Lễ hội Côn Sơn

Thứ ba - 03/11/2015 11:30 - 3262 lượt xem
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn
Côn Sơn là một danh thắng tự nhiên được con người dày công tôn tạo qua hàng thiên niên kỷ, nên từ bảy thế kỷ trước đã được lịch sử ghi nhận, đến thời Hồng Đức (1469-1497) lại được thể hiện trên bản đồ, đủ thấy vị thế của khu di tích quan trọng này.
Vài nét về thắng tích Côn Sơn: Khu di tích Côn Sơn hiện nay có hai mùa lễ hội, nguồn gốc hai lễ hội này đề bắt nguồn từ kỷ niệm ngày tạ thế của hai danh nhân. Để có thể hiểu thấu đáo hai lễ hội này, chúng ta ngược dòng thời gian, tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của khu di tích Côn Sơn trong diễn trình lịch sử.
 
Côn Sơn là một danh thắng tự nhiên được con người dày công tôn tạo qua hàng thiên niên kỷ, nên từ bảy thế kỷ trước đã được lịch sử ghi nhận, đến thời Hồng Đức (1469-1497) lại được thể hiện trên bản đồ, đủ thấy vị thế của khu di tích quan trọng này.
 
Nhiều danh nhân của thời Trần, Lê, Nguyễn đã từng đến, có người sống ở đây đến cuối đời như Huyền Quang, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi... Trong thời đại chúng ta, nhiều vị lãnh Đảng và Nhà nước đã giành thì giờ đến thăm Côn Sơn không chỉ một lần. Ngày 15 tháng 2 năm 1965, tức 14 tháng giêng năm Ất Tỵ, Bác Hồ, Người từng in dấu chân khắc năm châu, bốn biển cũng đã đến thăm Côn Sơn. Người tìm đọc văn bia, lên chùa thăm hỏi các tăng ny, lội suối lên Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường ngồi suy tư về việc nước vào những năm tháng cuối đời.  
 
Duy danh định nghĩa thì Côn Sơn có nghĩa là núi Côn, nhưng ngày nay hai từ đó được sử dụng như danh từ riêng, nên đôi khi người viết thành núi Côn Sơn. Núi này còn có tên là Kỳ Lân, nôm gọi là núi Hun, dài hơn một cây số theo hướng tây đông, có hình tượng như con sư tử, sau những năm tháng viên du về đây nằm tĩnh tại, đầu hướng về phương đông suy nghĩ. Đỉnh Côn Sơn tương đối bằng phẳng, dễ leo, nhấp nhô những tảng đá sỏi kết, phủ kín một rừng thông nhiều thế hệ. Phía bắc là núi Ngũ Nhạc, đỉnh tương đối bằng phẳng, có 5 miếu thờ Thần núi, ẩn hiện trong rừng thông bạt ngàn tĩnh lặng như cảnh thần tiên. Chân núi phía bắc có đền Sinh, đền Hoá, thờ Phi Bồng tướng quân, một nhân vật đầy huyền thoại ly kỳ ở thời Tiền Lý. Phía tây tiếp nối với núi U Bò và một thung lũng trù phú, xanh tươi những luỹ tre, thấp thoáng những mái ngói hồng tươi bên những mặt ao hồ phẳng lặng như gương, phản chiếu bầu trời. Xa xa là núi Trán Rồng, bên sông Thương, thuộc hương Vạn Kiếp xưa, nơi đóng đại bản doanh của Đại vương Trần Hưng Đạo. Phía nam có xóm Tiên Sơn và Bãi giễ thanh hao mịn màng như rắc phấn. Tương truyền, khi Trần Nguyên Đán về đây, ông trồng thông, bà trồng giễ, tức bãi giễ này. Tại đây còn lác đác những cây dọc vươn cao, xanh đậm, dấu vết của một đồn điền Xi-be thời Pháp đô hộ. Xa hơn là thung lũng núi Phượng Hoàng, nơi Chu An, một nhà giáo mẫu mực thời Trần, sau khi dâng Thất trảm sớ không được vua Trần Dụ Tông chấp thuận, về đây sống những năm tháng cuối đời. Phía đông là chùa Thiên Tư Phúc cổ kính, rồi hồ Bán Nguyệt, những vườn vải thiều sung mãn, đến hồ Côn Sơn trong xanh, soi bóng những công trình. Xa hơn là Chi Ngại, cố hương của Nguyễn Trãi. Từ đỉnh Côn Sơn, nhìn về đông bắc, núi giăng xanh xanh phía chân trời là Thanh Mai, nơi có ngọn núi hình hoa sen, đó là núi Bái Vọng, nơi để di cốt của Phi Khanh, người cha muôn vàn kính yêu của Nguyễn Trãi. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Quy ở Chi Ngại, sau chiến thắng chống Minh, hậu duệ của Phi Khanh đã mang di cốt từ Kim Lăng về đây an táng.
 
Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, gọi là Bàn Cờ Tiên. Bàn Cờ Tiên là một khai niệm dân gian, ở những đỉnh núi cao huyền bí, thường được gọi là Bàn Cờ Tiên. An Phụ, Kính Chủ, Yên Tử ... đều có Bàn Cờ Tiên như thế. Căn cứ vào di tích, thì trên đỉnh Côn Sơn chỉ có một kè đá hình chữ công. Tương truyền đó là Am Bạch Vân, do Pháp Loa xây dựng. Từ chùa Côn Sơn đến đây có trên 600 bậc đá được kiến tạo từ thời Trần, nay đã được trùng tu.
 
Rừng Côn Sơn thông mã vĩ mọc bạt ngàn, có cây vài trăm tuổi. Ngoài thông là trúc, nứa, sim, mua, mẫu đơn..., và cây dó làm giấy. Sinh thời Nguyễn Trãi ở đây còn có một rừng mai. Mỗi năm khi mùa xuân đến, Côn Sơn khoác trên mình tấm áo hoa tươi thắm.
 
Xưa khi rừng còn rậm, suối Côn Sơn suối chày rì rào quanh năm, suốt tháng, nước trong thấu đáy. Bên suối có tảng đá sỏi kết lớn, gọi là Thạch Bàn, dân gian quen gọi là hòn đá Năm Gian, rộng tới 6m, dài trên 28m. Đây là di tích thường được nhắc đến trong thơ văn cổ. Tương truyền, sau khi lui triều, Nguyễn Trãi thường ngồi đây suy tư việc nước. Suối xưa có cầu Thấu Ngọc, kiểu thượng gia, hạ kiều, một loại hình kiến trúc khá phổ biến thời Hậu Lê. Đây cũng là một di tích được thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ.
Sáu thế kỷ trước, Côn Sơn như cảnh thần tiên qua ngòi bút của Phi Khanh:" Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc suối, cỏ ven rằng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm  để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn con người, ở đây đều có đủ cả". Với Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, Côn Sơn hữu tình và tha thiết:
 
      "Côn Sơn có có suối, nước chảy rì rầm, ta lấy làm đàn cầm.
 
      Côn Sơn có đá, mưa xối rêu xanh đậm, ta lấy làm chiếu thảm
 
      Trong núi có thông, rờn rờn biếc một vùng, ta tha hồ nghỉ ngơi ở trong.
 
 
      Trong rừng có trúc, ngàn mẫu in biếc lục, ta tha hồ ngâm nga bên gốc..."
Nhiều thế kỷ đã qua đi, trải qua bao biến cố, Côn Sơn vẫn giữ được màu sắc thanh xuân kỳ diệu của núi rừng. Cuối thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông đến Côn Sơn, nhớ Nguyễn Trãi, cảm khái viết:
 
      " Tịnh thổ lâu đài cảnh trí kỳ,
 
      Cổ nhân trầm tích dĩ y hy !".
 
      ( Đất Phật lâu đài cảnh đẹp thay,
 
 
      Người xưa dấu cũ vẫn còn đây").
Đầu thế kỷ XIX, cầu Thấu Ngọc vẫn còn, động Thanh Hư vẫn là một cảnh kỳ thú, Cao Bá Quát xúc động viết thành thơ:
 
      " Thấu ngọc kiều biên dã hoa tiêu,
 
      Thanh Hư động ký văn đề điểu".
 
      ( Bên cầu Thấu Ngọc, hoa rừng tươi tốt,
 
 
      Trong động Thanh Hư, chim hót vang rừng).
Cảnh quan Côn Sơn nay không thể còn như xưa, nhưng vẫn bảo tồn được những nét căn bản và từng bước tôn tạo theo nhu cầu của thời đại.
 
 
Quá trình hình thành chùa Côn Sơn và nguồn gốc của lễ hội mùa xuân: Theo tư liệu lưu tại khu di tích, thì khi Nguyễn Bặc, Đinh Điền dẹp loạn 12 sứ quân, đến Côn Sơn đã thấy có chùa, nghĩa là chùa muộn nhất đã được xây dựng từ thời Đinh, tức từ giữa thế kỷ X. Điều đó nếu là sự thật thì cũng không có gì lạ, vì Phật giáo vào nước ta từ đầu Công nguyên; Ở Hải Dương, chùa Động Ngọ (Thanh Hà) được xây dựng từ năm Thái Bình thứ 2 (971). Nhà sư Kiều Bản Tịnh, thường gọi là Bản Tịnh (1100-1176), năm Đại Định thứ 2(1141), sư đến trụ trì một ngôi chùa trên núi Kiệt Đặc (Chí Linh), đây có thể là chùa Huyền Thiên, nay còn di tích. Nhưng chùa Côn Sơn thời Đinh tên là gì, ai trụ trì, quy mô và lễ hội ra sao thì đến nay, chưa tìm được tài liệu khả dĩ để nghiên cứu.
 
Theo Thanh Mai Viên Thông tháp bi, thì khi Đồng Kiên Cương khi mới xuất gia, năm Giáp Thìn, Hưng Long 12 (1304), sư tu ở liêu Kỳ Lân. Liêu ở đây là cái am nhỏ, cũng có nghĩa chùa Côn Sơn lúc đó chỉ là một cái am nhỏ. Năm Ất Tỵ, Hưng Long 13 (1305), tại liêu Kỳ Lân, Đồng Kiên Cương được Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông ban pháp hiệu là Pháp Loa. Từ năm Hưng Long 12 đến năm Khai Hựu thứ nhất(1304-1329), văn bia chỉ nói đến liêu Kỳ Lân mà không một lần nhắc tới chùa Côn Sơn. Tháng 7 năm Kỷ Tỵ, Khai Hựu thứ nhất, Pháp Loa mở rộng sơn cảnh Côn Sơn và Thanh Mai, có lẽ từ đây danh xưng Côn Sơn Thiên tư phúc tự mới ra đời, nhiều văn bản thời sau thường gọi tắt là Côn Sơn tự. Nhưng hội chùa thời kỳ này ở Côn Sơn thế nào, cũng chưa tìm được tư liệu, kể cả văn bia tại di tích.
 
Trên đất nước ta, phần lớn lễ hội bắt nguồn từ ngày kỷ niệm những nhân vật lịch sử hay huyền thoại. Đó có thể là ngày sinh, ngày qua đời, hoặc là ngày khánh hạ. Thông lệ người ta hay chọn một trong những ngày nói trên thuộc vào thời kỳ nông nhàn, nhất là mùa xuân hoặc cuối thu. Nghiên cứu 100 lễ hội lớn của Việt Nam, có tới 79 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân. Như vậy, mùa Xuân đồng nghĩa với mùa lễ hội. Vậy lễ hội mùa Xuân Côn Sơn bắt nguồn từ đâu?
 
Thời Trần (1225-1400), Phật giáo còn rất thịnh hành, tuy đã bị một số nho sĩ phê phán trên một số phương diện. Trần Nhân Tông, ông vua từng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, lập chiến công lừng lẫy, đã dành những năm tháng cuối đời nghiên cứu đạo Phật. Với tinh thần độc lập, tự chủ, muốn có một tôn giáo mang mầu sắc dân tộc, ông đã cùng các đệ tử tiếp thu những ý tưởng của ông cha, sáng lập một thiền phái mang tên Trúc Lâm, tiếp đó được Pháp Loa, Huyền Quang thừa kế. Ba vị cao tăng được suy tôn là Trúc Lâm tam tổ. Ngày mất của các vị trở thành ngày giỗ tổ của những tín đồ theo tôn giáo này. Ngày giỗ ấy dần dần trở thành ngày hội ở những nơi mà sinh thời các vị để lại những dấu ấn sâu sắc và nơi ấy được gọi là chốn Phật tổ.
 
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, sinh năm Nguyên Phong thứ tư (1254), quê tại hương Vạn Tải, huyện Gia Định, nay thuộc thôn Vạn Tư xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người thông minh, hiếu học, năm 20 tuổi đỗ Hương cử, năm 21 tuổi đỗ đầu khoa Đại tỷ thủ sĩ, niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), tức Trạng nguyên. Vua Trần thấy ông là người tài năng đức độ, đỗ đạt cao, muốn gả công chúa Liễu cho ông, nhưng ông không nhận. Ông làm việc ở Viện Hàn lâm, thường xuyên giao thiệp với sứ thần, văn thư đi lại, viện dẫn kinh điển, ứng đối lưu loát, văn chương ngôn ngữ hay hơn cả Thượng quốc và những nước láng giềng. Khác với những nho sĩ đương thời, cuối đời, Lý Đạo Tái tìm đến tôn giáo. Ngày nay có thể biết một phần cuộc đời và sự nghiệp của ông qua văn bia Tháp Viên thông, Lý Trạng nguyên hành trạng và một số thư tịch khác.
 
Một hôm, Lý Đạo Tái theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhỡn, nghe Pháp Loa giảng kinh, ông thấy có nhiều điểm tâm đắc, liền xin triều đình cho xuất gia tu hành. Vua Anh Tông chần chừ mới y cho. Ông xuất gia, kiên trì học đạo ở chùa Lễ Vĩnh từ năm Hưng Long 13 (1305), dưới sự chỉ dẫn của Bão Phác, một đệ tử xuất sắc của Pháp Loa, khi đó đã 52 tuổi. Năm Hưng Long 14 (1306), Nhân Tông lập đạo tràng ở chùa Vĩnh Nghiêm, cho Pháp Loa làm giảng chủ, Lý Đạo Tái theo Bão Phác đến thụ giáo, được Nhân Tông cho làm thị giả. Ông cùng Điều ngự Đầu đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa du ngoạn khắp danh lam cổ tích của đất nước. Sau khi Nhân Tông qua đời, ông theo Pháp Loa học đạo không rời, được Pháp Loa đặt pháp hiệu là Huyền Quang. Là học trò, nhưng ông hơn Pháp Loa đến 30 tuổi. Ông có biệt tài biên soạn kinh sách: "Các sách nói về đạo Phật do chính tay Huyền Quang viết ra thì không nên thêm bớt một chữ nào". Sau 8 năm xuất gia, Huyền Quang được chủ trì chùa Vân Yên, một trong những trung tâm tôn giáo lớn nhất đất nước đương thời, trên núi Yên Tử.
 
Huyền Quang từng ở chùa Thanh Mai 6 năm, rồi về trụ trì chùa Côn Sơn, lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách truyền lại cho đời sau. Ông là một trí thức uyên bác, một nhà sư giàu lòng vị tha, trước tác nhiều kinh sách, như: Ngọc tiên tập, Chư phẩm kinh, Công văn tập, Phổ Tuệ ngữ lục... Thơ văn của ông trang nhã, sâu sắc, nay còn 24 bài trong Toàn Việt thi lục.
 
Ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334), sư viên tịch tại chùa Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cho 10 lạng vàng xây tháp ở bên tả phía sau chùa, lấy tên là Đăng Minh bảo tháp, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả. Tháp Huyền Quang nay vẫn còn, ở sau chùa Côn Sơn, trên đường lên Bàn Cờ tiên và Thanh Hư động, đúng như thư tịch đã ghi, nhưng không phải ngôi tháp ban đầu, xây dựng sau khi Huyền Quang viên tịch. Đây là ngôi tháp đá ba tầng, dựng năm Vĩnh Thịnh 15 (1719), thay cho ngôi tháp đất nung sụp đổ trước đó.
 
Như vậy ngày viên tịch của Huyền Quang  là ngày giỗ tổ của của chùa Côn Sơn, cũng vì thế mà Côn Sơn trở thành chốn Phật tổ của thiền phái này. Ngày giỗ tổ sau thành ngày hội.  Hội mùa xuân Côn Sơn bắt nguồn từ ngày giỗ Trúc Lâm đệ tam tổ, có từ đầu thế kỷ XIV.
 
Hội Mùa xuân Côn Sơn từ thời Trần đến thời Hậu Lê như thế nào, đến nay chưa tìm được tư liệu mô tả trực tiếp, nhưng qua văn bia đương thời tại di tích, chúng ta có thể hình dung một phần.
 
Căn cứ bia Côn Sơn Thiên tư phúc tự, khắc dựng năm Hoằng Định thứ 15 (1614), ghi lại một văn bản của thời cuối Trần, cho biết thì ngày từ năm Thiệu Phong 17 (1357), chùa đã là chốn Cổ tích danh lam, nhà vua đã cấp cho chùa hàng vạn tờ điệp, vàng bạc kể hàng nghìn (lạng?). Vậy thì ngày giỗ sư tổ không thể nhỏ.
 
Thời Lê Sơ, khi Nguyễn Trãi làm Đề cử chùa Côn Sơn, hẳn lễ hội phải được tổ chức quy củ. Thời phong kiến, chỉ có những chùa lớn, có điền nô và khố vật của nhà nước mới có quan triều làm Đề cử. Thời Mạc, chắc cũng được quan tâm, vì hoàng tộc này là người Chí Linh (Hải Dương). Nhưng đến cuối thế kỷ XVI, Lê - Mạc phân tranh, Côn Sơn không tránh khỏi bị tàn phá, vì vậy đầu thế kỷ XVII, vào niên hiệu Hoằng Định(1600-1619), chùa được tái tạo hầu hết các công trình và mở rộng, qua đó lễ hội mới có cơ may được phục hồi. Thời kỳ này, chùa còn thuộc huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Qua 14 văn bia hiện còn tại khu di tích, hầu hết được khắc dựng vào thế kỷ XVII và XVIII. Những bia này cho biết chúa Trịnh nhiều lần ra lệnh dụ về việc tạo lệ chùa Côn Sơn, coi đó như một quốc tự, số người công đức có địa chỉ ở hầu khắp các trấn ở phía Bắc đất nước, như các sãi vãi, các vị quan triều, các hoàng phi, lệnh tộc, ví như ở:
 
Xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn; xã Mai Cương, huyện Quế Sơn; xã Phùng Xá, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh).
 
Xã Từ Quán, huyện Giáo Thuỷ, phủ Thiên Trường (Nam Định.)
 
Xã Hồng Lục, huyện Gia Phúc; xã Thanh Khê, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng.
 
Xã Đặng Đinh, huyện Thiên Thi; xã Xích Đằng, huyện Kim Động; xã Đức Trạch, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (Hưng Yên).
 
 
Xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, Phủ Thường Tín (Hà Nội).
 
Xã Văn Lâm Thái, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia (Thanh Hoá).
 
Bà Thái vương tần Lê Thị Ngọc Châu, Xã An Lạc, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên (Thanh Hoá).
 
Xã Tự Cường, huyện Tam Nông (Vĩnh Phúc).
Xã Xuất Tác, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá).
 
 
      ...
 
Từ sãi vãi đến các vị quan triều cúng cho nhà chùa những tài sản lớn, thậm chí có những vãi ở xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn cúng cả một con trâu cái. Người ta đã cung tiến vào chùa ruộng trên 80 mẫu ruộng, tiền hàng nghìn quan, vàng bạc hàng trăm lạng. Dân bản xã làm tạo lệ phải cung ứng hàng nghìn đấu gạo và hàng nghìn công phục vụ, mà trọng tâm là cho lễ hội.
 
Căn cứ vào hôm nay mà suy ra thời xưa. Người ta đến di tích và công đức cho chùa vào dịp giỗ Sư tổ, tức lễ Hội xuân. Từ địa chỉ người cung tiến trên văn bia, có thể thấy, hội khi đó có quy mô vùng, miền rộng lớn.
 
Sang đến triều Nguyễn, lễ hội Côn Sơn được Đại Nam nhất thống chí ghi rằng:"Phong tục ở đây, cứ đến đầu mùa xuân, trai gái đến chùa dâng hương hàng tuần mới tan, đó là thắng hội của một phương”. Đây là một khẳng định, Hội chùa Côn Sơn là một lễ hội lớn, diễn ra vào đầu mùa xuân, kéo dài hàng tuần, tức khoảng 10 ngày. Quốc sử chỉ cho biết như vậy, lễ và hội thế nào không ai nói tới. Người xưa vốn kiệm lời, thực tế có thế rất phong phú, nhưng khi ghi chép rất khái lược. Đó là điểm yếu trong lịch sử nước nhà.
 
Đầu thế kỷ XX, sau một thời gian dài chống Pháp xâm lược, lễ hội lại được khôi phục. Hội cũng kéo dài tới hàng tuần, mỗi ngày cũng có 1-2 nghìn người, hầu hết là thanh niên và những sãi vãi từ nhiều tỉnh đổ về. Vậy lễ và hội thời kỳ này như thế nào.
 
Chúng ta biết rằng, sau khi Huyền Quang viên tịch, chùa Côn Sơn có nhiều nhà sư kế thế chủ trì. Đầu thế XVII, có Mai Trí Bản, người có công tôn tạo khu di tích. Đầu thế kỷ XVIII, có sư Nguyễn Chân Đạo, tự Tính ấn. Thời Vinh Hựu (1735-1740) cụ Nguyễn Đình Viên, cũng từng làm quan Tư lễ giám, Tổng thái giám, Đồng giám sự, Vược lộc quận công, hiệu Hoà thượng Tổ quan tôn giả; có sư Nguyễn Đăng Trạc, thuộc dòng họ Nguyễn Chi Ngại, trước là quan nội giám, sau tu ở chùa Côn Sơn; 18 tháng giêng thì rước bài vị của Nguyễn Đình Viên và Phúc Nguyên từ đình Chúc Sơn lên chùa Côn Sơn, 21 rước về. Theo các cụ cao tuổi của thôn Chúc Sơn cho biết, đoàn rước, đi đầu có lọng mầu đỏ, cờ vàng, trống khẩu làm hiệu lệnh; tiếp đến bát biểu, long đình, hậu bành, sắc phong. Đoàn rước tiến về sân Nhà tổ, dựng rạp bằng cót. Tại đây người ta làm lễ sư tổ và chư vị có công trụ trì và tôn tạo chùa qua từng thời đại.
 
Trò vui có hát chèo, tổ tôm điếm, đánh đu, vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm ở hồ trước chùa. Chùa này trước năm 1972 là hồ tròn, sau cải tạo thành hồ bán nguyệt. Có khách các tỉnh, đi đến bằng đường bộ, nên phải ngủ lại chùa 1-2 ngày. Khách lưu lại qua đêm, tạo cho lễ hội thể hiện các trò vui dân gian, nhất là hát chèo. Số người đến hội mỗi ngày khoảng vài nghìn người. Số ngủ lại cũng khoảng vài trăm.
 
Từ khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ (1946) đến năm 1961, lễ hội mùa Xuân thu hẹp, hầu như chỉ là việc nội bộ của tăng ny và xã sở tại. Năm 1962, nhân kỷ niệm 520 năm ngày qua đời của Nguyễn Trãi, lễ hội Côn Sơn mới có cơ may phục hồi và phát huy, nhưng khách đến hội cũng chỉ vài nghìn trong suốt một mùa hội.
 
Trong chiến tranh chống Mỹ, Hội Xuân Côn Sơn lại gián đoạn, đến năm 1968, hội được tái diễn, mỗi ngày chỉ 5-7 trăm người, chủ yếu là dân các xã liền kề. Lễ nghi cũng rất đơn giản, vì đất nước còn chiến tranh và dân còn rất nghèo, đời sống tăng ny cũng thật chật vật. Hội mùa Xuân Côn Sơn thực sự có đông khách hành hương, tổ chức bước đầu có quy củ từ xuân năm Canh Thân (1980), khi Nhà nước chuẩn bị kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, con đường nhựa vào di tích cũng đã hoàn thành. Nói là đông khách nhưng cũng chỉ vài nghìn người mỗi ngày. Khách ngủ lại di tích vẫn đông, do phương tiện đi lại lúc đó còn hạn chế, nhiều người còn phải đi bộ, hoặc đi bằng xe đạp. Đó lại là điều hay cho lễ hội, tạo nên nét thăng hoa về ban đêm. Tại sân Nhà tổ, có hàng chục chiếu chèo, người biểu diễn cứ diễn, người nào xem cứ xem, còn người cần ngủ cứ ngủ. Có lẽ chỉ Việt Nam mới có thứ sân khấu như thế !
 
Từ năm 1980, năm lễ hội Xuân Côn Sơn được phép mở hội chính thức từ 16-20 tháng giêng âm lịch hằng năm, từ đó cho đến năm 1987, năm nào ngân sách tỉnh cũng phải bao cấp một phần, vì các nguồn thu không đủ chi cho lễ hội và những chi phí trước hội, như mua sắm và tu sửa nhỏ, bởi cái gì cũng thiếu. Từ năm 1988, tỉnh trực tiếp quản lý di tích và tổ chức lễ hội theo quy chế của nhà nước. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, được phép bán vé vào di tích với giá rất phải chăng và vé xe bến bãi, nhằm giảm bớt sự bao cấp của nhà nước, khi kinh tế đã bước sang cơ chế thị trường.
 
Từ năm 2000, khi Nhà nước có đầu lớn vào khu di tích, Đền Nguyễn Trãi khánh thành, lễ hội Côn Sơn mùa Thu hay mùa Xuân đã bước sang thời kỳ phồn vinh, mở rộng không gian và nội dung lễ hội. Khách đến ngày càng đông, không chỉ thời gian mở hội mà ngay những ngày đầu tháng giêng và kéo dài suốt năm, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần, nghĩa là chuyển dần sang du lịch kết hợp với tâm linh. Vài năm gần đây, những ngày đầu năm có khi đông hơn trọng hội. 
 
 
Lễ hội hiện nay. Trong bài viết về di tích Côn Sơn năm 1980, khi đó chúng tôi đã hy vọng Côn Sơn sẽ là nơi nghiên cứu lịch sử, củng cố tinh thần yêu nước, nơi giáo dục các thế hệ trẻ, đồng thời còn là thư giãn, thể thao trong những ngày nghỉ và trở thành một trung tâm du lịch, lúc đó chưa ai nói đến tâm linh. Nay những ý tưởng đó đã gần đạt đến đích.
 
Trước hết về phần lễ. Có lẽ trong nửa thế kỷ qua, đến nay mới có lễ Khai hội mùa xuân trọng thể và đúng với nội dung cần có, tuy còn phải hoàn thiện trên nhiều mặt. Lễ hội bắt nguồn từ ngày viên tịch của Sư tổ, nhưng chẳng năm nào có lễ khai hội nói đến sự nghiệp của người. Cho đến Hội xuân năm 2009, nhân kỷ niệm 675 ngày viên tịch của Huyền Quang mới có lễ kỷ niệm tương xứng với vị thế của nhà sư. Tuy nhiên, sau Sư tổ là biết bao thế hệ nhà sư chủ trì bản tự, trong đó có những người rất có công, như Trần Nguyễn Đán, Nguyễn Trãi, Mai Trí Bản, Nguyễn Pháp Đăng... đặc biệt là Nguyễn Đình Viên, Nguyễn Đăng Trạc. Họ không phải người sáng lập nhưng có công thừa kế và phát huy, trong diễn văn nên nhắc đến chư vị đó, dù chỉ một cái tên. Lịch sử diễn biến từ không đến có. Ban đầu chỉ là canh quan thiên nhiên, qua thời gian, con người sáng tạo nên các tiết lệ, miễn là hợp với nhu cầu của cuộc sống và các mối quan hệ xã hội tại di tích.  Năm trước có lễ Mông sơn, năm nay có lễ rước nước. Lễ này cần nghiên cứu thấu đáo cho phù hợp với thời gian và lịch sử bản tự.
 
Lệ thắp hương: thông lệ, người đi lễ đền chùa, thường thắp hương trước thân tượng hoặc thần vị của người được thờ để tỏ lòng biết ơn, tôn kính và cầu mong được phù trợ, nhưng gần chục năm qua, khách đến di tích tăng gấp bội, việc thắp hương trong chùa trở nên quá tải, mất an toàn cho di tích và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Việc đưa bát hương lớn ra ngoài trời là hợp lý. Nhưng cần tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân, không nên dúng hương vào nước khi hương còn đang cháy, vì như vậy là phản tín ngưỡng.
 
 
Các loại hình dịch vụ: bất cứ ở đâu, khi có như cầu thì có lực lượng đáp ứng nhu cầu. ở thế kỷ trước, người đi lễ chùa Côn Sơn viếng cảnh chùa, lễ Phật, du ngoạn thắng cảnh là chính, chưa có thói quen mua sắm như hội Kiếp Bạc. Nhu cầu trước hết là hương phục vụ cho việc lễ bái, sau là các văn hoá phẩm tìm hiểu về di tích, về phong tục tập quan, tín ngưỡng, và nhu cầu không thể thiếu là ẩm thực. Trong khoảng mười năm lại đây, tình hình dịch vụ đã có những chuyển biến tích cực.
 
Vào những năm 70 của thế kỷ trước thì không thể có, nhưng nay dịch vụ viết sớ thật phát triển, hàng chục ông đồ già, đồ trẻ viết sớ bằng quốc ngữ hay chữ Hán trên những tờ in sẵn. Vài năm gần đây còn có phục vụ thư pháp Hán Nôm và đôi khi có cả thư pháp quốc ngữ, đây là nét đẹp văn hoá đang được phục hồi và phát triển. Không những thế, người ta còn bán các chữ in sẵn trên giấy, vải hoặc đúc bằng kim loại, tạc trên gỗ, rồi sơn son thếp vàng các chữ Phúc, Lộc, Thọ,...
 
Ẩm thực ngày càng phong phú và tiến bộ hơn. Gần di tích có hai khách sạn phụ vụ ăn nghỉ cho khách sang, còn ngay trong di tích cũng có vài chục quán ăn lớn nhỏ, được quy hoạch và trang thiết bị tốt, thoả mãn cho mọi như cầu.
 
Do phương tiện đi lại được cải thiện, nhu cầu mưa sắm đồ thờ và dụng cụ gia đình và sinh hoạt ở Côn Sơn đang hình thành. Các quầy hàng bán đồ sứ, may mặc... đang phát triển. Như vậy hội chùa đi liền với hội chợ đang hình thành.
 
Trật tự an ninh căn bản là tốt, cờ bạc, trộm cắp, ăn xin và những tệ nạn khác đã hạn chế đến mức thấp nhất. Đó là một thành công bước đầu của lễ hội.
 
 
Hoạt động văn hoá phục vụ lễ hội: trong suốt những ngày lễ hội, ngành văn hoá, thể thao, du lịch đã có nhiều tiết phục vụ như: vật, bóng chuyền, văn nghệ. Các gánh hát quan họ, hát chèo dân gian phục vụ nhiệt tình suốt ngày đêm cho cả mùa hội.
 
Do đời sống không ngừng được cải thiện, khách đến hội ngày nay hầu như không còn người đi bộ, giản dị nhất là xe đạp, thông lệ là ô tô và xe máy. Trang phục cũng khác xưa, ở ngoài đời có bao nhiêu thứ thời trang thì lễ hội có bấy nhiêu thứ, nhưng có những thứ cần có trong ngày hội truyền thống nhiều hơn là trang phục dân tộc như áo the khăn xếp của đàn ông, áo dài tứ thân của phụ nữ, đặc biệt màu nâu truyền thống tuy còn nhưng rất hiếm. Có thể nói, Hội Côn Sơn đã thoát khỏi chất hội làng, đạt đến chuẩn khu vực và quốc gia.
 
 
Hội mùa thu Côn Sơn: Trần Nguyên Đán tự là Băng Hồ, làm quan tư đồ phụ chính từ thời Trần Nghệ Tông (1370 - 1372). Ông là người ưu ái với sự nghiệp đất nước, có tài văn võ, hiểu thời thế và nặng tình vị tha. Con gái thứ ba của ông là Trần Thị Thái lấy Nguyễn ứng Long tức Phi Khanh, sinh Nguyễn Trãi năm 1380. Phi Khanh là con Phi Hổ quê tại Chi Ngại, sau di cư về thôn Ngọc Ổi, nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Vào thời Long Khanh (1373 - 1377) Trần Nguyên Đán dựng động Thanh Hư trên Côn "Sơn để làm nơi lui nghỉ”. Động Thanh Hư là một tập hợp công trình kiến trúc trên núi, bao hàm nghĩa thanh lịch và thoát tục. Động làm xong, Dệu Tông tặng ba chữ ngự bút lớn: Thanh Hư Động nêu ở mặt bia. Nghệ Tông tự chế bài minh, khắc ở sau bia. Tấm bia thời Trần nói trên hiện ở trước sân chùa, mặt trước, trán bia có 4 chữ: Long Khánh ngự thư, viết theo thể triện; mặt bia có 3 chữ lớn: Thanh Hư động, viết theo thể chân, nhưng bài minh ở mặt sau không còn, thay vào đấy là một văn bia, khắc vào năm Hoằng Định thứ 3 (1602), nói về sư Mai Trí Bản trùng tu sơn cảnh. Rất may, bài minh đó được Phan Phu Tiên ghi lại và được truyền đạt đến nay.
 
Năm 1385 Trần Nguyên Đán về hưu. Nguyễn Trãi theo mẹ về sống với ông ngoại trong động Thanh Hư. Vài năm sau, mẹ mất. Năm 1390 ông ngoại cũng qua đời. Từ đó, Nguyễn Trãi sống trong sự giáo dục của Phi Khanh.
 
 
Nguyễn Trãi, có tên hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại Thăng Long. Năm 1400, đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) Nguyễn Trãi nhậm chức Ngự sử đài Chánh chưởng của triều Hồ. Cuối năm 1406, giặc Minh mượn cờ phù Trần diệt Hồ, xâm lược nước ta. Sau 10 năm phiên chuyển trong cảnh loạn lạc, kiên trì tránh giặc, tìm đường cứu nước, Nguyễn Trãi trở lại Côn Sơn, ông rất cảm kích trước cảnh quê nhà bị hoang tàn, Nguyễn Trãi đã sớm đến với nghĩa quân Lam Sơn, dâng " Bình Ngô sách ", cùng Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc, cứu nước. Năm 1428, đất nước sạch bóng quân Minh, Nguyễn Trãi trở lại Côn Sơn. Từ đấy, tuy làm quan triều, nhưng phần lớn thời gian ông sống ở chốn lâm tuyền của cố hương, nơi cảnh tình hoà hợp với biết bao kỷ niệm sâu sắc. Sau chiến tranh, Nguyễn Trãi giữ nhiều trọng trách: Quan phục hầu, Nhập nội hành khiến, Thượng thư bộ lại, kiêm coi công việc Viện khu mật; Trung thư, coi việc môn hạ sảnh và tam quán. Quyền cao chức trọng nhưng vẫn bị các võ quan họ Lê chi phối.
 
Sau sự cố về lễ nhạc với Lương Đăng, năm 1437, Nguyễn Trãi thoái triều về Côn Sơn, viết bài Côn Sơn ca để tỏ chí mình. Sau khi tái nhiệm, ông kiêm nhiệm chức Để cử chùa Côn Sơn. ở đây, ông đã sống một cuộc đời thanh bạch trong ngôi nhà "bốn vách xác xơ, chỉ có sách là giàu", ăn thì "dù có dưa muối, áo mặc nài chi gấm thêu"nhưng rất ung dung thư thái: "Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh, áo mặc bố quen cật vận xênh xang". Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Trãi vẫn "một lòng âu việc nước" mong sao"trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu".
 
Nguyễn Trãi yêu Côn Sơn tha thiết. Núi rừng nơi đây đã chứng kiến mọi nỗi vui buồn, căm giận và yêu thương của vĩ nhân. Và vĩ nhân cũng coi Côn Sơn như người bạn "tri âm" để biểu lộ tâm tình. Nguyễn Trãi đã sống ở đây những ngày tháng cuối cùng của một cuộc đời "sáng như sao Khuê" và ra đi vào chốn vĩnh hằng vào một ngày thu, năm 1442 trong vụ án Lệ Chi viên.
 
Trước chiến tranh chống Mỹ, hằng năm Côn Sơn chỉ có một mùa hội vào đầu mùa xuân. Từ những năm 1980, khi Nguyễn Trãi được tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc kỷ niệm 600 năm sinh, với danh nghĩa là Danh nhân văn hóa thế giới, từ đó Côn Sơn có mùa hội thứ hai, đó là Hội thu. Hội mùa thu, kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi(16 tháng 8), trùng với hội Kiếp Bạc nên thường rất đông du khách. Nhưng không chỉ có hội, mà nay, ngày ngày Côn Sơn tấp nập khách vãng lai, thăm sơn cảnh, vào chùa viếng Trúc Lâm tam tổ, lên đền thắp nén hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc, kết tinh mọi truyền thống quý báu của đất nước ở thế kỷ XV, một nhà văn hoá lớn, có tầm tư tưởng vượt lên nhiều thế kỷ mà phần lớn cuộc đời sống gắn bó với Côn Sơn.
Nguyễn Trãi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nội ngoại đều là đại trí thức, tài năng trác việt, tâm hồn cao thượng, nặng lòng với nước non. Ông vốn thông tuệ, lại được giáo dục chu đáo từ  nhỏ, trong một xã hội đầy biến động nên ông sớm có tri thức thực tế trên nhiều lĩnh vực với một ý chí phi thường. Tư tưởng và hành động của Nguyễn Trãi nhất quán từ thuở thanh niên cho đến cuối đời, đó là một lòng một dạ vì dân vì nước. Ông trưởng thành trong thời nho giáo thịnh hành nhưng không giáo điều; không lệ thuộc vào quyền lợi ích kỷ của một dòng họ, mà lấy quyền lợi dân tộc, quốc gia lên trên hết như cha ông đã từng làm. Làm quan với triều Lê sơ, ông sớm thấy sự thối nát của nó, nhưng vì lợi ích của dân tộc, của quốc gia mà ông không từ nan; khi tuổi đã sáu mươi, vẫn  mong cải suy nát ra quang hoa. Nhưng như ông đã từng nói:"Nhân sinh thức tự đa vi hoạn", con người ta càng biết nhiều càng khổ nhiều. Ông đau đớn cho Hồ Quý Ly: "Anh hùng di hận kỷ thiên niên", nhưng như tiền định, một lần nữa cái di hận ấy lại đặt vào chính ông.
 
Vài ý tưởng cho tương lai: Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc dù là mùa Xuân hay mùa Thu vẫn là lễ hội lớn của đất nước. Những vấn đề cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục ở đây là tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc của Trúc Lâm tam tổ. Giỗ tổ Huyền Quang nhưng không chỉ riêng Huyền Quang mà phải nhắc đến Trần Nhân Tôn, người lãnh đạo đất nước hoàn thành xuất sắc hai cuộc chiến tranh vệ quốc, người có công xác lập Thiên phái Trúc Lâm Việt Nam.  Pháp Loa người có đạo nhãn và tài năng thực tiễn phi thường, kiến tạo cơ sở vật chất và đào tạo tăng ny cho thiền phái. Nêu cao tinh thần nhân văn của Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, người kiến tạo nên gia đình Danh nhân văn hoá thế giới. Công lao và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Người có công lớn đổi về đánh giặc giữ nước và xây dựng nền văn hoá dân tộc, người có tư tưởng đi trước thời đại. Các nhân vật được thờ ở Côn Sơn đều là những nhân vật kiệt xuất của dân tộc, chúng ta phải quan tâm tuyên truyền để góp phần nâng cao dân trí, nhất là lớp trẻ. Các tăng ny có thể lấy tấm gương của Huyền Quang để sửa mình.
 
Mười năm qua chúng ta đã khôi phục 2 công trình: Đền thờ Trần Nguyên Đán và Ngũ Nhạc linh từ, sáng tạo đền thờ Nguyễn Trãi. Hai đền thờ phát huy tốt, nhưng Ngũ Nhạc linh từ thì chưa. Bàn cờ Tiên đã có nhà bia, nhưng đấy chỉ là công trình khoa học nhiều hơn là tâm linh. Để phát huy hai không gian tiêu biểu này, chúng ta cần sáng tạo những công trình văn hoá mới để thu hút khách lên đây. Cũng như Yên Tử, khi hoàn thành chùa đồng thì lượng khách tăng gấp bội. Nếu như ở khu Bàn cờ Tiên có Am Bạch Vân và tượng Pháp Loa, trên Ngũ nhạc có tượng Trân Nhân Tôn, xây dựng đường lên xuống thuận tiện, chắc chắn Hội mùa xuân sẽ đông hơn. Và dân gian sẽ nói rằng khi đến Côn Sơn mà chưa lễ được tượng Pháp Loa và Trần Nhân Tôn coi như chưa hoàn thành việc đi lễ chùa. Vì Pháp Loa đầu tiên tu Côn Sơn, còn Phật Hoàng nhiều lần in dấu chân tại đây.
 
Nhiều thế kỷ qua, khách đến chùa Côn Sơn không chỉ lễ Phật, mà còn là dịp du xuân, thăm danh thắng, nơi có những di tích liên quan đến những danh nhân của đất nước, tiêu biểu là Nguyễn Trãi- Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Bốn mùa cảnh sắc Côn Sơn đều hấp dẫn khách tham quan, nhưng đến đây vào mùa xuân là thú vui của mọi tầng lớp. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, cũng đã đến thăm Côn Sơn vào dịp hội xuân năm Ất Tỵ, khi người đã 75 tuổi.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây