Khai bút đầu xuân – Lễ hội đặc sắc ở đền Chu Văn An

Chủ nhật - 03/02/2019 19:04 - 3055 lượt xem
Khai bút đầu xuân – Lễ hội đặc sắc ở đền Chu Văn An
Nhiều năm qua, với việc duy trì tổ chức lễ khai bút đầu xuân, Ban Tổ chức lễ hội thị xã Chí Linh đã tạo nên một lễ hội văn hóa đặc sắc ở đền Chu Văn An thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và du khách thập phương tham dự.
Những ngày này, tại đền thờ Chu Văn An cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh đang tích cực chuẩn bị các phần nội dung công việc trang trí, khánh tiết tạo không gian cảnh quan đẹp để đón xuân và đặc biệt để chuẩn bị cho lễ khai bút đầu xuân được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng (âm lịch).

Lễ khai bút đầu xuân đã được duy trì từ nhiều năm nay, thu hút rất đông du khách thập phương, giáo giới, học sinh sinh viên đến tham dự. Lễ khai bút hàng năm đều được tổ chức với các nghi thức, nghi lễ rất trang trọng với các nghi lễ như: Lễ cáo yết, tế khai xuân, lễ rước bộ dâng văn sách từ điện Lưu Quang lên đền Thầy. Nghi thức này được thực hiện trang nghiêm, thể hiện sự trân trọng đạo học của người dân Việt Nam. Lễ rước bắt đầu từ điện Lưu Quang, với tuần tự đội rồng, cờ thần, trống chiêng, đội bát bửu, tiếp đó là kiệu rước Thánh nghiên, Thần bút, kiệu rước chân hương các đại danh nho của vùng đất Chí Linh, của xứ Đông và nước Việt, đội tế nam, tế nữ, đoàn đại biểu, giáo viên, học sinh sinh viên, nhân dân và du khách thập phương sẽ rước lên đền Thầy.

Buổi lễ được tổ chức ở sân hạ trước đền thờ Chu Văn An. Sau các nghi thức đọc văn tế dâng hương, dâng văn tế lên đền đến nội dung chính là lễ khai bút với hai phần khai bút chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Mỗi năm ban tổ chức lại chọn những cụm chữ có ý nghĩa sâu sắc khác nhau. Lễ hội khai bút đầu xuân năm nay chọn những chữ “Khánh Thịnh Phồn Vinh” để khai bút phần chữ Hán (với ý nghĩa vui mừng trước sự đổi mới vinh hoa thịnh vượng). Còn phần chữ Quốc ngữ những chữ được chọn là: Trí, Đức, Tài, Thành, Đạt, Vinh, An, Khang, Phát. Tất cả đều được viết trên giấy chuyên dụng dành cho viết thư pháp có in phủ hoa văn đẹp và được viết bằng mực son đỏ (gắn với đặc trưng của đền thờ Chu Văn An). Giá để viết chữ Hán và dãy bàn để viết chữ Quốc ngữ được đặt trang trọng trên lễ đài. Sau đó, ban tổ chức mời nhà thư pháp lên viết khai bút phần chữ Hán và các đại biểu là những cán bộ hay những nhân vật có uy tín trong xã hội lên viết khai bút chữ Quốc ngữ. Sau khi khai bút xong, chữ đó sẽ dâng rước lên đền thờ Chu Văn An.

Lễ khai bút xuất phát từ nét văn hóa cổ truyền ngày xưa dành cho những bậc vua, chúa, quan lại, nhà nho, thầy đồ, nhà văn, nhà thơ, nho sinh… Họ chọn ngày, giờ “đẹp” vào những ngày đầu xuân để khai những nét chữ đầu tiên trong năm. Chữ được chọn viết thường là những chữ có hàm nghĩa đẹp, hay một bài thơ xuân để khích lệ, khơi dậy niềm mong mỏi mà người viết muốn hướng tới. Đây vừa là sở thích, thu vui tao nhã của những ngày hay chữ nhưng họ cũng gửi gắm niềm mong muốn trong năm đó sẽ gặp may mắn, hanh thông với “nghiệp” chữ nghĩa, công danh.

Tìm hiểu được biết tục khai bút và xin chữ đầu xuân ở Việt Nam gắn với hình ảnh về thầy giáo Chu Văn An. Sinh thời Chu Văn An là một nhà đại khoa bảng, người thầy giáo tôn kính đức cao vọng trọng, thầy dạy của vua  và nhiều đại thần triều Trần. Sau khi, từ quan ông đã về miền sơn dã Chí Linh sinh sống và mở trường dạy học, thầy vẫn giữ tục khai bút vào dịp đầu xuân và những bức chữ thầy viết thầy sẽ tặng cho học trò và gia đình học trò để về treo trong nhà. Vì ở miền sơn dã nên thầy Chu Văn An lấy những viên sỏi son có màu đỏ về mài hòa với nước làm mực son để viết thay cho mực đen. Sau này, Ban tổ chức lễ hội đã khôi phục và nâng tầm nét văn hóa này thành lễ hội khai bút đầu xuân và cũng lấy mực son đỏ để viết chữ nhằm tưởng nhớ về “Người thầy của muôn đời” Chu Văn An và tôn vinh đạo học Việt Nam mà thầy đã dày công gây dựng.

Ngày nay, nhiều người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa như nhà thư pháp, nhà văn, nhà thơ, thầy giáo vẫn duy trì tục khai bút đầu xuân. Nét văn hóa này cũng được nhiều nơi như các di tích lịch sử văn hóa, nhất là những di tích gắn với việc học tổ chức. Những hoạt động viết chữ, xin chữ chỉ là một phần hoạt động của lễ hội ở những di tích đó, còn để tổ chức thành lễ hội khai bút đầu xuân một cách trang trọng như ở đền thờ Chu Văn An và lại được viết bằng màu mực son đỏ thì không ở đâu có.

Cũng tại lễ khai bút đầu xuân ở đền thờ Chu Văn An, Ban Quản lý Di tích Chí Linh còn lập các quầy có “thầy đồ khăn xếp áo the” viết chữ để phục vụ nhu cầu xin chữ của học sinh, sinh viên và du khách thập phương. Quầy viết chữ thu hút rất đông người đến xin chữ. Gương mặt du khách hay các cháu học sinh, sinh viên nào cũng rạng ngời khi xin được chữ ưng ý và nâng niu bức chữ trên tay khi ra về mang theo niềm tin trong năm học hành, thi cử, công việc được tấn tới, hanh thông, đỗ đạt, thuận buồm xuôi gió.

Kim Xuyến (Ban Quản lý Di tích Chí Linh)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

 Từ khóa: chu văn an, sinh viên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây