Đàn Mông Sơn thí thực trong lễ hội chùa Côn Sơn

Chủ nhật - 21/02/2016 16:48 - 3749 lượt xem
Lễ cúng Đàn Mông Sơn thí thực tại khu di tích Côn Sơn. (Ảnh: TB)
Lễ cúng Đàn Mông Sơn thí thực tại khu di tích Côn Sơn. (Ảnh: TB)
Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc luôn được coi là "quốc lễ" của đất nước, là lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. Vũ Phương Đề trong sách "Công dư tiệp ký", thế kỷ XVIII chép: "Tục cũ cứ đến đầu năm mới, trai thanh gái lịch các nơi kéo nhau về đây vãng cảnh, đường xá đi lại đông như mắc cửi. Thực là một nơi đại thắng tích…".
Hội mùa Xuân Côn Sơn lễ Phật, cầu cho quốc thái dân an có nhiều nghi lễ tập tục cổ truyền tiêu biểu như: cúng đàn Mông Sơn thí thực cầu siêu giải thoát cho chúng sinh; Lễ rước nước, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt; Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh. Các nghi lễ diễn xướng tại đây đều do các vị Quốc sư trụ trì và được chính quyền Nhà nước cử người về trực tiếp tổ chức. Tương truyền, các điển lễ trên đều do tổ Huyền Quang nghiên cứu biên soạn trên cơ sở giáo lý của ba tôn giáo thịnh hành lúc bấy giờ là: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được lưu truyền đến tận ngày nay. Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn kéo dài suốt 3 tháng xuân, có hàng vạn thiện nam tín nữ và du khách thập phương hành hương chiêm bái.
Đàn Mông sơn thí thực là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Phật giáo. Đây là hình thức đại trai đàn (lấy sự trang nghiêm, thanh tịnh làm gốc để nhất tâm hồi hướng cho cô hồn, ngạ quỷ được ân triêm công đức), mang tính phát chẩn quốc gia, chỉ được diễn ra nơi quốc tự. Bởi vậy, đàn Mông sơn được lập tại chùa Côn Sơn, "quốc tự" của đất nước là nét đẹp văn hoá Phật giáo, thể hiện uy linh của đức Phật tam tổ Trúc Lâm, Tư đồ Trần Nguyên Đán, Danh nhân Nguyễn Trãi; đồng thời bố thí cho các cô hồn âm thế trong toàn cõi Việt Nam để cứu độ chúng sinh, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Năm 2006, thực hiện đề án nâng cấp lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010, lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực được thực hiện sau nhiều năm gián đoạn.
Đàn Mông sơn được dựng ở sân chùa trước cửa tiền đường gồm đàn chính và đàn bàn tiến. Đàn chính là nơi toạ đàn của pháp sự phật, nhị bồ tát hoặc kim đồng, ngọc nữ (tầng thượng) và nhị vị hành giả (tầng trung). Pháp sự là người thay mặt đức Phật tuyên cáo bố thí cho bách linh chầu đàn, bởi vậy đây phải là vị hoà thượng có đầy đủ hạnh kiểm phật pháp của bậc trượng phu tri tướng hay còn gọi là người có tố chất của bậc long tượng. Hành giả phải là những tăng ni có dung mạo đẹp đẽ, uy nghi, múa dẻo, kết quyết thành thạo... Đội ngũ kinh sư đàn cúng phải thông Kinh, Luật, Hán tự, có khẩu thanh hay, sử dụng điêu luyện các linh cụ, nhạc cụ như: trống, thanh la, não bạt, tiêu cảnh, linh chử, chén… vừa phải có đức hạnh, thành tâm, kiên trì và nhẫn nại.
 Đàn chính thiết lập thành 3 tầng kiểu giật cấp, Toàn bộ đàn được phủ vải hội đủ 5 màu (ngũ sắc) biểu trưng cho ngũ hành, ngũ phương. Xung quanh cạnh đàn của ba tầng được thắp 49 ngọn nến thể hiện quãng thời gian đức Phật Thích Ca ngộ đạo. Đó là lửa thiêng, nguồn sáng cao cả của đức Phật từ bi soi khắp vũ trụ, cứu độ chúng sinh. Đỉnh trên cùng của đàn treo bức hoành phi viết bốn chữ hán lớn: Đại Phật Tuyên Dương (代 佛 宣 楊).
Tầng thượng bày đồ lục cúng: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực.
Tầng trung, chính giữa là một lư hương bằng đồng tượng trưng cho thái cực. Hai bên thắp nến tượng cho triết lí âm dương, ngọn bên trái (+) thắp trước, ngọn bên phải (-) thắp sau. Ngoài cùng đặt hai lộc bình hoa, bên trái (+) biểu hiện cho ánh sáng (ban ngày), bên phải (-) bóng tối (ban đêm). Dưới chân lư hương là hai mâm ngũ quả, tượng trưng cho sự "viên tròn quả phúc".
Tầng hạ đặt đồ mã, tiền vàng để bố thí cho chúng sinh.
Đối diện đàn chính dựng đàn tiến phật. Đàn này cũng được thiết lập dạng tam cấp, tầng thượng bài trí bộ tượng tam thế phật, đôi cây nến đại hai bên. Tầng trung và tầng hạ bày hoa nghi, ngũ quả.
Chạy dọc hai bên từ đàn chính đến đàn bàn tiến, phía trên treo phướn Phật, phía dưới, hai bên đường chạy đàn bày những mâm lễ với la liệt đồ chay như: bỏng ngô, khoai luộc, bánh đa, hoa quả, mía... để ban phát cho chúng sinh chầu đàn ăn mày cửa phật.
Trước khi cúng đàn Mông sơn, các sư tăng và phật tử tụng kinh Phổ Môn trong chùa từ 16h - 18h00. Người đứng đầu tụng kinh này là một chư tăng thành đạo và có căn duyên mới được lựa chọn. Các lễ vật chay tịnh gồm hoa quả, oản, xôi, chuối, bỏng… được đặt trên mâm trải dọc theo các bậc thềm từ gác chuông lên gian giữa tiền đường chùa. Đặc biệt có một số bài vị hình nhân để làm lễ cắt giải bày trên một bàn cao là nơi đứng hành lễ của vị hoà thượng chủ trì. Các hình nhân này khi làm bao giờ người ta cũng đặt vào trong đó hình tròn của những đồng xu với tổng số là 6 và hợp thể của 6 như tượng trưng cho lục căn, lục trần, lục đạo…
Lễ chạy đàn Mông Sơn thường bắt đầu khi màn đêm buông xuống bởi theo quan niệm của người xưa, khi bóng tối lan toả trong không gian cũng là lúc các hồn ma hiện về dương thế, vất vưởng nơi nơi. Sau ba hồi trống chiêng đánh thúc, nhạc lưu thuỷ vang lên rộn rã khắp chùa. Pháp sự, nhị vị bồ tát cùng hai hành giả tiến hành nhiễu đàn (đi vòng quanh đàn) 3 lần theo chiều từ trái sang phải, Cứ như vậy, nhiễu đủ ba vòng, họ bước lên tầng thượng, mặt hướng về hoành phi tụng niệm. Tay pháp sự bưng bình Tịnh thuỷ, trong bình có thả vài cánh hoa hồng hoặc hoa ngâu tạo mùi thơm tinh khiết. Việc lấy nước cũng được chuẩn bị rất kĩ. Trước đó một ngày nhà sư phải tự mình tịnh bình (đánh rửa sạch bình, lên giếng Ngọc sau chùa lấy nước, đem lọc lại thật trong rồi mới đổ vào bình, đậy nắp mang về phủ vải vàng để tránh bụi bặm).
Bấy giờ pháp sự là hoá thân Phật có đầy đủ diệu lực mầu nhiệm để khai mở địa ngục và những cõi tối tăm khổ nhục của cô hồn, ngạ quỷ, triệu tập họ về đàn tràng để nhận lãnh sự bố thí tài và pháp, làm cho họ không những được hưởng dụng tài thế mà còn xâm nhập phật pháp, giải thoát mọi trói buộc của nghiệp lực bấy lâu để có thể siêu sanh.
Nghi lễ được các pháp sự Phật, nhị Bồ Tát và Kim đồng, Ngọc nữ… dàn nhạc lễ thực hiện uy nghi, chuẩn mực gồm các nghi thức: Nhiễu đàn, đọc khoá cúng, bắt quyết, múa long hồ, sái tịnh chân ngôn, khai hoa kết ấn, dâng lục cúng, thỉnh mời cô hồn, tuyên sớ cầu an, nguyện cho thế giới hoà bình, nhân khang vật thịnh, thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu…
Sau hai giờ lên đàn, bài nhạc tạ tấu lên, những người tham dự xô nhau vào cướp đồ lễ, tục cũ gọi là cướp cháo thí, để lấy may. Không khí đàn tràng trở lên tưng bừng, náo nhiệt. Trên gương mặt mỗi người đều lộ rõ vẻ hân hoan, phấn chấn bởi "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần". Đặc biệt, khi tham dự lễ đàn Mông sơn, mọi người đều thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng vì đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất hộ trì, giải thoát cho các cô hồn khỏi nghiệp lực.
Lễ đàn Mông sơn thí thực là nét văn hoá tâm linh tiêu biểu trong lễ hội truyền thống Côn Sơn, góp phần khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp trong kho tàng văn hoá phi vật thể ở khu di tích, tạo lên một lễ hội Côn Sơn đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả bài viết: Ngô Thị Lượng

Nguồn tin: vhttdlhd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây