Về Côn Sơn chiêm ngưỡng tấm bia quý

Thứ bảy - 24/10/2015 13:49 - 2655 lượt xem
Tấm bia có hình lục lăng mang tên Côn Sơn Tư Phúc tự bi, không chỉ có giá trị lớn về lịch sử, mà còn là tấm bia từng được Bác Hồ đọc khi Người về thăm nơi đây.
 
Thu hút du khách

Tấm bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng trong sân chùa có 6 mặt hình lục lăng khá độc đáo. Trên mỗi mặt bia có vân mây, rồng, phượng và một chữ đại tự lớn. Bên dưới là bản bia, một vài chữ đã bị mờ theo thời gian. Chân bia và các góc bia đều có dây hoa. Phía trên bia có mũ lớn bằng đá. Toàn bộ khối bia nằm trên đế bằng đá tạo hình hoa sen nở. Bia được đặt trong nhà bia hai tầng chồng diêm 8 mái cổ kính, rêu phong. 

Ngoài hình dáng độc đáo, điều khiến tấm bia trở nên đặc biệt là tấm biển in ảnh Bác Hồ đang đọc bia bên cạnh. Theo lời giới thiệu trên biển, tấm bia đã được Bác Hồ đọc khi về Côn Sơn năm 1965. Chị Nguyễn Thị Hồng ở Bắc Giang lần đầu tới Côn Sơn biết đây là tấm bia đã được Bác Hồ đọc khi về thăm Côn Sơn nên đã chụp vài tấm hình kỷ niệm. Chị Phạm Thị Huệ, thuyết minh viên tại khu di tích Côn Sơn tự hào: "Khi giới thiệu cho khách về chùa Côn Sơn, bia Thanh Hư Động và tấm bia Bác Hồ từng đọc được chúng tôi giới thiệu kỹ nhất. Đây là hai hiện vật có giá trị đặc biệt của di tích". 

Nói về tấm bia, ông Vũ Văn Trai, 75 tuổi ở khu dân cư cầu Dòng (phường Cộng Hòa), giúp việc ở chùa Côn Sơn cho biết: "Hồi tôi còn bé thường vào đây chăn trâu cắt cỏ đã thấy tấm bia này rồi. Lúc đó, cỏ mọc um tùm ngang thân bia. Ngay những người cao tuổi thời đó cũng bảo chẳng biết những tấm bia tồn tại trong chùa từ bao giờ". Hằng ngày phụ việc ở chùa, ông Trai thấy rất nhiều người quan tâm đến tấm bia. Có nhiều người cao tuổi biết chữ Hán Nôm còn tỉ mẩn ngồi hàng giờ đọc từng chữ. Họ nói bia được viết bằng Hán tự cổ. 

Tấm bia cổ và hiếm

Tấm bia Bác Hồ đọc là một trong số 14 tấm bia hiện còn ở chùa Côn Sơn. Anh Lê Duy Mạnh, cán bộ Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, kết hợp với các tháp bản và bia hiện vật, bia là các cứ liệu lịch sử sắc nét về nguồn gốc chùa Côn Sơn, phong cảnh, việc trùng tu. Trán bia đề chữ "Côn" cho biết chùa Côn Sơn Tư Phúc có quy mô từ thời Trần, là nơi trụ trì của đệ Tam Tổ thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Đến năm 1608, sư trụ trì đương thời là Mai Trí Bản đứng ra lo liệu việc trùng tu, lại sai các đệ tử đi khuyến giáo các quan lại, quý chức, cung tần, tín đồ các nơi góp tiền mua ruộng, hưng công xây dựng thiêu hương, tiền đường, thượng điện,… trùng tu tượng Phật, khắc các kinh sách, nhân đó mua bia đá khắc những công đức ấy lưu truyền hậu thế. Mặt thứ hai có trán bia đề chữ "Sơn" ghi tên những người quê ở xã Xích Đằng, xã Đức Trạch, phủ Khoái Châu (Hưng Yên) công đức tiền xây dựng 16 gian hành lang, những người ở xã Tử Nê, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đóng góp xây dựng 13 gian đông hành lang. Mặt thứ ba đề chữ "Tư" ở trán bia, ghi tên sãi vãi, các bậc hiền nhân quân tử các làng xã địa phương Chí Linh và một số tín chủ thập phương công đức trùng tu chùa, tổng cộng trên 150 người. Mặt thứ tư có trán bia đề chữ "Phúc" ghi tên 4 nhà sư có tiếng thời bấy giờ giúp sức vào việc sửa chữa chùa Côn Sơn và tên một số tín chủ khác. Mặt thứ năm trán bia ghi chữ "Tự", có khắc bài minh dài 32 câu, mỗi câu 4 chữ, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của Côn Sơn. Mặt thứ sáu trán bia đề chữ "Bi" ghi tên nhà sư Mai Trí Bản và môn đồ,  hội chủ tất cả hơn 30 người góp công xây dựng 5 gian thiêu hương, mua một thửa ruộng 4 sào cúng dâng Tam Bảo.

Côn Sơn Tư Phúc tự bi là một tư liệu quý về văn học, sử học, mỹ thuật, nhất là đối với việc nghiên cứu lịch sử phát triển của chùa Côn Sơn. Và hình ảnh Bác Hồ đọc bia Côn Sơn đã trở thành một biểu tượng của văn hóa xứ Đông. Với giá trị đặc biệt đó, bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm hồ sơ Nhà nước đề nghị công nhận là báu vật quốc gia.

 
Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1607) đời Lê Kính Tông, do Chiêm Đường Nguyễn Đức Minh soạn, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ khắc bia. Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta. Niên đại sớm nhất của dạng bia sáu mặt là tấm bia Quốc sư Báo Ân tự bi ở chùa Báo Ân (Hải Dương) dựng năm 1585, sau đó là bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm 1607. Bia cao 1,2m, rộng 0,32m. Mỗi mặt bia có 68 dòng thể hiện theo lối chân thư. Sáu chữ tiêu đề bia được chạm to dưới trán. Mặt 1 ứng với chữ Côn chạm đôi rồng chầu mặt trời, mặt 4 đối lại phía sau ứng với chữ Phúc chạm đôi phượng chầu mặt trời, còn 4 mặt bia mỗi mặt chạm một con rồng uốn khúc khác nhau, trên nền mây...
 
 
NGỌC HÙNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây