Lá phong đỏ bên mái chùa cổ

Thứ năm - 31/01/2019 16:37 - 2154 lượt xem
Con đường lên chùa đẹp nên thơ với những tán phong lá đỏ. Ảnh: TRƯỜNG HẢI
Con đường lên chùa đẹp nên thơ với những tán phong lá đỏ. Ảnh: TRƯỜNG HẢI
Giữa mùa đông lạnh, bên mái chùa cong cong cổ kính, một màu đỏ cam nhuộm ấm cảnh thanh tịnh. Đó là màu lá phong của chùa Thanh Mai trên núi Tam Ban (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), nơi chỉ cách Hà Nội khoảng 80km.

Con đường dẫn lên quanh co, chùa Thanh Mai vẫn giữ được cảnh tĩnh mịch của ngôi cổ tự được Thiền sư Pháp Loa tôn giả, đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cho xây dựng vào thời Trần, thế kỷ thứ 14. Ngôi chùa là một trong 3 chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm và cũng là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời nhà Trần. Chùa lưu giữ nhiều di sản có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, đặc biệt có bảo vật quốc gia-bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”.

Ngoài các giá trị văn hóa, lịch sử, chùa Thanh Mai lâu nay thu hút du khách hành hương vào độ đông-xuân, khi rừng lá phong chuyển màu phơi sắc. Len lỏi bên mái, dưới hiên của 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung và 8 tòa bảo tháp, cùng màu thời gian của những rêu phong cổ kính, lá phong mềm mại, co tròn, thoát tục. Giữa cảnh thanh tịnh, những mảng trời sáng ấm nổi bật của lá phong giữa phảng phất xanh của những loài cây khác, dưới chân con đường rải lá phong đỏ, cam, vàng, nâu tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Như đi giữa không gian xứ lạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng vẫn là mái chùa quen thuộc của người Việt.

Nếu con đường lên chùa chỉ rải rác lá phong đỏ thì từ chùa đi lên phía trên núi lá phong càng dày đặc. Vào sâu trong rừng, có những cây phong cổ thụ vươn mình cao lớn, những cây phong con lớp nọ, lớp kia đỏ vàng đặc biệt. Thỉnh thoảng, những gốc phong to còn lưu lại dấu dao của người dân địa phương. Được biết, người dân phạt thân cây để lấy nhựa. Nhựa phong có mùi thơm nhẹ, dễ chịu, phù hợp để làm tinh dầu, làm nến… Dẫn chúng tôi theo lối mòn, Đại đức Thích Chí Trung, trụ trì chùa Thanh Mai cầm quắm rựa phát quang đường và chỉ cho chúng tôi những vết tích cũ của ngôi chùa to lớn. Những vết tích còn lưu lại gạch, nền chân tảng và một số bức tường theo từng khu. Có nơi 2-3 gian nhưng có những điểm chùa tháp cũ có đến 7, 9 nền tích cũ. “Đặc biệt, trên núi còn có những vết tích và một số hiện vật của một cơ sở cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Có lẽ một phần như vậy nên nơi đây vinh dự được mang tên xã Hoàng Hoa Thám”, Đại đức Thích Chí Trung thông tin thêm. Đáng tiếc, những địa điểm này đến nay mới được Bảo tàng tỉnh Hải Dương thăm dò sơ bộ mà chưa thể có phương án trùng tu, bảo vệ nào.

Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Phạm Chức, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Hải Dương bày tỏ mong muốn chùa Thanh Mai thu hút nhiều hơn những du khách, bởi ngoài vẻ đẹp hiếm có của một cánh rừng phong lá đỏ hiếm hoi ngay gần Hà Nội, ngôi chùa còn mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh độc đáo. Xây dựng chùa Thanh Mai thành một điểm du lịch hấp dẫn không cần quá nhiều tiền đầu tư nhưng để chùa vẫn giữ nguyên vẻ đẹp thuần khiết cần có một chiến lược thu hút du khách bài bản.

HUY AN 

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây