"Lộn xộn" khai thác khoáng sản ở Chí Linh

Thứ bảy - 24/10/2015 15:06 - 2571 lượt xem
- Cuộc sống của người dân phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh (Hải Dương), nơi được giới thiệu là Khu đô thị mới hiện đại, đang bị ảnh hưởng, xáo trộn bởi sự “lộn xộn” trong việc tận thu, khai thác khoáng sản.
 
“Việc tận thu khai thác khoáng sản đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân chúng tôi ở đây. Ruộng đã thu hồi, được đền bù để xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Công an thị xã nhưng không hiểu sao, họ lại đào bới, ngày đêm máy hút cát ầm ầm khiến nhiều hộ ở gần mất ăn, mất ngủ…” – ông Nguyễn Duy Thưởng,  ở khu dân cư Lôi Động, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh dẫn chúng tôi lên tầng hai ngôi nhà để cho thấy rõ hơn việc khai thác khoáng sản. Ông Thưởng nói: “Họ làm gì là quyền của họ, chúng tôi cũng chịu bởi ruộng đã không thuộc các hộ dân quản lý, nhưng cũng nên nghĩ đến lợi ích của người dân sinh sống ở đây. Bởi những hố hút cát sâu hoắm đã làm cạn kiệt nước giếng sinh hoạt của các hộ dân, đường sá đi lại có nguy cơ bị sạt lở. Nhiều nhà ở gần còn nứt sân, tường không biết có phải do ảnh hưởng của việc khai thác này không?”.
 
Người dân, chính quyền đều phản đối
“Khi thu hồi ruộng của dân, Công an thị xã Chí Linh yêu cầu mọi người nhanh chóng bàn giao ruộng để xây dựng trụ sở, nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ vì mục đích an ninh – quốc phòng. Người dân chúng tôi đều đồng thuận cao và các cơ quan chức năng cho biết sau 20 ngày công trình tiến hành thi công nhưng đến nay đã gần 1 năm trời, ruộng của người dân thành đại công trường đào bới lên lấy đất, cát để bán” – ông Nguyễn Quang Dực sinh sống cùng khu dân cư với ông Thưởng cũng rất bức xúc trình bày với phóng viên.  Ông Dực cho biết: Đất cát chảy ra đường, lấp đầy sông, suối… cản trở giao thông đi lại. Nhà ông có trên 1 sào ruộng gần khu khai thác đất, cát mỗi khi đến vụ canh tác lại phải mất nhiều công sức để xúc lớp cát, đất sét phủ trên bề mặt.
Dù quy định chỉ được dùng máy xúc thủy lực gầu ngược, tận thu khoáng sản nhưng cơ sở Dự án làm trụ sở Công an thị xã Chí Linh đã dùng máy hút cát công suất lớn.
Khai thác khoáng sản kiểu “bát nháo”
Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho biết ý kiến: “Việc cho phép tận thu, khai thác khoáng sản trên địa bàn, khiến cho chính quyền cơ sở chịu rất nhiều ảnh hưởng tác động về môi trường, công trình giao thông, ruộng đất của người dân… nhiều đơn vị, doanh nghiệp “mượn gió bẻ măng” tuy đã hết hạn khai thác nhưng vẫn lén lút làm trộm, vi phạm về Luật Khoáng sản nhưng với quyền hạn, nhiệm vụ được giao cấp phường chỉ giải quyết được ở phạm vi cho phép. Phường cũng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các cơ sở khai thác chấp hành về bảo vệ môi trường, thực hiện đảm bảo khai thác theo quy định nhưng “đâu lại vào đấy” vì không thể thường xuyên kiểm tra. Nhiều đơn vị khai thác trên địa bàn không báo cáo, trình các thủ tục có liên quan nên phường khó khăn trong việc theo dõi”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện trên địa bàn phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh (Hải Dương) có 15 cơ sở hoạt động khai thác, chế biến đất sét, sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu chịu lửa.
Trong số các cơ sở này, hiện có 6 cơ sở sử dụng đất đã có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, 9 cơ sở sử dụng đất chưa được chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh (trong đó có 2  cơ sở sử dụng đất thổ cư, 7 cơ sở sử dụng đất nông nghiệp). Nhiều các cơ sở đang hoạt động khai thác khoáng sản nhưng không chấp hành về bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và canh tác của người dân. Trong đó, cơ sở sản xuất kinh doanh khi chuyển địa điểm triển khai dự án khai thác mới, không làm lại đánh giá tác động môi trường và do vướng mắc về đất đai chưa làm thủ tục chuyển đổi và đã hết phép khai thác chuyển sang kinh doanh theo hình thức khác… Chủ yếu các cơ sở khi vận chuyển đất, cát làm vương vãi hư hại giao thông; gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình khai thác làm sạt lở ruộng, kênh mương dẫn nước; phơi các nguyên vật liệu sát đường và không thết kế đường xe ra vào vận chuyển hàng hóa nên thường để bánh xe kéo nguyên vật liệu ra đường làm ảnh hưởng trật tự giao thông.
Một hộ dân gần khu khai thác khoáng sản phản ánh việc tường xây bị nứt
Như vậy có thể nói hiện nay, việc tận thu, khai thác khoáng sản ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh đang diễn ra hết sức “bát nháo”, với 9 cơ sở sử dụng đất sai mục đích theo quy định của pháp luật chưa chuyển sang đất sản xuất kinh doanh, gồm: Cơ sở Thúy Sơn, Công ty Cổ phần Tâm Anh Linh, hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Vui, Hợp tác xã Thương mại Thương mại Côn Sơn, Công ty sản xuất Thương mại Trúc Thôn, Cơ sở chế biến đất sét ông Hoàng Hữu Vàng, Công ty Cổ phần Tâm Thành và Công ty Sản xuất Thương mại Đại Việt, Công ty Đại Thành.Đặc biệt, dự án xây dựng trụ sở làm việc Công an thị xã Chí Linh đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép tận thu khoáng sản nhưng chưa tiến hành làm thủ tục bảo vệ môi trường. Trong khi đó, việc tận thu khai thác khoáng sản ở đây sắp hết hạn cấp phép.
Trong 15 cơ sở hiện đang hoạt động khai thác, chế biến đất sét, sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu chịu lửa thì có đến 10 cơ sở chưa triển khai làm kế hoạch bảo vệ môi trường. Nhiều cơ sở khai thác đã không tuân thủ theo quy định về: Phương pháp, thiết bị thi công theo quy định, như: Sử dụng máy xúc thủy lực gầu ngược, kết hợp với ô tô tự đổ 10 – 13 tấn mà tận thu cát đã dùng máy hút công suất lớn.
Những đống cát cao như quả núi chảy ra đường, ruộng làm ảnh hưởng sản xuất và đi lại của người dân
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương thì hiện trên địa bàn phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh chỉ có 4 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Một đơn vị được cấp phép tận thu khoáng sản nhưng đến nay đã hết hạn, còn việc các hộ sử dụng sai mục đích đất, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, không chấp hành về bảo vệ tài nguyên môi trường thì trách nhiệm không thuộc riêng ai mà từ chính quyền cơ sở, đến thị xã, tỉnh và cơ quan, ban, ngành liên quan. Theo đánh giá của phường Cộng Hòa, việc không chấp hành về luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, cơ sở đã dẫn đến “hệ lụy” làm cho người dân bức xúc, phản ánh nhiều lần… Có đơn vị đã hết hạn giấy phép khai thác vẫn lén lút hoạt động như Công ty Trường Linh. Công ty này làm hư hỏng mương thoát nước tại khu vực Thông Cống, Tân Tiến và một đoạn đường bê tông từ năm 2014 nhưng vẫn chưa khắc phục cho dân ổn định sản xuất. Nhiều hộ dân trên địa bàn phường đang gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp bị thất thu và nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, đi lại khó khăn…

Theo Báo TN&MT
Bài & ảnh: Phạm Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây