Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc: Rước nước mộc dục – Cầu Nhân khang vật thịnh, Phong đăng hòa cốc

Thứ sáu - 01/02/2019 12:10 - 2458 lượt xem
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc: Rước nước mộc dục – Cầu Nhân khang vật thịnh, Phong đăng hòa cốc
Lễ rước nước, Lễ mộc dục trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc ở Hải Dương là một nghi lễ truyền thống đặc sắc trong kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc. Các hoạt động văn hóa, tôn giáo trong Lễ rước nước, Lễ mộc dục tại Côn Sơn vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những nét đặc sắc từ hơn 700 năm trước khi mới hình thành, tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần Phật pháp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Côn Sơn – Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt thuộc Chí Linh, Hải Dương. Nơi đây được xem là kho tàng lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc, phản ánh đa dạng đời sống văn hóa – tâm linh của người Việt xưa và nay.

Nhớ về Hải Dương, Chí Linh trong những ngày đầu xuân, nhân dân cả nước lại háo hức hướng về Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất cả nước, tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (Ngày 23 tháng Giêng).

Trải qua hơn 700 năm tồn tại vài phát triển, Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc đã trở thành hoạt động văn hóa – tôn giáo đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước.

Trong các hoạt động của lễ hội, nghi lễ luôn là phần thu hút được sự quan tâm của du khách thập phương. Mỗi nghi lễ ở đây như: Lễ rước nước; Lễ mộc dục; Lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực; Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ… đều thể hiện được sự thành kính của con người đối với Phật, Thần, Thánh và Trời đất; không những truyền tải được những thông điệp văn hóa – tôn giáo sâu sắc, mà còn thỏa mãn đầy đủ những nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Trong đó, lễ rước nước và lễ mộc dục được xem là hai nghi lễ đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt đối với du khách thập phương bởi sự hoành tráng, công phu của khâu tổ chức, xem lẫn là những thông điệp cao quý cùng sự cung kính thành tâm.

Lễ rước nước – Lễ mộc dục được tổ chức Ngày 16 tháng Giêng hàng năm với hai hoạt động chính là rước nước từ hồ Côn Sơn về chùa Côn Sơn để mộc dục (tắm tượng). Đây là nghi thức cầu nước của cư dân nông nghiệp cổ, biểu hiện ước muốn Cầu mùa, Nhân khang vật thịnh, Phong đăng hòa cốc; đồng thời biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng…

Đến với lễ rước nước, du khách thập phương sẽ được hòa mình trong không khí linh thiêng, choáng ngợp từ hàng vạn người tham gia đoàn rước.

Sau phần khai hội, bắt đầu từ sáng sớm Ngày 16 tháng Giêng tại Tam quan chùa Côn Sơn, đoàn rước sẽ di chuyển ra phía hồ Côn Sơn theo thứ tự định trước. Khung cảnh hoành tráng với đoàn người kéo dài hàng cây số trong trống hội, cờ hoa rực rỡ tạo nên không khí náo nức khôn xuể… Khi đoàn rước ra đến Hồ Côn Sơn, đại diện Ban tổ chức cùng các Nhà sư rước thủy bình xuống thuyền rồng ra giữa hồ trong tiếng chiêng trống và nhạc lưu thủy không ngừng. Thuyền rồng đi nhiều vòng rồi dừng lại ở nơi có dòng nước trong. Đại diện Ban tổ chức và các Nhà sư làm nghi thức cầu nước trong vòng sinh khí (vòng được kết bằng hoa). Nhà sư thắp hương, đọc kinh niệm chú rồi phóng sinh cá, chim và lấy nước vào bình. Nước được rước về chùa Côn Sơn theo như thứ tự đoàn rước không thay đổi.

Về đến chùa, đoàn rước theo đường nhất chính đạo vào nhà Tổ. Thủy bình được an vị trên ban thờ trung thiên ở sân nhà Tổ để chuẩn bị cho Lễ mộc dục. Nghi lễ được tiến hành trong không khí trang nghiêm đặc biệt, mang đậm màu sắc tâm linh cổ truyền. Nước trong bình dùng để tắm tượng xong sẽ thành nước cát tường nếu lấy hai ngón tay thấm vào rồi nhỏ lên đầu. Điều đặc biệt kiêng cấm trong nghi lễ là không được giẫm chân lên dòng nước tắm tượng đang chảy trên đất sạch.

Trong không khí thiêng liêng, nhân dân thập phương hết mực cung kính trong từng cử chỉ, thể hiện niềm hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này.

Sau khi tắm tượng, bài vị các Tổ xong, các nhà sư dùng khăn mềm, mịn, sạch lau khô và xông các loại hương trầm thơm quanh tượng, bài vị rồi đặt về vị trí cũ trong điện Phật.

Lễ mộc dục ngoài kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh còn mang ý nghĩa về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh. Trong không khí linh thiêng, cung kính, mọi du khách tham dự Lễ mộc dục đều bồi hồi xúc cảm khi được tự tay tắm Phật. Ai ai cũng tin tưởng rằng Phật, Thánh sẽ chứng giám cho lòng thành kính mà độ cho sức khỏe, tài lộc, bình an.

Năm 2008, Lễ rước nước và lễ mộc dục trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc được phục dựng thành công, hoành tráng. Các nghi lễ được tuân thủ theo đúng tinh thần Phật pháp, đáp ứng đầy đủ những nét đẹp trong đời sống tâm linh nhân dân, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong kho tàng văn hóa phi vật thể ở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nói riêng và cả nước nói chung.

Hàng năm, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc ở Chí Linh, Hải Dương luôn mang đến cho người dân và du khách thập phương một bầu không khí tràn đầy sắc màu văn hóa tâm linh đặc sắc, góp phần vào không khí Lễ – Hội của nhân dân cả nước trong những ngày đầu Xuân.

Bài - ảnh: Phùng Nguyện - Thanh Bình (Thời báo Mê Kông)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây