Du khách về với Côn Sơn- Kiếp Bạc vãn cảnh, sau khi làm lễ dâng hương sẽ được “tắm” tay bằng nước Giếng Ngọc cầu may và chơi cờ thế trên đỉnh Côn Sơn…
“Tắm” tay giếng ngọc lấy may đầu năm
Tích xưa kể rằng, Chùa Côn Sơn (còn gọi là Thiên Tư Phúc Tự hay chùa Hun) ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) được phát tích vào một đêm rằm tháng bảy. Hôm đó, sau khi Huyền Quang cùng các tăng ni phật tử làm lễ chùa xong thì đã cuối ngày, mọi người ra về nghỉ ngơi. Đêm xuống, Huyền Quang nằm mơ thấy có một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi Kỳ Lân, khi ông cúi xuống định ngắm nhìn cho thật kĩ viên ngọc thì cũng chính là lúc tiếng chuông chùa văng vẳng vang lên khiến ông bừng tỉnh khỏi giấc mộng lạ kỳ.
Sáng hôm sau, nhớ lại giấc mơ đêm qua, Huyền Quang không thể nào quên được thứ ánh sáng kỳ lạ phát ra từ viên ngọc trên sườn núi Kỳ Lân. Thế rồi, ông quyết định cùng một số tăng ni tìm đến nơi mà ông bắt gặp viên ngọc trong giấc mơ đêm qua. Cùng với sự trợ giúp của các tăng ni phật tử, cuối cùng Huyền Quang cũng tìm được nơi cất giữ “báu vật”. Đó chính là một giếng nước nằm khuất phía sau những tảng đá lớn. Khi cúi xuống soi mình trong giếng, thấy làn nước trong xanh như ngọc, nếm thử thấy có vị ngọt mát lành, sảng khoái.
Du khách làm lễ “tắm” tay ở Giếng Ngọc lấy may. |
Cho rằng được thần linh báo mộng, Huyền Quang liền cho tiến hành khơi thông dòng chảy, kè đá nâng cao thành giếng, đồng thời phát rộng khu vực xung quanh. Vì nước có màu trong xanh như ngọc nên ông quyết định đặt tên giếng là Giếng Ngọc. Về sau, khi các tăng ni phật tử đến làm lễ thường lấy nước ở Giếng Ngọc mang về làm nước cúng.
Du khách đến với Côn Sơn, sau khi làm lễ dâng hương không quên qua giếng Ngọc để làm lễ “tắm” tay và uống nước lấy may đầu năm mới. Trước đây, nhiều người mê tín cho rằng giếng linh thiêng nên đã thả cả tiền xuống với mục đích cúng tiền, vì vậy Ban quản lý di tích đã phải dùng tấm lưới lớn giăng gần kín ở phần miệng giếng để tiền cúng của du khách không chạm xuống nước, tránh gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan.
Đánh cờ thế ở “bàn Cờ Tiên” trên đỉnh Côn Sơn
Từ câu chuyện về một ván cờ đánh dở của Tiên giáng thế do các văn nhân xưa kể lại trên núi Côn Sơn, mà ngày nay nhiều du khách khi tham quan điểm di tích này đều muốn được đặt chân lên đỉnh núi, nơi có Am Bạch Vân và bàn Cờ Tiên
|
Nhiều người đã đến thử nhưng phần đông đều chịu thua ra về trước những thế cờ “hóc” |
Sau khi tham quan, làm lễ “tắm” tay và uống nước Giếng Ngọc, muốn lên được đỉnh Côn Sơn, du khách sẽ phải men theo sườn núi, đi vòng qua ngọn núi Kỳ Lân khoảng hơn 1km mới có thể đến được với bàn Cờ Tiên.
Tương truyền, bàn Cờ Tiên được mô phỏng theo trận cờ xưa kia đã từng diễn ra ở nơi đây, với rất nhiều thế cờ “hóc” mà không phải ai cũng hóa giải được. Đã có nhiều cao thủ đến nhưng đành phải chịu “bó tay” ra về.
Bàn Cờ Tiên khiến rất nhiều cao thủ cờ phải "bó tay" ra về |
Gặp một thanh niên trạc tuổi 30, đã có đến 10 năm hóa giải cờ thế, hiện đang là người cầm cái ở đây cho biết: “Cờ thế, với những người mới biết chơi nhìn vào sẽ thấy rất đơn giản, nhưng khi vào trận lại có những biến hóa khó lường. Nếu người chơi chỉ cần sơ suất một chút thôi, là sẽ thất bại hoàn toàn. Nên nhiều người khi bước vào trận cờ thường hay có sự thách đấu bằng tiền bạc cũng là vì thế…”
Tác giả bài viết: Hoàng Giáp
Nguồn tin: www.doisongphapluat.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn