Uy nghi
|
Đền Nam Tào nằm trên đỉnh núi Dược Sơn, đền Bắc Đẩu nằm trên đỉnh núi Bắc Đẩu, đều thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh). Dược Sơn, Bắc Đẩu là hai nhánh của dãy núi Trán Rồng tiến ra sông Thương thành hình tay ngai ôm lấy đền Kiếp Bạc. Đứng trên hai đỉnh núi này có thể quan sát được cả một vùng làng mạc rộng lớn, sông nước mênh mông. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã đặt vọng gác tiền tiêu trên hai đỉnh núi này có tên Trạm Điền.
Từ chân núi Dược Sơn đi lên sẽ bắt gặp đền Nam Tào với những công trình kiến trúc: nghi môn, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính, hậu đường uy nghi hiện ra. Đền Nam Tào được xây dựng trên tổng diện tích 2.000m2. Gác chuông, gác trống kiến trúc 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài, trang trí hổ phù đội mặt trời. Đền chính kiến trúc hình chữ đinh gồm 3 gian tiền bái và hậu đường, lợp ngói mũi hài, dẻo đao cong mềm mại. Chính giữa bờ nóc là hình tượng hổ phù đội mặt trời, nghê chầu, tứ linh. Đền Nam Tào được bài trí thờ tự theo lối trước thần sau Phật. Đáng chú ý nơi đây có ban thờ Quan âm Thị Kính ngồi trên núi đá, bế con thơ. Theo các bậc cao niên ở địa phương, di tích Nam Tào xưa vốn là một ngôi chùa tiền bái đặt tượng thờ quan Nam Tào, thượng điện đặt tượng thờ Phật. Năm 1947, thực dân Pháp phá chùa, nhân dân phải đem tượng quan Nam Tào và đồ tế tự xuống gửi ở đền Kiếp Bạc. Năm 1989, nhân dân địa phương góp tre, gỗ xây lại chùa Nam Tào trên nền móng của gian thượng điện và rước tượng về.
Đền Bắc Đẩu tọa lạc trên đỉnh núi Bắc Đẩu với các hạng mục tương tự Nam Tào. Hệ thống tượng thờ trong đền Bắc Đẩu cũng được bài trí tiền thần hậu Phật. Điểm nhấn là tượng thờ quan Bắc Đẩu được đúc rỗng cao 1,3m ở tư thế ngồi, tay phải cầm chiếc bút, tay trái cầm cuốn "Sổ sinh tử", trên ngực có hàng chữ Nho nổi "Bắc Đẩu chính thần tượng". Theo người dân địa phương, đây là pho tượng duy nhất còn lại sau khi thực dân Pháp phá chùa. Trước đây di tích Bắc Đẩu được xây dựng ở vị trí đỉnh núi. Nhưng do khu vực này là rừng rậm, nhiều thú dữ nên nhân dân đã chuyển di tích xuống sát chân núi. Năm 1989 được sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền, nhân dân địa phương đã xây dựng lại 3 gian nhỏ để rước tượng về.
Tháng 12-2005, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích Nam Tào, Bắc Đẩu. Kết quả đã xác định được nhiều hiện vật, di vật như: gạch, ngói, đồ gốm... có niên đại thời Trần, đặc biệt là tấm bia đá công đức "Dược Sơn bi ký" (1929) nói về việc tôn tạo và cung tiến tượng quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu của một gia đình tại Hà Nội. Kết quả khai quật khảo cổ học là cơ sở để năm 2007, UBND tỉnh tôn tạo di tích Nam Tào - Bắc Đẩu với quy mô uy nghi như ngày nay.
Đặc sắc
Một số người cao tuổi địa phương cho rằng hai ngôi đền Nam Tào, Bắc Đẩu có thể xuất hiện trước khi đền Kiếp Bạc được xây dựng. Về sự tích thờ quan Nam Tào tại Dược Sơn, sách "Chí Linh phong vật chí" chép: “Xã Dược Sơn tiếp giáp với xã Vạn Kiếp, huyện Phượng Nhãn, đất này như con rồng chạy dài từ đầu núi như chiếc bình phong. Hai bên nổi lên hai ngọn núi. Một ngọn ở xã Dược Sơn. Tương truyền trên núi có ngôi chùa, một lão nhân sống ở đó, có thể đoán được phúc họa rất chính xác, dân các vùng đến xem đông như trảy hội. Sau không biết ông đi đâu chỉ thấy trên vách tường đề rằng: “Nam Tào thượng linh tiêu”. Dân địa phương bèn lập đền thờ tại đó và đặt tên là núi Nam Tào”.
Dẫn chúng tôi ra khoảng sân cao và hơi dốc vào phía trong đền, ông Phạm Hữu Thân, người thôn Dược Sơn cho biết: "Các cụ tôi kể lại đền Nam Tào đã có gần 800 năm. Khoảng sân dốc vào trong này là chiếc gương soi nhân gian của thần Nam Tào. Giờ tuy được san làm sân song vẫn cao hơn sân trong đền. Ngoài ra ở Nam Tào còn cột cổng hai vòng tay ôm của di tích xưa còn sót lại".
Về sự tích thờ thần Bắc Đẩu, một số thư tịch cổ như "Hải Dương phong vật chí", "Chí Linh phong vật chí" cũng chép: "Vạn Kiếp có núi Bắc Đẩu. Tục truyền có nhà buôn đêm đỗ thuyền ở dưới núi, nghe thấy tiếng người nói về thiện ác, thọ yếu của nhân gian, đến lúc gà gáy, bỗng nổi cơn gió tây bắc, mây hồng nổi lên tứ phía, văng vẳng có tiếng vàng ngọc rồi thấy một người lớn trên đỉnh núi đội mũ sao, mặc áo vọc ngồi xe mây bay thẳng lên trời. Sớm hôm sau thuật lại chuyện như thế, thổ dân bèn dựng đền ở đấy để thờ phụng”.
Song có ý kiến cho rằng đền thờ Nam Tào, Bắc Đẩu xuất hiện tại di tích Kiếp Bạc là để tôn vinh đức thánh Trần. Theo quan niệm, Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vị thần coi sóc việc sinh tử trong nhân gian giúp việc Ngọc Hoàng Thượng đế, vị thần tối cao của đạo giáo. Cho nên, trong các đạo quán và nhiều ngôi chùa của người Việt có tượng quan Nam Tào, Bắc Đẩu chầu bên Ngọc Hoàng (không thờ riêng). Tại di tích Kiếp Bạc, tượng thần Nam Tào và Bắc Đẩu được đặt ở hai ngôi đền riêng chứng minh cho mối quan hệ chặt chẽ của di tích Nam Tào, Bắc Đẩu với đền Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc thờ Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong tâm thức dân gian, sau khi mất ngài đã hóa thánh, được tôn làm Cửu Thiên Vũ Đế cai quản cả 3 cõi: thiên đình, trần gian và âm phủ (tức Ngọc Hoàng). Vì vậy, cùng với việc dựng đền Kiếp Bạc, nhân dân đã lập đền, chùa Nam Tào, Bắc Đẩu thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào trên hai ngọn núi hai bên đền Kiếp Bạc, coi đó là những vị thần giúp việc đức thánh Trần. Ở đây có sự giao thoa mạnh mẽ giữa Nho - Phật - Đạo, trong đó chủ đạo là tinh thần đạo giáo. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã được tôn là Ngọc Hoàng thượng đế, vị giáo chủ của đạo giáo Việt Nam. Bách quan Trần Triều là: Nam Tào, Bắc Đẩu, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão… Bởi vậy, trong sinh hoạt tín ngưỡng tại đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, nghi thức diễn xướng hầu thánh đã trở thành nét đặc trưng từ xưa đến nay. Dân gian tin rằng với quyền năng và vai trò giải ách trừ tai, khi tổ chức các hoạt động diễn xướng tại đây, những điều cầu mong sẽ được như ý nguyện.
Hai ngôi đền Nam Tào, Bắc Đẩu đã góp phần làm nên giá trị đặc sắc của quần thể di tích Kiếp Bạc. Hằng năm, dịp lễ giỗ đức thánh Trần tháng 8 âm lịch và lễ giỗ đức Quốc Mẫu ngày 28-9 âm lịch, nhân dân các làng Dược Sơn, Vạn Yên, Bắc Đẩu lại tổ chức lễ rước bộ linh đình với các nghi thức đậm nét văn hóa từ di tích Nam Tào, Bắc Đẩu về đền Kiếp Bạc dâng lên đức thánh Trần.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn