Khu di tích Đền Cao An Lạc

Thứ năm - 29/10/2015 14:56 - 3556 lượt xem
Cổng đền Cao
Cổng đền Cao
Chí Linh  - Một vùng đất  lắng hồn thiêng sông núi. Đến Chí Linh du khách được chiêm bái một quần thể khu di tích lịch sử đền Cao đang trầm mặc soi mình bên dòng Nguyệt Giang thơ mộng - một cảnh quan đặc biệt của Chí Linh. Dấu ấn lịch sử oanh liệt hào hùng thời Tiền Lê cùng những chiến công hiển hách của năm vị tướng họ Vương đến nay còn hiện diện qua những ngôi đền cổ tại vùng đất An Lạc làm nên dấu thiêng vùng đất Chí Linh.

          Từ cầu Thiên trên quốc lộ 18 bắc qua dòng Nguỵêt Giang đi vào 300m du khách đến với miền đất nhiều sử thoại, đó chính là mảnh đất An Lạc của huyện Chí Linh. Diện tích tự nhiên 4km nhưng lại có tới 99 quả đồi lớn nhỏ cao từ 15 – 100m. Phía nam có dòng Nguyệt giang êm đềm uốn khúc ôm ấp những cánh đồng phì nhiêu. An Lạc cũng là nơi có rừng lim nhân tạo duy nhất của tỉnh Hải Dương với hàng trăm năm  tuổi.

          Do ở vị trí quân sự trọng yếu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, động thực vật phong phú, núi non giăng thành, đường thủy bộ xuôi ngược thuận tiện nên thế kỷ 10 An Lạc đã trở thành một phòng tuyến, một hậu cứ để tấn công kẻ thù xâm phạm miền Đông Bắc của tổ quốc. Thời kỳ cận hiện đại đây vẫn còn là một vị trí quân sự có tầm quan trọng chiến lược. Khảo sát và tìm hiểu vùng An lạc thấy nhiều di tích và truyền thuyết quan hệ đến cuộc kháng chiến chống Tống.
 

2. Truyền thuyết:
          Theo truyền thuyết cha ông ta truyền lại: Vào thời Đinh ở Nga Sơn phủ Hà Trung tỉnh Thanh Hoá có hai vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh và bà Đào Thị Thanh sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con. Họ quyết đi tìm cuộc sống mới. Khi đến Dược Đậu Trang ông bà thấy đây là một vùng đất bình yên, thuần hậu, ông bà đã ở lại sinh cơ lập. Được dân làng yêu quý giúp đỡ khoảng một năm sau gia đình ông bà làm ăn khá giả và sinh được 5 người con là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng.
          Năm  người con lớn lên học hành binh thư chữ nghĩa rất tinh thông.  Một hôm hai ông bà về quê hương bản quán, đến bến đò Thần Phù - Thanh Hoá, không may gặp  bão đắm thuyền và mất tại đó vào ngày mồng 6-3.
          Năm 981 quân Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Nhà vua truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Lúc này năm người con họ Vương đang có tang cha mẹ nên không dám về triều ứng thí. Đến khi nhà Vua đem quân đi đánh giặc qua Dược Đậu Trang (An Lạc hiện nay) nhận thấy dân cư ở đây thuần hậu, địa thế hiểm yếu, nhà Vua liền cho lập đồn trại đóng quân tại đây. Hàng ngày thấy những người con họ Vương đi ngang qua cửa doanh đồn, Vua nhận thấy họ đều là người tài năng liền cho thử tài và chiêu dụng.
Nhà Vua liền phong chức cho ba anh em trai là Quyền chưởng Trung hoa tể đại tướng và phong cho hai chị em gái là Mẫu nghi chí tôn thiên hạ. Sau khi nhận tước phong các ngài cùng xin phép nhà Vua cho được thay thánh giá cầm quân ra đánh giặc.  Khi ấy 5 vị tướng cầm quân tiến đánh theo đường bộ tiến quân, giáp chiến một trận cực kì ác liệt. Quân giặc thua to, bỏ cả đồn tháo chạy về nước. Bờ cõi Đại Việt được giữ vững. Ngay ngày hôm đó Vua cho mở tiệc khao thưởng quân sĩ và nhân dân. Sau đó nhà vua dẫn quân trở về kinh đô, còn 5 ngai xin ở lại  mãn tang cha mẹ sẽ về triều bái yết.
          Không ngờ ý trời linh hoá, đêm hôm đó trời đất tối tăm mờ mịt, mưa gió ầm ầm, 5 ngài đều thăng hoá về trời (đêm 24 tháng giêng). Sáng hôm  sau trời đất lại trong sáng trở lại. Nhân dân kéo đến xem thì đã thấy mối đất đùn thành những ngôi mộ lớn rồi. Nhân dân liền lập biểu dâng lên triều đình. Nhà vua nghe tin vô cùng thương xót bậc quân thần có công lao với đất nước, liền sai quan triều đình về tận nơi làm lễ phúng viếng và phong mĩ tự cho 5 ngài:
-          Vương Thị Đào là “ Đào hoa trinh thuận công chúa”
-          Vương Thị Liễu là “ Liễu hoa linh ứng công chúa”.
-          Vương Đức Minh là “ Thiên Bồng Đại tướng quân đại Vương”
-          Vương Đức Xuân là “Dực thánh linh ứng đại vương”
-          Vương Đức Hồng là “ Anh vũ dũng lược đại vương”.
 Năm vị được nhân dân tôn làm “ Thượng đẳng phúc thần” và đã xây dựng đền thờ phụng tại quê hương An Lạc.

          Trong cuốn “ Hải Dương di tích và danh thắng” các tác giả viết rằng: Khu di tích đền Cao thờ năm anh em họ Vương.          Tuy nhiên qua tìm hiểu tư liệu điền dã và cách bố trí thờ phụng và lễ nghi nơi đây thì  không phải lànăm anh em họ Vương mà là năm chị em họ Vương.
  Như vậy khi so sánh giữa tư liệu đã được nghiên cứu với tư liệu điền dã luôn đặt cho chúng ta một dấu hỏi mà chúng ta cần cùng nhau giải đáp. 

2. Khu di tích Đền Cao
Khu di tích Đền Cao gồm có 5 đền thờ
-          Đền Cả thờ Vương phụ, Vương mẫu và Vương Thị Đào (Đào hoa trinh thuận công chúa) Vương Thị Liễu là ( Liễu hoa linh ứng công chúa)
Bên cạnh đền là chùa
-          Đền Cao: thờ trưởng nam họ Vương: Vương Đức Minh (Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương )
-          Đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân (Dực thánh linh ứng đại vương).
-          Đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng (Anh vũ dũng lược đại vương)
 1. ĐỀN CẢ. 
 
 
           Đền Cả toạ lạc giữa cánh đồng xanh tươi trù phú, nằm cạnh dòng Nguyệt Giang thơ mộng, uốn mình chở nặng phù sa. Đền Cả mang một dáng vẻ uy linh, huyền ảo được bao trùm bởi những cây cổ thụ gần 1000 năm. Đền Cả là nơi thờ phụng Vương phụ Vương mẫu và hai chị cả “ Đào Hoa Trinh Thuận công chúa” và “ Liễu Hoa Linh Ứng công chúa”. Đền được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn: 3 gian tiền tế, 1 gian trung từ, 1gian hậu cung. Trên nóc ngôi đền có đôi rồng chầu mặt trời do cụ phó sĩ ở Nam Hà đắp. Theo nhiều nhà nghiên cứu nhận xét thì đây là một trong những đôi rồng đẹp nhất miền Bắc. Trong đền có nhiều bức hoành phi, câu đối cổ ca ngợi công lao to lớn của 5 vị thánh  tiêu biểu là bức hoành phi  “ Tam linh tích hựu” và câu đối “ Thần hoá khai tiên cổ miếu anh linh quang lạc địa; Thánh sinh kế hậu tiền Lê trung liệt trấn nam thiên” .
          Trong quá trình hơn 1000 năm kiến thiết trùng tu xây dựng di tích quê hương, người An Lạc cùng các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể của xã, huyện, tỉnh cùng du khách thập phương cả nước đã bổ sung vào đây nhiều hạng mục công trình để di tich ngày càng khang trang tố hảo. Bên cạnh đền Cả là ngôi chùa thâm nghiêm, trầm mặc - nơi phật Thích Ca ban phúc cho muôn dân. Đền Cả sẽ mãi mãi là điểm hẹn văn hoá tâm linh của những con người biết trân trọng công tích của tổ tông và của lịch sử.
 2. ĐỀN CAO
          

          Cách đền Cả trừng 500m về phía đông, du khách thấy ẩn hiện thấp thoáng trong vẻ u tịch của rừng lim cổ thụ ngôi đền Cao nằm trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi, trước mặt là dòng Nguyệt Giang mềm mại uốn lượn ôm ấp trọn vùng đất này. Được thế rồng cuộn hổ ngồi, đền Cao trầm mặc, uy nghi đã chứng kiến bao thăng trầm dâu bể của hơn 1000 năm với vô vàn biến động dữ dội, với bom đạn chiến tranh và lòng người tan hợp theo thế sự xoay vần.
          Đền Cao là một ngôi đền độc đáo, được xây dựng từ thế kỉ 10 ( năm 981) và được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc còn lại bây giờ là kiến trúc  thời Nguyễn theo kiểu chữ Đinh: 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, 1 gian hậu cung, mái ngói rêu phong, những đầu đao cong vút, trên mái là bức phù điêu lưỡng long chầu mặt trời. Bàn tay tài hoa của người thợ đã mang lại cho di tích một dấu ấn riêng với 113 bậc gạch thả dài từ đỉnh núi xuống chân núi, nơi sân đền có thờ  voi đá, ngựa đá. Trầm ngâm trước cửa đền, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phương tám hướng du khách có thể liên tưởng đến thế hổ chầu, voi phục của 99 ngọn đồi bao bọc xung quanh ngọn Thiên Bồng như trải ra một không gian kì vĩ, tầng tầng lớp lớp... Trong đền còn lưu giữ nhiều đồ thờ tế tự giá trị, với những bức hoành phi, câu đối thể hiện công lao to lớn của vị thánh được phụng thờ nơi đây. Trong cung cấm còn lưu giữ Ngọc phả và 11 sắc phong của các đời vua Minh Mệnh đến vua Khải Định.
          Từ lâu đền Cao đã lưu truyền trong dân gian về sự linh thiêng và nhiều bí ẩn mà người đời chưa thể lý giải. Cổ nhân Lạc Đạo có câu “ Biết không nói, không biết không hỏi”. hay “không được mở khám thờ” nên gian cấm đền Cao là cả một sự bí ẩn mà không ai được vào ngoài năm quan đám. Khi vào các quan đám phải tuân theo những qui định rất khắt khe như: không được ăn mặn, không có tang tóc, phải tắm rửa sạch sẽ, phải mang khăn bao hàm, qua cửa vào cung cấm phải bước chân phải vào trước và khi ra phải bước chân trái ra trước… Đền Cao đã và sẽ mãi lưu giữ được nguyên vẹn giá trị văn hoá tâm linh.
 
  3. ĐỀN BẾN TRÀNG
          Đền Bến Tràng cũng là một trong những ngôi đền lớn nằm cạnh dòng Nguyệt Giang. Nơi thờ phụng ngài Vương Đức Xuân- Dực Thánh Linh Ứng đại vương. Đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, 02 gian tiền tế, 01 gian hậu cung. Về nơi đây du khách sẽ được thả hồn theo dòng Nguyệt Giang trôi từ miền quá khứ hào hùng về hiện tại phồn thịnh trôi tới tương lai tươi đẹp hơn.
4. ĐỀN BẾN CẢ           Đền Bến Cả là ngôi đền có nhiều chuyện ly kỳ. Đây là ngôi đền trần
(không có mái che) thờ người con trai thứ 5 là Vương Đức Hồng – Anh Vũ Dũng lược đại vương. Theo truyền thuyết xưa, khi người dân lập đền thờ, công việc chuẩn bị chu đáo nhưng cứ xây lên lại đổ, xây lại đổ, vào một đêm có một vị thần hiện lên bảo rằng: “Nếu có thờ thì xây đủ 100 gian, không thì để thờ trần và nếu thờ trần thì làm một bình hương đá, một tráp đá, một đèn đá.” Và từ đó dân ta quyết định để ngôi đền trần thờ cúng. Có lẽ đây là một ngôi đền đặc biệt nhất trong hệ thống di tích đền thờ Việt Nam.
5. ĐỀN VUA
 

           Toạ lạc trên núi bàn cung – nơi vua Lê Hoàn bàn luận việc quân cơ năm 981 và quyết định  chọn Dược Đậu Trang ( An Lạc ngày nay) để đóng doanh đồn. Nơi đây như còn ấm dấu chân vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến  Tống  đưa tâm linh du khách trở về trang sử hào hùng của dân tộc.
          Căn cứ vào tài liệu lịch sử, nơi đây đã từng có các dinh thự, hành cung và nhiều vị trí đồn trú cùng với các kho quân lương, vũ khí để sử dụng trong việc nuôi quân, tập luyện, bài binh bố trận trong các cuộc kháng chién chống giặc Tống. Những dấu tích còn lại đến nay vẫn còn mang tên theo lịch sử như: Cánh Đồng Dinh, Núi Gạo, Núi Tiền, Bàn cung...
          Cùng với sự giúp đỡ của các ngành, các cấp chính quyền, các tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự đầu tư của Bộ Quốc phòng với số vốn là 10 tỉ bươc đầu đã xây dựng được nơi thờ phụng Vua Lê Đại Hành với các hạng mục công trình: Đền thờ chính, sân đền, đường lên đền. Tuy nhiên công trình vẫn chưa được thật hoàn thiện. Rất cần có sự đầu tư hơn nữa của các ngành các cấp, các tập thể, cá nhân.
Đền thờ chính được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, 3 gian tiền tế, 1gian hậu cung. Trong đền có nhiều đồ thờ tế tự, các  hoành phi, câu đối, thể hiện rất rõ tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành. Ví dụ: Bức hoành phi “ Xuất thánh minh”, “ Vạn cổ anh linh”, câu đối “Đức đại an dân thiên cổ thịnh; Công cao vạn quốc vạn linh trường”...
Đứng trên đỉnh núi Bàn Cung phóng tầm mắt ra phía trước du khách được tận hưởng một không gian khoáng đạt, giúp du khach tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Trong không gian ấy dòng Nguyệt Giang như một nét vẽ của tạo hoá, mềm mại uốn lượn như ôm ấp lấy miền quê trù phú.
 
          Khu di tích Đền Cao đã hình thành và phát triển hơn 1000 năm nay. Tuy qui mô của các ngôi đền không lớn nhưng đã hội tụ được linh khí của đất trời. Bao phen vật đổi sao dời, dầm mưa dãi nắng. Bao thuở “nồi da nấu thịt” khói súng thuốc bom thế mà các ngôi đền vẫn ngạo nghễ cùng trời đất.
Điều thiêng liêng ấy không phải đến bây giờ mới nhận ra mà cách đây gần 300 năm Tiến sĩ Chu Đôn Lâm đã từng khẳng định “ Núi chẳng cần cao hễ có tiên ở là trở nên nổi tiếng. Sông chẳng cần sâu, hễ có rồng cuốn là trở nên linh thiêng. Vì thì đền thờ cần gì phải nguy nga lộng lẫy, cần gì phải có tô đỏ vẽ xanh, mà chỉ cần có linh thần là đã thiêng liêng rồi.” Chân lý ấy sẽ mãi vĩnh tồn và được các thế hệ đời sau chứng nghiệm.
 Từ khóa: chí linh, đặc biệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây