Bấp bênh nghề nuôi rắn ở Chi Ngãi

Thứ ba - 26/03/2019 15:52 - 3036 lượt xem
Chi phí thức ăn nhiều nhưng giá bán rắn thương phẩm ngày một thấp khiến nhiều hộ nuôi rắn ở Chi Ngãi điêu đứng
Chi phí thức ăn nhiều nhưng giá bán rắn thương phẩm ngày một thấp khiến nhiều hộ nuôi rắn ở Chi Ngãi điêu đứng
Các khu dân cư (KDC) Chi Ngãi 1, Chi Ngãi 2 ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) vốn nổi tiếng với nghề nuôi rắn độc.
Nhưng những năm gần đây do biến động của thị trường, cái nghề đã có thời mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây đang mai một dần...

Không có đầu ra khi Trung Quốc ngừng thu mua

Năm 2016, gia đình chị Hoàng Thị Chín ở KDC Chi Ngãi 1 phải từ bỏ công việc nuôi rắn độc đã gắn bó hơn 10 năm để nuôi gà thịt. Từng ăn nên làm ra nhờ rắn nên khi chuyển sang nghề khác, chị Chín không khỏi tiếc nuối. Theo chị Chín, nuôi rắn trước đây cho hiệu quả kinh tế cao, vì thế dù tiềm ẩn nguy hiểm nhưng nhiều hộ trong KDC vẫn quyết tâm theo đuổi nghề này. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, đầu ra của con rắn bấp bênh, có những năm người nuôi thua lỗ nặng nên các hộ chỉ nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ nghề. Chị Chín than thở: “Đầu tư hầm nuôi rắn tốn cả trăm triệu mà phải phá bỏ tôi cũng tiếc lắm, song không còn lựa chọn nào khác. Chi phí thức ăn, con giống khá nhiều mà giá bán rắn thương phẩm ngày một thấp. Rắn đến kỳ xuất bán không có người hỏi mua trong khi vẫn phải mất tiền thức ăn nên sau 4 năm xoay xở, tôi đành chấp nhận bỏ nghề”.

Anh Hoàng Công Long ở KDC Chi Ngãi 1 có kinh nghiệm nuôi rắn hơn 20 năm cho biết nguyên nhân làm cho các hộ nuôi rắn lao đao thời gian qua là do khâu tiêu thụ bị phụ thuộc. Thịt rắn được người Trung Quốc ưa chuộng nên nhu cầu về loại thực phẩm này rất cao. Lượng rắn xuất bán sang thị trường này chiếm tới 95%. Do đó, khi Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua thì người nuôi rắn bị ảnh hưởng. Trong trí nhớ của anh Long, năm 2015 là thời gian các hộ nuôi rắn ở Chi Ngãi điêu đứng nhất. Nuôi rắn phải mất từ 1,5-2 năm mới có thể xuất bán. Mỗi kg rắn thương phẩm sẽ tiêu tốn từ 300.000-350.000 đồng tiền mồi, chưa kể chi phí nhân công, điện nước. Dù vậy, giá bán thời điểm ấy chỉ dao động từ 280.000-300.000 đồng/kg nên người nuôi bị lỗ nặng. Nhiều hộ không còn vốn để bù lỗ, tái đàn, phải ngừng nuôi. “Ngày trước, nghề nuôi rắn ở Chi Ngãi rất hưng thịnh, có thời kỳ lên tới 200 hộ nuôi, hiện tại chỉ còn khoảng 40 hộ giữ nghề”, anh Long trăn trở.

Do rắn độc là động vật hoang dã nhóm IIB nên việc xác nhận nguồn gốc, kê khai số lượng khi trao đổi, mua bán do Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý. Theo ông Lê Văn Bàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hộ nuôi rắn hổ mang bành, hổ mang trâu trong tỉnh tập trung chủ yếu ở các KDC Chi Ngãi 1, Chi Ngãi 2. Có giai đoạn, lượng rắn ở khu vực này tăng nhanh nhưng hiện đã giảm nhiều và không ổn định. Thời gian qua, nhiều hộ đã phải thu hẹp sản xuất.

Cố gắng bám trụ với nghề

Mặc dù nghề nuôi rắn bấp bênh nhưng một số hộ vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, hy vọng có thể vực dậy nghề truyền thống của địa phương.

Cơ sở nuôi rắn Huyến Sắc ở KDC Chi Ngãi 2 là địa chỉ nhân giống rắn có tiếng tại Chí Linh. Trước "cơn bão giá" rắn thịt, cơ sở cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ rắn giống. Chị Huyến, chủ cơ sở chia sẻ: “Khi rắn sốt giá, có lúc lên tới 1,2 triệu đồng/kg, các hộ ồ ạt nuôi làm cung vượt cầu khiến giá bán sau đó giảm sâu. Nhiều hộ không cầm cự được đã phải chuyển hướng chăn nuôi. Còn gia đình tôi vẫn cố gắng kiên trì với nghề. Tôi không muốn tâm huyết nhiều năm gây dựng bị uổng phí”.

Tuy thị trường rắn thương phẩm chưa ổn định nhưng ông Hoàng Công Sơn ở KDC Chi Ngãi 1 vẫn mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện ông đang xây dựng trang trại nuôi rắn có quy mô 10.000 con. Theo ông Sơn, vì lệ thuộc và tiêu thụ theo đường tiểu ngạch nên người nuôi rắn không chủ động được đầu ra sản phẩm. Dù vậy, với những người nuôi rắn thâm niên vẫn có thể dự đoán trước được nguồn cung ngắn hạn. Ông Sơn thường nghe ngóng thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ rắn giống bên Trung Quốc để điều chỉnh số lượng rắn thịt cho phù hợp. Khi giá con mồi tăng cao có nghĩa là rắn thịt cung ứng trong thời gian tới nhiều nên ông sẽ thu hẹp sản xuất trong thời gian ấy. “Sau một thời gian khủng hoảng, giá rắn đang nhích dần lên và đang ở mức 500.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi vẫn có lãi nhưng ít. Dù vậy, không có gì để bảo đảm giá rắn không giảm sâu lần nữa. Người nuôi phải thận trọng tính toán, tránh vì thấy lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng tới hiệu quả lâu dài”, ông Sơn cho biết.

DC (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây