Chín Hạ thay "áo" mới

Chủ nhật - 11/11/2018 14:27 - 2293 lượt xem
Tất cả các con đường ở thôn Chín Hạ đều được bê tông hóa
Tất cả các con đường ở thôn Chín Hạ đều được bê tông hóa
Từ một vùng miền núi nhiều khó khăn, nhờ chăm chỉ, cần cù lao động, nông dân ở thôn Chín Hạ, xã Bắc An (Chí Linh) đã biến nơi đây trở nên trù phú với những trang trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Vượt qua nghèo đói

Chín Hạ là một trong mười thôn của xã Bắc An nằm ở phía đông bắc của thị xã Chí Linh có tổng diện tích khoảng 2 km2. Với đặc thù của vùng rừng núi, điều kiện khó khăn nên nhiều năm trở về trước, đời sống người dân nơi đây (trong đó chiếm đa số là người dân tộc Sán Dìu) luôn bấp bênh. Ngoài trồng lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân ở thôn chỉ biết đi làm thuê để có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cho cuộc sống.

Ông Diệp Văn An (87 tuổi) là một người cao niên ở thôn. Bố mẹ ông là một trong những người đầu tiên có mặt ở đây từ khoảng năm 1900. Khi ấy, có 9 hộ gia đình người Sán Dìu ở khắp các vùng núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn di cư về đây lập nghiệp. Có thể vì lẽ đó mà cái tên Chín Hạ được đặt cho vùng đất này. Trong trí nhớ của ông An, khoảng 30 năm về trước, người dân quê ông còn nghèo đói lắm. Hằng ngày, họ chỉ biết vào rừng đốn củi, trồng lúa và rau màu theo phương thức tự cung, tự cấp. Đi lại chủ yếu là cuốc bộ trên những con đường đất nhỏ hẹp. Không có điện, các hộ dân phải dùng đèn dầu. Trẻ em không có điều kiện đến trường. Khi ấy, mơ ước của mỗi gia đình chỉ đơn giản là có được một bữa ăn thật no chứ không dám nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp.

Không cam chịu nghèo đói, nông dân thôn Chín Hạ đã chủ động tìm cho mình hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế. Anh Diệp Văn Khá (44 tuổi) là con út trong một gia đình có 8 anh chị em. Nhà đông con, lớn lên trong cảnh khốn khó, không được ăn học nên anh quá thấu hiểu nỗi vất vả của người dân nơi đây. Vì vậy, anh đã sớm quyết tâm phát triển kinh tế để thay đổi cuộc sống. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Khá thấy một số người dân ở các xã lân cận phát triển mô hình trồng cây ăn quả và xây dựng trang trại gà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại sao quê hương mình cũng có những điều kiện tương tự mà lại không làm được? Nghĩ là làm. Anh bỏ thời gian, công sức sang học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế của những hộ đi trước. Năm 2010, anh quyết định vay vốn đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm với quy mô từ 4.000-6.000 con. Trên diện tích 1 ha đất của gia đình, anh trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam... Những năm đầu triển khai, do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp không ít khó khăn. Gà bị chết hàng loạt do dịch bệnh, cây cho quả nhỏ, xấu mã nên không có người đến thu mua. Khi ấy, gia đình anh chán nản chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng nếu không làm thì cuộc sống sẽ mãi tăm tối, nghèo đói. Một lần nữa, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo thôi thúc anh không được dừng bước. Anh tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà, chăm sóc cây ăn quả thông qua các lớp tập huấn do các đơn vị, địa phương tổ chức để áp dụng vào thực tiễn. Không phụ công người, trang trại gà của anh ngày càng phát triển và tạo được uy tín trên thị trường. Đến nay, anh đã xây dựng thêm 2 trang trại gà với quy mô 6.000 con/trại. Bên cạnh đó, diện tích trồng vải, nhãn cũng cho năng suất và chất lượng cao. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Anh đã xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Mới 36 tuổi nhưng anh Tô Văn Vi đã có cơ ngơi tiền tỷ nhờ nuôi gà đẻ trứng và trồng cây ăn quả. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế khó khăn nên anh Vi cũng không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Đến tuổi trưởng thành, tài sản bố mẹ anh chia cho chỉ có vài sào ruộng và một ít đất rừng. Cuộc sống quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn chẳng đủ ăn. Không chấp nhận phận nghèo, anh quyết tâm làm kinh tế để đổi đời. Năm 2006, anh vay mượn tiền đầu tư xây dựng trang trại rộng 1.000 m2 nuôi gà đẻ trứng và 2ha trồng cây ăn quả như vải, hồng xiêm, bưởi, cam. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 500 triệu đồng. Đến nay, anh Vi là một trong số những điển hình về phát triển kinh tế của thôn Chín Hạ. Anh đã mua được xe ô tô để chủ động vận chuyển hàng hóa của gia đình.

Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà 2tầng đang dần được hoàn thiện, anh Vi cho biết: "Nếu cứ bám mãi vào trồng lúa và làm thuê thì không biết bao giờ mới khá lên được? Bản thân tôi cũng không muốn con của mình sau này sẽ sống mãi với nghèo đói nên dù thời gian đầu có khó khăn thế nào tôi cũng quyết vượt qua. Điều quan trọng là bản thân phải có ý chí quyết tâm, cần cù, yêu lao động và ham học hỏi thì sẽ thành công".

Diện mạo đổi thay

 
Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân thôn Chín Hạ ngày càng được nâng cao

Về thôn Chín Hạ vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những sự đổi thay nơi đây. Những con đường bê tông chạy dài khắp ngõ xóm, nhiều ngôi nhà cao tầng mái đỏ mới được xây dựng, những trang trại chăn nuôi rộng lớn nằm xen kẽ với khu rừng keo và vườn cây ăn quả...

Đưa chúng tôi đi trên con đường làng sạch đẹp, ông Diệp Văn Phú (55 tuổi), Trưởng thôn Chín Hạ vui mừng chia sẻ: "So sánh với 30 năm về trước, Chín Hạ giờ đây đã có quá nhiều đổi thay. Thay đổi lớn nhất là đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài phát triển trang trại, nhiều hình thức sản xuất mới cũng được áp dụng và mang lại hiệu quả. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các hộ còn hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Nhiều hộ dân đã có thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm".

Thôn Chín Hạ hiện có 150 hộ dân với hơn 850 nhân khẩu. Trong đó có hơn 100 hộ phát triển mô hình trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả với quy mô từ 7 sào đến hơn 1 ha. Số hộ còn lại phát triển dịch vụ vận tải, nghề mộc, cơ khí, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón... Điều đặc biệt là người dân ở Chín Hạ hầu hết phát triển kinh tế ngay tại quê hương mình. Nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi họ đã có được cuộc sống đủ đầy. Đến nay, thu nhập bình quân của thôn đạt từ 32-35 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Hơn 100 hộ có tài sản lên đến tiền tỷ. Hơn 100 hộ đã xây dựng được nhà cao tầng, biệt thự; hơn 20 hộ sắm được ô tô...

Kinh tế phát triển, người dân thôn Chín Hạ cũng quan tâm hơn việc xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Đến nay, thôn đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, là nơi người dân thường xuyên đến sinh hoạt, chơi thể thao, giao lưu văn nghệ... Các phong tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng được lưu giữ và phát triển.

Hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, chi bộ và các ban, ngành, đoàn thể của thôn Chín Hạ đã phát động đến nhân dân tích cực thực hiện phong trào thi đua lao động, sản xuất, làm đường giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường... Xác định việc xây dựng đường giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, thôn đã tích cực vận động người dân hiến đất làm đường với tổng chiều dài hơn 2 km. Hệ thống điện, đèn chiếu sáng được lắp đặt đến từng nhà, xuống từng khu trang trại. Thôn Chín Hạ được công nhận làng văn hóa vào năm 2016.

Có được kết quả trên phần lớn là nhờ sự quyết tâm của toàn thể nhân dân thôn Chín Hạ vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Chia tay thôn Chín Hạ, chúng tôi mãi ấn tượng với hình ảnh về những con người hiền lành, chân chất nơi đây. Họ đã biết đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, phát triển kinh tế và đi lên từ chính mảnh đất quê hương mình. Chúng tôi tin tưởng với tất cả sự nỗ lực, quyết tâm, người dân Chín Hạ sẽ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

ĐỨC TÂM (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây