Nước sạch về làng Tháng 6-2015, Vĩnh Lập là xã cuối cùng của huyện Thanh Hà có nước sạch. Được người dân nhiệt tình hưởng ứng, chỉ sau vài tháng khởi công xây dựng, nguồn nước sạch đã tới khắp các thôn, xóm. Gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Thiệu Mỹ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước đây, anh Cường phải xây dựng 2 bể chứa, thường xuyên dự trữ 30 m3 nước. Khi có nước sạch về xã, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên đăng ký sử dụng. Anh Cường phấn khởi cho biết: “Trước đây dùng nước giếng khoan phải bơm lọc, khử phèn phức tạp lắm. Từ khi có nước sạch, mỗi tháng phải trả thêm một khoản tiền nhưng yên tâm hơn. Ở xóm tôi bây giờ ai cũng dùng nước sạch”. Thuộc diện nghèo của xã, trước đây mọi sinh hoạt của gia đình bà Lê Thị Nhời ở thôn Kiên Nhuệ phụ thuộc vào nguồn nước mưa và nước ao cạnh nhà. Lúc đầu còn do dự nhưng sau đó bà Nhời cũng cố vay mượn hơn 1 triệu đồng để có nước sạch sử dụng. “Có nước sạch nhà tôi không phải sử dụng nước ao nữa. Giá cả hợp lý lại dùng ít nên hằng tháng nhà tôi chỉ phải nộp từ 15.000-20.000 đồng thôi”, bà Nhời hồ hởi nói. Xã Vĩnh Lập có 1.585 hộ thì 97% số hộ đã dùng nước sạch. Chỉ còn một số hộ ở quá xa đường ống chưa dùng. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong suốt quá trình xây dựng, lắp đặt hệ thống nước sạch tại địa phương, người dân luôn đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng. Đến nay, chính quyền xã cũng chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào của bà con than phiền về chất lượng nước”. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng trong 5 năm qua, huyện Thanh Hà đã có thêm 9 trạm cấp nước sạch được xây dựng, đưa vào hoạt động, nâng tổng số lên 14 trạm cấp nước sạch trong huyện. Đến nay, gần 90% số người dân trong huyện đã sử dụng nước sạch, 13 trong tổng số 24 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Chung sức Theo các cơ quan chức năng, đến nay mạng lưới cấp nước sạch đã vươn tới 100% số xã trong tỉnh, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 85%. Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương là đơn vị chủ công tạo ra bước đột phá để người dân nông thôn có nước sạch trên diện rộng với chất lượng nước như thành phố. Năm 2010, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước của doanh nghiệp chỉ gồm khu vực TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, 7 trong tổng số 13 thị trấn ở các huyện và 1 xã nông thôn với tổng công suất 80.000 m3/ngày đêm. Thời gian qua, công ty đã đầu tư trên 700 tỷ đồng xây dựng các đường ống truyền tải cấp nước theo chuỗi vùng, theo quy hoạch, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới các dây chuyền sản xuất nước sạch. Đến nay, dịch vụ cấp nước của công ty đã phủ rộng đến toàn bộ các đô thị trong tỉnh và hơn 100 xã nông thôn với tổng công suất trên 160.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho gần 200.000 hộ khách hàng. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư xây dựng 62 công trình, cấp nước cho 105 xã. Sau khi các công trình trên hoàn thành, tỉnh đã giao cho Công ty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương quản lý, vận hành kinh doanh phục vụ nước sạch cho người dân khu vực nông thôn. Hiện nay, trong tổng số 26 nhà máy sản xuất, kinh doanh nước do công ty quản lý, đã có 6 nhà máy chất lượng nước đạt quy chuẩn 02/2009/BYT của Bộ Y tế, các nhà máy còn lại cũng đạt chất lượng nước sạch theo Quy chuẩn 01/2009/BYT của Bộ Y tế. Ông Vũ Văn Đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương cho biết: “Công ty đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương, phấn đấu đến giữa năm 2016 sẽ chuyển đổi xong nguồn nước để 51 xã với trên 80.000 khách hàng công ty đang phục vụ đều được hưởng nguồn nước sạch đạt Quy chuẩn 01/2009/BYT của Bộ Y tế”. 24 doanh nghiệp tư nhân thuộc Hội Các doanh nghiệp cấp nước sạch nông thôn tỉnh Hải Dương cũng nỗ lực vượt khó, chung tay đưa nước sạch về các vùng quê. Đến nay, các doanh nghiệp đã tiếp nhận 21 trạm cấp nước do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư để cấp nước cho 21 xã. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đầu tư nâng cấp trạm xử lý để mở rộng phạm vi cấp nước thêm cho nhiều xã lân cận. Các doanh nghiệp này đang khai thác 26 trạm sản xuất nước với tổng công suất trên 71.000 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 95.000 hộ dân ở 76 xã. Nước sạch về đến khắp các xã trong tỉnh, đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng nông thôn mới. TRẦN HOÀNG |
Nguồn tin: Báo Hải Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn