Mang đông ấm lên vùng cao

Thứ bảy - 28/11/2015 00:38 - 2308 lượt xem
Đoàn trong tỉnh khởi động những chuyến đi thiện nguyện nhằm chia sẻ hơi ấm với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...
Khi những cơn gió lạnh đầu tiên tràn về miền Bắc cũng là lúc nhiều nhóm, hội, đoàn trong tỉnh khởi động những chuyến đi thiện nguyện nhằm chia sẻ hơi ấm với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. 

Góp mặt trong chuyến đi thiện nguyện lên Sơn La của Liên chi đoàn Khoa Du lịch và ngoại ngữ, Trường Đại học Sao Đỏ, tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc sẻ chia, giúp cho mùa đông bớt giá lạnh, thắp lên ngọn lửa ấm áp yêu thương.

Háo hức lên đường

4 giờ sáng một ngày giữa tháng 11, một số thầy cô và nhiều bạn sinh viên đã tập trung đông đủ tại cổng Trường Đại học Sao Đỏ. Dù đây đó vẫn có những cái ngáp dài mệt mỏi, nhưng không khí háo hức vẫn bao trùm. Em Nguyễn Hương Thảo, sinh viên năm thứ nhất, lớp 06 ngôn ngữ Anh cho biết: “Ngay từ khi còn học phổ thông, em đã tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Đây là chuyến đi tình nguyện đầu tiên khi là sinh viên nên em rất háo  hức. Trước chuyến đi, em đã vận động bạn bè, người quen quyên góp quần áo, sách vở”. Anh Hoàng Đức Đoàn, Phó Trưởng Khoa Du lịch và ngoại ngữ cho biết: “Đây là lần thứ 2 Liên chi đoàn khoa tổ chức đoàn thiện nguyện lên vùng cao nhằm san sẻ khó khăn với nhân dân và mang đến cho sinh viên những trải nghiệm ý nghĩa. Các giảng viên và sinh viên đã kêu gọi quyên góp bằng nhiều hình thức. Có những buổi chúng tôi nhận và phân loại, đóng thùng đồ quyên góp đến 6-7 giờ tối. Dù vất vả nhưng làm được nhiều điều ý nghĩa, chúng tôi rất vui”.

4 giờ 30 phút, đoàn xe chở người và 1.000 bộ quần áo ấm cùng nhiều vở viết, sách giáo khoa, mì tôm, chăn... lăn bánh khi ngoài trời vẫn tối thẫm, vượt hơn 250 km đến bản Áng 2, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La). Bản Áng 2 cách thị trấn Mộc Châu khoảng 2 km, 80% là người dân tộc Thái với 142 hộ sinh sống. Xã có 80% số lao động làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Sau 8 tiếng đồng hồ, đoàn đến bản Áng 2. Buổi chiều, các bạn sinh viên tập luyện lại các tiết mục văn nghệ cho buổi giao lưu, tặng quà diễn ra sáng hôm sau. Các tiết mục nhảy dân vũ, các bài hát về vẻ đẹp của Tây Bắc, về Hải Dương, những trò chơi tổ chức cho các em nhỏ… được người dẫn chương trình và những “ca sĩ” không chuyên tập dượt. Bên này tập hát, bên kia tập lại bài nhảy, mồ hôi nhỏ thành dòng trên gương mặt của các bạn sinh viên hứa hẹn đem đến buổi giao lưu không khí vui vẻ, ấm áp nghĩa tình. Mọi công việc dần được hoàn thiện để chuẩn bị cho một chương trình thiện nguyện thành công.

Trao hơi ấm, nhận nụ cười

7 giờ sáng hôm sau, xe xuất phát đưa đoàn đến nhà văn hoá bản Áng 2. Sắp xếp xong cũng là lúc người dân đến, chương trình giao lưu được bắt đầu. Những bài nhảy, bài hát, trò chơi đã được luyện tập kỹ đem lại không khí sôi động, nụ cười bừng nở trên nhiều khuôn mặt người lớn, trẻ em nơi đây. Bà Vì Thị Tọm, người dân bản Áng 2 cho biết: “Cuộc sống nơi đây còn khó khăn lắm, mùa đông không có đủ quần áo ấm để mặc, trẻ đi học thì thiếu thốn sách vở. Đây là đoàn thiện nguyện đầu tiên đến bản, chúng tôi rất vui”. Bà Tọm đến đây cùng với hai cháu 5 và 6 tuổi của mình. Đã 61 tuổi, dù sức khoẻ yếu không lao động được nhưng bà Tọm vẫn phải nuôi hai cháu thay bố mẹ chúng đang đi tù vì tội vận chuyển trái phép chất ma tuý. Cuộc sống của ba bà cháu thiếu thốn đủ bề, bữa ăn hằng ngày cũng chỉ toàn rau, cháo. Những bữa ăn thiếu dinh dưỡng khiến hai cháu trông bé nhỏ, gầy gò như trẻ mới 4 tuổi. Vậy là mùa đông này, bà Tọm cùng hai cháu đã có thêm chăn, quần áo ấm, mì tôm cùng sách vở để các cháu yên tâm tới trường.

Cũng như bà Tọm, gia đình anh Hoàng Văn Thành cũng là một trong những hộ nghèo nhất của bản Áng 2. Do mắc bệnh đã lâu nên anh Thành không đủ sức khoẻ để lao động, gánh nặng nuôi chồng và hai con nhỏ mới 5 và 6 tuổi đổ dồn lên vai vợ anh. Cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, nương, thu nhập cả năm chỉ khoảng 5 triệu đồng. Anh Thành cùng gia đình sống trong ngôi nhà gỗ ọp ẹp rộng 30 m2 xây dựng đã hàng chục năm, lợp mái phi-brô-xi măng. Trong nhà chỉ có một chiếc giường, không còn tài sản nào đáng giá. Vui mừng vì được tặng quần áo, nhu yếu phẩm, anh Thành cho biết: “Tôi rất cảm ơn các bạn sinh viên, các nhà hảo tâm đã đến trao quà. Hy vọng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ thế này để giúp người dân bớt khổ”.

Có lẽ vui nhất trong chuyến đi thiện nguyện lần này là các bạn sinh viên bởi họ đã làm được những việc rất ý nghĩa. Em Lê Chung Thắng, sinh viên lớp 03 Việt Nam học cho biết: “Gia đình em có ba chị em, chị cả mắc bệnh bại liệt, bố em sức khoẻ yếu, em trai chỉ học hết THCS do gia đình không đủ điều kiện cho cả hai anh em đi học, mẹ bán rau ở chợ. Vì vậy, em rất muốn tham gia hoạt động thiện nguyện để chia sẻ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Chia bớt áo quần không làm mình lạnh đi mà tăng thêm hơi ấm, nhận thêm nụ cười. Mang những món quà quyên góp được đến với bà con dân bản, em thấy rất vui và hạnh phúc”.

Chuyến đi đã kết thúc nhưng dư âm của chuyến đi cũng như câu nói: “Chia bớt áo quần không làm mình lạnh đi mà tăng thêm hơi ấm, nhận thêm nụ cười” của Thắng, một bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã để lại trong tôi ấn tượng về vẻ đẹp tình người. Chương trình thiện nguyện tại bản Áng 2 nói riêng và nhiều chương trình thiện nguyện khác được các đoàn, hội, nhóm trong tỉnh thực hiện trong thời gian qua là nghĩa cử rất đáng trân trọng, nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cùng chung tay góp sức vì người nghèo ở mọi miền Tổ quốc.

Tác giả bài viết: VIỆT QUỲNH

Nguồn tin: www.baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây