Đi tìm dấu tích Phao Sơn cổ thành

Thứ năm - 29/10/2015 13:55 - 4886 lượt xem
Cây gạo trước cổng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được cho là khu vực trung tâm thành cổ Phao Sơn xưa
Cây gạo trước cổng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được cho là khu vực trung tâm thành cổ Phao Sơn xưa
Thành cổ Phao Sơn được xây dựng từ thời Trần. Đến những năm 80, di tích nổi tiếng này đã bị phá đi để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
Chí Linh nổi tiếng với “bát cổ”, trong đó có Phao Sơn cổ thành, địa danh còn cất giữ nhiều bí ẩn. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng được ông Nguyễn Văn Sông, Trưởng Ban Quản lý di tích thị xã Chí Linh đưa đi điền dã nơi đây. Và những gì “mắt thấy tai nghe” khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng… 

Địa danh cất giữ nhiều bí ẩn

Vùng đất cổ Phao Sơn nay thuộc địa phận phường Phả Lại (thị xã Chí Linh) được bao bọc bởi sông Lục Đầu và dãy núi Phả Lại. 

Trước khi có chuyến điền dã này, chúng tôi đã cất công tìm tòi các tư liệu ghi chép về di tích Phao Sơn cổ thành nhưng chỉ được vài dòng vẻn vẹn: Phao Sơn cổ thành, tức thành cổ Phao Sơn được xây dựng từ thời Trần. Khi quân Minh xâm lược, chúng đóng quân và chiếm giữ thành này cho đến khi bị quân ta đánh bại. Đến thời Mạc, thành được tu sửa, là một thành trì quan trọng. Thời thuộc Pháp, nơi đây trở thành căn cứ quân sự, thực dân Pháp xây dựng ở đây trường đào tạo sĩ quan. Vào những năm 80, khi xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, thành Phao Sơn bị phá bỏ để xây dựng khuôn viên nhà máy. Vị trí của thành nằm ở khu vực Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hiện nay.  

Dừng ở cây gạo trước cổng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, ông Sông cho biết: Theo các tài liệu, đây chính là khu vực trung tâm thành cổ Phao Sơn xưa. Theo thời gian, dấu tích còn lại duy nhất là cây gạo cổ có niên đại thời Nguyễn. Theo ông Sông, thành Phao Sơn có diện tích khoảng 500 trượng (tương đương 5-7 ha), được xây cao chừng 4m bằng gạch vồ (thứ gạch nung rộng và dày thời xưa), ngoài có hào thành bao quanh, trung tâm là dãy núi Rồng và núi Ngọc (núi Rồng còn được gọi là núi 9 chóp hay núi Kèn Lo). Thời Hồ, thành được mở rộng về phía nam, thời Mạc, thành được tôn cao ở phía đông. Năm 1980, khi khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, toàn bộ dãy núi Rồng bị nổ mìn, san lấp làm mặt bằng. Theo người dân địa phương, khi núi Rồng chưa bị san lấp, ở dưới chân có đường hầm xây gạch vồ cao 2m ăn sâu vào lòng núi, đi không tận được, gọi là hầm Nhà Mạc. Tìm trong dân gian, quanh khu vực nhà máy còn rất nhiều địa danh chứng tỏ nơi đây từng là một ngôi thành lớn như: Đấu Đong là nơi xưa từng có một chiếc ao lớn cho quân sĩ đứng xuống đó để đếm quân, Ao Cháo là nơi tập kết cháo trước khi chia cho quân lính… Xa xa về phía đông nam của thành còn có một bãi cát trắng gọi là bãi Nhạn (nay bãi này không còn nữa). Gắn với địa danh bãi Nhạn còn có câu ví nổi tiếng: “Bạch Nhạn sa mao anh hùng tận”, có nghĩa: nếu bãi Nhạn có cỏ mọc thì nơi đây hết anh hùng. Ngoài ra, Phao Sơn cổ thành còn là nơi tập trung của 7 di tích đền, chùa có niên đại từ thời Lý trở về sau: chùa Dốc, chùa Bách Linh, chùa Báo Ân, đền Nhà Bà, đình Phao… Trong đó chùa Báo Ân tương truyền là nơi từng tìm được ấn vua (hiện chưa rõ thời nào). Đền Nhà Bà thờ vị công chúa thời Triệu Đà, tại đây, khi xây dựng nhà máy đã khai quật được một xác ướp còn nguyên hình người nằm trong cây gỗ… Nhưng chứng tích thuyết phục nhất về sự tồn tại của một ngôi thành lớn chính là bài thơ “Chí Linh cổ thành”, một trong tám bài vịnh bát cổ Chí Linh của tác giả Thanh Hiên, được khắc trên tấm bia Chí Linh bát cổ năm 1798. 

Trả lại giá trị lịch sử vốn có của di tích Phao Sơn cổ thành, UBND thị xã, ngành văn hóa thị xã, UBND phường Phả Lại cùng Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã thống nhất trên phần núi Rồng còn lại sẽ dự kiến dựng bức tường đá lớn gắn tên di tích; dưới gốc cây gạo cổ trước cổng nhà máy xây dựng bia Phao Sơn cổ thành; đặc biệt sẽ phục chế lại một đoạn tường thành nhà Mạc và cổng thành nơi bến phà cũ.  
 
Hé lộ dấu tích cổ thành

Ông Nguyễn Văn Sông dẫn chúng tôi đến núi Ngọc, một quả núi nhỏ hình tròn như chiếc bát úp nằm phía nam quốc lộ 18 thuộc khu dân cư Ngọc Sơn để xem những dấu tích còn lại của Phao Sơn cổ thành. Theo ông Sông, núi Ngọc nằm trọn trong cổ thành xưa, còn con đường xe đang đi vốn là bờ thành phía nam. Bằng chứng các ngôi thành ngoài tường thành đắp cao, phía ngoài còn hào thành sâu bảo vệ. Vùng đất thấp phía nam đường chính là dấu vết hào thành.



Đống gạch vồ ở tường thành còn khá nguyên vẹn chất đống trong vườn nhà bà Dung

Dẫn chúng tôi vào nhà bà Đào Thị Dung, ông Sông cho biết: Tại khu đất này, khi xây nhà, chủ nhà đã đào được rất nhiều gạch vồ và gạch vuông trang trí hoa dây. Mời chúng tôi vào nhà, bà Dung mang ra 3 mảnh gạch vuông trang trí hoa dây rất đẹp. Bà kể: Năm 1989, khi gia đình đào móng xây nhà đã tìm được rất nhiều loại gạch này nhưng hầu như đều đã vỡ nát. Cũng trong quá trình đào móng, gia đình bà còn đào được một viên gạch vuông, không hoa văn song trên gạch lại có chữ Nho. Bà đã đi tìm một số người biết chữ Nho dịch giúp, họ nói đây là gạch Lý Gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo thuộc thời vua Lý Thánh Tông (1057- 1072). Ở vườn nhà bà Dung, chúng tôi còn thấy một đống gạch vồ khá nguyên vẹn với kích thước khoảng 30cm x 50cm x 8cm mà gia đình đào được trong lúc làm nhà. “Loại gạch này những nhà xung quanh đây đào được vô số. Ngoài ra họ còn đào được cả những phiến đá xanh lớn”, bà Dung cho biết.

Rời nhà bà Dung, ông Sông dẫn chúng tôi đến gia đình bà Phạm Thị Uyển ở khu dân cư Ngọc Sơn. Ngay khi bước vào cổng, chúng tôi đã gặp những mảnh gạch vồ vỡ nằm lăn lóc trên mặt đất. Theo ông Sông, vị trí này là điểm cuối của tường thành, cũng là nơi đã lộ thiên khá nhiều dấu tích. Nhặt một mảnh gạch có hoa văn hình thoi giơ cho tôi xem, ông Sông giảng giải hoa văn trên gạch là của thời Hán. Điều đó càng minh chứng bề dày lịch sử của Phao Sơn cổ thành. Khi ông Sông nhổ vài cây cỏ ở bờ đất cao khoảng hơn mét sau nhà bà Uyển thì xuất hiện chi chít những mảnh gạch vồ vỡ. Một người trong gia đình bà Uyển cho biết, ông Doanh, một người họ hàng của gia đình đã tìm được một đầu rồng đất nung ở bờ đất này. Chẳng biết hiện giờ ông Doanh còn giữ chiếc đầu rồng đất nung đó hay đã đem bán.

Theo ông Sông đây chính là nơi mà tới đây sẽ được chọn tiến hành khảo cổ. Hiện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang làm các thủ tục cần thiết để công việc khai quật được tiến hành. “Căn cứ vào các dấu tích lộ thiên cùng các cổ vật đã tìm được ở đây, chúng tôi rất kỳ vọng đợt khảo cổ này”, ông Sông cho biết.

NGỌC HÙNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây