San phẳng một góc di tích để xây... khu nghỉ dưỡng

Thứ bảy - 24/10/2015 14:58 - 2333 lượt xem
Mua lại đất giao khoán, 2 cá nhân dựng lên tấm biển “Trung tâm Khí công và Dạy nghề nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ Hà Nội rồi san phẳng gần 2ha cây ăn quả trong Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để xây dựng trái phép khu nghỉ dưỡng.

Phá vườn xây nhà trong khu di tích

Được biết, năm 1996, Lâm trường Chí Linh giao khoán cho bà Đỗ Thị Bạch Mai 4ha đất để trồng cây ăn quả. Hiện tại đơn vị quản lý khu vực rừng thị xã Chí Linh là Ban quản lý rừng Hải Dương, trực thuộc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên đến năm 2007, bà Đỗ Thị Bạch Mai đã tự ý phá bỏ 1ha cây ăn quả để xây dựng 2 nhà cấp 4 cùng 7 nhà tôn sắt, 7 chòi nhựa tại khu Hố Sâu (khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh), nằm trong khu quy hoạch di tích. Đến năm 2014, bà Mai chuyển quyền nhận khoán cho bà Đặng Thị Vượng (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) diện tích 1ha đất đã có các công trình xây dựng trên theo hợp đồng giao khoán.

san phang mot goc di tich quoc gia lam... khu nghi duong hinh anh 1

Đại công trường đang xây dựng dở dang bên phần đất của bà Thủy. Ảnh: Anh Tuấn

Nằm liền dải đất của bà Vượng tiếp quyền chuyển nhượng là 0,5ha cây ăn quả của bà Trần Thị Thu Thủy theo hợp đồng giao khoán với ông Đỗ Năm. Năm 1999, ông Đỗ Năm được Lâm trường Chí Linh giao khoán trồng cây ăn quả trên mảnh đất này.

Theo Ban quản lý rừng Hải Dương, ngày 4.5.2015 bà Thủy bắt đầu chặt bỏ cây ăn quả. Từ đó tới nay, bà Thủy đã xây bể lớn rộng 4,5m2 - sâu 2,9m, diện tích khung sắt nhà màn phủ bạt vòng trong và ngoài rộng gần 400m2.

Ghi nhận thực tế của PV NTNN trong ngày 4.9, tại 2 mảnh đất hiện do bà Đặng Thị Vượng và Trần Thị Thu Thủy sở hữu, nằm liền nhau được ngăn cách bởi tấm biển có dòng chữ Khu tu dưỡng Chí Linh – Nhật Quang, Chương trình nghiên cứu – đào tạo – nuôi trồng chế biến thuốc Nam Đông y, trực thuộc Trung tâm Khí công và Dạy nghề nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ Hà Nội).

Làm ngơ cho sai phạm

Trao đổi với PV, một người đàn ông trông coi các công trình ở đây cho biết, tuy là 2 mảnh đất của 2 chủ, nhưng được gộp lại để xây dựng thành 1 khu nghỉ dưỡng cho khách đến luyện khí công và trồng cây thuốc Nam. Khu nghỉ dưỡng được bao quanh là rừng thông nên không khí ở đây rất trong lành. Tại khu đất của bà Vượng, PV cũng ghi nhận thêm nhiều ngôi nhà cấp 4 và 1 hồ nước rộng cả trăm mét vuông kèm 2 nhà chòi được xây dựng bằng bê tông kiên cố.

Để xây dựng khu nghỉ dưỡng, hàng loạt xe tải vận chuyển vật liệu phải đi theo lối vào có trạm kiểm soát của Ban quản lý khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Trụ sở của Ban quản lý rừng Hải Dương và Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cách vị trí đang xây dựng khoảng vài trăm mét.

Ngay sau đó, ngày 5.5.2015 Trạm quản lý rừng Côn Sơn - Kiếp Bạc (Ban quản lý rừng Hải Dương) lập biên bản yêu cầu dừng chặt phá cây ăn quả vì vi phạm hợp đồng nhận khoán và yêu bà Thủy phải trồng hoàn trả số cây đã chặt bỏ.

Một điều khó hiểu là ngày 24.6.2015, Trạm quản lý rừng Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng đội trật tự quản lý đô thị thị xã Chí Linh và phường Cộng Hòa đến lập biên bản đình chỉ thi công nhưng sau đó bà Thủy vẫn tiếp tục thi công. Ngày 17.8.2015, Ban quản lý rừng Hải Dương đã ra quyết định thu hồi hợp đồng nhận khoán của bà Thủy và bà Vượng. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, công trình vi phạm của 2 hộ vẫn còn nguyên. Bà Vượng vẫn chưa chịu nộp tiền bị xử phạt. Còn bà Thủy vẫn chưa có quyết định xử lý.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Lưu - Giám đốc Ban quản lý rừng Hải Dương thừa nhận, để công trình xây dựng trái phép trong khu vực di tích quốc gia thuộc về trách nhiệm của Ban quản lý rừng Hải Dương và Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hóa – Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết: Việc xây dựng khu tu dưỡng trong vùng di tích lịch sử đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc là trái phép nên văn phòng UBND thị xã đã có chỉ đạo bằng văn bản, yêu cầu đội trật tự xây dựng, UBND xã Cộng Hòa phải xử lý nghiêm.

Tấm biển được dựng tại công trình xây dựng trái phép trong khu di tích cấp quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc.   Ảnh: A.T

Căn cứ vào các biên bản xử lý, UBND thị xã đã ra quyết định phạt 22,5 triệu đồng đối với bà Đặng Thị Vượng, trú tại phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông Hóa cũng cho rằng, công trình xây dựng trái phép nằm trong vùng đất quản lý của Ban quản lý rừng Hải Dương, thuộc Sở NNPTNT tỉnh nên UBND thị xã báo cáo lên tỉnh giải quyết. Hiện tại, phía thị xã cũng đã yêu cầu cơ quan công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ.

Còn ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương khẳng định: Mặc dù nằm trong khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc nhưng khu vực xây dựng sai phạm thuộc vào đất nông nghiệp nên trách nhiệm xử lý, giải tỏa phải là chính quyền thị xã Chí Linh. Là cơ quan quản lý nhà nước Ban quản lý rừng Hải Dương trực thuộc Sở NNPTNT Hải Dương cũng phải chịu trách nhiệm do phát hiện chậm, đôn đốc xử lý kém dẫn đế hậu quả nghiêm trọng. Việc công bố quy hoạch khu di tích Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phải nắm rõ nhất. Do đó, ban quản lý di tích cũng bị liên đới trách nhiệm.

Trực tiếp đến kiểm tra khu vực sai phạm, ông Phú cũng nhấn mạnh, công trình này cứ để như vậy quả thực rất ngang tai, trái mắt và thách thức pháp luật do vậy cần phải được xử lý nghiêm. Ông Phú cũng yêu cầu Ban quản lý rừng phải tự kiểm điểm, trên cơ sở đó sẽ xử lý các cá nhân liên quan.

Chiều 8.9, ông Bùi Đoàn Thể  Phó Ban quản lý rừng Hải Dương thông tin: Rất nhiều biên bản, quyết định đã được chuyển qua đường bưu điện tới 2 người vi phạm (bà Vượng và bà Thủy-NV) yêu cầu họ phải thực hiện biện pháp khắc phục, tháo dỡ công trình đã xây dựng nhưng đều bị chuyển trả vì địa chỉ không đúng. Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng của thị xã Chí Linh về Hà Nội để tìm 2 bà này.

 

Ông Nguyễn Xuân Quý - Chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ Hà Nội cho biết: Đến thời điểm hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Hà Nội chỉ cấp phép cho 1 Trung tâm Khí công ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Do vậy, tấm biển dựng tại Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là không chính xác. Đề nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm. Riêng Hội sẽ tổ chức họp các trung tâm liên quan trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Hà Nội để kiểm tra, nếu trung tâm nào có sai phạm sẽ cho giải thể ngay. 

 

Ngày 18.6.2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 2012, Khu di tích lịch sử - văn hóa này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.  

 


HOÀNG ANH TUẤN- DV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây