Đi kiếm ong rừng

Thứ hai - 10/12/2018 16:46 - 1926 lượt xem
Nghề bắt ong rừng tuy nguy hiểm nhưng mang lại giá trị kinh tế cao
Nghề bắt ong rừng tuy nguy hiểm nhưng mang lại giá trị kinh tế cao
Khi nắng thu nhạt dần, nhường lại đất trời cho cơn gió lạnh đầu đông cũng là lúc những người thợ săn ong bắt đầu hành trình rong ruổi khắp các cánh rừng để chắt chiu từng giọt mật của tự nhiên...
Lộc từ rừng

Mới tờ mờ sáng, lá rừng vẫn còn ướt đẫm sương đêm nhưng anh Bùi Văn Thảo, ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng cho chuyến đi kiếm mật ong rừng. Một cái bật lửa, một túi vải đen, một sợi dây thừng, một nắm hương, một ít lương khô và nước uống được anh gói ghém cẩn thận trong chiếc ba lô đã bạc màu. Trước khi lên đường, anh Thảo quay sang hỏi lại tôi lần nữa để chắc chắn người bạn đồng hành không bỏ cuộc giữa chừng.

- Dù đang là mùa song ong rừng khó kiếm. Với lại khi đã vào rừng thì có bắt được ong hay không, anh cũng phải đi chán chân mới về, cô có theo được không? - anh Thảo dò hỏi.

Vốn tính tò mò nên tôi quả quyết sẽ đi cùng anh đến khi nào tìm được và tận mắt nhìn thấy tổ ong rừng mới về. Câu trả lời của tôi khiến anh yên tâm hơn và chuyến đi sớm hơn dự kiến. Khi mặt trời chưa qua khỏi núi, anh Thảo vai khoác ba lô, tay cầm dao quắm rẽ lối đưa tôi lên rừng.

Theo kinh nghiệm bắt ong rừng gần 20 năm của anh Thảo thì đây là loài côn trùng tinh khôn nên sẽ không làm tổ ở những nơi dễ phát hiện. Nếu đi theo đường mòn thì khó tìm được nơi trú ngụ của chúng nên mỗi ngày anh phải tìm một lối khác nhau. Mới đi được đoạn ngắn, bao nhiêu háo hức trong tôi bỗng chốc tiêu tan mà thay vào đó là sự mệt mỏi, chán nản. Đường rừng cheo leo, khúc khuỷu, có đoạn dốc đứng khiến bước chân càng nặng nề hơn. Hơn nữa, cây rừng, phiến đá có khi là điểm tựa, hỗ trợ leo lên cao, nhưng sẽ là hiểm họa nếu như vô tình bám vào cây bụi rễ không ăn sâu xuống đất và những hòn đá chênh vênh.

Khi tôi thở không ra hơi thì anh Thảo vẫn đi phăng phăng và thao thao kể về những chiến tích bắt ong rừng trong nhiều năm qua: “Được mọi người ưa chuộng nên giá trị của mật ong rừng rất cao. So với các lâm sản khác thì đây được ví là món hời lớn từ rừng. Nếu tìm được 1 tổ ong lớn sẽ dễ dàng đút túi từ 3 - 4 triệu đồng. Mặc dù vậy, không phải ai vào rừng cũng gặp may. Có ngày anh kiếm được từ 4 - 5 tổ ong, nhưng có ngày phải trắng tay ra về”.

 
Sáp ong là một chiến lợi phẩm anh Thảo kiếm được trong chuyến đi rừng

Giữa núi rừng bao la, cây cối um tùm, để xác định chính xác điểm làm tổ của ong rừng vô cùng khó khăn. Nhưng với người đã thuộc nằm lòng từng gốc cây, nhớ như in từng phiến đá như anh Thảo thì cũng không gặp nhiều trở ngại. “Ong rừng thích làm tổ trong hốc cây, khe đá nên phải chú ý những vị trí này đầu tiên. Còn thông thường, thợ săn ong sẽ tập trung vào một vài con ong đang rời tổ đi hút mật và lần theo hướng ong bay để phán đoán nơi ong làm tổ. Song dù tìm bằng cách nào thì cũng chỉ là xác suất, phải trông mong vào vận may”, anh Thảo kể.

Chưa nói hết câu chuyện, anh Thảo đã dứt lời, tiến về phía một gốc cây cổ thụ trước mặt. Sau một hồi quan sát tỉ mỉ, anh dùng dao quắm đục một lỗ nhỏ trên thân cây. Nét mặt đăm chiêu của anh Thảo đột nhiên rạng rỡ, anh cười phá lên: “Hôm nay, cô là người gặp may”. Thì ra thân cây rỗng và có 1 đàn ong mật ở bên trong. Theo anh Thảo, với kích cỡ tổ hiện tại thì khoảng nửa tháng nữa, tổ ong rừng này sẽ cho thu khoảng 2 lít mật và mang về cho anh vài triệu đồng. Thế nhưng để thỏa mãn sự hiếu kỳ của tôi khi muốn xem bắt ong và lấy sáp ong, anh Thảo chấp nhận “ăn non”. Lấy từ trong ba lô ra cái túi vải đen, anh Thảo dùng 2 cành cây khô đặt bắt chéo trong túi. Vừa làm, anh vừa nói: “Nhìn tổ, anh ước chừng đàn ong này khoảng 5 vạn con. Chỉ khoảng gần tiếng nữa thôi, cả đàn ong sẽ chui vào túi vải và theo anh em mình xuống núi".

Ong rừng rất hung dữ nên người săn ong thường phải trùm mũ lưới để bảo vệ. Còn với anh Thảo, vì đã quá quen với công việc này, do đó anh không cần phải sử dụng tới nó. Anh thò tay trần vào hốc cây và mang ra từng nắm ong rồi nhẹ nhàng cho vào túi trong sự ngạc nhiên của tôi. Tôi thắc mắc:

- Chẳng lẽ anh không sợ ong đốt?

- Cô nhìn thế thôi nhưng thật ra anh không bắt ong bằng tay mà bằng cảm giác. Sau nhiều lần bị ong đốt sưng mặt mũi, chân tay, anh nghiệm ra rằng, với loài ong phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận. Nếu không may lỡ tay làm chết một con thì cả đàn sẽ quay sang tấn công. Do đó, bắt ong rừng không được nóng vội, sốt ruột và phải biết lựa đôi tay khi bắt.

Khi thấy ong trong tổ đã vơi dần, anh Thảo đốt hương để lùa những con vẫn còn ngoan cố vào túi. Sau đó, anh lấy ra từng mảng sáp ong đã được ken đầy mật. Sau nửa ngày vất vả leo rừng, lội suối, chúng tôi cũng đã có được thành quả ngọt ngào. Nếm thử một miếng sáp ong nhỏ sẽ cảm thấy hương vị của núi rừng đang tan chảy trong miệng. Mật ong rừng đậm đà nơi đầu lưỡi, ngọt dịu ở vòm họng và khi thưởng thức rồi sẽ thật khó quên.

Trả ơn rừng

 
Anh Thảo bắt ong rừng về thuần để lấy mật

Theo anh Thảo, từ tháng 9 âm lịch tới Tết Nguyên đán, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí có lúc hàng trăm người vào vùng rừng Chí Linh kiếm ong. Dù vậy không phải ai cũng biết được tập tính của ong để biết cách duy trì và khai thác tối đa giá trị kinh tế của ong rừng. Vì ong rừng sống theo đàn nên rất đoàn kết và kỷ luật. Nếu tổ ong mới hình thành thì không nên tận thu. Còn khi đã xác định bắt thì phải bắt bằng hết và thu dọn sạch sẽ để những đàn ong sau không phát hiện ra nơi đây đã từng có tổ ong nên tiếp tục xây tổ. Có như vậy mới duy trì nguồn lợi từ ong rừng lâu bền.

Ong rừng có giá trị cao nhưng không phải ai cũng có duyên với công việc bắt ong rừng. Có người đi hàng tuần không tìm được tổ ong nào, có người gặp được thì lại không biết cách bắt nên vừa không được lợi, vừa hại thân. Thợ săn ong rừng giỏi phải vừa bản lĩnh, vừa cẩn thận và đặc biệt phải có tình yêu với núi rừng. Anh Thảo chia sẻ: "Trước một bầy ong có vũ khí là ngòi độc có thể đe dọa tới tính mạng thì người bắt ong không được phép mất cảnh giác. Tuy anh đã quá quen với công việc này nhưng luôn phải đặt an toàn lên hàng đầu. Từ việc tiếp cận tổ, phá tổ, bắt ong và lấy sáp đều phải cẩn trọng, nhẫn nại”.

Sau mỗi đợt đi kiếm ong rừng, anh Thảo thường chỉ bán sáp ong, còn ong sẽ để lại thuần dưỡng phục vụ cho vụ mật xuân. “Ong rừng khỏe, lại nhanh nhẹn chứ không giống ong nhà. Vì vậy nuôi ong rừng sẽ cho năng suất và chất lượng mật tốt hơn. Thế nhưng, mục đích của anh không chỉ có vậy. Dù đã được thuần song bản năng hướng về tự nhiên của ong rừng rất mạnh mẽ. Do đó, chúng sẽ theo mỗi đợt hoa để trở lại rừng và mang về hương vị của núi rừng. Đây cũng là cách để anh trả ơn với rừng, với những đàn ong rừng đã mang lại cho gia đình anh thêm nguồn thu nhập”, anh Thảo trầm ngâm.

Không chỉ là thợ săn ong rừng chuyên nghiệp mà anh Thảo còn nhận khoán hơn 30 ha rừng. Gắn bó với núi rừng nửa đời người nên anh luôn tâm niệm rằng khi đã thu lợi từ rừng thì phải quyết tâm giữ rừng. Vì thế, không khi nào anh có suy nghĩ chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc, trông nom rừng. Vào mùa vụ sản xuất bận rộn, cách 3 ngày anh thăm rừng 1 lần, còn khi nông nhàn, ngày nào anh cũng vào rừng. Nhiều khi anh đi từ sáng sớm, có những hôm trở về khi đã tối muộn. Anh Thảo không ngại thừa nhận rằng, có lẽ vì tìm được niềm vui từ rừng, biết trân trọng từng cánh rừng nên núi rừng mới ưu ái cho anh. Và đàn ong rừng với những giọt mật làm say lòng người chính là ân huệ lớn lao nhất.

DŨNG CƯỜNG (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây