Bia Thanh Hư Động chùa Côn Sơn được công nhận là Bảo vật Quốc gia

Thứ năm - 31/12/2015 09:25 - 3977 lượt xem
Bia Thanh Hư Động, chùa Côn Sơn
Bia Thanh Hư Động, chùa Côn Sơn
Ngày 23 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 4 với 25 bảo vật trong cả nước, trong đó có bia Thanh Hư Động ở chùa Côn Sơn.
Bia Thanh Hư Động chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, minh chứng những giá trị vô giá về văn hoá vật thể, phi vật thể của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
 
Bia "Thanh Hư Động" chùa Côn Sơn
* Tên hiện vật: Bia “Thanh Hư Động”.
* Tên khác: Bia “Côn Sơn Thanh Hư Động Bi Minh”.
* Tên đơn vị lưu giữ hiện vật: Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
* Chất liệu: Đá xanh
* Kích thước:
+ Bia: Chiều rộng: 0,95m; Chiều cao: 1,65m; Dày: 0,17m.
+ Rùa: Chiều dài: 1,80m; Chiều rộng 1m; Dày: 0,28m.
* Trọng lượng: Khoảng hơn 1 tấn.
* Số lượng: 01 hiện vật
* Miêu tả hiện vật: Bia và rùa được làm bằng đá xanh.

-Về hình thức:

+ Mặt trước, trên diềm đỉnh trán bia trang trí rồng chầu mặt trời. Rồng được chạm theo lối triện hóa; mặt trời là một khối tròn có mây che. Giữa trán bia khắc chìm 4 chữ Hán 龍 慶 御 書 (Long Khánh Ngự Thư), thể chữ Triện thư (chữ cao 13cm, rộng 10cm). Hai bên thân bia là diềm bia (rộng 6,5cm) trang trí hoa văn triện hóa long.

+ Mặt sau, diềm trán bia trang trí hoa cúc dây. Trên đỉnh diềm trán bia chạm một bông hoa sen nở. Giữa trán bia chạm mặt trời tạo bởi hai vòng tròn đồng tâm (đường kính 15 cm), các đao lửa tỏa đều sang hai bên. Hai bên hình mặt trời trang trí bông cúc nở mãn khai. Dưới trán bia tạo băng hình chữ nhật, kẻ 6 ô khắc chữ Hán 崑 山 資 福 寺 碑 (Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi), thể chữ Chân thư (chữ cao 6cm, rộng 4,5cm). Hai bên thân bia là diềm bia (rộng 6,5cm) trang trí hoa cúc dây. Chân bia chạm lớp cánh hoa sen kép, gồm 9 cánh, mỗi cánh (cao 12cm, rộng 10cm). Đế bia tạo hình rùa, chế tác bằng đá xanh. Rùa dài 1,80m; rộng 1m; dày 0,28m. Rùa trong tư thế đầu ngẩng cao, mắt tròn, mũi cao, miệng rộng. Mai rùa để trơn, chân 5 móng, khép sát vào thân, đuôi rùa vắt ngược lên lưng uốn lượn mềm mại.

- Về nội dung bia:

+ Mặt trước: Trán bia khắc 4 chữ Hán 龍 慶 御 書 (Long Khánh Ngự Thư), thể chữ Triện thư theo 2 dòng, từ trên xuống, phải sang trái trong khung chữ nhật dài 50cm, rộng 30cm. Có nghĩa là vua hiệu Long Khánh (1372 - 1377) ngự bút (viết chữ trên văn bia này). Chính giữa thân bia khắc 3 chữ Hán 清 虛 洞 (Thanh Hư Động) thể chữ Lệ thư, mỗi chữ kích thước 38cm x 38cm.

+ Mặt sau: Khắc bài ký 崑 山 資 福 寺 碑 (Côn Sơn Tư Phúc tự bi), chữ viết gồm 29 cột, mỗi cột từ 2 chữ đến 45 chữ. Nội dung nói về việc tu tạo tam quan, phòng oản, xây tường, khắc bia, mua ruộng cúng của chùa Côn Sơn.

 * Hiện trạng: Bia Thanh Hư Động còn nguyên vẹn về hình dáng. Hoa văn trang trí và chữ viết một số bị mờ song vẫn xác định được nội dung văn bia. Hiện nay, bia Thanh Hư Động đặt ở bên trái sân chùa Côn Sơn.
 
* Niên đại: Bia niên đại thời Trần, niên hiệu Long Khánh (1372 - 1377).
 
* Nguồn gốc xuất xứ:

Văn bia Thanh Hư Động gắn với Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325 - 1390) khi về dựng Động Thanh Hư tại Côn Sơn. Cuối thế kỷ XIV, thế kỷ XV, XVI sau khi Tư Đồ Trần Nguyên Đán mất khu di tích Côn Sơn trong đó có khu Động Thanh Hư cũng bị tàn phá bởi giặc Minh như văn bia tại chùa ghi nhận: “cảnh giới có người trông nom, bỗng nhiều năm đổ nát”. Bia Thanh Hư Động nằm ở trên núi cao, trong khu vực sâu, hoang vắng nên không bị phá hủy.

Năm 1602, nhà sư trụ trì chùa Côn Sơn là Mai Huệ phát hiện ra tấm bia Thanh Hư Động, đưa về sân chùa Côn Sơn. Lúc này, trải qua thời gian mưa nắng, bài minh của Thượng hoàng Nghệ Tông khắc ở sau bia đã bị mờ, thiền sư Mai Huệ Pháp cho khắc văn bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” vào mặt sau tấm bia; ghi tên các sãi vãi thập phương, thiện nam, tín nữ công đức xây dựng chùa.

* Ghi chú: Bia Thanh Hư Động là tấm bia thời Trần, có niên đại sớm nhất trong số 16 văn bia hiện còn tại chùa Côn Sơn.
 

* Lý do lựa chọn:
- Bia Thanh Hư Động được tạo tác thời Long Khánh (1372 - 1377). Là hiện vật độc bản, lưu ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Chữ viết theo thể Lệ thư, bút pháp sinh động, chữ viết vuông vức, gẫy gọn, mang giá trị nghệ thuật thư pháp độc đáo.
 
- Nội dung văn bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII.

- Đồ án rồng cách điệu theo lối hình kỷ hà ở mặt trước bia Thanh Hư Động là phong cách độc nhất về trang trí mỹ thuật ở nước ta, góp phần quan trọng khi nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật Việt Nam.

- Bia Thanh Hư Động đã ghi dấu 3 bút pháp nghệ thuật thư pháp tiêu biểu (Triện thư, Lệ thư, Chân thư), chứa đựng giá trị nghệ thuật thư pháp rất phong phú cả về nội dung và hình thức, ghi đậm dấu ấn văn hoá thời Trần, thời Lê. Đây là tiêu bản góp phần nghiên cứu thư pháp xưa.

Nguồn tin: Hồ sơ cổ vật – Tư liệu Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây