Dấu xưa chốn Tổ

Thứ bảy - 24/10/2015 13:46 - 2781 lượt xem
Là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Côn Sơn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cả nước. 
Những kết quả khai quật khảo cổ học trong thời gian qua đã hé lộ quy mô, diện mạo di tích trong lịch sử, là căn cứ xác đáng để trùng tu, tôn tạo các công trình.  
 
 
 

Nền móng tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn phát lộ tại đợt khai quật khảo cổ học năm 2014-2015
 
Nhiều phát hiện quý báu

Ngay từ những cuộc thám sát, khảo cổ đầu tiên ở Côn Sơn đã thu được những phát hiện quý báu, bất ngờ. 

Đợt khai quật năm 1979 của ngành văn hóa tỉnh tại khu vực Đăng Minh bảo tháp (tháp mộ của đệ tam tổ Huyền Quang) đã phát hiện những di vật kiến trúc của ngôi tháp bằng đất nung. Sau khi sắp xếp cho thấy đây là ngôi tháp cấu trúc hình vuông. Căn cứ đặc điểm vật liệu, kiến trúc, hoa văn và thư tịch cổ cho thấy Đăng Minh bảo tháp được xây dựng ở thế kỷ XIV, là nơi đặt xá lỵ của Huyền Quang tôn giả sau khi ông viên tịch. Kết quả khai quật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử di tích và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Trần. 

Tại hố thám sát khu vực Thanh Hư động đã phát hiện kè đá dài 27m và nhiều hiện vật gồm: bát men ngọc, vỉa gạch, ngói mũi nhọn… Phân tích kiến trúc, hoa văn trang trí trên các di vật, kết hợp tư liệu chính sử khu vực này được nhận định là nền nhà cũ của Tư đồ Trần Nguyên Đán. 

Còn tại hố thám sát gần thượng điện chùa Côn Sơn đã xuất lộ 3 dấu tích kiến trúc kè đá chạy song song với tường thượng điện. Đặc biệt tại đây tìm được nhiều hiện vật đặc trưng thời Trần, thậm chí lần đầu tiên được biết đến như phù điêu hình chữ S lồng, ngói trang trí hoa văn hình trán bò, lá đề, sen cách điệu, hoa cúc dây… 

Từ kết quả bước đầu, năm 1992 -1994, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành thám sát, khai quật khảo cổ học tại một số điểm di tích như: khu vực tam quan chùa Côn Sơn, khu vực đỉnh núi Kỳ Lân. Kết quả, đã phát hiện nhiều mảnh gạch, ngói, gốm thời Trần. 

 
“Hai đợt khai quật này đã cung cấp tương đối hoàn chỉnh về mặt bằng khu kiến trúc trung tâm chùa Côn Sơn thời Trần - Lê, khẳng định chùa Côn Sơn từng có quy mô đồ sộ với nhiều công trình kiến trúc lớn”.
Đáng chú ý, năm 2000, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mở hố khai quật tại khu vực vườn tháp sau chùa, cách nhà tổ 50m thu được hơn 2.000 hiện vật gồm: ngói mũi hài đơn, mũi hài kép, phù điêu hình rồng bằng đá, con giống đất nung, dấu vết các vỉa đá kè… Căn cứ thư tịch cổ, dấu tích kiến trúc, di vật tìm thấy nhận định có thể đây là một tòa Cửu phẩm liên hoa thời Trần.

Cùng thời gian này, 3 hố khai quật khu vực Thanh Hư Động đã xuất lộ nền nhà được làm theo kiểu giật cấp, nhiều gạch ngói, đinh thuyền… cho thấy đây là trung tâm của Thanh Hư Động và đền thờ của Trần Nguyên Đán sau khi ông qua đời. Tại hố khai quật khu vực cầu Thấu Ngọc đã tìm được nhiều mảnh ngói các loại, trong đó phần lớn là ngói mũi nhọn, có móc thời Trần, Lê cho thấy cầu Thấu Ngọc là bộ phận quan trọng của Thanh Hư Động. 

Năm 2005, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mở 3 hố khai quật tại tả, hữu dãy hành lang cổ và phía sau nhà tổ chùa Côn Sơn. Ở phía sau nhà tổ phát lộ nền móng kiến trúc chạy dài được kè đá chèn lẫn gạch, khả năng là móng kiến trúc của nhà hậu đường chùa Côn Sơn. Tại hố khai quật ở tả, hữu hành lang phát hiện hai lớp nền móng kiến trúc cũ của tả hữu hành lang chùa Côn Sơn. Lớp nền móng thứ nhất được xây dựng ở thế kỷ XIV (thời Trần). Lớp nền móng thứ hai được trùng tu xây dựng ở thế kỷ XVI - XVII (thời Lê). Ngoài ra, với trên 3.000 hiện vật, bao gồm gạch, ngói, trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ… được xác định có niên đại Trần, Lê đã làm sáng tỏ những thông tin về chùa Côn Sơn được ghi trên văn bia và các thư tịch. 

Những phát hiện khảo cổ học quý báu trên là căn cứ quan trọng để phục dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình nổi bật của di tích từ năm 1995 đến nay như: đường lên Thanh Hư Động, nền nhà Nguyễn Trãi, Thạch Bàn, Bàn Cờ Tiên, nhà bia ở khu vực Bàn Cờ Tiên, đền thờ Nguyễn Trãi, nhà tả hành lang, hữu hành lang của chùa Côn Sơn, đền thờ Trần Nguyên Đán và cầu Thấu Ngọc, Ngũ Nhạc miếu và đường lên núi Ngũ Nhạc… 
     
Trung tâm Phật giáo lớn

Không chỉ là cứ liệu lịch sử quan trọng để trùng tu các công trình kiến trúc cổ xưa, những đợt khai quật khảo cổ học còn hé lộ quy mô, tầm vóc di tích trong lịch sử. Từ kết quả các đợt khai quật khảo cổ học kết hợp với các thư tịch, văn bia lưu trữ tại di tích đã xác định được chùa Côn Sơn có từ thời Trần. Vào đời nhà Lê, lúc thiền sư Mai Trí Bản trụ trì, chùa được trùng tu và mở rộng đến 83 gian, bao gồm các công trình như: tam quan, thượng hạ điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống, tòa Cửu phẩm Liên hoa... 

Năm 2012, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã mở một cuộc khai quật quy mô tại khuôn viên chùa. Đợt khai quật nhằm lấy căn cứ để trùng tu, tôn tạo tòa Cửu phẩm Liên hoa tại di tích Côn Sơn theo Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương của Thủ tướng Chính phủ năm 2010. Tại hố khai quật phía sau điện và trước nhà thờ tổ có tổng diện tích 171 m2, đã phát lộ dấu tích nền móng kiến trúc của công trình Cửu phẩm Liên hoa của thời Trần và thời Lê. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, móng xếp bằng đá tự nhiên, có sự phân gian rõ rệt gồm 3 gian, 2 chái. Hố khai quật phía sau nhà thờ tổ và các hố thám sát đã phát lộ hệ thống cột móng cùng nhiều hiện vật gồm các mảnh ngói, gạch, gốm của thời nhà Trần, nhà Lê. 

Cuối năm 2014 đầu năm 2015, một cuộc khai quật tiếp theo đã được tiến hành trên nền nhà tổ đường diện tích 315 m2. Quá trình khai quật đã phát lộ nền móng các công trình kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII) và thời Lê (thế kỷ XVII), trong đó có hai cây Cửu phẩm Liên hoa. Đợt khai quật còn thu được 2.080 hiện vật. Đáng chú ý, rất nhiều hiện vật kiến trúc gạch, ngói mũi hài, ngói nóc cánh én, mảnh tháp nung có kích thước lớn, hiếm gặp, hoa văn rồng tinh xảo, khẳng định công trình từng có quy mô lớn.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Hai đợt khai quật này đã cung cấp tương đối hoàn chỉnh về mặt bằng khu kiến trúc trung tâm chùa Côn Sơn thời Trần - Lê, khẳng định chùa Côn Sơn từng có quy mô đồ sộ với nhiều công trình kiến trúc lớn. Ngoài ra Côn Sơn còn là một trung tâm Phật giáo, nơi tu luyện, thuyết giáo, đào tạo phật tử lớn của cả nước, tồn tại và phát triển suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những tài liệu về nền móng kiến trúc cùng hiện vật thu thập được còn là những chứng cứ quan trọng khẳng định vị trí vùng kiến trúc trung tâm, đặc biệt kiến trúc Cửu phẩm Liên hoa, là cơ sở tin cậy cho việc dựng lại công trình này tại Lễ hội mùa xuân 2015. 

Những phát hiện khảo cổ học quý báu trên đã khẳng định vai trò quan trọng của Côn Sơn trong dòng chảy lịch sử, văn hóa dân tộc. Qua khai quật khảo cổ học, các công trình kiến trúc đã từng tồn tại trong lịch sử sẽ được nghiên cứu, từng bước khôi phục để xứng đáng là trung tâm Phật giáo lớn của nhiều triều đại xưa và di tích quốc gia đặc biệt ngày nay. 
NGUYÊN DÃ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây