Việt Nam là xứ nhiệt đới nên rừng phong rất hiếm, chỉ vài nơi ở miền Bắc là có cây phong mọc trên núi như Pha Luông, Mộc Châu (Sơn La), Trạm Tấu (Yên Bái), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Thạch An (Cao Bằng).
Riêng rừng phong Tam Ban có diện tích lên đến 100ha, thuộc loại lớn và lâu năm nhất ở VN.
Lãng mạn bãi rễ, đồi thông
Trong thời tiết se se lạnh buổi sáng sớm với những tia nắng vàng đang dần xua đi làn sương núi, chúng tôi bắt đầu vượt sông Thương bằng chuyến phà Đồng Việt (Bắc Giang) để sang đất Chí Linh (Hải Dương). Đứng đợi chúng tôi bên kia sông là người bạn xã Hưng Đạo - địa danh gắn liền với cuộc đời của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Biết chúng tôi từng đi tham quan Lục Đầu Giang (nơi sáu dòng sông gặp nhau), đền Kiếp Bạc, di tích Côn Sơn..., bạn tôi đã quyết định lần này phải dẫn mọi người đến chỗ mới, vừa đẹp vừa lãng mạn.
Những tán thông cổ thụ trên con đường Côn Sơn, Kiếp Bạc chào đón chúng tôi. Chẳng ai nhớ thông mọc nhiều ở mảnh đất này từ bao giờ, chỉ biết rằng nó gợi cho du khách một thoáng mộng mơ như tiểu Đà Lạt của xứ Bắc.
Rồi bỗng chốc xe của nhóm đi thẳng vào cánh đồng bạt ngàn với những cây thông già mọc rải rác khắp nơi.
Dưới gốc thông là cánh đồng cây thanh hao hoa trắng mà người dân địa phương vẫn quen gọi bãi rễ (thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh), rộng đến 18ha ngay cạnh khu di tích Côn Sơn. Trên cây rễ có vô số bông hoa trắng nhỏ xíu, đung đưa theo gió đông. Mấy cô gái tranh thủ ghé mặt xuống hà hít hương thơm của loài cây độc đáo này.
Tiết trời lạnh là lúc bãi rễ đẹp nhất, trở thành điểm check-in, chụp ảnh cưới... của rất nhiều bạn trẻ ở Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Những lối mòn giữa cánh đồng rễ dẫn chúng tôi dần như lạc vào miền hương hoa cổ tích.
Phía xa xa, bên bãi rễ và ngay dưới chân núi Côn Sơn là đồi thông bạt ngàn, với những cây cổ thụ lâu năm gốc to người ôm không xuể. Mọi người thỏa thích tận hưởng một không gian xanh bao la và chụp những bức hình ấn tượng nhất.
Người dân ở đây chẳng biết bãi rễ, đồi thông có từ bao giờ. Họ chỉ truyền tụng cho nhau từ đời này sang đời khác về giai thoại rằng bãi rễ, đồi thông ở đây gắn với cụ tư đồ Trần Nguyên Đán.
Sau khi có một sự nghiệp quan trường hiển hách, những năm cuối đời Trần Nguyên Đán lui về vùng núi Côn Sơn an phận tuổi già. Để tạo không gian quy ẩn đúng chất sơn lâm, Trần Nguyên Đán đã tự mình trồng những cây thông, còn người vợ của ông trồng thanh hao hoa trắng (tức cây rễ).
Ngày nay, bãi rễ và đồi thông không chỉ mang lại vẻ đẹp cảnh quan, hút khách du lịch mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân.
Những con đường rợp bóng thông ở Côn Sơn, Chí Linh - Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG
Rừng phong lá đỏ
Rời bãi rễ và đồi thông, chúng tôi tiếp tục xuôi quốc lộ 18 tìm đến xã Hoàng Hoa Thám. Từ quốc lộ, rẽ vào con đường nhựa chạy theo biển chỉ dẫn đến chùa Thanh Mai, những con dốc thoai thoải men theo sườn núi, thỉnh thoảng lại qua một vùng lòng hồ bình yên. Chẳng mấy chốc chúng tôi đến được chân núi Tam Ban.
Xe leo theo vài khúc cua dốc để lên núi, sự ồn ào bên dưới đã bị khung cảnh vắng vẻ hiện tại đẩy lùi phía sau. Ngay trước mắt chúng tôi là rừng cây mùa lá vàng, lá đỏ rơi xào xạc.
Chẳng mấy chốc, mọi người đã tới bãi gửi xe chùa Thanh Mai. Xung quanh bãi đất là những cây cổ thụ với lá đang đồng loạt ngả vàng, chuyển sang màu đỏ, được người dân nơi đây gọi là cây táo hậu.
Cây táo hậu thuộc họ kim mai, ngành ngọc lan, cây thân gỗ, lá có 3-5 thùy, rụng vào mùa khô lạnh. Những chiếc lá già sẽ có màu đỏ sặc sỡ. Do chúng tiết ra nhựa có mùi thơm, nên ở Trung Quốc người ta gọi là cây phong hương thụ. Và cây phong, rừng phong chính là cái tên quen thuộc đang có rất nhiều ở núi vùng Tam Ban, xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh.
Theo cơ quan chức năng, rừng phong Tam Ban có diện tích lên đến 100ha, thuộc loại lớn và lâu năm nhất ở VN. Cứ sang đông (từ tháng 12 dương lịch), phong núi Tam Ban bao quanh chùa Thanh Mai lại bắt đầu vào mùa đổi màu thay lá, từ xanh sang vàng rồi đỏ. Đến gần cuối đông, lá phong đỏ úa, rụng xuống nhường chỗ cho chồi non bắt đầu nảy nở lúc xuân về.
Mùa đông càng lạnh, lá phong càng đỏ, tạo ra khung cảnh thiên nhiên đẹp quyến rũ. Không cần phải sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc để được ngắm rừng phong lá đỏ, chỉ cần canh đúng mùa phong thay lá núi Tam Ban mà tìm tới là mọi người sẽ được chìm đắm tâm hồn dưới rừng phong đẹp tựa tranh vẽ.
Những cây phong cổ thụ gốc phải đến hai người ôm. Cây phong già lá đã nhuốm màu đỏ úa, bắt đầu rơi xuống xào xạc nơi cổng chùa, để lại những cành khẳng khiu.
Đầu giờ chiều, cả nhóm men theo con đường mòn sau chùa để lên đỉnh núi Tam Ban. Dọc con đường là những tán lá phong vàng đỏ đẹp như một bức tranh. Nhiều nhóm phượt từ Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang... đã leo núi từ sáng để chụp được khung hình đẹp nhất.
Theo bạn Phương Bắc (Chí Linh), vài năm trở lại đây vẻ đẹp của rừng phong bên chùa Thanh Mai và cả bãi cỏ rộng lớn ở đỉnh núi Tam Ban đã thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan, đi picnic leo núi, chụp hình, chơi dù lượn...
Lo du lịch ảnh hưởng đến rừng phong cổ thụ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền địa phương đã phối hợp với bên kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt rừng phong và kiểm soát du khách thập phương.
Chính quyền xã đã xác định đây là rừng phong quý hiếm nhất Việt Nam, tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo nên đã cấm tuyệt đối người dân không được chặt phá. Đội tuần tra cũng được thành lập, mỗi ngày đều tuần tra để ngăn chặn những hành vi xấu.
Rừng phong lá đỏ vẫn giữ được nét hoang sơ - Ảnh: NG.HƯỜNG
Theo chị Dương Thu Hường - cán bộ xã Hoàng Hoa Thám, du khách về thăm chùa Thanh Mai để ngắm rừng phong mà đông là tín hiệu rất mừng, có thể giúp du lịch địa phương phát triển.
Tuy nhiên, do khu vực chùa và rừng được giữ nguyên vẻ hoang sơ, chưa có các dịch vụ chuyên nghiệp đi kèm nên nếu ý thức của du khách không tốt như xả rác, đốt lửa, bẻ cây... sẽ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan.
NGUYỄN HƯỜNG - PHƯƠNG KIM (Báo điện tử Tuổi trẻ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn