Côn Sơn - vùng đất thiêng

Thứ bảy - 24/10/2015 13:41 - 3101 lượt xem
Mang theo chút bồi hồi khi chúng tôi về thăm vùng đất thiêng Côn Sơn ở xã Cộng Hòa (Chí Linh) vào một sáng đầu xuân Ất Mùi. Mùa xuân vừa chớm, cả một vùng sơn thủy ẩn hiện trong màu xanh của bạt ngàn cây cỏ đang vào kỳ đâm chồi, nảy lộc dưới cái nắng tháng giêng còn mỏng nhạt, trong veo và lãng đãng hơi sương. 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là chùa Côn Sơn, tọa lạc dưới chân núi Kỳ Lân. Được Pháp Loa thiền sư khởi dựng vào cuối thế kỷ 13, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ, đến năm 1329, chùa được mở rộng, xây cất thêm nhiều công trình mới như Cửu phẩm Liên hoa, Bạch Vân am… Đây là nơi Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang trụ trì cho đến khi viên tịch vào tháng giêng năm 1334, xá lị của ngài hiện vẫn còn được lưu giữ tại Đăng Minh bảo tháp phía sau chùa. Trải qua hơn sáu thế kỷ, chùa Côn Sơn đã nhiều lần được trùng tu, hiện tại nhỏ bé hơn nhiều so với bóng dáng ngôi cổ tự được ghi trong sử sách và bi ký, nhưng chùa Côn Sơn với thiết kế “nội công, ngoại quốc” vẫn còn mang đậm dấu ấn của kiến trúc cổ, lối tầng lớp cung đình. Cùng với những hồ bán nguyệt, tam quan, gác chuông, Phật điện… vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” sau bao thăng trầm lịch sử, chùa cũng còn lưu giữ được khá nhiều những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như hệ thống tượng và kinh sách Phật quý hiếm, bộ cúng đàn Mông Sơn thí thực, phả hệ dòng họ Nguyễn Trãi và hệ thống văn bia từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19... 

Chạy dọc hai bên sân chùa, từ tiền đường ra đến tận tam quan ngoại sát gần hồ bán nguyệt là những hàng thông cổ thụ. Cùng với thông là hương bài, sứ, đại…, những dáng cổ mộc ở sân chùa này đều có tuổi thọ vài trăm năm, thân rễ đã gồ ghề những uốn lượn cổ quái. Dưới những tán cây, rải rác khắp sân chùa là bia đá và đặc biệt chú ý đến hai tấm có giá trị quý hiếm cả về niên đại lịch sử lẫn ý nghĩa văn hóa: Thanh Hư bi và Côn Sơn Tư Phúc tự bi. 

Thanh Hư bi là tấm bia có niên đại cổ nhất trong số các bia đá hiện còn ở Côn Sơn, được dựng từ những năm Long Khánh thời Trần (1373 - 1377), trên còn lưu ba chữ “Thanh Hư động”, là ngự bút của vua Trần Duệ Tông. 



Chùa Côn Sơn tục gọi là chùa Hun


Khác với hình thức truyền thống (bia dẹt, trán cong, ngự trên mai rùa đá) của bia Thanh Hư, bia Côn Sơn Tư Phúc tự có sáu mặt, là một trong những tấm bia hình lục giác rất hiếm gặp tại Việt Nam. Bia được dựng vào thời Lê, năm 1607, trên các mặt đều khắc chữ Hán cổ, viết theo lối Chân thư, nội dung mô tả cảnh sắc Côn Sơn và nhiều dữ kiện liên quan đến quá trình xây dựng, trùng tu chùa. Nằm ngay dưới tán cây đại già 600 năm tuổi, nhánh cành gầy guộc và mốc mác rêu xanh, tấm bia càng thêm vẻ trầm tư cổ kính. Nhặt bông hoa đại rơi trên mái bia, tôi hình dung đến một sự kiện lịch sử, cũng vào một buổi sáng đầu năm như sáng xuân nay, cách đây đã vừa đúng 50 năm, ngày 15-2-1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào thời kỳ ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Côn Sơn, như tìm về sức mạnh của cội nguồn dân tộc. Và Người đã ngồi lại bên chính tấm bia Côn Sơn Tư Phúc tự này, dịch Hán tự và giảng nghĩa cho mọi người cùng nghe. Hình ảnh giản dị đó đã trở thành một biểu tượng cho nét đẹp của văn hóa xứ Đông khi kết nối lại lịch sử, khi liên tưởng đến mối giao cảm tâm linh và tinh thần dân tộc giữa các bậc vĩ nhân của thế hệ cha ông…


Vượt qua gần 700 bậc đá, du khách sẽ lên tới Bàn Cờ Tiên

Cách đây năm, sáu thế kỷ, Côn Sơn đã là vùng đất lành chim đậu, gió thơm mây tía tụ về. Núi Phượng Hoàng nằm phía trước núi Kỳ Lân là nơi Chu Văn An lui về ở ẩn, dạy học cho đến lúc mất, hiện trên núi vẫn còn bia mộ và đền thờ ông. Động Thanh Hư và rừng thông, bãi rễ thanh hao là quê ngoại gắn bó với tuổi thơ Nguyễn Trãi. Và cũng chính tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã sống những tháng ngày cuối đời, ẩn dật giữa thanh nhàn mà vẫn đau đáu ưu thời mẫn thế trước khi vướng phải định mệnh bi phẫn, oan khiên nhất lịch sử trong thảm án “Lệ Chi viên” vào tháng 9 - 1442…

Với sự kính phục vương chút ngậm ngùi khi nghĩ về tiền nhân, chúng tôi rời tiền đường, tiếp tục hành trình mà đích đến là đỉnh Côn Sơn, nơi có Bàn Cờ Tiên và am Bạch Vân. Trên đường lên núi, men theo dãy hành lang bên trái Tam Bảo, một gian nhà mái dài chạy suốt tới cuối hậu viên, bên trên là 18 bức tranh tường chạm khắc hình La Hán, chúng tôi thắp hương tại Tổ đường và dừng chân ở hậu viên, trước Ao Rùa, nơi còn lưu lại phế tích của một Cửu phẩm liên hoa đài bằng đá. 

Tiếp tục băng qua khu vườn tháp, sau phút thảnh thơi nếm ngụm nước trong vắt, mát lành của Giếng Ngọc nằm ngang sườn núi, chúng tôi bắt đầu thượng sơn trong vi vút tiếng thông reo. Lối lên khá dốc, gập ghềnh đá và rễ cây cổ thụ… Vượt qua gần 700 bậc đá, chúng tôi lên đến một khoảng đất tương đối bằng phẳng, đỉnh Côn Sơn đây rồi. Ở chính giữa là Bạch Vân am, nhỏ bé và mờ trong mây dù nắng đã hửng vàng. Ở độ cao khoảng 200m so với mặt đất, đứng ở đỉnh Côn Sơn có thể bao quát được khá rõ phong cảnh của toàn vùng. Mạn trái là hồ Côn Sơn. Mạn phải là núi Ngũ Nhạc…

Thanh sạch và tịnh tâm gần như tuyệt đối là cảm giác của tôi lúc này, khi được đắm mình giữa bao la, khoáng hoạt đất trời, lặng ngắm mảnh giang sơn kỳ vỹ nằm giữa một thung lũng trù phú, được bao bọc xung quanh bởi trập trùng các dãy núi Rồng, Phượng và cuồn cuộn sóng nước Lục Đầu giang. Giữa âm âm khí núi, dường như lại nghe được mơ hồ tiếng mõ, tưởng chừng thời gian đang gõ nhịp hành trình vạn kiếp nhân gian, tôi bất chợt hiểu được vì sao hàng mấy trăm năm trước, nơi này đã in dấu hài của biết bao hiền nhân trí sĩ lánh đời, vứt bỏ mọi ô tạp chốn hồng trần, phồn hoa đô hội…

LAM BÌNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây