Lễ hội tại quần thể di tích thôn Đại

Thứ ba - 03/11/2015 11:35 - 3063 lượt xem
Đền Cao xã An Lạc
Đền Cao xã An Lạc
Từ lâu tại quần thể di tích Đền Cao đã lưu truyền trong dân gian sự linh thiêng và những bí ẩn như quy ước: "Biết không nói, không biết không hỏi"; hay "không được mở khám thờ"; nên gian cấm Đền Cao, Đền Cả là cả một sự bí ẩn mà không ai được vào ngoại trừ cụ trùm và các quan đám.
1. Vài nét về lịch sử làng Đại.
Làng Đại, xã An Lạc - huyện Chí Linh  xưa có tên chữ là Dược Đậu Trang, Làng Dược Đậu Trang được hình thành từ bao giờ đến nay chưa có câu trả lời chính xác. Theo thần tích của Đền Cao thì làng Dược Đậu Trang được hình thành từ thời Tiền Lê. Lúc mới hình thành làng mới có 7 hộ gia đình. Bậc tiền nhân có công mở đất lập làng có tên Phạm Huý Lược (hiện được thờ bát hương tại thượng thiên Đền Cao). Do địa thế núi non hiểm trở thuận lợi cho việc mở trận tuyến bố phòng chống chống giặc ngoại xâm nên năm 981 Lê Hoàn đã đặt bản doanh tại Dược Đậu Trang để chống quân Tống xâm lược, đến nay hãy còn những địa danh, núi Cao Hiệu - tương truyền đây là nơi cắm cờ hiệu để chỉ huy chiến đấu của quân sĩ. Đồng Dinh - là nơi đóng tại bản doanh của vua tôi. Bàn cung là nơi làm việc của triều đình. Nền bà chúa là nơi ở của các nữ tướng. Nội xưởng là nơi sản xuất vũ khí.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 cùng với việc đổi tên xã Lạc Đạo thành xã An Lạc, Làng Dược Đậu Trang đổi tên thành Làng Đại; là một trong 6 thôn của xã An Lạc. Xét về điều kiện địa lý, làng Đại nằm ở trung tâm của xã, làng dựa lưng vào dãy núi voi, trông về hướng Đông nam của làng có dòng Nguyệt Giang (sông trăng) chảy qua từ bao đời nay, hình thành thế đất "Tựa sơn đạp thuỷ" vừa hùng vĩ, vừa cẩm tú diễm lệ.
Đến nay, làng Đại đã có những nét đô thị chấm phá, nhưng vẫn không làm mất đi những kiến trúc truyền thống của các thiết chế tâm linh; Làng có mật độ phân bố hệ thống di tích khá dày với 5 đền và 1 chùa: Đền Vua- thờ Lê Hoàn; Đền Cao; Đền Bến Tràng, Đền Bến cả, Đền Cả thờ 5 anh em họ Vương và ngôi chùa nằm sát đền Cả. Làng Đại cũng là nơi còn lưu giữ những kỳ lễ vào các dịp Tuần, tiết, sóc vọng, như ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng; xuân tế; lễ kỳ an, tết thanh minh, tết hàn thực, lễ hạ điền, lễ thượng điền, lễ thường tân (mừng cơm mới) tất cả có 12 tiết lệ. Từ những di tích còn giữ được nguyên kiểu dáng kiến trúc, các tiết lệ mang đậm tính dân gian và lễ hội. Làng vào dịp tháng giêng đủ nói lên Làng Đại có truyền thống văn hoá từ lâu đời, vùng đất "địa linh nhân kiệt"
2.Thần tích và sắc phong.
Theo thần tích còn lưu tại Đền Cao do Hàn lâm viện đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên, đời vua Lê Anh Tông (1572) ghi rõ sự tích thánh Đền Cao như sau:
Vào thời Đinh, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, lộ Thanh Hoá có gia đình ông họ Vương tên là Tĩnh, bà vợ là người bản trang họ Đào tên là Thanh; ông bà hay làm, chịu thương chịu khó, lại hay thương người nên được bà con chòm xóm mến mộ. Song hiềm một nỗi là vợ chồng tuổi tác đã cao mà chưa có một mụn con. Một ngày kia ông bà lênh đênh trên chiếc thuyền con, ngược cửa thần phù tìm nơi đất mới để sinh sống. Đến Trang Dược Đậu, đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương; Thấy dân phong ở đây thuần hậu, đất đai, cỏ cây tươi tốt ông bà liền xin cư trú ở đấy. Bấy giờ tại Dược Đậu trang có gia đình ông họ Phạm, tên là Lược. Gia cảnh ông họ Phạm cũng tương đối khá giả, liền cho ông bà đến ở nhờ tại Dược Đậu trang. Một đêm bà Thanh nằm mộng thấy năm ngôi sao chui vào miệng và một hôm bà Thanh ra dòng Nguyệt Giang tắm rửa chợt thấy một con giao long ngũ sắc nổi lên quấn chặt lấy mình bà ba vòng, bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Từ đó bà Thanh thấy trong lòng rung động rồi có thai. Đến khi thai nghén đủ tuần mãn nguyệt, bà sinh ra một bọc, bung ra năm trứng, sinh được 3 trai 2 gái (con trai thì dáng mạo khôi ngô tuấn tú, oai phong lẫm liệt, mắt phượng mày ngài, hàm hổ mặt rồng, oai vệ khác hẳn người thường nhiều lắm. Con gái thì  mặt hoa da phấn, môi đỏ như son, dung nhan khiến chim sa, cá lặn, tài sắc làm thẹn nguyệt tủi hoa. Tất cả đều là thần thánh trong cõi đời, là bậc Nghiêu Thuấn trong đám nữ lưu vậy. Cha mẹ nuôi dạy khôn lớn. Năm lên ba tuổi bèn làm lễ đặt tên:
      Con trai thứ nhất tên là Minh (phải Nguyệt, trái Nhật)
      Con trai thứ hai tên là Xuân (trên Thung, dưới Nhật)
      Con trai thứ ba tên là Hồng (phải Cộng, trái Thuỷ)
      Con gái thứ tư tên là Đào (phải Triệu trái Mộc)
      Con gái thứ năm  tên là Liễu (phải Mão, trái mộc)
Sau buổi đặt tên, thấm thoắt ngày tháng thoi đưa, các con ông bà đã 12 tuổi, ông bà liền cho đi học. Học được một, hai năm chữ nghĩa đã tinh thông, văn chương thành thục. Bấy giờ cha mẹ của các ngài liền quay về thăm quê hương bản quán (tức vào ngày mồng 6 tháng 3) song một sự không may đã ập đến: chiếc thuyền chở ông bà qua sông chẳng may giông bão đánh đắm. Cha mẹ mất đi để lại trong lòng anh em Vương Hồng Minh một nỗi buồn, đau xót vô hạn. Cũng vào năm ấy (tức năm Thiên phúc) nước ta bỗng có quân Tống do Quách Tiến chỉ huy vào xâm lược bờ cõi, đến khi nhà vua đem quân đi đánh giặc, qua Dược Đậu Trang thấy thế đất hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân ở ngay khu chợ nhỏ (tục gọi là chợ Đậu). Ngày ngày thấy anh em các ông đi ngang cửa doanh đồn, nhận biết là người có tài năng liền cho gọi vào hỏi chuyện. Khi ấy cả năm anh em ông đều vào bái yết, nhà vua liền cho thử tài, năm anh em các ông đều trổ hết tài năng ứng thí. Biết các ông là người có tài năng thực thụ, nhà vua liền tuyển dụng và phong chức cho các ông là Quyền chưởng trung hoa tể đại tướng và phong cho hai bà là Mẫu nghi chí tôn thiên hạ. Sau khi nhận tước phong, liền xin phép nhà vua được thay thánh giá cầm quân đi đánh giặc. Khi ấy ba ông cùng với hai bà đem quân theo đường bộ. Hai bà giả làm người đi bán trầu thuốc lần tìm đến tận nơi  đồn sở của giặc. Sau khi nắm rõ binh tình giặc, quân ta tiến công, quân giặc thua to tháo chạy về nước. Ngay ngày hôm ấy nhà vua liền mở tiệc lớn khao thưởng quân sĩ và nhân dân sau đó dẫn quân khải hoàn về triều còn ba ông và hai bà ở lại ngày sau cùng lên đường về triều bái yết. Chẳng dè ý trời làm ra vậy, hôm đó trời đất tối tăm, mưa gió ầm ầm, ba ông và hai bà đều thăng hoá (hôm đó là ngày 24 tháng giêng). Một lát sau trời đất trong sáng, mưa gió tạnh hẳn, nhân dân kéo đến xem thì đã thấy mối đất đùn thành những ngôi mộ lớn. Mọi người lấy làm lạ liền lập biểu dâng lên triều đình. Nhà vua nghe tin vô cùng thương xót bậc quân thần có công lao với đất nước liền ban truyền cấp cho nhân dân bản trang 24 mẫu ruộng công điền lập đền thờ ở các nơi thánh hoá, hương hoả thờ phụng. Sau đó lại ban cấp cho dân 800 quan tiền sung vào công quỹ để chăm lo việc thờ cúng. Triều đình ban cấp cho mỹ tự là thượng đẳng phúc thần, các tước phong là:
1. Ông Đức Minh được phong Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương
