Ngậm ngùi cây vải Chí Linh

Thứ năm - 03/08/2017 17:26 - 4350 lượt xem
Nhiều diện tích vải ở thị xã Chí Linh chỉ để tạo bóng mát nuôi gà
Nhiều diện tích vải ở thị xã Chí Linh chỉ để tạo bóng mát nuôi gà
Hiệu quả kinh tế từ cây vải thấp đã làm cho người dân Chí Linh không còn mặn mà với loại cây vốn là thế mạnh của vùng.
Bị bỏ rơi

Trong trí nhớ của ông Đỗ Gia Mừng ở thôn Hố Sếu (xã Hoàng Hoa Thám) thì cây vải đã trải qua đủ thăng trầm sau gần 20 năm bén rễ vùng đồi Chí Linh. Đã từng có thời kỳ cây vải là cây làm giàu, cây thoát nghèo cho người dân nơi đây. Nông dân phấn khởi, phủ xanh núi đồi bằng những tán vải. Vài năm trở lại đây, cây vải bị bỏ rơi. Đầu ra quả vải bấp bênh khiến người dân chểnh mảng, lơ là trong việc chăm sóc. "Nhiều vườn vải nông dân bỏ hóa, không khác gì vườn hoang. Cây vải còi cọc, xơ xác, chỉ sử dụng với mục đích tạo bóng mát để nuôi gà. Có hộ chặt phá vải, thay thế bằng loại cây khác. Những hộ còn giữ vải thì phó mặc cho thời tiết. Nếu cây ra hoa, đậu quả thì chăm sóc, còn không thì bỏ bê để tiết kiệm chi phí đầu tư. Điều này làm cho chất lượng vải Chí Linh ngày càng đi xuống. Vụ vải năm nay mất mùa, vải Thanh Hà bán được giá, trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg nhưng thương lái chỉ thu mua vải Chí Linh với giá từ 15.000-17.000 đồng/kg", ông Mừng ngậm ngùi.

Tâm huyết với cây vải hơn 15 năm, ông Vũ Chí Mạnh ở khu dân cư Trại Quan (phường Bến Tắm) dành nhiều thời gian nghiên cứu về loại cây này. Theo ông Mạnh, Chí Linh có nhiều lợi thế để phát triển cây vải. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Chí Linh tương đồng với Bắc Giang nhưng vải Bắc Giang lại hơn hẳn về mọi mặt. Vải Bắc Giang có mẫu mã đẹp, giá bán cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, còn vải Chí Linh thì ngày một yếu thế. Điệp khúc được mùa, mất giá làm cho người dân chán nản, không còn thiết tha chăm sóc và dần lãng quên cây vải. Từ năm 2015, cơ hội cho cây vải Chí Linh được mở ra khi vùng vải xuất khẩu với quy mô 10 ha được xây dựng ở xã Hoàng Hoa Thám. Đây chính là tiền đề để khai thông thị trường tiêu thụ, đồng thời thay đổi thói quen sản xuất của người dân. Đến nay, mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong đợi. Cây vải Chí Linh vẫn rơi vào bế tắc.

Thị xã Chí Linh hiện có 4.168 ha vải, tập trung ở các xã, phường Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm... Tuy có diện tích vải lớn nhưng do người dân bỏ bê không chăm sóc nên nhiều năm, năng suất vải của Chí Linh chỉ đạt hơn 1 tấn/ha. Điều này gây ra sự lãng phí lớn, nhất là khi quả vải là nông sản đặc trưng và có nhiều tiềm năng xuất khẩu.

Cần định hướng đúng

Giá trị kinh tế thu được không bù nổi chi phí bỏ ra là nguyên nhân chính khiến cây vải bị ruồng bỏ. 3 năm trở lại đây, giá bán vải có ổn định hơn nhưng không đủ hấp dẫn để người dân quay lại gắn bó với cây vải. Ông Trần Văn Chanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc An cho biết: Trước đây, cây vải được trồng nhiều tại địa phương nhưng vì lợi nhuận ngày càng thấp, thậm chí lỗ nên người dân đã chặt bỏ vải, chuyển sang trồng cam, nhãn. Song đây cũng không phải là phương án khả thi bởi không chỉ riêng cây vải mà các loại nông sản khác cũng có thể rơi vào vòng luẩn quẩn về giá do phụ thuộc vào tiểu thương. Về lâu dài, cần phải thực hiện các giải pháp để quả vải Chí Linh có chỗ đứng trên thị trường. Kết nối tiêu thụ là yếu tố quan trọng giúp quả vải có đầu ra thuận lợi nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ, nông dân vẫn phải bán vải trôi nổi nên thường xuyên bị ép giá. Do đó, bên cạnh quan tâm tới chất lượng quả vải, cần tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng.

Trước thực trạng phát triển èo uột của cây vải Chí Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị thị xã đánh giá đúng tình hình, xây dựng hướng đi đúng đắn cho loại cây này. Với những diện tích vải đã cằn cỗi, không thể cải tạo, có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như cam, thanh long, na... Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải được tính toán hợp lý, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn tới cung vượt cầu. Những diện tích vải được quy vùng, phải hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh đồng bộ, bài bản, loại bỏ tư duy sản xuất chộp giật, theo kinh nghiệm, thói quen. Có như vậy, quả vải Chí Linh mới có thể phát huy được thế mạnh vốn có, tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận được những thị trường lớn và người dân sẽ không còn quay lưng với cây vải như hiện nay.

Báo Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây