Trừ tịch

Thứ bảy - 06/02/2016 09:05 - 1916 lượt xem
Bài thơ Trừ tịch của Nguyễn Trãi
Bài thơ Trừ tịch của Nguyễn Trãi
Nhân dịp những ngày cuối năm Ất Mùi - xin giới thiệu cùng quý bạn đọc một bài thơ của Ức Trai tiên sinh viết về đêm trừ tịch (30 Tết)

TRỪ TỊCH

(ĐÊM BA MƯƠI TẾT)

Mười hai tháng trọn mười hai,
Hết tấc đông trường, sáng mai.
Hắc Đế, Huyền Minh giờ đổi ấn,
Sóc phong, bạch tuyết hãy đeo đai.
Chong đèn chực tuổi cay con mắt,
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai.
Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi,
Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài.

Trừ tịch, là đêm hết năm, đêm cuối cùng trong năm, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Mười hai tháng trọn mười hai, nghĩa là vừa tròn, vừa hết mười hai tháng, hết năm. Hết mùa đông dài dằng dặc (hết tấc đông trường), thì đến sáng mai, bước sang năm mới, lại mở đầu mười hai tháng …Hai câu thơ đầu chỉ là giới thiệu chung về cái khoảnh khắc giao thời, rất đặc biệt và đó thường là thời khắc gây cảm xúc cho người cả nghĩ, nhất là thi nhân từng trải nhiều việc đời... 
Mười hai tháng trọn mười hai,
Hết tấc đông trường, sáng mai.
Còn đây là cái giờ đổi ấn được giới thiệu chi tiết hơn ở vài điểm nhấn của bức tranh thiên nhiên:
Hắc Đế, Huyền Minh giờ đổi ấn,
Sóc phong bạch tuyết hãy đeo đai.
Hắc Đế, một trong năm vị thần trấn trị năm phương, tương đương với năm sắc (ngũ sắc) theo quan niệm của người Trung Quốc xưa. Hắc Đế tượng trưng cho mùa đông.
Huyền Minh cũng là vị thần của mùa đông, theo sách Kinh Lễ. Mỗi năm có một vị thần cai quản. Vị này “hết nhiệm vụ” thì bàn giao công việc cho vị thần của năm mới quản lý. Các vị thần chuyển giao công việc trấn trị cho nhau, tức là “đổi ấn” cho nhau. Hắc Đế, Huyền Minh giờ đổi ấn, nghĩa là đã đến cái thời khắc giao mùa, năm cũ sắp hết, năm mới sắp tới.. Sóc là phương bắc. Sóc phong, tức gió bấc (bắc). Bạch tuyết là tuyết trắng. Ngoài trời tuyết trắng vẫn còn đeo đẳng, còn bám trên cây trên lá, vẫn còn đeo đai chưa chịu lìa bỏ thân cây…
Bốn câu thơ đầu, xem như giải trước của bài, nói về thời khắc giao mùa của năm cũ chuyển sang năm mới. Bốn câu còn lại, tức là giải sau của bài thơ thể hiện tâm trạng của tác giả trong đêm trừ tịch:
Chong đèn chực tuổi cay con mắt.
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai.
TTNCQH phiên câu này là Chong đèn chực tuế cay con mắt. Chúng tôi theo quan điểm của các cụ Đào Duy Anh, Vũ Văn Kính và P.S. Hai câu thơ tả tâm trạng thi nhân ở thời khắc giao thừa. Ngồi đếm thời gian, từng khắc từng khắc trôi đi chầm chậm, để chầu “chực” đón giây phút đầu tiên của năm mới. Thi nhân bảo đó là ông đang chong đèn chực tuổi, tức chầu chực để đón năm mới, cũng là đón đợi cái tuổi mới của mình. Và thức khuya, nên con mắt cay cay (cay con mắt), vì là gượng phải thức đấy thôi. Một câu thơ giản dị mà hay! Hay ở hình ảnh chong đèn chực tuổi. Hình dung như một ông lão đang chăm chú vào ngọn đèn trong đêm trừ tịch, đếm từng giọt đồng hồ, như đang chầu chực, đón đợi một cái gì đó rất hệ trọng đang nhích đến dần. Chữ “chực tuổi”, được chuyển nghĩa, rất ý vị. Ngoài kia, thiên hạ đang đốt trúc (đốt pháo tre), đang khua na (đuổi ôn dịch) xua đi những điều không tốt không hay của năm cũ, đến nỗi nghe mà “đắng lỗ tai”. Chữ đắng lỗ tai cũng là chữ đã được chuyển nghĩa, chuyển từ thính giác sang vị giác, rất độc đáo. Đó là một sự chuyển nghĩa biểu thị cảm xúc của người già đang chờ đợi một khoảnh khắc vừa vui vừa buồn. Đây là hai câu thơ vào loại đặc sắc của Ức Trai, rất lạ và giàu nội hàm. Nội hàm ngữ nghĩa và cả nội hàm tâm trạng vô cùng phong phú. Vậy mà:
Chẳng thấy lịch quan, tua sá hỏi,
Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài.
Không có lịch quan, không có lịch của vua ban để xem ngày tháng, cho nên phải hỏi (tua xá hỏi). Hỏi việc gì? Hóa ra là Tiên sinh chỉ ướm hỏi thôi, hỏi cho vui, rằng tháng giêng (dần nguyệt) là vào tiết tiểu (tiểu), hay là tiết đại (đài), thế thôi! Nghe ra chả có gì to tát cả đâu, ấy vậy mà khiến người đọc thơ cũng phải “cay con mắt” mà nghĩ ngợi đấy!...

Tác giả bài viết: VŨ BÌNH LỤC

Nguồn tin: nguoichilinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây