Chí Linh tựa vào thế núi Côn Sơn mà phát triển

Thứ tư - 29/01/2020 05:53 - 5403 lượt xem
Chí Linh là vùng đất thiêng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nơi nhiều danh nhân văn hoá - lịch sử đã tìm về. Ảnh: Mai Anh
Chí Linh là vùng đất thiêng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nơi nhiều danh nhân văn hoá - lịch sử đã tìm về. Ảnh: Mai Anh
Sở hữu một vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng là tiềm năng, lợi thế, tài sản và nguồn lực to lớn về vật chất, tinh thần để TP Chí Linh kiến tạo những giá trị mới.

Huyện miền núi Chí Linh trở thành thị xã, chỉ sau mấy năm là đô thị loại III rồi được Quốc hội công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh khiến tôi ngạc nhiên và không khỏi băn khoăn.

Bởi lẽ Chí Linh là vùng đất thiêng như lịch sử đã ghi danh, có cảnh quan thiên nhiên rất ngoạn mục, nơi nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử tìm về.

Đô thị với phố xá, nhà tầng, đường nhựa, nghĩa là bê tông hóa không gian kiến trúc với lối sống tiện nghi hiện đại, dù muốn hay không cũng có sự khác biệt, thách thức với sinh thái tự nhiên và văn hóa lịch sử.

Trên đường về Chí Linh, radio trong xe đưa tin mấy ngày nay không khí Thủ đô Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, người già và trẻ nhỏ mắc bệnh phổi, tim mạch tăng đột biến.

Tôi bỗng nhớ kỷ niệm trong một chuyến đi châu Âu. Hôm ấy, anh bác sĩ Việt kiều lái xe đưa chúng tôi từ vương quốc Bỉ tới TP Amsterdam của Hà Lan. Gần tối, tôi thấy xuất hiện làn đường về thành phố xe cộ thưa thớt, trong khi làn đường ngược lại ô tô bỗng đi ra tấp nập, hối hả.

Xe nào xe ấy trên nóc hoặc sau xe chằng buộc đủ thứ, cả khung nhà bạt, chăn đệm, người lớn, trẻ con, xe nào cũng chật ních... như đang có cuộc di tản khỏi thành phố.

Tôi ngạc nhiên hỏi thì anh lái xe cười cho biết cuối tuần, hết giờ làm là dân thành phố vội vã lên đường đưa gia đình ra vùng ngoại ô, đến những nhà vườn hay dựng lều bạt cắm trại ở các khu công viên, cánh rừng, bãi cỏ để nghỉ ngơi thư giãn hai ngày nghỉ cuối tuần.

Anh bác sĩ cũng vậy, hằng năm anh thường dành trọn cả thời gian nghỉ phép để sang ngôi chùa Việt ở Paris (Pháp) xin "chấp tác", nhặt lá, tưới cây, ngồi thiền, nghe giảng kinh Phật.

Thế đấy, các nước phát triển đã trải qua thời kỳ công nghiệp hóa, tập trung đô thị, cuộc sống căng thẳng, chật chội bởi vấn nạn ô nhiễm, ùn tắc giao thông, đang trả giá đắt để trở về với tự nhiên, càng hoang sơ trong lành càng giá trị. Trong khi các nước mới nổi như ta thì ở đâu cũng quyết liệt với giấc mơ thành phố, đánh đổi môi trường sinh thái cho những nhà tầng bê tông hoành tráng... Song dù sao thì công nghiệp hóa và đô thị hóa là quy luật tất yếu của sự phát triển xã hội.

TP Chí Linh mới đi những bước đầu tiên. Trong câu chuyện giới thiệu khái quát về quy hoạch không gian và hướng phát triển thành phố, đồng chí Tô Văn Sang, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Chí Linh, người đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác ở địa phương giúp chúng tôi giải tỏa băn khoăn.

Anh cho biết chủ trương của lãnh đạo thành phố không đặt trọng tâm kinh tế là phát triển công nghiệp mà ưu tiên đầu tư thương mại, dịch vụ, hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao với những cây trồng, vật nuôi đặc trưng của địa phương, coi trọng phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... là tiềm năng thế mạnh của Chí Linh.

Quy hoạch không gian đô thị và định hướng phát triển thuyết phục, mở ra nhiều triển vọng, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân đã có sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đến với Chí Linh, trong đó có những doanh nghiệp tầm cỡ với những dự án có số vốn đăng ký nhiều nghìn tỷ đồng.

Đầu tiên là Tập đoàn Vingroup đã nhận đất triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao tại trung tâm phường Sao Đỏ và hồ Mật Sơn.

Hai khu vực còn xa vắng và hoang sơ như hồ Bến Tắm (gần chùa Thanh Mai) và cồn Vĩnh Trụ (bãi nổi trên sông Kinh Thầy) đã lọt vào con mắt xanh của Tập đoàn FLC để nghiên cứu đầu tư hai tổ hợp công trình khách sạn nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp với số vốn đăng ký 23.000tỷ đồng cho 1.000 ha ở Bến Tắm và trên 10.000 tỷ đồng cho 335 ha tại cồn Vĩnh Trụ.

Còn tập đoàn đầu tư nước ngoài TMS thì đón trước diện tích ven con đường sắp mở từ đầu phường Sao Đỏ nối vào đường 18 tránh khu trung tâm nhằm giảm tải ùn tắc giao thông để mở khu đô thị và sân golf.

Việc các doanh nghiệp lớn sẵn sàng bỏ vốn đầu tư không chỉ vì họ nhạy cảm trước một cơ hội triển vọng làm ăn, cơ chế chính sách thuận lợi, minh bạch mà còn vì họ yên tâm tin tưởng ở những quyết định mạnh mẽ của lãnh đạo cùng sự đồng thuận của nhân dân, bảo đảm cho thành công của dự án.

Khi chọn khu đất vàng ngay mặt đường trung tâm phường để xây dựng trung tâm thương mại Vincom và khách sạn 5 sao, Tập đoàn Vingroup đã không ngờ chỉ trong vòng 20 ngày đúng như hứa hẹn, đã nhận bàn giao đất đưa máy móc vào thi công công trình.

Tạo sự đồng thuận cao với dân, thành phố đã chủ động nguồn vốn, vận dụng chính sách đền bù, bảo đảm tối đa lợi ích của người dân. Nhờ vậy, chỉ trong vài ba tháng trước Tết Đinh Dậu 2017, bà con ở phường Tân Dân đã nhanh chóng di dời gần 700 ngôi mộ nằm rải rác trên cánh đồng Triều giao cho nhà thầu san lấp mặt bằng mở khu đô thị. Với tốc độ này, chắc không phải chờ đợi lâu, khách đến Chí Linh qua cầu Bình sẽ chứng kiến một khu đô thị mới đẹp như một lời chào đón.

Phố Bạch Đằng (phường Sao Đỏ) đã hẹp mà nhà cửa hai phía cái nhô ra, cái thụt vào, không còn vỉa hè, đường gập ghềnh mấp mô, dây điện thì chằng dọc phố.

Chị Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy phường kể rằng đã mấy năm địa phương bố trí kế hoạch ngân sách rồi lại phải thu hồi vì không thống nhất được với dân. Thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị, thành phố và phường thành lập tổ công tác bàn bạc trực tiếp với từng hộ dân.

Thành phố hỗ trợ ngân sách mở rộng đường, tôn nền, trải nhựa, hạ đường điện đi cáp ngầm, còn người dân thì cam kết tháo dỡ hàng quán. Hơn 100 hộ nhà nào cũng hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng, lát gạch hè phố.

Các phố khác làm như Bạch Đằng, gần 600 hộ hiến cho phường gần 7.000 m2 đất. Phố xá sạch đẹp hẳn lên. Công viên hồ Mật Sơn cũng được chỉnh trang, tối sáng đông vui vì thành phố đầu tư tiền tỷ, lắp đặt cả máy tập thể thao ngoài trời. 

Không chỉ đồng chí Bí thư Đảng ủy phường, tôi tin rằng đông đảo cán bộ và nhân dân Chí Linh cũng rất phấn khởi, đồng tình với nhận định, đánh giá thắng lợi chung ghi trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Chí Linh lần thứ 23 nhiệm kỳ 2020-2025: "Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra tại Đại hội nhiệm kỳ 22, trong đó đã về đích sớm nhiều năm về xây dựng thành phố, phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng nông thôn mới... Diện mạo thành phố trẻ đã hình thành rõ nét, tạo thế và lực mới cho Chí Linh phát triển, khẳng định một Chí Linh ngày càng khởi sắc, mang tầm vóc của một trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch và khoa học của khu vực phía bắc tỉnh Hải Dương".

Tôi nghĩ mọi người cũng sẽ đồng tình và tin Đảng bộ thành phố xác định khâu đột phá của chương trình hành động nhiệm kỳ 2020-2025 là: "Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chí đô thị loại II. Xây dựng TP Chí Linh trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ".

TP Chí Linh sở hữu một vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng là tiềm năng, lợi thế, tài sản và nguồn lực to lớn về vật chất, tinh thần để kiến tạo những giá trị mới. Quy hoạch đô thị không xâm phạm đến rừng, còn tiếp tục tu bổ, trồng rừng thay thế.

Toàn thành phố có 68 hồ, trong đó có 8 hồ lớn, cũng là ưu thế cho cảnh quan đô thị. Không thụ động chờ ngân sách cấp trên, cùng nguồn vốn xã hội hóa, thành phố đã dành gần trăm tỷ đồng nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao, các dự án giao thông kết nối điểm du lịch.

Tiếp tục tu bổ một số hạng mục ở di tích đền Cao, đền thờ Chu Văn An, phục dựng tháp mộ bà chúa Sao Sa (Tinh phi cổ tháp); có phương án mở rộng diện tích trồng cây phong lá đỏ, hoa mai vàng khu vực chùa Thanh Mai; phục dựng chùa Huyền Thiên ở núi Phượng Hoàng...

Theo các nhà nghiên cứu về phong thủy và cảm xạ học thì các cụ ta từ xưa đã xác định Chí Linh có ba trung tâm đắc địa và linh thiêng nhất. Đó là khu Kiếp Bạc (với núi Nam Tào và núi Bắc Đẩu), động Huyền Thiên (núi Phượng Hoàng) và núi Côn Sơn (tên khác là Kỳ Lân).

Như mọi người đã biết, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Huyền Quang, Pháp Loa, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi... là những danh sư, danh tướng, danh thần, nhà khoa bảng tri thức uyên thâm đã phát hiện và tìm về ba địa chỉ trên để hành đạo, nghỉ dưỡng, suy xét việc đời. Rồi chính các ngài đã đắp bồi cho những chốn đó thêm phần linh thiêng, sáng láng.

Ba khu vực này không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà đặc biệt đều có trường địa khí rất vượng, nhất là Côn Sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí, Hải Dương địa chí đều ghi: "Côn Sơn đứng đầu mạch núi Chí Linh. Hai mạch Yên Tử từ phía đông chạy lại. Huyền đinh từ phía đông bắc chạy về gặp nhau ở xã Chi Ngãi...".

Tạm đặt sang một bên vấn đề tâm linh phong thủy là câu chuyện còn hư ảo. Chỉ biết rằng nguồn năng lượng đó là hiện tượng tự nhiên có thật, được kiểm chứng từ những danh nhân lịch sử và đã có sự khảo sát nghiên cứu khoa học.

Ngày nay không phải ngẫu nhiên mà võ sư Bùi Long Thành, cũng là bậc thầy nổi tiếng về khí công dưỡng sinh, từ quê Bình Định ra Côn Sơn, bỏ tiền mua đất dựng một ngôi nhà thoáng rộng, mở nhiều lớp huấn luyện khí công dưỡng sinh miễn phí cho người Hải Dương và một số tỉnh lân cận.

Lớp luyện khí công nâng cao do bà Phạm Thị Xuân Dung ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) phụ trách, hằng tuần mọi người vẫn bỏ tiền thuê ô tô mang theo đồ ăn lên núi Côn Sơn hoặc núi Ngũ Nhạc kế bên tọa thiền. Bà Dung cho biết do được tiếp nhận nguồn năng lượng cao nên ai cũng cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái hơn cả tháng tập ở nhà trước đây.

Như vậy, nguồn dưỡng khí trong lành màu nhiệm như ở Côn Sơn cũng là một sản phẩm thu hút du lịch. Thiết nghĩ câu chuyện người dân ở thành phố chật chội và ô nhiễm lũ lượt đổ ra vùng ngoại ô mỗi cuối tuần như ở nước Hà Lan xa xôi sẽ không xa đối với Thủ đô Hà Nội và các đô thị của ta, du khách sẽ tìm về những rừng thông, hồ nước, chùa chiền ở Chí Linh. Có quốc lộ 18 đi qua, nối Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh), nhưng tin rằng Chí Linh rồi đây sẽ không là thành phố đi qua mà là điểm đến bởi sức hấp dẫn riêng của mình.

Thắng lợi bước đầu đã mở ra một triển vọng tốt đẹp, nhưng phía trước còn nhiều thách thức, trở ngại. "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" - lời bất hủ ấy của Nguyễn Trãi khắc ghi tại đền thờ ông ở núi Côn Sơn cũng đồng điệu với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, tất cả vì dân, do dân. Đó là nguồn năng lượng, nguồn lực mạnh mẽ nhất để Đảng bộ và nhân dân Chí Linh xây dựng thành công thành phố hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hoá lịch sử như mong đợi. Cũng có nghĩa tựa vào thế núi Côn Sơn để phát triển.

NGUYỄN PHÚC LAI (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây