Mưu sinh trên bãi rác

Chủ nhật - 30/09/2018 20:41 - 2595 lượt xem
Thành quả của những người nhặt rác sau một buổi lao động mệt nhọc
Thành quả của những người nhặt rác sau một buổi lao động mệt nhọc
Bất kể nắng mưa, sớm tối, mặc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bủa vây, họ vẫn miệt mài nhặt nhạnh, thu gom từng chiếc túi nilon, chai nhựa bỏ đi để kiếm sống...
Ruồi nhặng bủa vây

Gần 14 giờ, dưới cái nắng "rám trái bưởi" giữa bãi rác mênh mông ở phường Cộng Hòa (Chí Linh), cô Miền cùng với mấy chị em trong nhóm vẫn cặm cụi bới móc, tìm kiếm. Rác mới chuyển đến gặp nắng to làm hơi nóng bốc lên hầm hập. Mùi hôi thối nồng nặc từ rác để lâu ngày phả thẳng vào mặt. Ruồi nhặng bâu đen sì gặp người bay loạn xạ. 

Mặc mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, tay bà Miền với hai lớp găng vẫn thoăn thoắt cào, bới từng ngóc ngách của đống rác vừa được đổ xuống. Tất cả túi nilon, chai nhựa, bao dứa được bà nhặt, rũ sạch rồi cho vào bao tải để sẵn bên cạnh. Nước thải từ rác đen đặc, nhớp nhúa, mùi hôi thối khiến người mới tiếp xúc ngộp thở. Có lẽ chẳng ai muốn sớm chiều còng lưng ở đó nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ phải chấp nhận làm cái nghề cùng cực này. Chắc vì mặc cảm với công việc của mình, các bà, các chị ngập ngừng, ngại ngần khi tôi hỏi họ tên, quê quán. Phải đến lúc ngồi nghỉ dưới tán cây mọc trên bãi rác cũ, mọi ngại ngần tan biến thì mọi người mới trải lòng về công việc mình đang làm.

"Cô nhặt rác ở đây hơn chục năm rồi. Lúc đó cô đã có tuổi, nghề nghiệp lại không có nên chẳng công ty nào nhận. Nhà chỉ có mấy sào ruộng nên cô tranh thủ nhặt nhạnh ở đây phụ thêm cho chú ở nhà nuôi các em", bà Miền chia sẻ. Vừa nói, bà Miền vừa chỉ tay giới thiệu tên từng người trong cái nhìn e ngại của các bà, các chị: "Đây là cô Được, năm nay gần 60 tuổi rồi. Còn đây là chị Hường, chị Hằng, chị Nhận đều trên 40 tuổi cả. Mọi người cùng ở thôn Ngái, cách đây chưa đầy cây số. Vì miếng cơm manh áo mà mọi người mới phải gắn với nơi bẩn thỉu này".       
  
Tháo hai lớp găng tay dầy cộp, cáu bẩn, bỏ chiếc khăn đẫm mồ hôi ra khỏi đầu, với tay lấy chiếc nón quạt lấy quạt để, bà Được cho biết thêm: "Chúng tôi đều ở gần đây nên đi lại không mất nhiều thời gian. Buổi sáng mọi người tranh thủ nhặt nhạnh rồi phơi khô để buổi chiều gom lại cho vào bao. Cứ vài ngày lại có người đến lấy. Bẩn thì bẩn thật đấy nhưng nếu chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng". Giống như bà Miền, bà Được, các chị Hằng, Hường, Nhận đã gắn bó với bãi rác này gần chục năm nay. Chị Hường kể: "Mấy chị em tôi tuổi đã nhỡ nhàng, không có nghề nghiệp gì nên xin việc ở đâu cũng khó. Ban đầu, khi các cô rủ ra đây làm tôi cũng ngại nhưng làm mãi rồi cũng quen. Nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, nếu không có thu nhập từ bãi rác này, cuộc sống của gia đình tôi sẽ rất khó khăn".


Đống rác vừa đổ xuống được các cô, các chị xúm vào nhặt
Nhìn bãi rác mênh mông, ruồi nhặng bu đầy, không ai nghĩ đây lại là nơi mưu sinh của gần chục con người. Hàng chục năm nay, từ sáng đến tối, mặc mưa hay nắng, các bà, các chị gắn với rác, ăn, nghỉ cùng rác. Mặc dù ở gần nhưng nhiều buổi trưa mọi người không về nhà. Họ mang theo đồ tranh thủ ăn rồi nghỉ ngơi ngay dưới các tán cây. Ngồi bên cạnh tôi, chị Hằng góp chuyện: "Nếu ở đây thì chấp nhận ăn chung với ruồi nhặng, mùi hôi thối nhưng về nhà ăn uống, nghỉ ngơi thì mất thời gian lắm. Nhiều hôm mọi người mang theo đồ ăn, nghỉ trưa một lát rồi làm tiếp. Rác thì nhiều, nghỉ thì tiếc nên mọi người rủ nhau ở lại kiếm thêm". Một lý do nữa làm cho các bà, các chị ngại về buổi trưa là “Về nhà lại phải thay quần áo, tắm rửa nếu không mùi hôi thối ám vào quần áo không ngồi ăn được, ảnh hưởng tới mọi người trong gia đình”. Nhìn những bộ quần áo lấm lem, cáu bẩn, đôi tay phải đeo 2 lần găng, khuôn mặt lúc nào cũng khẩu trang kín mít, tôi mới hiểu được sự e ngại của các bà, các chị khi tiếp xúc với mọi người.

- Có bao giờ các cô vớ được món gì kha khá không? - Tôi đùa.

- Rác sinh hoạt chỉ toàn đồ hôi thối thôi, làm gì có món gì kha khá đâu. À, thỉnh thoảng bọn cô cũng vớ được cái phong bì mừng cưới còn sót tiền hoặc gia chủ quên chưa bóc. Cũng chẳng đáng bao nhiêu đâu, chỉ vài trăm nghìn. Nhặt được mà chẳng biết của ai để trả nên mọi người coi đấy là món quà trời cho. Vui đấy nhưng cũng thấy áy náy cho chủ nhân chiếc phong bì ấy. Tiền mừng không đến tay, người đi ăn cưới có lẽ bị hiểu nhầm, mang tiếng lắm! Vì thế các cô chẳng muốn vớ được quà như vậy đâu! - bà Được nói.
        
Bán rẻ sức khỏe kiếm tiền

Giơ đôi bàn tay nhợt nhạt, nham nhở vết cắt của mảnh thủy tinh, vết kim tiêm, chị Hường cho biết: “Mặc dù đã rất cẩn thận nhưng thỉnh thoảng mọi người vẫn bới vào mảnh chai lọ vỡ để lẫn trong túi rác. Trước đây chưa có ủng, chân liên tục giẫm vào mảnh chai lọ, chén, bát vỡ đau nhói. Mỗi lúc như thế tôi chỉ biết ngồi xuống nặn chất bẩn ra, ôm chân xuýt xoa một lúc rồi lại làm tiếp. Lúc đầu cũng sợ bị nhiễm trùng nhưng mãi thấy chẳng làm sao nên quen dần. Chúng tôi chỉ biết bảo nhau phải cẩn thận hơn thôi”. Mọi người ở đây sợ nhất là bới vào kim tiêm các loại. “Kim được bọc vào túi nilon vứt lẫn trong rác sinh hoạt. Người cẩn thận thì cho vào ống nhựa hoặc bẻ cong. Người vô tâm thì cứ để nguyên mũi kim. Mỗi lần bị chọc vào, ngón tay đau nhức hàng tuần chưa hết”, bà Được góp thêm.


Phế liệu được đưa về nơi tập kết
- Kim đâm như thế các cô không sợ nhiễm trùng à?- Tôi hỏi.

- Có sợ nhưng biết làm sao? Mỗi lần bị kim đâm, chúng tôi chỉ biết nặn sạch máu bẩn ra, vệ sinh sạch sẽ. Chẳng lẽ bị cái kim con con đâm mà nghỉ làm à? Nghỉ thì làm gì ra tiền?- cô Miền đáp.

“Nghỉ thì làm gì ra tiền?” là câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng tôi không sao trả lời được. Đối với những người “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” như các bà, các chị ở đây, những vết kim đâm, vết thủy tinh cứa chưa thể khiến họ nghỉ làm được bởi nhiều khi chi tiêu cho gia đình trông cả vào bãi rác này. Qua câu chuyện với mọi người, tôi biết việc bị kim đâm vào tay hay giẫm vào mảnh thủy tinh, chén, bát vỡ vẫn không làm các bà, các chị lo bằng việc hằng ngày, hằng giờ hít phải mùi hôi thối bốc lên từ các loại rác bẩn ở đây. Bà Miền lo lắng: “Sau mỗi trận mưa, nắng lên làm cho mùi hôi thối càng nồng nặc hơn. Dù đã quá quen với thứ mùi khủng khiếp này nhưng vẫn làm cô tức ngực, khó thở. Bịt mấy lần khẩu trang, quấn khăn kín đầu bất kể mưa hay nắng nhưng mùi hôi vẫn bám vào đầu tóc, quần áo, khó chịu vô cùng. Bây giờ còn khỏe còn chịu được. Không biết vài năm nữa có phát sinh bệnh tật gì không”.  

Vất vả, bẩn thỉu hằng ngày lại không làm các bà, các chị tủi thân bằng việc bị người khác coi thường. Mọi người kể lại mấy năm trước có cậu lái máy san gạt luôn tỏ ý coi thường những người nhặt rác ở đây. Mỗi khi có xe đổ rác xuống là cậu ấy lại dùng máy san ngay xuống hố cho xong nhiệm vụ. “Nhiều lần chúng tôi đề nghị hãy để chúng tôi nhặt xong rồi lấp nhưng cậu ấy nhất quyết không nghe. Có lần tôi còn bị cậu ấy ủi rác đè lên người, may mà chạy kịp”, bà Miền kể lại. Chị Hằng tiếp lời: “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm cái nghề cùng cực này. Để kiếm được đồng tiền phụ giúp gia đình, chúng tôi cũng phải đổ mồ hôi công sức chứ có sung sướng gì đâu”.

Trước thông tin chính quyền địa phương có kế hoạch tìm nơi xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở vị trí khác rồi đóng cửa bãi rác này, mọi người thoáng buồn. "Nếu đóng cửa thì chưa biết tôi sẽ làm gì để sống. Mọi người ở đây ai cũng nghèo như nhau. Hơn chục năm qua chúng tôi đã gắn bó với bãi rác này. Chính những thứ người ta bỏ đi giúp chúng tôi có tiền duy trì cuộc sống gia đình", bà Miền buồn bã nói. Thế nhưng nỗi buồn cũng chỉ thoáng qua khi mọi người đều nhận thấy việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải là cần thiết vì bãi rác này thực sự rất ô nhiễm. Bà Miền lạc quan trong tiếng cười vui vẻ của mọi người: "Rồi mọi chuyện cũng qua hết. Nếu không còn bãi rác, chúng tôi sẽ tìm việc khác. Còn trước mắt cứ tranh thủ được ngày nào tốt ngày đó".

VỊ THỦY (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây