Chí Linh – Hải Dương: Loạn khai thác sét

Thứ năm - 29/10/2015 15:27 - 3211 lượt xem
Nạn khai thác sét ở TX. Chí Linh vẫn thách thức chính quyền.
Nạn khai thác sét ở TX. Chí Linh vẫn thách thức chính quyền.
Báo TN&MT nhận được thông tin phản ánh TX. Chí Linh đang diễn ra hoạt động khai thác, chế biến đất sét, sản xuất vật liệu chịu lửa… gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều tổ chức, cơ sở không có giấy phép cũng tham gia khai thác, hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tổ chức khai thác công khai, khiến người dân bức xúc.


Vào điểm nóng…

Phường Cộng Hoà, TX. Chí Linh hiện tại được người dân phản ánh là điểm nóng của việc khai thác, chế biến và tập kết sét, vật liệu chịu lửa lớn nhất của Chí Linh. Có mặt tại KĐT phường Cộng Hòa, nơi đây hoạt động khai thác, vận chuyển và tập kết khoáng sản diễn ra rất công khai, lượng xe “hổ vồ” ra vào “ăn hàng” và nhả hàng liên tục.  Đó là xe của Công ty Trường Linh, Công ty Đồng Anh… ngoài ra còn nhiều xe tải lớn khác đang thi nhau cày sới cung đường đô thị, bụi bay mù mịt theo gió vào khu dân cư, cây cối hai ven đường được khoác trên mình “chiếc áo” bụi trắng xóa. Nhiều người dân cho hay: Xe chạy suốt ngày đêm, tiếng ồn, bụi bặm thi nhau hành người dân. Điều lạ xe chạy như vậy mà không thấy lực lượng chức năng vào kiểm tra, ngăn chặn hoặc xử phạt gì, không lẽ những xe “hổ vồ” này được ngụy trang kín đáo nên lực lượng chức năng không phát hiện ra?!

Nạn khai thác sét ở TX. Chí Linh vẫn thách thức chính quyền.
Nạn khai thác sét ở TX. Chí Linh vẫn thách thức chính quyền.

Theo phản ánh của người dân quanh khu vực này, có thời điểm trên địa bàn Thị xã có hàng chục điểm khai thác lậu. Chỉ tính riêng một phường Cộng Hòa, có lúc có tới hai chục điểm khai thác đất sét, đất đồi, tập trung ở các khu dân cư Cầu Dòng, Lôi Động, Bích Động (xã Tân Tiến), Trúc Cương, Trúc Thôn... và nhiều xã, phường khác như Hoàng Tân, Bến Tắm, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Hưng Đạo, Phả Lại, Văn An, Kênh Giang tình trạng khai thác cũng đang nhộn nhịp không kém...

Điều tra cụ thể hơn, phóng viên được biết, hiện Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Trường Linh, Công ty CP Trúc Thôn đã không quản lý tốt diện tích được khai thác, dẫn tới tình trạng khai thác đất sét ồ ạt, ngoài diện tích cấp phép. Một số doanh nghiệp tư nhân lợi dụng vào thời gian đợi gia hạn giấy phép nhiều cá nhân đã biến nơi đây thành “thánh địa” riêng của gia đình để khai thác và bán vô tội vạ. Một quản lí của HTX Thương mại Côn Sơn thừa nhận, HTX không có mỏ sét được cấp phép, chúng tôi mua lại của Công ty Trúc Thôn về sơ chế, đóng bao tải bán cho các nhà máy gốm, xi măng ở miền Bắc. Khi chúng tôi hỏi HTX có mua đất sét trôi nổi trên địa bàn về sơ chế không, vị này ấp úng và đánh lảng sang vấn đề khác. Còn theo nguồn tin riêng thu thập được, hiện hầu hết các cơ sở sơ chế nhỏ lẻ và thậm chí cả doanh nghiệp lớn cũng “thích” mua sét trôi nổi về sản xuất, chế biến, bởi trên thực tế việc này họ có thể lách thuế đóng cho nhà nước và đem lại lợi nhuận lớn, việc này cũng vô hình dung họ đang tiếp tay cho “sét tặc” hoành hành.

Cơ sở Sơ chế đất sét “tạm bợ” của HTX thương mại Côn Sơn
Cơ sở Sơ chế đất sét “tạm bợ” của HTX thương mại Côn Sơn

Trong khi đó, một lãnh đạo phường Cộng Hòa cho biết, ngoài việc tuyên truyền, phường còn tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không bán đất ruộng, đất đồi rừng cho các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khai thác khoáng sản. Đồng thời, phường rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ bán đất để đề nghị cấp trên thu hồi đất. Đặt các trạm chốt ở Cầu Dòng, Bích Động, Lôi Động, xây hai mố ở các tuyến đường để không cho xe có trọng tải lớn đi vào. Đặc biệt, phường đã đẩy mạnh biện pháp bắt, xử lý, phạt tiền các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép.

Ông Dương Văn Sinh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã cho biết: Các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép thường hoạt động vào ban đêm và có cảnh giới từ xa, khi phát hiện cơ quan chức năng đi kiểm tra, đã thông tin cho nhau rút chạy khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Từ đầu năm tới nay đã phát hiện hàng chục vụ và xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Đặc biệt, thực hiện theo tinh thần Nghị định số 142/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, mức xử phạt tăng nên nhiều vụ vi phạm đã bị phạt từ 20-50 triệu đồng, góp phần răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết có tới 15 cơ sở, HTX, doanh nghiệp có hoạt động khai thác, chế biến đất sét, vật liệu chịu lửa đang hoạt động tai đây. Trong đó, chỉ một số ít là có giấy phép còn lại là khai thác lậu, và không chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản(gần 10 cơ sở) như không có báo cáo đánh giá môi trường, quan trắc môi trường... Thậm chí có doanh nghiệp giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn “hồn nhiên” tổ chức khai thác, chế biến đất sét. Nhiều cơ sở khai thác đã không tuân thủ theo quy định về: Phương pháp, thiết bị thi công theo quy định, như: Sử dụng máy xúc thủy lực gầu ngược, kết hợp với ô tô tự đổ 10 – 13 tấn mà tận thu cát đã dùng máy hút công suất lớn.

Theo đánh giá của phường Cộng Hòa, việc không chấp hành về luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, cơ sở đã làm cho người dân bức xúc, phản ánh nhiều lần… Có đơn vị đã hết hạn giấy phép khai thác vẫn lén lút hoạt động. Rồi chính Công ty này đã làm hư hỏng mương thoát nước tại khu vực Thông Cống, Tân Tiến và    đoạn đường bê tông dân sinh nhưng vẫn chưa khắc phục cho người dân để ổn định sản xuất, đi lại. Nhiều hộ dân trên địa bàn phường đang gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp bị thất thu và nguồn nước sinh hoạt khan hiếm…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Dương Văn Sinh cho hay: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã yêu cầu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản phải có giấy phép của UBND tỉnh mới được tiến hành khai thác. Trong quá trình khai thác, các đơn vị phải tuân thủ đúng giấy phép đã được phê duyệt, xây dựng đề án bảo vệ môi trường, hoàn thổ, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đầy đủ với các cơ quan chức năng. Phòng cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thanh kiểm tra, đấu tranh quyết liệt nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường thời gian gần đây giảm đi đáng kể. Tuy nhiên nhiều vụ việc phức tạp, vượt ra khỏi tầm kiểm soát, chức năng nhiệm vụ của Phòng nên rất mong Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường kiên quyết vào cuộc xử lí dứt điểm.

Doãn Xuân – Mạnh Hưng 

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây