Bức xúc cảnh bói toán, “họp chợ” trong di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Thứ tư - 17/02/2016 12:43 - 3535 lượt xem
Vấn đề nhức nhối của Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đó chính là nạn bói toán, ghi sớ, “chợ” trong khu vực di tích chưa được giải quyết. Bói toán tràn lan, “chợ” trong khu vực di tích. Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết, từ ngày 21/2 đến ngày 1/3 (tức ngày 14 - 23 tháng giêng âm lịch), Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 sẽ diễn ra. 

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 tưởng niệm 682 năm ngày viên tịch Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả (1334-2016) nhằm tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ được tổ chức như các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả; Lễ đón bằng bảo vật quốc gia cho bia Thanh hư động; Khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016, Lễ mộc dục, Lễ đàn Mông Sơn thí thực… Nhiều trò chơi dân gian như: Thi gói bánh chưng, giã bánh giày; Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 6; Thi đấu Vật dân tộc, chọi gà, viết thư pháp...cũng sẽ diễn ra trong suốt những ngày lễ hội.

 Du khách tham quan chùa Côn Sơn.
“Thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Để đảm bảo cho các nghi lễ được trang nghiêm và linh thiêng, lễ hội an toàn tuyệt đối, chúng tôi cùng công an tỉnh Hải Dương, Công an thị xã Chí Linh, cùng với lực lượng Công an của 3 xã, phường Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa trực 24/24 trong không gian tổ chức lễ hội, lập các trạm đảm bảo an toàn giao thông từ vòng ngoài, bến bãi; kiểm soát tất cả các phương tiện đi lại trong khu vực lễ hội và cũng kiểm tra tất cả các hàng quán ở trong khu vực di tích. 
Năm nay chúng tôi cũng kết hợp với chính quyền địa phương ký cam kết với các hàng quán không có chuyện nâng ép giá, chèo kéo khách như trước và tuyệt đối không có đổi tiền lẻ để đảm bảo tốt nhất cho nhân dân về dự lễ. Hiện tại các tiểu ban như khánh tiết, tuyên truyền, an ninh, thanh tra liên ngành cũng đã có kế hoạch cụ thể”, ông Minh cho biết.
 Nhan nhản dịch vụ bói toán.
 Và viết sớ.
Tuy nhiên, có một thực trạng diễn ra từ lâu và đến nay vẫn tồn tại như một vấn đề nhức nhối của Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc, đó chính là nạn xem bói, viết sớ tràn lan, bên cạnh đó, hàng trăm gian hàng nằm san sát chùa Côn Sơn bán đủ loại hàng hóa như quần áo Trung Quốc, đồ chơi bạo lực cũng khiến nhiều du khách cảm thấy buồn khi đặt chân đến khu di tích này.
Ngay trong đường dẫn vào chùa Côn Sơn, không khó nhận ra những điểm xem bói, viết sớ. Những thầy bói không ngớt lời mời xem bói khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi trong khu di tích quốc gia đặc biệt lại tồn tại nạn bói toán nhiều đến như thế.
Theo chân một nhóm thanh niên đi lễ chùa vào xem bói, PV Kiến Thứcchứng kiến cả dãy hàng gần chục ki ốt, vừa là hàng ăn, vừa có một góc nhỏ bày bán hương hoa, đồ lễ và tất nhiên có cả sự hiện diện của các thầy bói. Sau khi bói cho một thanh niên, thầy bói tiếp tục thu tiền và viết sớ cho những người khác. Số tiền bói toán thầy nói là tùy tâm nhưng khoảng 50.000 – 30.000 đồng.
Xung quanh khu vực Chùa Côn Sơn là cảnh hàng trăm gian hàng quây tụ như một cái chợ gồm nhiều ki ốt bán một số mặt hàng như quần áo trẻ em Trung Quốc, mũ nón, đồ chơi...Ở “ngôi chợ” này chưa khi nào dứt những lời mặc cả dù ở ngay chốn tâm linh.
Nói về vấn đề bói toán, ghi sớ, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, ông Nguyễn Khắc Minh cho biết: “Thời gian qua chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp chống mê tín dị đoan rất quyết liệt, tuy nhiên, tình trạng lợi dụng để mà xem bói không thể chuyển biến được. Bởi người ta đã quen với việc đó. Trước đây, có thời gian buông lỏng, giờ siết chặt nhưng không giải quyết triệt để được. Hơn nữa, cũng một phần do nhu cầu của khách, nhiều khi khách còn hỏi: “Có xem bói không?. Từ tết đến nay, chúng tôi cũng bắt 4,5 vụ, phạt hành chính, vi phạm 3 lần đuổi khỏi di tích nhưng vẫn còn”.
 Hàng trăm gian hàng ngay cạnh chùa Côn Sơn.
 
Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa (Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), ông Hoàng Văn Mạnh nhìn nhận: ‘Xem bói, ghi sớ là không được phép. Sắp tới sẽ có đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm việc này”.

Nói về việc hàng trăm gian hàng bày bán trong khu di tích ngay sát chùa Côn Sơn, ông Hoàng Văn Mạnh cho biết: “Ban đầu do người dân tự phát bán hàng kinh doanh khi thấy đông du khách đến. Sau đó, Phường quản lý giao thuê. Số tiền thuê hàng năm nộp vào ngân sách địa phương. Hiện tại có khoảng hơn trăm gian hàng. Chúng tôi đang tìm giải pháp để chuyển những gian hàng này đi nơi khác.
Sẽ bỏ thu phí tham quan?
Nhiều du khách khi đến khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc đã bày tỏ nhiều ý kiến không hài lòng về việc ban quản lý thu phí tham quan di tích. Bởi họ cho rằng, di tích là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân việc bán vé tham quan di tích chẳng khác nào “muốn bái phật thì phải nộp phí”.
Ngay từ lối vào Côn Sơn là trạm bán vé tham quan. Nhiều đoàn xe khi đến đây phải dừng lại mua vé với giá 15.000đ/người/lượt. Thời điểm chính hội lượng khách đến đông nên nhiều du khách phải đợi mua vé. Không ít người bày tỏ sự bức xúc.
Về vấn đề này, Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, ông Nguyễn Khắc Minh cho biết, việc thu phí tham quan đã tồn tại từ lâu. UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo có hướng sắp tới sẽ tiến hành bỏ thu loại phí này.
 Sẽ tính phương án bỏ thu phí tham quan di tích.
“Thu phí tham quan có ngân sách, tỉnh thu về để bao cấp cho toàn bộ hoạt động lễ hội bởi số tiền tổ chức một năm cũng không ít. Hơn nữa, Bộ VHTTDL cho phép di tích tự chủ tài chính để duy trì hoạt động tổ chức lễ hội như điện nước, vệ sinh môi trường, công tác quản lý...Nghị định 2003 của TTCP cũng cho tự chủ 100%. Bên cạnh đó, số tiền nhân dân công đức thì chỉ để tu bổ di tích không được sử dụng vào mục đích khác. Hội đồng nhân dân tỉnh họp cũng quyết định cho phép bán vé tham quan, định mức giá vé. Giá vé 100%, chuyển về ngân sách tỉnh 30%, ngân sách huyện 10%, chúng tôi chỉ còn lại 60% để tổ chức lễ hội, chi trả tiền cho bộ máy thông tin quảng cáo tuyên truyền, lễ lạt, đón khách...Hiện chúng tôi cũng biết du khách phản ứng việc này lên đang tìm phương án để bỏ thu phí tham quan”, ông Nguyễn Khắc Minh cho hay.
Chuyển bãi xe ra vị trí mới, xây dựng khu bán hàng tập trung, dẹp chợ trong di tích
Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa, ông Hoàng Văn Mạnh cho biết, UBND phường đã bàn với Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, thời gian tới sẽ tính phương án bố trí toàn bộ bãi gửi xe ra khu vực xa khu di tích. Sau đó, sẽ dùng xe điện để chuyên chở du khách và xây dựng khu bán hàng tập trung gần điểm bãi xe mới.
“Hiện khu di tích Côn Sơn có 3 bãi gửi xe nằm gần ngay khu di tích Côn Sơn, phương án bố trí chuyển vị trí các bãi xe ra xa rồi dùng xe điện chuyên chở khách, xây khu bán hàng tập trung sẽ di dời được hàng trăm gian hàng gần chùa Côn Sơn ra ngoài.”, ông Mạnh cho hay.
Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, ông Nguyễn Khắc Minh thông tin: “sau khi xây dựng bến xe ra ngoài, chúng tôi sẽ dùng phương tiện chuyên chở khách. Khi đó sẽ bỏ thu phí tham quan di tích. Hiện tại đành chấp nhận như thế này”.
Khu di tích Côn Sơn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962. Để đảm bảo cảnh quan theo luật di sản, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần di dời khu vực bán hàng sát chùa Côn Sơn, đồng thời giải quyết triệt để tình trạng xem bói, ghi sớ và các hành vi mê tín khác để khu di tích quốc gia đặc biệt này phát huy giá trị trở thành điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn của tỉnh Hải Dương.
Hải Ninh

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây