Từ năm 2007, người dân ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hưng Đạo, Văn Đức và Kênh Giang (Chí Linh) được vay vốn của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo Quyết định số 1049 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ còn duy nhất xã Kênh Giang được tiếp tục vay vốn của chương trình này. Vì vậy, rất nhiều hộ dân ở 4 xã còn lại không có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Thiếu vốn
Thực hiện Quyết định 30/2007/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cho các hộ vay vốn theo cơ chế đặc thù để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), từ tháng 3-2007, Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Chí Linh thông qua các tổ chức, đoàn thể tiến hành giải ngân nguồn vốn cho trên 1.000 hộ dân thuộc 5 xã: Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hưng Đạo, Văn Đức và Kênh Giang. Theo quyết định này, tất cả các hộ dân có hộ khẩu hoặc có cơ sở SXKD ổn định, lâu dài ở các xã trên đều được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn của chương trình đã giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, theo Quyết định 1049/QĐ -TTg ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ còn xã Kênh Giang tiếp tục được hưởng nguồn vốn của chương trình.
Từ năm 2010, anh Lục Văn Thành ở thôn Bãi Thảo 1 (xã Bắc An) được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn này. Cùng với vốn của gia đình, anh Thành đã xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà và trồng keo, vải trên diện tích gần 20 ha. Sau một năm chăn nuôi thắng lợi, anh Thành huy động thêm vốn mua 1 ô tô tải để buôn bán và tiêu thụ nông sản cho bà con trong vùng, đồng thời phục vụ nhu cầu của gia đình. Đến giữa năm 2014, anh Thành đã trả hết nợ gốc và lãi vay. Hiện tại, anh Thành mong muốn tiếp tục được vay vốn phát triển kinh tế gia đình nhưng không được giải quyết do địa phương của anh không còn thuộc vùng khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng như gia đình anh Thành, gia đình chị Hoàng Thị Thủy ở thôn Kênh Mai 2 (xã Văn Đức) không còn tiếp tục được vay vốn do xã Văn Đức đã ra khỏi danh sách các xã vùng khó khăn. Trước đó, năm 2011, chị Thủy được vay 30 triệu đồng của PGD Ngân hàng CSXH thị xã Chí Linh. Từ số tiền này, vợ chồng chị Thủy mua thêm lợn giống cho trang trại có sẵn của gia đình. Mặc dù số tiền được vay không lớn nhưng khoản tiền này đã giúp vợ chồng chị giảm bớt chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi. Hiện tại, với gần chục con lợn nái, gia đình chị Thủy dự định giữ lại số lợn con sắp sinh để phát triển đàn lợn thịt. Ngoài ra, vợ chồng chị còn có ý định tăng số lượng đàn gà, vịt trong trang trại. Ngày 11-9-2015, khi chị Thủy trả hết nợ cho ngân hàng cũng là lúc chị không được vay tiếp. "Do chưa có vốn nên ý định này của vợ chồng tôi tạm thời gác lại. Tôi rất muốn tiếp tục được vay vốn của chương trình. Có vốn, tôi có thể mở rộng đàn lợn thịt, tăng số lượng đàn gà, vịt và trả tiền cho đại lý thức ăn chăn nuôi để mua được thức ăn giá rẻ, giảm bớt chi phí đầu vào", chị Thủy cho biết.
Cần tháo gỡ
Ông Lê Bình, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH thị xã Chí Linh cho biết, từ khi triển khai chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn, đã có 1.490 hộ thuộc 5 xã của Chí Linh được vay vốn để đầu tư SXKD, phát triển dịch vụ thương mại với tổng dư nợ trên 37 tỷ đồng (thời điểm tháng 6 - 2014). Khi Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, trên 1.000 hộ dân không tiếp tục được vay nguồn vốn. Muốn tiếp tục được vay, các hộ phải nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong số những hộ đã đáo nợ, không phải hộ nào cũng đủ điều kiện để vay tiếp. Nhiều hộ dân không kịp xoay xở nên thiếu vốn duy trì sản xuất, ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn một năm thu nợ, đến hết ngày 30-8-2015, dư nợ của chương trình chỉ còn khoảng 17 tỷ đồng. Như vậy, 20 tỷ đồng của chương trình trước kia được luân chuyển phục vụ SXKD của người dân, nay phải thu lại phục vụ cho các chương trình khác, trong khi nhu cầu vay vốn của các hộ vẫn rất lớn.
Để tháo gỡ khó khăn này, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các hộ dân vay từ các chương trình khác, chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp tìm và tạo nguồn vốn mới cho các hộ dân tiếp cận. Bổ sung vốn từ ngân sách địa phương cho các hộ dân vùng khó khăn vay cũng là một giải pháp cần được tính đến. Do việc sử dụng vốn bổ sung từ ngân sách địa phương thông thoáng hơn, không bị bó buộc bởi các quy định chung nên cơ hội để người dân tiếp cận nguồn vốn này cũng dễ dàng hơn. Chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh thống nhất cơ chế vay vốn cụ thể trong những năm tiếp theo, giúp các hộ dân vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn