Thành phố Chí Linh: Điểm sáng trong xây dựng Nông thôn mới

Thứ sáu - 19/04/2019 16:20 - 2344 lượt xem
Hạ tầng giao thông nông thôn tại nhiều nơi đã được cải tạo nâng cấp tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.
Hạ tầng giao thông nông thôn tại nhiều nơi đã được cải tạo nâng cấp tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hải Dương nói chung và TP Chí Linh nói riêng đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Song bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân, TP Chí Linh đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, không chỉ với cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng kiên cố, công trình hiện đại, mà nó còn là sự đổi thay trong tư duy sản xuất, liên kết đầu tư hướng đến NTM bền vững.

Xây dựng NTM tạo sự lan tỏa

Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một chương trình hợp lòng dân, tạo sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, TP Chí Linh đang có nhiều chuyển biến tích cực về phát triển đô thị, nông nghiệp, cơ cấu ngành đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ; Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường từng bước được nâng cao, một số loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được quan tâm phát triển, nhằm phát huy những tiềm năng sẵn có của địa phương.

Trong những năm qua cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự giúp đỡ của các Sở, ngành của tỉnh; TP đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng nông thôn; vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh để tiếp tục hỗ trợ nhân dân ổn định và phát triển sản xuất; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục có sự đổi mới và bằng nhiều cách làm sáng tạo, các tiêu chí đề ra trong xây dựng NTM đều được hoàn thành một cách hiệu quả.

Với quan điểm phát triển sản xuất là gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, nên ngay từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, TP Chí Linh đã chú trọng đến việc tái cơ cấu nông nghiệp, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thay vì thụ động trong phát triển sản xuất, người dân tại nhiều địa phương đã chủ động tìm hiểu thị trường để lựa chọn và đưa các cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường vào canh tác từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Theo đó, nhiều dự án, đề án phát triển kinh tế đã được ưu tiên thực hiện như: Triển khai thực hiện “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Hải Dương”; Dự án: “Triển khai xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình VietGap”, tổng số 40ha; sản xuất vải thiều áp dụng theo tiêu chuẩn Việt - Mỹ với diện tích 30ha. Dự án cây thanh long ruột đỏ 10ha đạt kết quả tốt; Thực hiện triển khai Đề án “Phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô đảm bảo vệ sinh môi trường giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Hải Dương”, đã có 48 hộ chăn nuôi lợn nái được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay nâng cao hiệu quả trong sản xuất, số tiền là 2,07 tỷ đồng…

Thường xuyên tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP; Tổ chức đào tạo nghề cho nông dân về Kỹ thuật chăn nuôi, thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng suất lúa. Hỗ trợ vay vốn đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các hộ đã mua và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất 24 máy sản xuất nông nghiệp các loại như: Ôtô, máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy làm đất... tổng số tiền đầu tư là 3.628 triệu đồng, được hỗ trợ 75% giá trị máy.

Bằng những việc làm thiết thực nêu trên, người nông dân tại địa phương đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; làm tốt công tác thủy lợi, phòng, trừ sâu bệnh, phòng chống lụt bão. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển đa dạng, đã hình thành một số dịch vụ mới như: Làm đất, gặt đập liên hợp, gieo xạ, nghề nuôi cá lồng… Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được chú trọng. Việc dồn điền, đổi thửa gắn chỉnh trang đồng ruộng được tỉnh, TP hỗ trợ, được nhân dân đồng tình ủng hộ đã thu được kết quả tốt, góp phần đưa cơ giới vào phục vụ nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất tập trung.

Hoạt động sản xuất kinh doanh một số ngành hàng thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Toàn TP có 1 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, thu hút các DN đến đầu tư phát triển sản xuất; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp là 22,2%, khu công nghiệp là 21,5%. Bên cạnh đó, TP cũng tạo điều kiện cho 1.685 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, thu hút 14.200 lao động vào làm việc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Một số ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển, như công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, giầy, da. Các thành phần kinh tế tiếp tục đổi mới, năng động và từng bước thích ứng với cơ chế thị trường.

Công tác quảng bá các Lễ hội trên địa bàn được thực hiện tốt, thu hút đông đảo khách thập phương đến với TP ngày một nhiều hơn. Có thể thấy, các ngành dịch vụ giai đoạn vừa qua của TP Chí Linh đã có bước tăng trưởng và phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP năm 2015 đạt 1.601 tỷ đồng; năm 2016 đạt 1.865 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2015 đạt 158 tỷ đồng; năm 2016 đạt 173 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, phát huy những kinh nghiệm xây dựng NTM giai đoạn trước đây, các cấp, ngành của TP đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tận dụng tối đa các thế mạnh trong phát triển kinh tế tại địa phương, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên đất; quan tâm phát triển dịch vụ thương mại, thúc đẩy giao thương để tăng cường trao đổi hàng hóa, quảng bá thương hiệu sản phẩm… thu nhập bình quân đầu người của các xã tăng đều theo thời gian, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 37,2 triệu đ/người/năm; theo tính toán thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn ở 12 xã năm 2017 ước đạt 39,12 triệu đ/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại 12 xã khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố là 384/19.985 hộ chiếm tỷ lệ 1,92%.

Bộ mặt đô thị thay đổi

TP Chí Linh cũng luôn tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, huy động và phát huy tối đa nguồn nội lực bên trong để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xây dựng NTM. Theo đó, TP đã chỉ đạo tập trung, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời vận động đóng góp của nhân dân phù hợp với khả năng của từng địa phương và huy động nguồn vốn từ các DN. Trong giai đoạn 2011-2017 tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn TP là 2.115.802 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách 613.343 triệu đồng chiếm 29%; vốn khác chiếm 71%.

Ngoài ra, nhiều hộ dân còn hiến đất, hiến ngày công để xây dựng NTM. Từ nguồn vốn, ngày công huy động được trong nhiều năm, toàn TP đã xây mới và nâng cấp, cải tạo và cứng hóa được 570km đường, trong đó đường trục xã, liên xã là 106km, đường trục thôn, liên thôn 185km, đường ngõ xóm là 204km, đường nội đồng là 75km, với tổng kinh phí đầu tư thực hiện là 640.566 triệu đồng; Công tác thủy lợi cũng được quan tâm thực hiện đảm bảo chủ động tưới và tiêu nước cho trên 80% diện tích đất nông nghiệp, nâng cấp và cải tạo các hồ chứa, trạm bơm phục vụ tưới tiêu các tuyến kênh với tổng chiều dài 55km, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 208.640 triệu đồng.

Trong 6 năm qua, ngành điện của TP đã tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống điện trung áp và hạ áp nông thôn. Nguồn vốn huy động đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện nông thôn, chủ yếu là vốn của ngành điện và các các dự án vay vốn nước ngoài với tổng kinh phí là 47.809 triệu đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện, sử dụng an toàn là 19.883 hộ đạt 100%; Hệ thống của các cấp học tại địa phương như: Trường mầm non, tiểu học, THCS tại các xã được xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia. Đã xây mới được 81 phòng học, 17 phòng bộ môn, 96 phòng chức năng, với kinh phí 148.152 triệu đồng.

Về tiêu chí cơ sở vật chất nhà văn hóa, thì sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cấp chính quyền và nhân dân các xã đã quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 12/12 xã đạt chuẩn tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, 100% các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn, đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em.

Ngoài ra, hoạt động thương mại dịch vụ phục vụ nhân dân khá tốt, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân, từng bước hoàn thiện mạng lưới thương mại, dịch vụ trong toàn TP. Qua đó có thể dễ dàng nhận thấy quá trình xây dựng NTM của TP Chí Linh đã khiến cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và ngày càng nâng cao.

Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc hoàn thành xây dựng NTM đó là nhà ở, đây cũng là tiêu chí then chốt góp phần góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. TP đã không ngừng quan tâm lồng ghép các chương trình, dự án để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, các xã cũng xây dựng các kế hoạch vận động người dân chủ động cải tạo, chỉnh trang nhà ở và các công trình phụ trợ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước hợp vệ sinh, các công trình phụ trợ như nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, giao thông đi lại thuận tiện. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn 12 xã không còn hộ dân sống trong các nhà tạm, nhà dột nát, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên một bước.

Về Chí Linh những ngày này, có thể thấy sự thay đổi diện mạo của TP, chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà Chương trình xây dựng NTM mang lại. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM ở TP Chí Linh những năm qua đã có sức lan tỏa đến các tổ chức chính trị - xã hội, người dân. Hiệu quả thu được từ xây dựng NTM tại đây đã không chỉ giúp TP khai thác, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế sẵn có mà còn tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các địa phương trên địa bàn TP Chí Linh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với những kết quả đã đạt được nổi bật nêu trên, tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH14 ngày 10/1/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Tuyết Hạnh (Báo Xây dựng điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây