt, các công trình bị tàn phá dần, cảnh quan xung quanh cũng thay đổi. Vào khoảng năm 1946 - 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nghi môn, hai dãy giải vũ và 5 gian đại bái bị phá, công trình chỉ còn 3 gian hậu cung. Năm 1997, đình Kiệt Đoài khôi phục lại 5 gian đại bái trên nền đất cũ bằng sự góp công, góp của của nhân dân địa phương. Cũng trong năm này, các công trình phụ trợ khác được xây dựng như cổng, nhà bia, nhà khách... dần trả lại dáng vẻ ban đầu của di tích. Đình Kiệt Đoài tồn tại đến ngày nay tuy không trọn vẹn nhưng cũng là một sự may mắn, đồng thời biểu hiện sự trân trọng của chính quyền và nhân dân địa phương đối với di tích.
Công trình chính hiện nay có kiến trúc kiểu chữ "Nhị", gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Đại bái và hậu cung cách nhau một khoảng sân lọng nhỏ. Tòa đại bái được tạo bởi 5 gian dài 14,4 m, rộng 4,27 m, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ chảy xây gạch ngoài phủ vữa, soi gờ. Phía trước hồi xây giật cấp để nối với trụ biểu ở hai bên. Trên đỉnh trụ biểu có đắp hình con nghê, thân khắc chữ Hán với nội dung ca ngợi vẻ đẹp của di tích. Kết cấu chịu lực bên trong được tạo bởi 6 bộ vì kèo, chất liệu bằng bê-tông cốt thép sơn màu giả gỗ. Hậu cung có chiều dài 9,39 m, rộng 5,67 m được tạo bởi 4 bộ vì kèo, mỗi vì kèo bốn hàng chân cột, được gắn kết theo kiểu thức con chồng giá chiêng, tiền bẩy, hậu kẻ. Đặc biệt, tại tòa nhà này còn lưu giữ một số bức chạm mang đậm dấu ấn của những lần trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như lá hóa long, lá lật, độc long trên xà nách, đấu kê, bảy hiên...
Đình Kiệt Đoài là nơi thờ Tiên triều công chúa Thân Thị Tâm (hiệu Diệu Tâm). Tương truyền, bà Thân Thị Tâm cùng em trai là Tiên triều Đại Vương và em gái là Tiên triều công chúa Lương Chinh đi đánh giặc phương Bắc bị chết, xác trôi dạt về bờ sông Kinh Thầy. Nhân dân ba làng Kiệt Đoài, Kỳ Đặc, Kiệt Thượng dựng miếu, đình, hương khói thờ tự và tôn làm Thành hoàng làng. Làng Kiệt Đoài thờ người chị cả Thân Thị Tâm. Ngoài ra, di tích còn phối thờ ba vị Thành hoàng là những người có gắn bó mật thiết với mảnh đất Kiệt Đặc xưa (phường Văn An ngày nay) là người thầy Chu Văn An (1292 - 1370), Nhập nội Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn - một trong những danh tướng kiệt xuất của nhà Trần (1225 - 1400) và Nguyễn Quý Minh - vị quan tài đức vẹn tròn, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước dưới triều vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497).
Đình Kiệt Đoài còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật quý có niên đại vào thời Lê và thời Nguyễn như ngai thờ, bát bửu, long đình, bát hương, đặc biệt là 1 đạo sắc phong và 5 tấm bia đá. Đây là những tư liệu quý về mặt văn bản, thông qua đó ta hiểu thêm chế độ ruộng đất, công điền, phong tục tập quán, công lao đóng góp, tu tạo di tích của thế hệ đi trước. Đó là động lực quan trọng để động viên nhân dân tích cực góp công, góp của để bảo vệ và phát huy tác dụng của di tích trong tương lai.
Đình Kiệt Đoài ngoài ý nghĩa to lớn về lịch sử còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi diễn ra lễ hội cổ truyền. Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 15-3 âm lịch. Trong những ngày hội, ngoài phần lễ, phần hội diễn ra các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, bơi thuyền, đánh đu, đi cầu thùm…
ĐẶNG THU THƠM