2. Ông Đức Xuân được phong Dực Thánh Linh ứng Đại vương
3. Ông Đức Hồng được phong Anh vũ dũng lược Đại vương
4. Bà Thị Đào làm Đào Hoa Trinh thuận Công chúa
5. Bà Thị Liễu làm Liễu hoa linh ứng Công chúa.
Ngày sinh, hoá và các chữ huý:
1. Ngày sinh 26 tháng mười.
Lễ dùng cỗ chay, bánh chưng, bánh dày, hoa quả, trà cúng và các loại bánh 8 mâm, xướng ca 10 ngày.
2. Ngày hoá 24 tháng giêng.
Lễ dùng cỗ chay, bánh chưng, bánh dày, hoa quả, trà cúng và các loại bánh 8 mâm. Trước đó một ngày, đến các lăng khấn trước rồi mới nghênh rước về tế lễ. Cấm không ca hát.
3. Các chữ huý gồm 5 chữ:
Minh, Xuân, Hồng, Đào, Liễu
4. Đối với Thánh phụ, Thánh Mẫu cần kiêng âm đọc, xem kỹ ở trong văn mà tránh.
Sắc phong: Hiện ở khu vực Đền Cao còn giữ được cả thảy 11 đạo sắc phong do các vương triều Minh Mệnh (1820-1840) Thiệu trị (1841-1847), Đồng Khánh (1886-1888), Duy Tân (1907-1915), Khải Định (1916-1925) cụ thể là:
1. Đức Thiên Bồng Đại tướng quân còn 5 đạo
2. Đức Dực Thánh linh ứng còn 2 đạo
3. Đức Anh vũ dũng lược còn 1 đạo
4. Đức Đào hoa Trinh Thuận công chúa còn 1 đạo
5. Đức Liễu hoa linh ứng công chúa còn 2 đạo
Làng qui định cứ đến rằm tháng 2 là ngày phơi sắc. Trong quần thể di tích, duy nhất Đền Cao được cấp Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.
3. Lễ hội.
- Ngày 6-3: ngày mất của Vương phụ, Vương mẫu làng tổ chức tế một tuần tại Đình làng do các quan đám và 8 quan viên thực hiện.
Lễ chay được sắp thành 8 mâm gồm: bánh dày, chè kho, bánh mật, chè lam, hoa quả, 1 lá trầu, một quả cau, một dây vàng, 1 bát cơm, 1 đĩa muối vừng. Ngày nay lễ tế nhân ngày mất của Vương phụ, Vương mẫu được tổ chức tại Đền Cả.
- Ngày 26-10: Ngày khánh đản các thánh tại Đình làng, các quan đám và 8 quan viên tổ chức tế một tuần rượu tại đình làng. Lễ chay được sắp thành 8 mâm gồm: bánh dày, chè kho, bánh mật, chè lam, hoa quả, 1 lá trầu, một quả cau, một dây vàng, 1 bát cơm, 1 đĩa muối vừng. Ngày khánh đản được tổ chức xướng ca 10 ngày.
- Ngày hoá 24 tháng giêng: lễ hội chính.
Lễ hội trước cách mạng tháng tám năm 1945:
Thời gian mở hội : Từ ngày 23 tháng giêng đến 30 tháng giêng
Địa điểm: tại đình làng
Các sự lệ tạo nên "tính thiêng" của Lễ hội Đền Cao: từ trong năm, các chức dịch thôn đã bổ cho 5 giáp: Đông, Đoài, Nam, Trung, Bắc phải chọn người làm quan đám. 5 quan đám là người trực tiếp thay mặt dân làng liên hệ với thần linh nên trong thời gian làm quan đám từ 2 tháng giêng năm trước tới 2 tháng giêng năm sau, các quan đám phải thực hiện sự lệ một cách khắt khe: ăn riêng, ở riêng, kiêng sắc dục, không ăn cá không vảy, thịt trâu, thịt bò, thịt chó, không cúng giỗ, không dự các đám tang. Một năm có hai lệ vào mồng 6 tháng 3 và 24 tháng giêng và cũng là ngày thi cỗ gồm có một chiếc bánh dày bằng cái nia và có tam sinh (ba con vật nuôi là lợn, dê, bò), nếu các ông quan đám qua được hai lệ và không có những vi phạm gì về lệ làng hay không có tang tóc thì sẽ được lên "Lềnh" và được ngồi mâm trên.
Từ lâu tại quần thể di tích Đền Cao đã lưu truyền trong dân gian sự linh thiêng và những bí ẩn như qui ước: "Biết không nói, không biết không hỏi" hay  "không được mở khám thờ" nên gian cấm Đền Cao, Đền Cả là cả một sự bí ẩn mà không ai được vào ngoại trừ cụ trùm và các quan đám. Tục thắp hương cũng mang nét kỳ bí như ở Đền Cả và Đền Cao: thắp 9 nén hương đen, các Đền khác thắp 5 nén. Khi vào cung cấm thì vào cửa đằng Đông, bước chân phải, đi đầu là ông quan đám giáp Đông- ông quan đám giáp Đoài- ông giáp Nam- ông giáp Trung- ông giáp Bắc, cụ trùm đi cuối . Lúc ra bước chân trái ra trước theo thứ tự như lúc vào.
Chuẩn bị cho lễ hội:
- Từ 4 đến 5 tháng giêng các quan đám và cụ trùm đi thu tiền dầu nhang để lấy tiền sắm hương đăng vào đám.
- Mồng 6 và mồng 7 các quan đám và cụ trùm lên núi đào củ hương bài về phơi tán làm hương tế.
- Mồng 8, mồng 9 các quan đám vót 120 tăm lá trúc (dài 20cm) vót xong luộc nước muối, phơi khô bó lại thành bó để chuẩn bị vào đám.
- Ngày 10 và 11 các quan đám khâu áo nhà Thánh, giặt bằng ngũ vị hương, tẩy uế bằng nước gừng, rượu, khi phơi bằng dây thừng mới. Khi khâu áo nhà Thánh chỉ có 5 quan đám, cụ trùm và thủ nhang: việc khâu áo được tiến hành trước cửa cung cấm đã được quây kín để tránh sự nhìn ngó. Trước khi khâu áo Thánh, cụ Trùm và các quan đám đều phải ăn chay.
- Ngày 13 và 14 các quan đám chuẩn bị lễ dầu xuân đi các đền quét dọn trong cung cấm.
- Ngày 17 và 18 các quan đám chuẩn bị mua chiếu mới giặt, phơi khô chuẩn bị vào thay trong các ban ở cung cấm.
- Ngày 20 thay gio, đổi chiếu, cụ trùm, quan đám phải đốt mỗi người một bao tro bằng rơm nếp sạch để cho vào bát hương. Ngày 21 cụ trùm và các quan đám được nghỉ một ngày, tắm giặt sạch sẽ. Ngày 22 làm lễ khai quang, bao lau làm sáng các đồ tế khí, đồ thờ.
- Ngày 23: Làng vào đám.
Phần lễ:
Từ tối 22 đến ngày 30 tháng giêng tại Đình và các đền có 13 lễ tế gồm:
Tế cáo yết- xin phép thần linh mở hội
Tế Mộc dục- Tắm rửa tượng thờ và bao lau bài vị
Tế công đồng
Tế nghinh: xin rước
Tế yên vị
Tế nhật dạ (còn gọi là tế yến) : 5 tuần
Tế đập đất: "giao điệp xướng ca kỳ phúc sự lệ" Tế cầu phúc cho dân làng

Tế hoàn cung, rước rã từ Đình về các Đền
Tế yên vị tại các Đền
Lễ vật trong các lễ tế: Lễ chay được chia đều cho 8 mâm gồm: bánh dày, chè kho, bánh mật, chè lam, hoa quả, 1 lá trầu, một quả cau, một dây vàng, 1 bát cơm, 1 đĩa muối vừng. Riêng các kỳ tế yến có thêm 8 bát cơm đầy, 8 đôi đũa, 8 đĩa muối vừng.
Ngày 23: Lễ rước
Ngày 22 các kiệu rước  đã được rước ra đặt tại sân các Đền để tiến hành chằng kiệu. Đặc biệt tại Đền Cao việc chằng kiệu đã trở thành một nghi thức thành kính có phần bí ẩn; khi bài vị đức Thánh đã được đặt vào kiệu bát cống, cụ trùm, các quan đám bắt đầu chằng kiệu theo hình 9 chữ nhân theo thứ tự: dưới đế bài vị 3 chữ, hai bên ngai , mỗi bên 3 chữ.
Sáng ngày 23 các kiệu Thánh được rước về Đền Cả.
Chiều 23: đoàn rước khởi hành từ Đền cả về Đình theo trình tự đi đầu đoàn rước là đội múa rồng, kỳ lân- hai hàng cờ thần, trống cái- kiệu rước sắc phong của 5 anh em họ Vương- Kiệu rước anh cả Vương Đức Minh- Kiệu thứ ba rước Vương Đức Xuân- Kiệu rước Vương Đức Hồng- Kiệu rước Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu- Kiệu rước Thành hoàng làng và các kiệu rước lễ vật bánh trái, xôi oản, hoa quả, trước mỗi kiệu rước có một quan đám đi trước. Lễ rước truyền thống theo qui định bước lên ba bước, lùi lại một bước vì thế lộ trình rước từ Đền về Đình khoảng cách không xa mà đoàn rước phải đi hàng tiếng đồng hồ.
Theo sự lệ khi các kiệu rước đã an vị theo thứ tự tại Đình làng, các hoạt động "giao điệp xướng ca", các trò chơi, trò diễn mới bắt đầu. Lễ hội truyền thống Đền Cao có các hoạt động hội đặc sắc như: vật, kéo co, cướp cờ, cây đu, cờ người. Các trò diễn có chèo, tuồng, rối cạn, cải lương.
Lễ hội sau Cách mạng tháng Tám năm 1945: chính thức diễn ra từ ngày 22 đến hết ngày 24 tháng giêng. Sau năm 1954 do Đình làng bị giặc Pháp phá nên Làng vào đám tại Đền Cả, nhưng do trước kia Đền Cả chưa đủ điều kiện tổ chức nên việc tổ chức lễ hội được chuyển về Đền Cao và duy trì từ bấy đến nay. Lễ hội hiện nay cơ bản vẫn giữ được nghi thức tế lễ thành kính và các sự lệ gồm:
- Sáng ngày 21: Lễ khai quang tại Đền Cả xin phép thần linh cho lau rửa các đồ tế khí, 5 quan đám và cụ trùm tiến hai mâm lễ (bánh dày, chè kho, hoa nghi) vào chính vị cung cấm và ban công đồng gian trung từ. Các quan đám và cụ trùm hành lễ tại ban công đồng gian trung từ.
- Tối ngày 21: Lễ cáo yết do đội tế nam quan thực hiện tại Đền Cả. Lễ tiến Thánh gồm 6 hộp trầu do quan đám và cụ trùm chuẩn bị đặt tại chính vị trong cung cấm.
8 mâm lễ chay, mỗi mâm gồm: bánh dày, 2 đĩa chè kho, 1 nải chuối, 1 bát cơm, 1 bát muối vừng, 1 lá trầu, 1 quả cau, 1 dây vàng do các cơ cánh hoặc các thôn chuẩn bị đặt tại 8 ban.
Yêu cầu: gạo làm bánh được mua của người không có tang trở. Người làm bánh không có tang trở. Phụ nữ không tham gia vào quá trình làm bánh. Vắt bánh, lên khuôn bằng dầu lạc, tuyệt đối không dùng mỡ. Nghi thức hạ hòm đặt trầu trong cung cấm được tiến hành theo trình tự: Khi vào cung cấm các quan đám phải bước chân phải đi trước theo thứ tự, quan giáp Đông- quan giáp Đoài- quan giáp Nam- quan giáp Trung- quan giáp Bắc, cụ trùm. Lúc ra bước chân trái ra trước theo thứ tự như lúc vào. Tế 2 tuần tại ban công đồng gian trung từ Đền Cả.
-12h đêm ngày 21 đến 3h sáng ngày 22 tháng giêng: Tế mộc dục tại Đền Cả và Đền Cao (tắm rửa và đai măng mũ áo cho Đức Thánh)
Thành phần tham gia: đội tế nam quan, các quan đám và cụ trùm. Lễ vật gồm 8 mâm lễ chay: bánh dày, 2 đĩa chè kho, 1 nải chuối, 1 bát cơm, 1 bát muối vừng, 1 lá trầu, 1 quả cau, 1 dây vàng. Lễ mộc dục được tiến hành tại sập gỗ làm lễ mộc dục ở phía Tây đền, bài vị được bao lau 3 lần bằng nước sạch và ngũ vị hương. Sau lễ mộc dục là lễ gia quan mặc áo ngự, đội mũ, tiếp đó là các quan đám và cụ trùm khoác áo trầu ra ngoài áo ngự (áo trầu chỉ mặc trong 3 ngày hội). Sau lễ mộc dục, các quan đám và cụ trùm rước Đức thánh ngự tại chính vị ban công đồng cung cấm.
- Ngày 22 tháng giêng: rước kiệu các Thánh từ các Đền về Đền Cả chuẩn bị cho lễ rước chính. Lễ rước bắt đầu từ Đền Cao, khi đến vị trí đã định, các đoàn rước dừng lại chờ đoàn rước của đức đệ tam đi qua. Khi đoàn rước Thánh đệ tam đến, đoàn rước hình thành theo thứ tự: đoàn rước Thánh đệ tam- đoàn rước Thánh đệ ngũ. Rước đến cửa Đình Bến Tràng, đoàn rước Đức đệ ngũ dừng lại, các đoàn rước  hình thành theo thứ tự: đoàn rước đức đệ tam- đoàn rước đức đệ tứ- đoàn rước đức đệ ngũ. Khi đoàn rước về cách Đền Cả 50m, ông quan giáp Đông đón tại cửa miếu vái 3 vái khấn tạ các ngài sau đó các đoàn rước tập kết tại sân Đền Cả. Các quan đám rước bài vị và bát hương vào vị trí. Buổi tối tại Đền Cả tổ chức tế hội đồng, lễ vật và nghi thức như các lễ tế khác.
- Ngày 23 tháng giêng: tại Đền Cả tổ chức tế nghinh xin phép Đức thánh tiến hành lễ rước. Lễ rước chính được tiến hành vào 8h sáng ngày 23 theo trình tự: Rồng lân- hai hàng cờ thần, giữa hai hàng cờ là trống to trên xe kéo- Kiệu rước bát hương đức thánh đệ nhất- kiệu rước bài vị đức đệ nhất- Kiệu rước 2 hộp trầu của hai bà- Kiệu rước sắc Đền Cao- Kiệu bài vị đức đệ tam- Kiệu bài vị đức đệ tứ- Kiệu đức đệ ngũ- Đoàn tế và nhân dân. Trước mỗi kiệu là một trống, chiêng nhỏ, kèm 2 đến 3 lá cờ thần và tàn, lọng, các chân kiệu, các đô tuỳ đều mặc áo nậu, thắt lưng bó que, đầu quấn khăn đỏ mô phỏng lính tốt ngày xưa. Đoàn rước xuất phát từ Đền Cả theo đường Bến Tràng đến vị trí Đình làng Lạc Đạo dừng lại thắp hương. Đoàn rước qua Đền Bến Tràng đến Đền Bến Cả, về Đền Cao. Khi đoàn rước đến Đền Cao, 7 cỗ kiệu tập kết tại phía Tây Đền, các quan đám rước bát hương và bài vị vào cung cấm theo vị trí định sẵn.
Lễ dâng hương được tiến hành tại sân từ chỉ phía Tây Đền Cao. Năm 2009 do điều kiện sân từ chỉ hẹp không đủ điều kiện tổ chức, lễ dâng hương được tổ chức  tại sân Đền Cả. Tại lễ dâng hương có diễn văn ca ngợi công đức 5 anh em họ Vương và tổ chức cho các đại biểu dâng hương tại lư hương đá Đền Cả. Sau lễ dâng hương đến hết ngày 24 tại Đền Cao tiếp tục các tuần tế yên vị, tế yến (còn gọi tế nhật dạ, tế mời cơm) kết thúc bằng lễ tế rã và rước hoàn cung.
Phần hội:
Từ 22 đến hết ngày 24 tháng giêng tại sân vận động trước cửa Đền Cao tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các xã, các trò chơi truyền thống có: cờ biển, kéo co, võ vật.
Qua đối chiếu lễ hội truyền thống và hiện đại tại lễ hội quần thể di tích Đền Cao thấy phần lễ được duy trì gần như nguyên vẹn, đạt đến độ đậm đặc, nguyên bản. Tuân thủ nghiêm ngặt bốn nguyên tắc lớn của tế lễ: biểu lộ lòng thành kính với thần linh; Dùng nến, nhang, âm thanh của trống chiêng, nhạc lễ làm phương tiện; kính cẩn khi hành lễ; lúc cử hành, các chấp sự chỉ dùng động tác, không được phát ngôn. Phần hội qua thời gian, có các hoạt động hội "trước có, nay không còn" có thể nói "nhạt" hơn so với phần lễ. Thực tế trên phản ánh mâu thuẫn khi không gian lễ hội Đền Cao rất rộng cho phép tổ chức nhiều hoạt động hội một lúc. Điều đó nói lên: Lễ hội Đền Cao mang tính tâm linh nhiều hơn. Từ nhận thức lễ hội là "hàn thử biểu" phản ánh điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, trong điều kiện đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhịp sống sôi động, lễ hội cũng cần có những cải biến cho phù hợp tránh nhàm chán. Xét trong hệ thống 12 lễ tế tại lễ hội Đền Cao có lễ tế yến (5 tuần tế yến) về đồ lễ và nghi thức tế không thay đổi, nên tiết giảm chỉ còn một đến hai tuần tế yến là phù hợp, đảm bảo thời gian vì sức khoẻ cho cụ trùm và các quan đám và đội tế. Qua thực tiễn lễ hội Đền Cao, vai trò của cụ trùm và các quan đám là đại diện cho dân làng.
Duy trì các sự lệ chuẩn bị lễ hội, có vai trò không thể thiếu. Tuy nhiên những quy định đối với quan đám rất nghiệt ngã, đặc biệt cần "nới" dẫn đến bỏ định lệ "Quan đám không được tổ chức cúng giỗ, không được đi tất cả các đám tang" vì như vậy không phù hợp đạo lý thờ cúng tổ tiên, một nét bản sắc của dân tộc. Vì nếu không làm được như vậy, cùng với những định lệ khắt khe và chế độ phụ cấp 200.000đ cho một quan đám; chắc chắn việc chọn quan đám cho các lễ hội năm sau sẽ rất khó khăn.
Trong quần thể di tích thờ 5 anh em họ Vương, có Đền Cao có các yếu tố đáp ứng yêu cầu du lịch lễ hội tâm linh: có không gian xanh của rừng lim cổ thụ; Đền ở trên ngọn núi Bồng còn giữ nguyên được kiểu dáng kiến trúc và 11 đạo sắc phong, độ lung linh của các huyền tích, tính thiêng. Hệ thống đường giao thông thuận tiện. Để lễ hội Đền Cao là điểm đến của du khách, trước mắt cần xây dựng quy hoạch lễ hội để có cơ sở khôi phục một số hoạt động lễ hội đã bị thất truyền như: tế đập đất- cầu phúc cho dân làng, các hình thức múa hát thờ "giao điệp xướng ca kỳ phúc sự lệ", lễ rước nước(xuất phát từ truyền thuyết về bà Đào Thị Thanh một lần xuống tắm tại dòng Nguyệt giang được Giao long giao hoà về hoài thai sinh hạ năm anh em họ Vương. Hiện tại ở lễ hội Đền Cao có chuyện, năm ông quan đám đều đội nón và gọi nhau "Năm chị em chúng ta" và từ trong dân gian vẫn truyền ngôn cho rằng gọi "Năm chị em họ Vương " mới đúng. Để thống nhất cách gọi "Năm anh em" hay "Năm chị em" vấn đề liên quan đến thần tích, nhân vật được thờ của Làng Đại, liên quan trực tiếp đến các hoạt động lễ hội tại quần thể di tích Đền Cao, cần sớm tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến các nhà sử học, các nhà nghiên cứu để sớm có kết luận chính xác. Trước mắt Ban quản lý di tích huyện cần quan tâm qui hoạch hệ thống hàng quán, các điểm diễn ra các trò chơi, xin kinh phí để nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông góp phần làm thay đổi tổng quan di tích, phong phú các hoạt động lễ hội, đáp ứng nhu cầu du lịch lễ hội tâm linh.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây