Làng nghề hát chầu văn An Mô

Thứ sáu - 12/05/2017 08:35 - 4530 lượt xem
Làng nghề hát chầu văn An Mô
Hát Chầu Văn là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống gắn với cửa Thánh, hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ lâu đời ở nước ta. Vừa qua, ngày 1 – 12 – 2016, UNESCO đã chính thức ghi danh công nhận di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin vui này khiến cho giới hát Văn nói chung, trong đó có những người hát Chầu Văn ở làng An Mô (xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nói riêng rất phấn khởi.
Đây là cơ hội để làng hát Chầu Văn dưới chân núi Ngũ Nhạc này có điều kiện phát triển hơn nữa, giúp những người hát Văn sống được với nghề.

Chuẩn bị lễ hội truyền thống đền Sinh- đền Hóa năm 2017, chúng tôi về An Mô để tìm hiểu về nghề hát Chầu Văn của làng, chúng tôi đã được nghe cán bộ thôn, người làng, nghệ nhân hát Chầu Văn kỳ cựu của làng kể cho nghe về lịch sử ngôi làng, đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian trong việc thờ Thánh Phi Bông, thờ Mẫu Thạch Bàn và nghề hát Văn của làng.

Ông Phạm Văn Cương, bí thư chi bộ thôn An Mô cho biết: “An Mô là một làng cổ lâu đời của xã Lê Lợi. Làng nằm dưới chân núi Ngũ Nhạc thuộc dãy núi Kỳ Lân. Còn về nghề hát Văn ở làng An Mô của chúng tôi có cũng cách đây hàng trăm năm rồi. Phả hệ ở Đền Sinh – Đền Hóa giúp ta hiểu về lịch sử hát Văn ở làng An Mô. Tuy nhiên do biến thiên lịch sử và xã hội, nghề hát Văn của làng cũng lúc thăng lúc trầm, thậm chí có lúc gần như mất hẳn”.

Trong các truyền thuyết về Đức Thánh Phi Bồng đều nói đến tên của làng trước đây là Yên Mô. Lần thứ nhất vào thời Tiền Lý, Đức Thánh Phi Bồng hiển linh bằng việc giáng sinh vào gia đình của vợ chồng già hiếm muộn ở trang Yên Mô  chồng tên là Chu Thức, 61 tuổi vợ là bà Hoàng Thị Ba, 52 tuổi, sinh ra con đặt tên là Chu Phúc Uy. Sau này, Chu Phúc Uy theo Vua Lý Nam Đế, khởi nghĩa kháng chiến chống quân giặc nhà Lương đô hộ, xâm lược. Sau khi giành chiến thắng đã cùng Lý Nam Đế lập ra Nước Vạn Xuân. Sau này, ông mất được nhân dân thờ phụng.

Hơn 400 năm sau, Thánh Phi Bồng lại hiển linh bằng việc giáng trần trong hình hài một đứa trẻ nằm trên vết lõm của tảng đá, dưới tảng đá lớn giống hình dáng người đàn bà trong tư thế sinh nở. Sau khi nghe tiếng khóc, đám trẻ chăn trâu trang Yên Mô lên xem thấy vậy liền kiệu về làng. Khi xuống dưới chân núi bỗng có một tiếng nổ lớn, cát đá bay mịt mù, mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, em bé được đám trẻ kiệu trên tay bay vụt lên trời, một lát sau từ trên không trung vọng xuống tiếng nói: “Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại Tướng Quân giáng hạ”. Dân làng Yên Mô bèn bảo nhau lập miếu thờ. Từ đó, người dân Yên Mô làm ăn ngày càng phát đạt, được mùa, ấm no, khỏe mạnh.

 
lang hat van 2
Cụ Phạm Văn Chạnh- nghệ nhân làng nghề hát Chầu Văn An Mô

Từ những câu chuyện truyền thuyết về Thánh Phi Bồng có thể thấy làng An Mô đã được hình thành, dân cư quần tụ từ rất lâu đời dưới chân núi Ngũ Nhạc.

Nghề hát Chầu Văn ở làng An Mô xuất phát từ các truyền thuyết về Thánh Phi Bồng sinh và hóa trong một giờ. Theo đó, tại nơi Thánh sinh ở khe đá, người dân lập ra Đền Sinh để thờ Đức Mẫu Thạch Bàn, còn nơi Thánh hóa được lập Đền Hóa để thờ Thánh Phi Bồng. Hai đền thờ này gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, vì vậy nghi thức hầu đồng có từ rất sớm. Do đó, hát Chầu Văn ở An Mô ra đời gắn với hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ ở Đền Sinh – Đền Hóa.  
 
Theo KIM XUYẾN (Du lịch Chí Linh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây