Kênh Giang trước chủ trương sáp nhập

Thứ ba - 06/11/2018 21:41 - 1957 lượt xem
Người dân Kênh Giang đồng thuận chủ trương sáp nhập với xã Văn Đức
Người dân Kênh Giang đồng thuận chủ trương sáp nhập với xã Văn Đức
Theo đề án xây dựng TP Chí Linh, tới đây hai xã Kênh Giang và Văn Đức sẽ được sáp nhập để thành lập phường Văn Đức.
Đồng thuận cao

Kênh Giang vốn là xã nhỏ có 270 hộ với 798 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 51 ha (hơn 0,5 km2). Trong khi đó theo quy định, quy mô dân số một xã nông thôn đạt chuẩn phải từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 30 km2 trở lên. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên phải sắp xếp, thu gọn hợp lý. Vì vậy, thị xã Chí Linh đã quyết định sáp nhập Kênh Giang với xã Văn Đức ngay bên cạnh cho phù hợp. Đây cũng là thời điểm Chí Linh lập đề án xây dựng lên thành phố nên sau khi sáp nhập thêm Kênh Giang, xã Văn Đức sẽ thành phường. Với người dân Kênh Giang, đây là 2 sự kiện lớn: vừa nhập về xã khác, vừa lên phường. 

Theo đồng chí Đào Văn Yêu, Bí thư Đảng bộ xã Kênh Giang, Đảng ủy, UBND xã đã có nhiều cuộc họp để bàn thảo, lấy ý kiến các ngành trong xã về việc sáp nhập Kênh Giang với Văn Đức và thành lập phường Văn Đức. Từ ngày 26.9, xã đã chuyển về các thôn để lấy ý kiến của các hộ dân. Người làm nghề vận tải thủy và đánh bắt cá xa nhà cũng được xã thông báo để thu xếp thời gian về quê thực hiện nghĩa vụ công dân. Xã cũng giao cho chi bộ, đoàn thể ở các thôn đến các gia đình vận động và xin ý kiến. Các hộ dân trong xã đều nhất trí cao.
   
Thuận lợi có thể thấy trước tiên đối với người dân nơi đây khi sáp nhập là một cây cầu nối từ thôn Kênh Mai (xã Văn Đức) sang thôn Nam Hải (xã Kênh Giang) đang được triển khai xây dựng. Công trình có tổng kinh phí khoảng 12tỷ đồng này sẽ chấm dứt những khó khăn, cách trở về địa lý, giao thông giữa Kênh Giang với trung tâm thị xã từ trước đến nay. Hiện nay, tuyến đường dẫn đến đầu cầu đang được thi công. Bà Trần Thị Lạng ở thôn Nam Hải cho biết: "Từ trước đến giờ, mỗi khi chúng tôi muốn sang bên trung tâm thị xã phải đi đò Đông Mai (Văn Đức) hoặc đi theo lối Đông Triều (Quảng Ninh) rất vất vả. Cây cầu hoàn thiện không chỉ nối liền Kênh Giang với các địa phương lân cận mà còn rút ngắn quãng đường đến trung tâm thị xã 10 km".
                  
Những nguyện vọng chính đáng
 
Bên cạnh sự hồ hởi, cũng có những băn khoăn, lo lắng xung quanh việc sáp nhập xã Kênh Giang với Văn Đức. Băn khoăn nhất là việc sắp xếp, bố trí công tác đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Luyên ở thôn Nam Hải đã có 6 năm làm việc tại Trường Mầm non Kênh Giang. Khi nắm được chủ trương sáp nhập 2 xã Kênh Giang và Văn Đức, chị mong việc bố trí công tác cho viên chức sẽ được tính toán, cân nhắc phù hợp với địa bàn cư trú. Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kênh Giang cho biết hiện xã Kênh Giang có 19 cán bộ, công chức cấp xã, hầu hết còn trẻ. Mong muốn chung của cán bộ, công chức xã Kênh Giang là được sắp xếp, bố trí công việc phù hợp để yên tâm, ổn định.

Có một lo lắng đeo đẳng người dân Kênh Giang mấy mươi năm nay là đến bao giờ mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Xã Kênh Giang hiện có 2 thôn là Nam Hải và Tân Lập. Trong đó thôn Nam Hải có 193 hộ, được thành lập từ năm 1948, khi những người dân chài ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) đến đây khai hoang lập làng. Từ đó đến nay đã mấy chục năm người Nam Hải lên bờ định cư song chưa có bất cứ hộ nào được cấp sổ đỏ. Nguyên nhân do trước đây Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương. Khi Đông Triều được nhập vào tỉnh Quảng Ninh, người dân Kênh Giang thành người "ở nhờ". Ngay UBND xã, trường học, trạm y tế... cũng đang đặt nhờ trên đất Đông Triều. Trên bản đồ tỉnh Hải Dương, Kênh Giang chỉ có mấy chục ha nằm trên bãi bồi Tân Lập ở giữa sông. Các cấp lãnh đạo của 2 tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc song vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết. Vì không có sổ đỏ, người dân Nam Hải không thể vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Tiềm năng vận tải thủy ở Kênh Giang rất lớn, xã hiện có 36 phương tiện vận tải thủy. Tuy nhiên, để đóng mới được một con tàu đòi hỏi kinh phí lớn, trung bình từ 1,5-2 tỷ đồng. Vì không có sổ đỏ nên họ khó vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ phải chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao.
 
Mong rằng cùng với quá trình sáp nhập, xây dựng phường Văn Đức, xây dựng TP Chí Linh, những nguyện vọng của cán bộ và nhân dân Kênh Giang sẽ được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ. 

NGỌC HÙNG (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây