Đề từ đường quan Tư đồ Trần Nguyên Đán

Chủ nhật - 06/03/2016 14:15 - 4087 lượt xem
Đề từ đường quan Tư đồ Trần Nguyên Đán
Đề từ đường quan Tư đồ Trần Nguyên Đán
Là con thứ ba của vua Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông (1320-1394) chỉ làm vua có 3 năm, rồi nhường ngôi cho em (Duệ Tông), lui về làm Thái Thượng Hoàng, những 27 năm, nhưng triều Trần đang trên đà tụt dốc. Sự nghiệp chính trị của Trần Nghệ Tông chả có gì đáng nói. Tuy nhiên, với tư cách là tác giả, Trần Nghệ Tông cũng có một số tác phẩm có giá trị, được chép trong các sách của Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích v.v….Chúng tôi chọn giới thiệu một bài, viết khi tác giả về viếng thăm đền thờ quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán ở Côn Sơn, Chí Linh...

TRẦN NGHỆ TÔNG VÀ MỘT BÀI THƠ BUỒN

Phiên âm:

ĐỀ TƯ ĐỒ 
TRẦN NGUYÊN ĐÁN TỪ ĐƯỜNG

Sơn đồng phù liễn hiểu xung nê,
Tài đáo Côn Sơn nhật chính tê.
Vũ quá toàn thanh xuyên thạch viễn,
Phong dao, trúc ảnh phất thiềm đê.
Diêm mai sự khí bi do tại,
Tinh Đàn hoang lộ chuyển mê.
Tịch mịch động thiên nhân vũ hóa,
Duy tồn hành tích khởi dư thê.

Dịch nghĩa:

ĐỀ NHÀ THỜ QUAN TƯ ĐỒ 
TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Sơn đồng khiêng kiệu vượt bùn lầy,
Tới Côn Sơn trời đã xế về tây.
Hết mưa xa xa tiếng suối va vào đá,
Gió đưa cành trúc phất phơ trên mái hiên.
Việc muối mơ đã qua, bia vẫn còn,
Đàn tinh đẩu hoang phế lối đi đã mờ.
Quạnh hiu động vắng, người đã lên tiên,
Chỉ còn dấu vết, lòng buồn man mác.

Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục:

Băng đồng vượt dốc tới đây,
Côn Sơn nắng xế về tây, chiều rồi.
Sau mưa suối vỗ liên hồi,
Gió khua cành trúc lả lơi mái nhà.
Nổi chìm việc nước, thôi qua
Ngả nghiêng nghiệp cũ giờ ra phế tàn.
Quạnh hiu động vắng vườn hoang
Người xưa chẳng thấy, lòng man mác buồn.

Một ông vua nắm quyền điều hành đất nước, cần kiệm khiêm cung, có lòng nhân từ, nhưng lại không có bản lĩnh, thiếu quyết đoán, chỉ có thể là tai họa cho đất nước mà thôi. Trần Nghệ Tông là một ông vua như vậy. Là con thứ ba của vua Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông (1320-1394) chỉ làm vua có 3 năm, rồi nhường ngôi cho em (Duệ Tông), lui về làm Thái Thượng Hoàng, những 27 năm, nhưng triều Trần đang trên đà tụt dốc. Triều đình suy yếu, lòng dân ly tán, giặc Chiêm Thành thừa cơ quấy nhiễu, có lúc chúng xâm phạm cả kinh đô Thăng Long. Trong nước, tham quan ô lại ra sức hoành hành, thảm họa ngày một lớn dần lên như ung nhọt, nguy cơ diệt vong sắp tới gần. Sự nghiệp chính trị của Trần Nghệ Tông chả có gì đáng nói. Tuy nhiên, với tư cách là tác giả, Trần Nghệ Tông cũng có một số tác phẩm có giá trị, được chép trong các sách của Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích v.v….Chúng tôi chọn giới thiệu một bài, viết khi tác giả về viếng thăm đền thờ quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán ở Côn Sơn, Chí Linh...
Sơn đồng khiêng kiệu vượt bùn lầy,
Tới Côn Sơn, trời đã xế về tây.
Hai câu đầu nói cảnh chung, khái quát, rằng phu kiệu (Sơn đồng) đã vất vả khiêng kiệu cho vua (Bấy giờ đã là Thái Thượng Hoàng) băng qua bùn lầy từ Thăng Long (Hoặc từ Hành cung Thiên Trường?) về Thanh Hư động ở Chí Linh, nơi Trần Nguyên Đán về nghỉ và mất ở đó (1390). Câu thơ cũng cho thấy thời gian cụ thể, trời đã ngả về tây rồi. Chúng tôi dịch thoát câu đầu, câu thứ hai thì đảm bảo tinh thần nguyên tác (Băng đồng vượt dốc tới đây / Côn Sơn nắng xế về tây, chiều rồi).
Hai câu 3 và 4, tả thực, cảnh thiên nhiên ở Côn Sơn, sau mưa.
Hết mưa, xa xa tiếng suối va vào đá,
Gió đưa cành trúc phất phơ trên mái hiên.
(Sau mưa suối vỗ liên hồi,
Gió khua cành trúc lả lơi mái nhà)

Đấy là cảnh ở Thanh Hư Động, Côn Sơn, nơi gia đình Trần Nguyên Đán ở, khi ông cáo lão về đây. Cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi cũng từng ở đây. Riêng Nguyễn Trãi đã ở đây hơn mười năm vào giai đoạn cuối đời, ẩn dật hoặc là thanh quan dưới triều vua Lê Thái Tông, cho đến khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra (1442). 
Cảnh thật sinh động. Có âm thanh, tiếng suối chảy mạnh, va vào đá, tạo ra một thứ âm thanh có phần dữ dội hơn ngày thường. Và gió, gió nhẹ, chỉ đủ để đưa đẩy cành trúc phất phơ, cọ vào mái hiên nhà. 
Hai câu 5 và 6, luận về công đức của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, trong việc Muối mơ, tức việc ông đã có công tập hợp được binh lực của các vương hầu địa phương, dấy binh chống lại Dương Nhật Lễ, giành lại ngôi báu cho nhà Trần. Công ấy được ví như những công thần trọng yếu trong sử sách, tỷ như Phó Duyệt ở đời Ân Cao Tông bên Tàu chẳng hạn. Muối mơ là một điển, dịch từ chữ Diêm mai, trong thiên Mệnh duyệt của Kinh Thư (Nếu muốn điều hòa mùi vị của nồi canh, thì trẫm dùng nhà ngươi làm chất muối và mơ). Ân Cao Tông nói với Phó Duyệt như thế, khi trao chức tước lớn cho ông. Ở đây, tác giả muốn ca ngợi công lao của quan Tư Đồ, khi ông đã có công tái thiết trật tự vương triều Trần, sau khi bị Dương Nhật Lễ cướp ngôi. Công ấy được khắc ghi vào bia đá, bia vẫn còn đây. Nhưng mà sự đời không được như ý. Tác giả viết tiếp:
Đàn Tinh Đẩu hoang phế, lối đi đã mờ (Tinh Đẩu đàn hoang, lộ chuyển mê).
Tinh Đẩu, tức cái nền cao do đạo sĩ lập nên để tế sao Bắc Đẩu. Khổng Minh đời Tam Quốc, biết tuổi thọ của mình sắp hết, bèn lập đàn tế sao Bắc Đẩu cầu thọ, nhưng mệnh ông đã cạn rồi, không sao cưỡng được, không ai cứu được. Câu thơ này có ý nhắc chuyện Trần Nguyên Đán muốn chấn hưng cơ nghiệp nhà Trần, nhưng không thành công, đành từ quan cáo lão về động Thanh Hư này, rồi mất ở đây. Cơ nghiệp nhà Trần sau đó cũng suy tàn, rội bị Hồ Quý Ly lật đổ. Câu thơ chất chứa một nỗi ngậm ngùi xót xa của người cầm lái biết thuyền sắp đắm, mà không sao cứu được thuyền. Thế nên:
Quạnh hiu động vắng, người đã lên tiên,
Chỉ còn dấu vết, lòng buồn man mác.
(Quạnh hiu động vắng vườn hoang,
Người xưa chẳng thấy, lòng man mác buồn).

Khép lại bài thơ là một cảm giác bâng khuâng, trống trải của người đến sau. Người đã lên tiên rồi, chỉ còn lại động Thanh Hư hoang vắng điêu tàn và đâu đó dấu vết còn sót lại của quá vãng mà thôi. Cảnh ấy, tình ấy, làm sao mà cầm lòng cho được?

 

 

Tác giả bài viết: VŨ BÌNH LỤC

Nguồn tin: nguoichilinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây