Vì sao bia Thanh Hư động được công nhận "Bảo vật quốc gia"

Thứ hai - 29/02/2016 18:42 - 2825 lượt xem
Bia Thanh Hư Động
Bia Thanh Hư Động
Trong số những tấm bia hiện còn ở chùa Côn Sơn, đáng chú ý là tấm bia “Thanh Hư Động” (清 虛 洞) đặt trong sân chùa.
Chùa Côn Sơn còn gọi là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, tục gọi là chùa Hun, khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, được Thiền sư Pháp Loa mở rộng vào năm 1329, rồi được trùng tu tôn tạo ở các thế kỷ XVII - XVIII và những năm gần đây. 

Thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong những trung tâm của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Thời Lê, chùa có quy mô 83 gian, có tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn, Cửu phẩm liên hoa với 385 pho tượng... Chùa hiện nay kiến trúc kiểu chữ Công, còn ngói mũi hài và chân tảng hoa sen là di tích thời Trần. Trong chùa có những tượng phật lớn có giá trị cao về nghệ thuật; 16 tấm bia ở chùa là những văn bản ghi nhận quá trình trùng tu, xây dựng ngôi chùa, đồng thời cũng là những tác phẩm điêu khắc có giá trị.

Trong số những tấm bia hiện còn ở chùa Côn Sơn, đáng chú ý là tấm bia “Thanh Hư Động” (清  虛  洞) đặt trong sân chùa. Văn bia Thanh Hư Động gắn với Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325 - 1390). Trần Nguyên Đán hiệu là “Băng Hồ”, quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Nam Định). Cha là Nhập nội Thái bảo Trần Văn Bích - cháu 4 đời Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Trần Nguyên Đán thuộc họ tôn thất, nên từ sớm được bổ nhậm làm quan theo quy chế tập chức. Đời vua Trần Dụ Tông (1341- 1369), ông được bổ nhiệm làm quan Đại phu Ngự sử đài. Năm 1369, ông có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ đưa Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông) lên ngôi, khôi phục vương triều nhà Trần. Năm 1371, Trần Nguyên Đán được phong chức Tư Đồ phụ chính, tước Chương túc Quốc thượng hầu, phụ trách đối ngoại. Hơn ba mươi năm làm quan, ông dành hết tâm huyết, tài năng, trí tuệ phụng sự đất nước, nhân dân. 

Khoảng năm 1372 - 1377, Tư Đồ Trần Nguyên Đán tâu xin hai vua một khu đất ở Côn Sơn, xây dựng một nơi lui về nghỉ ngơi. Quá trình xây dựng động phủ được Nguyễn Phi Khanh ghi lại trong “Thanh Hư Động ký” như sau: “Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng việc dựng cột xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là Thanh Hư Động”.( ) 

Động Thanh Hư là một tập hợp các công trình kiến trúc kỳ lạ, đẹp đẽ, nằm giữa núi rừng Côn Sơn: “Khói ngàn, ráng đỏ, như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng, hoa suối hoặc màu biếc đung đưa, hoặc màu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu, trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như đã hoà với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật […] Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá, ý đều là để nêu công lớn trước đây của Người, và cũng là để tỏ sự khuyến khích và khen ngợi Người vậy”.( )

Động dựng xong, vua Trần Duệ Tông về thăm ngự bút đề tặng ba chữ: “Thanh Hư Động” khắc trên bia; Hàm ý ca ngợi khu động phủ của Tư Đồ Trần Nguyên Đán là nơi thanh trong, thoát tục như cõi thần tiên. 

清 (Thanh): Là xanh, trong.
虛 (Hư): Là hư không, thoát tục.
洞 (Động): Là trong suốt.

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tự chế bài “Côn Sơn Thanh Hư Động bi minh” ca ngợi Tư Đồ Trần Nguyên Đán khắc ở sau bia.

“Tư đồ dựng am,
Trên núi thâm nghiêm.
Há phải muốn riêng mình vui thú,
Chính là để ngụ cái ý lên cao.
Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn,
Cúi nhìn dòng nước trong là muốn bàn sâu vào việc nước.
Nương dưới bóng cây là muốn mở rộng được sự che chở cho dân,
Tựa vào khóm trúc là muốn đến với nhiều hiền sĩ.
Người giúp ta trị nước, hẳn phải có tầm nhìn xa,( )
Trẫm thương tiếc, nên tìm hòn đá đẹp ghi vào lời này.”( ).

Năm 1385, Trần Nguyên Đán cùng gia đình và cháu ngoại là Nguyễn Trãi về sống tại Côn Sơn. Trong 5 năm (1385 - 1390) ngoài việc vân du sơn thủy, suy nghĩ về lẽ mầu nhiệm đạo Thiền, ông còn dạy cháu ngoại những bài học làm người. Những bài học đầu tiên ấy, ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ông tuy thân ở núi rừng, mà chí vẫn ở nơi tông xã, tấm lòng yêu nước thương dân lúc nào cũng đau đáu trong lòng. Tại Côn Sơn, Trần Nguyên Đán cho lập đàn tế sao Bắc Đẩu trên đỉnh Ngũ Nhạc cầu cho quốc thái dân an và sự trường tồn của vương triều Trần. 

Năm 1390, Trần Nguyên Đán mất tại Côn Sơn. Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về Côn Sơn viếng quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, làm bài thơ “Đề Tư Đồ Trần Nguyên Đán từ đường” có nhắc đến tấm bia Thanh Hư Động, đàn Tinh Đẩu, động Thanh Hư:     
    
“... Việc muối mơ qua rồi, bia vẫn còn đây,
Đàn Tinh Đẩu bỏ hoang, lối đi đã mờ.
Động phủ quạnh vắng, người bay lên tiên rồi,
Chỉ còn dấu vết gợi lên nỗi buồn man mác”.


Sang thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, khu di tích Côn Sơn bị giặc phá hoang tàn, nhưng tấm bia Thanh Hư Động vẫn còn. Năm 1602, nhà sư Mai Trí Bản đại trùng tu chùa Côn Sơn đã phát hiện ra tấm bia Thanh Hư Động và đưa về đặt tại chùa Côn Sơn như hiện nay. Lúc này, có lẽ bài minh của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ở mặt sau bia Thanh Hư Động đã bị mờ hết chữ, nên Thiền sư Mai Trí Bản đã cho khắc văn bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” ghi danh những người công đức, xây dựng chùa vào mặt sau tấm bia.

Hiện nay tấm bia này được dựng ở sân chùa Côn Sơn. Đây là tấm bia dẹt trán cong có kích thước tương đối lớn: Chiều cao 165 cm, chiều rộng 95 cm, dày 17 cm do một con rùa có chiều dài 180 cm, chiều rộng 100 cm, dày 28 cm đội. Mặt trước, trán bia khắc 4 chữ lớn thể chữ Triện theo hai dòng, từ trên xuống, phải sang trái: Long Khánh Ngự Thư (龍 慶 御 書) trong khung chữ nhật dài 22 cm; rộng 25 cm, giữa bia đề ba chữ lớn: Thanh Hư Động mỗi chữ kích thước 35 cm x 35 cm, viết chân phương. Xung quanh diềm bia trang trí hình rồng triện gẫy khúc. Mặt sau bia khắc bài ký "Côn Sơn Tư Phúc tự bi". Nội dung: Chùa Tư Phúc là nơi Trần Minh Tông (1300 -1357) tu thân học đạo. Vị tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang (1251 -1334) từng trụ trì tại đây. Nay chùa đã hư hỏng nhà sư trụ trì Mai Trí Bản đứng ra hưng công, cùng mọi người xây dựng lại tam quan, phòng oản. Nay khắc bia ghi tên họ những người đã công đức. Niên hiệu Hoằng Định tam niên (1602), chữ viết trên mặt sau có 29 cột, mỗi cột có từ 2 - 45 chữ, trán bia trang trí mặt trời, diềm bia trang trí hoa dây đơn. 

Có thể nói Thanh Hư Động là tấm bia quý, tài sản vô giá của khu di tích Côn Sơn, đáp ứng được những quy định để công nhận bảo vật quốc gia.

- Về nội dung: Bia Thanh Hư Động được tạo tác thời Long Khánh (1372 - 1377). Là hiện vật độc bản, lưu ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Ba chữ  清 虛 洞 (Thanh Hư Động) là bút tích của vua Trần Duệ Tông niên hiệu Long Khánh (1372 - 1377) trực tiếp viết. Chữ viết theo thể Lệ thư, bút pháp sinh động, chữ viết vuông vức, gẫy gọn, mang giá trị nghệ thuật thư pháp độc đáo, ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Trần. Bài minh của Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không còn trên bia nhưng thác bản vẫn còn ghi lại trong sách “Việt Âm thi tập”, giúp chúng ta hiểu thêm về tình cảm của Thái Thượng hoàng Nghệ Tông với Tư Đồ Trần Nguyên Đán và tâm tư của Trần Nguyên Đán trước bối cảnh xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XIV.

- Nội dung văn bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII. 

+ Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thời Trần. Đây là nơi trụ trì của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Nội dung văn bia ghi lại tương đối đầy đủ quá trình tôn tạo, tu bổ chùa Côn Sơn đầu thế kỷ XVII. Trong cuộc đại trùng tu lần thứ ba này, chùa Côn Sơn được các quan lại, tầng lớp quý tộc và nhân dân hưởng ứng cung tiến, tu sửa và mở rộng. Vì vậy, chùa có quy mô khang trang, rộng lớn gồm các công trình: tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, hệ thống tượng phật, kinh sách.

+ Nội dung văn bia phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt đầu thế kỷ XVII. Bia ghi tên 150 thiện nam, tín nữ công đức xây dựng chùa Côn Sơn Tư Phúc. Số người công đức có địa chỉ ở hầu khắp các trấn ở phía Bắc đất nước như Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Từ các vị quan triều như Địch Vũ hầu Nguyễn Ngọc Cẩn, Định Sơn hầu Chu Văn Sầm, Yên Lãng hầu tự Bang Hiến, các hoàng phi, lệnh tộc, chức sắc địa phương như Cai tổng, Xã trưởng, Câu đương đến các nhà sư có tiếng thời bấy giờ như Tăng chính Nguyễn Pháp Đăng, Tỳ kheo Trần Đạo An, Thiền sư Mai Huệ Pháp, cùng sãi vãi và nhân dân thập phương. Họ cúng cho chùa hàng nghìn quan tiền, 80 mẫu ruộng. Đó là những tài sản rất lớn, thể hiện sự ổn định xã hội và hưng thịnh của đất nước. Đất nước có ổn định, phát triển thì các tầng lớp nhân dân mới có điều kiện để cung tiến tiền bạc, xây dựng các công trình tôn giáo.

- Về trang trí mỹ thuật: Đồ án rồng cách điệu theo lối hình kỷ hà ở mặt trước bia Thanh Hư Động là phong cách độc nhất về trang trí mỹ thuật ở nước ta, góp phần quan trọng khi nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Mặt trước trán bia và diềm bia Thanh Hư Động trang trí hoa văn triện hóa long, một phong cách trang trí độc đáo của thời Trần, theo nhận xét của Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Du Chi: “...Đồ án rồng trên bia Thanh Hư Động lại được cách điệu theo lối hình kỷ hà, một phong cách hết sức lạ và hiếm hoi. Các hoa văn hình rồng ở đây được biến thành những đường gập khúc mảnh mai và nếu không tinh ý thì khó nhận biết. Đây là phong cách khác lạ chẳng những không thấy có bản thứ hai nào khác của thời Trần mà các thời sau cũng vậy.”( )

Đề tài rồng chầu mặt trời trên diềm mặt trước đỉnh trán bia Thanh Hư Động, cùng với tháp Phổ Minh (Nam Định) là một trong hai đồ án rồng chầu mặt trời xuất hiện sớm nhất ở nước ta (thế kỷ XIV). Ở tháp Phổ Minh là hai hình rồng chầu mặt trời bố cục trong vòng tròn trên một thớt đá trong lòng tháp, còn ở bia Thanh Hư Động, hai rồng chạm trang trí trên diềm đỉnh trán bia. Mặt trời ở đây chỉ mới là một khối tròn có mây che.

- Về phương diện thư pháp học: Bia Thanh Hư Động chứa đựng giá trị nghệ thuật thư pháp rất phong phú cả về nội dung và hình thức, ghi đậm dấu ấn văn hoá thời Trần, thời Lê. Trên trán bia đề 4 chữ 龍 慶 御 書 (Long Khánh Ngự Thư) theo kiểu Triện thư. Thân bia là ba chữ  清 虚 洞 (Thanh Hư Động) được viết theo kiểu Lệ thư. Mặt sau bài ký 崑 山 資 福 寺 碑 (Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi) được thể hiện theo kiểu Chân thư chữ viết vuông vức, gẫy gọn, thần thái sống động… 

Do đó, bia Thanh Hư Động đã ghi dấu 3 bút pháp nghệ thuật thư pháp tiêu biểu (Triện thư, Lệ thư, Chân thư). Đây là tiêu bản góp phần nghiên cứu thư pháp thời Trần. 

Bia Thanh Hư Động lưu giữ ngự bút của vua Trần Duệ Tông và Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông trang trí mỹ thuật độc đáo, niên đại cụ thể, nội dung văn bia rõ ràng, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc, xứng đáng được vinh danh trong Danh mục Bảo vật Quốc gia.

Tác giả bài viết: LÊ DUY MẠNH

Nguồn tin: Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

 Từ khóa: côn sơn, chú ý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây