Củng cố bộ máy 5 năm qua, hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) từ tỉnh đến cơ sở đã có diện mạo mới. Một trong những công trình trọng điểm đó chính là Bệnh viện Nhi Hải Dương khang trang, hiện đại, đã đi vào hoạt động, thuộc nhóm đầu so với các bệnh viện cùng chuyên khoa trong khu vực. Tách ra từ một khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi được thành lập và hoạt động ở khu nhà cũ, chật chội. Sau gần 5 năm, từ ngày 1-6-2015, bệnh viện mới trên khuôn viên rộng hơn 57.000 m2, gồm 3 khối nhà liên hoàn đã được đưa vào sử dụng. Trong đó khối nhà 8 tầng với quy mô gần 500 giường bệnh, khối nhà 2 tầng và 3 tầng được bố trí làm khu khám bệnh, cận lâm sàng, hành chính. Với cơ sở vật chất khang trang, Bệnh viện Nhi Hải Dương đang từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương và được chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị nhi khoa. Không chỉ giải quyết được bài toán quá tải mà tương lai chắc chắn trẻ em trong và ngoài tỉnh sẽ được thụ hưởng chất lượng KCB ngày càng tốt hơn. Ngoài Bệnh viện Nhi Hải Dương, các bệnh viện chuyên khoa Phụ sản, Mắt và Da liễu cũng được thành lập. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công trình KCB ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Dương, Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Tim mạch (thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị theo mô hình bệnh tật mới và nhu cầu KCB của người dân. Tất cả các bệnh viện tuyến huyện được nâng cấp, trong đó mỗi nơi được xây mới 1 khối nhà 3 tầng. Một nét mới nổi bật nữa của ngành y tế là thu hút thành công đội ngũ bác sĩ về công tác tại tuyến huyện, tuyến xã. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định xét tuyển đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ và chế độ chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã. Mỗi bác sĩ, dược sĩ đại học sau khi ra trường về trạm y tế xã công tác lâu dài được hỗ trợ một lần với mức 90 triệu đồng, về huyện công tác được hỗ trợ từ 70-80 triệu đồng tùy theo huyện xa hay gần trung tâm tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 16 cán bộ các trạm y tế xã cử đi học bác sĩ, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 61 sinh viên tại các trường đại học y dược cam kết sau khi ra trường về tỉnh làm việc và thu hút được 57 bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại tuyến huyện, tuyến xã. Qua đó đã góp phần tăng dần tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân mỗi năm, từ 6,0 (năm 2010) lên 7,9 (năm 2015). 421 bác sĩ có trình độ trên đại học với 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ, 108 thạc sĩ, 40 bác sĩ chuyên khoa II, 269 bác sĩ chuyên khoa I. Tỷ lệ xã có bác sĩ cũng tăng từ 64,2% (năm 2010) lên 80% (năm 2015). Tất cả các trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Theo đồng chí Đoàn Mạnh Tiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, với các chính sách tích cực trên, chỉ 1-2 năm nữa tỉnh ta sẽ có đủ bác sĩ công tác tại tuyến huyện, tuyến xã. Hơn nữa, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài vừa được phê duyệt cũng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ y tế được nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn kỹ thuật. Tạo sự hài lòng cho người bệnh Những nguồn lực trên đã tạo đà mạnh mẽ cho các đơn vị nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Các bệnh viện đều được trang bị những thiết bị hiện đại, có chất lượng cao như hệ thống phẫu thuật nội soi, phẫu thuật cột sống... Các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học thế hệ mới, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như máy chụp X quang kỹ thuật số, máy chụp cắt lớp vi tính CT Scaner, máy siêu âm 3 chiều, 4 chiều, máy siêu lọc, máy định hướng chẩn đoán công nghệ cao DD FAOPRO, máy tán sỏi, máy điều trị laser, dàn máy mổ nội soi tiêu hóa, tiết niệu, sản khoa… đã nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB. Các cuộc chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến Trung ương với tuyến tỉnh, tuyến tỉnh với tuyến huyện thành công đã đưa nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào điều trị như tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kỹ thuật bơm sufactant nhân tạo cho trẻ đẻ non bị bệnh màng trong tại Bệnh viện Nhi Hải Dương… Trong 5 năm qua, các bệnh viện đã ứng dụng thành công và có hiệu quả 137 kỹ thuật mới, 35 kỹ thuật cao. Nhờ đó đã giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên các bệnh viện Trung ương từ 42% (năm 2011) xuống còn 27% (năm 2014), góp phần giảm chi phí cho người bệnh và giảm thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế. Người dân ngày càng tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của tỉnh nhà. Vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức ký cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh với tất cả các đơn vị trong ngành. Hoạt động này một lần nữa khẳng định quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” trong hoạt động KCB. Bởi ngay từ năm 2008, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", toàn ngành đã triển khai phong trào thực hiện quy tắc ứng xử của người cán bộ y tế do Bộ Y tế, Công đoàn ngành y tế Việt Nam phát động. Mỗi cán bộ y tế, mỗi tập thể đều ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử, thực hiện 12 điều y đức. Khắc ghi, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”, xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân, tập thể y, bác sĩ sẵn sàng quên mình để kịp thời giành lại sự sống cho người bệnh. Ngành y tế cũng thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng phần mềm trong quản lý KCB ngoại trú, quản lý tài chính, thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Qua đó đã giảm thời gian chờ đợi làm các thủ tục khám, xét nghiệm của bệnh nhân ngoại trú trung bình từ 6 giờ (năm 2011) xuống còn 4 giờ (năm 2014). Trên chặng đường phát triển, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Có những chỉ tiêu đã hoàn thành và đạt kết quả cao nhưng cũng còn những hạn chế. Hơn ai hết, mỗi cán bộ ngành y đều đang đau đáu làm sao để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. MINH HẠNH |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn