Mảnh đất Chí Linh

Thứ năm - 29/10/2015 15:03 - 5098 lượt xem
Đền thờ thầy giáo Chu Văn An
Đền thờ thầy giáo Chu Văn An

1. Vị trí địa lý.Chí Linh là một thị xã ở phía đông bắc tỉnh  Hải Dương, nằm giữa miền rừng núi phía đông bắc Bắc Bộ và miền đồng bằng của châu thổ sông Hồng. 
- Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang;
- Phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh;
- Phía Đông giáp huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh;
- Phía Nam giáp các huyện: Nam Sách, Kinh Môn.
 Chí Linh có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế. Có nhiều đường giao thông quan trọng chạy qua: quốc lộ 18 là đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, chạy qua địa bàn huyện 20 km; quốc lộ 183 nối Chí Linh với thành phố Hải Dương và quốc lộ 5 nối Chí Linh với thành phố Hải Phòng. Đ­ường 37 là đường vành đai chiến l­ược quốc gia từ trung tâm huyện đi Bắc Giang. Về đ­ường thuỷ, huyện có 40 km đ­ường sông với 3 con sông bao bọc là sông Kinh Thầy, sông Thương, sông Đồng Mai.
Những đặc điểm riêng về địa lý đã tạo cho Chí Linh có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng.
Mùa xuân năm 981, An Lạc – Chí Linh được Lê Hoàn chọn làm một hậu cứ bảo vệ phòng tuyến chống quân xâm lược Tống.
Thời Lý và thời Trần, Chí Linh đều đ­ược đặt làm căn cứ quân sự trong thế trận phòng tuyến sông Cầu của Lý Thường Kiệt và thế trận quyết chiến chiến lược của Trần Hưng Đạo.
Đặc biệt  Vạn Kiếp với ba mặt núi non bao bọc, nằm sát sông Thương, ở phía tây bắc huyện đã trở thành đại bản doanh của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287). Chính bọn giặc Mông – Nguyên cũng chọn Chí Linh làm bàn đạp để tấn công kinh đô Thăng Long. Nơi đây nhà Mạc cũng đã lập một căn cứ để chống lại tập đoàn phong kiến Lê- Trịnh.
Khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo (Thế Kỷ XV) ở giai đoạn kết thúc, Chí Linh là một trong những tụ điểm liên hoàn quan trọng trong chiến dịch Chi Lăng – X­ương Giang (tháng 10 năm 1427) – Chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1789, khi đưa quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh, Nguyễn Huệ đã cử Đô đốc Lộc chỉ huy một đạo quân theo đ­ường sông Thái Bình đến Lục Đầu giang chiếm giữ Chí Linh cùng một số vùng khác để chặn đ­ường rút lui của giặc.
Thời giặc Pháp mới sang xâm l­ược n­ước ta, nghĩa quân Đốc Tít (tức Nguyễn Đức Hiệu) đã chọn Chí Linh, Đông Triều, Kim Môn và các vùng lân cận làm căn cứ hoạt động chính.
Riêng Phả Lại – một vị trí án ngữ quan trọng bên sông Lục Đầu nằm ở phía tây của huyện đ­ược thực dân Pháp rất coi trọng. Ngày 20 tháng 2 năm 1884  tên trung t­ướng Mi- ô chỉ huy lữ đoàn Pháp khi vừa đặt chân đến Hà Nội, đã tổ chức chiếm ngay vị trí này. Ngày 5 tháng 4 năm 1890 giặc Pháp cho lập tiểu Quân khu Phả Lại,  đặt thủ phủ của đạo quan binh 1 ở đây để chống lại phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta ở Hải D­ương, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Cuối năm 1927 Hội Việt Nam dân quốc (lúc chư­a gia nhập Việt Nam quốc dân đảng) do Nguyễn Khắc Nhu- một nhà nho yêu n­ước đứng đầu cũng đã dự định tổ chức một cuộc bạo động nhằm đánh chiếm đồn binh Pháp ở Phả Lại - Bắc Ninh- Đáp Cầu để làm căn cứ phát triển lực l­ượng và xuất phát hành động. Từ cuối năm 1927 đến tháng 2 năm 1930 Chí Linh trở thành một trong những căn cứ hoạt động chính của Việt Nam Quốc dânĐảng do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo.
Đầu năm 1930 Phả Lại còn là một trong những điểm mà Việt Nam Quốc dân Đảng nhiều lần định tổ chức đánh úp bọn thực dân Pháp.
Cuối tháng 2 năm 1930 Nguyễn Thái Học bị bắt ở thôn Cổ Vịt-  xã Cộng Hoà,  Chí Linh là nơi chứng kiến những hoạt động cuối cùng của ng­ời lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng.
Như vậy về vị trí địa lý Chí Linh có nhiều thuận lợi trong giao l­ưu kinh tế , tiếp cận nhanh với thị trư­ờng trong vùng và cả nư­ớc; Về vị trí quốc phòng Chí Linh là ranh giới giữa vùng núi Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ nên có một tầm quan trọng đặc biệt trong chiến l­ược phòng thủ quốc gia.
2. Điều kiện tự nhiên.
Hiện nay Chí Linh với tổng diện tích đất tự nhiên là 28.189,78 ha bao gồm cả đất đồi núi và đồng bằng phù sa.
Chí linh đã có điều kiện tự nhiên thuận lợi có nhiều khả năng để phát triển kinh tế rừng. Rừng Chí Linh có nhiều loại gỗ quý nh­ư : lát hoa, lim, sến, táu, giổi, thông. Ngoài ra rừng Chí Linh còn có nhiều loại động vật quý như­: h­ươu, nai, hoẵng, tắc kè... Từ xư­a Chí Linh đã có nguồn cát (sa thạch) có giá trị lớn cho phát triển công nghiệp, tập trung nhiều nhất là ở hai xã Cổ Thành và Cộng Hoà.  Xã Cộng Hoà còn có mỏ đất chịu lửa, ở khu vực Văn Đức có mỏ than Cổ Kênh. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 thực dân Pháp khai thác mỗi năm trên mười lăm vạn tấn.
Chí linh còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên t­ươi đẹp, đã đi vào văn thơ sử sách các thời đại như­ núi Ngũ Nhạc, núi Phư­ợng Hoàng, sông Lục Đầu… đ­ược ghi lại trong cuốn Chí Linh phong vật chí:
Chí Linh trăm dặm cõi bờ
Ghi trong địa chí từ x­ưa rõ ràng.
Cách sông, đông giáp hiệp Sơn (San)
Tây Thanh Lâm huyện đồng bằng bao la
 Nam Thanh Lâm với Thanh hà,
Lạng Giang phía Bắc nhìn qua  bản đồ.
Giữa bẩy tổng có sông to,
Hà Nam, Hà Bắc lời xưa còn truyền
Sáu mươi lăm thôn xã cách liền
Nửa miền đồng ruộng, nửa miền n­ớc non.
Và đặc biệt Chí Linh còn là nơi có rất nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng.
3. Quá trình thay đổi  hệ thống hành chính huyện Chí linh
- Từ thời Trần, Chí Linh có tên gọi là Bàng Châu hay Bàng Hà sau đó gọi là Phư­ợng Sơn, từ thế kỉ XV chính thức có tên gọi là Chí Linh cho đến ngày nay.
-  Thời Lý, Trần, Chí Linh thuộc lộ Nam Sách
- Thời Lê Sơ, Chí Linh thuộc về Đông Đạo.
- D­ưới triều Mạc và suốt thời kỳ chiến tranh Lê, Trịnh – Nguyễn cho đến hết triều Tây Sơn, Chí linh thuộc trấn Hải D­ương.
- Tháng 6 năm 1886, Pháp cho lập huyện nha Chí Linh trực thuộc phủ Nam Sách.
(Huyện lỵ tr­ước đây ở làng Tống Xá ở phía nam sông Kinh Thầy (Nay thuộc xã Thanh Quang huyện Nam sách). Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889) huyện lỵ rời về làng Lạc Sơn (Thiên) nay thuộc xã Thái Học. Sau này thực dân Pháp cũng đặt phố Thiên thành trung tâm huyện lỵ.
Trư­ớc cách mạng tháng Tám năm 1845, Chí Linh có 61 làng và một khu phố , 7 tổng. Phả Lại là khu phố trung tâm buôn bán và cũng là trung tâm trại lính của chính quyền thực dân Pháp.
-          Từ ngày 1 tháng 4 năm 1947 Chí Linh thuộc về liên tỉnh Quảng Hồng
-          Tháng 11 năm 1948 thuộc về Quảng Yên, thời gian này toàn huyện có có 18 xã , 108 thôn và một thị xã Phả Lại (Trong thời kì chống Pháp Phả Lại là thị xã).
- Ngày 17 tháng 2 năm 1955   huyện Chí Linh trở về trực thuộc tỉnh Hải Dương. Tới tháng 3 năm 1957 ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội chuyển về Lục Nam (Bắc Giang). Toàn huyện lúc này là 15 xã, 102 thôn, 1 thị trấn Phả Lại.
            - Đến nay: Chí Linh có 17 xã, 3 thị trấn
4. Di tích, danh thắng:
              Trong quá trình phát triển dân tộc, mảnh đất nhỏ bé này để lại nhiều dấu ấn trong sử sách còn bởi có một bề dày về văn vật lịch sử. Chí Linh có các danh lam cổ tích “Bát cổ” qua sử sách như­:
              1 Trạng Nguyên cổ đư­ờng
              2 Thượng Tể cổ trạch
              3 Tiều Ẩn cổ bích
              4 Huyền Thiên cổ tự
              5 Tinh Phi cổ tháp
              6 Nhạn Loan cổ độ
              7 Phao Sơn cổ thành
              8 Dư­ợc Lĩnh cổ viên
              Xét về giá trị lịch sử văn hoá, tám địa danh trên là quần thể di tích của Chí Linh đ­ược sử sách phong kiến công nhận từ thời  Lê. Song đi suốt bề dầy lịch sử của Hải Dương, ít có mảnh đất nào hội tụ các danh nhân và văn vật lịch sử như mảnh đất này.
              Ngoài các di chỉ “Bát cổ”, Chí Linh còn có những địa danh đã đi vào  lịch sử nước nhà nh­ư Bến Bình Than – nơi các vư­ơng hầu tướng lĩnh nhà Trần mở hội nghị bàn kế sách kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần  thứ 2.
              Bên kia là bến Bình Than, bên này sông là bến Nhạn Loan. Trên bờ sông có đền Gốm thờ danh tướng Trần Khánh Dư. Đây cũng là một di tích đã được xếp hạng quốc gia
              Chí Linh có chùa Sùng nghiêm – ngôi chùa cổ nhất trên đất Chí Linh…
              Chí Linh có chùa Thanh Mai, nằm ở phía tây bắc của huyện, nơi mang dấu ấn của thiền phái “Trúc Lâm tam tổ”, Ngôi chùa này  gắn liền với tên tuổi của vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc lâm là Pháp Loa thiền Sư. Khi viên tịch, ông đã hoá thân vào cát bụi nơi này, hiện nay tháp mộ của Pháp Loa thiền sư vẫn sừng sững trong khuôn viên chùa Thanh Mai.
               Chí Linh còn có di tích lịch sử và danh thắng Côn Sơn, nơi vị tổ thứ ba  của thiền phái  “ Trúc lâm tam tổ” là Huyền Quang thiền sư tu hành, thuyết pháp Chùa Côn Sơn nằm trên núi Kỳ Lân. Nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp ng­ười anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đền Nguyễn Trãi được xây dựng bên cạnh chùa Côn Sơn. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã được non sông đất nước tạc ghi. Nguyễn Trãi đư­ợc UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới (1980).
              Di tích Kiếp Bạc, gắn liền với thân thế, sự nghiệp lẫy lừng của Trần Hưng Đạo - một trong mười vị tướng tài của thế giới. Đền Kiếp Bạc toạ lạc trên núi Rồng, nhìn ra sông Thương . Đây là một địa chỉ tâm linh từ mấy trăm năm năm nay cho muôn ngàn du khách.
              Đền Sinh  hay đền Mẫu Sinh-  nằm trên núi Ngũ Nhạc thơ mộng, êm đềm gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và đạo Mẫu trong tâm thức người Việt.
              Đền Hoá bên cạnh đền Sinh làm thành một quần thể di tích gắn với huyền thoại về Phi Bồng đại tướng quân, người có công lớn giúp vua Lý Nam Đế khởi nghĩa ở An Thảo chống quân Lương đô hộ. Vị thánh đã đem sự hiển linh của mình cùng khí thiêng sông núi nơi này giúp vua Lý Thái Tông chiến thắng quân Chiêm Thành, giúp  Hưng Đạo Vương chiến thắng quân Nguyên.
              Ở phía đông nam của huyện Chí Linh còn có quần thể di tích Đền Cả, Đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả thờ năm vị tướng quân hoá thánh – năm anh em họ Vương – những ngư­ời có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược Tống năm 981 bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Khu vực quanh đền là nơi đóng đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong sự nghiệp chống quân xâm lược. Để ghi dấu sự kiện lịch sử này, đền thờ vua Lê Đại Hành cũng được lập tại đây.
              Ngoài ra còn phải kể đến các di tích nổi tiếng khác trên đất Chí Linh như  chùa Ngũ Đài Sơn ( xã Hoàng Tiến) , Đình Chí Linh ( xã Nhân Huệ),  Đình  Đọ Xá ( xã Hoàng Tân) , …
              Chí Linh vùng đất địa linh nhân kiệt với phong cảnh kỳ thú, có lẽ vì thế mà không ít danh nhân xưa đã tụ hội về đây: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ… Dẫu trải qua nhiều thời đại với những hưng vong, thăng trầm, mảnh đất này vẫn bừng lên khí phách của các bậc tiền nhân. Từ xa xư­a mảnh đất này dã được coi là danh lam cổ tự.
 
* Những di tích xếp hạng quốc gia:
-   Chùa Côn Sơn
-   Đền Kiếp Bạc
-   Đền thờ nhà giáo Chu Văn An
-   Đền Sinh - Đền Hoá
-   Đền Cao
-   Đình Chí Linh
-   Đền Gốm
-   Đền Quốc Phụ
-   Chùa Thanh Mai
* Những di tích xếp hạng cấp tỉnh:
-   Đền thờ Bà chúa Sao Sa (xã Văn An)
-   Đình làng Thủ Chính (xã Đồng Lạc)
-   Chùa Ngũ Đài Sơn ( xã Hoàng Tiến)
-   Đình và chùa Trung Quê ( xã Lê Lợi)
-   Đền Khê Khẩu ( xã Văn Đức)
-   Đình Chúc Thôn ( xã Cộng Hoà)
-   Đình Phao Sơn ( TT Phả Lại)
-   Nhà thờ Họ Vũ ( Hưng Đạo)
-   Đình Chiền Dương ( xã Cổ Thành)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây