Ẩn số lịch sử về mộ phần của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Thứ tư - 09/12/2015 12:50 - 4456 lượt xem
Ẩn số lịch sử về mộ phần của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Dân gian có truyền thuyết rằng khi làm đám ma Hưng Đạo Vương đã có nhiều quan tài xuất phát từ Kiếp Bạc tỏa đi các nơi. Mỗi quan tài đi các hướng đều có những người trong nhà được cắt cử đi cùng.
Thác Trần Thương?

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là thiên tài quân sự trong lịch sử Việt Nam. Hai lần đánh bại đạo quân xâm lược mạnh nhất thế kỷ 13 là Mông Nguyên đã đưa tên tuổi ông vào hàng những đại nguyên soái vĩ đại nhất của nhân loại. Riêng ở Việt Nam, sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và hàng năm lấy ngày mất của ông (20/8 âm lịch) tổ chức lễ hội để tưởng nhớ. Mặc dù trên khắp đất nước đều có đền thờ nhưng cho đến nay, vấn đề phần mộ của Hưng Đạo Vương nằm ở đâu thì vẫn còn là một bí ẩn.

Về chủ đề này, dân gian thường truyền miệng một câu “sinh Kiếp Bạc thác Trần Thương quê hương Bảo Lộc”. Ba địa danh được nhắc đến là Kiếp Bạc (nay thuộc Chí Linh – Hải Dương), Trần Thương (Lý Nhân – Hà Nam) và Bảo Lộc (Mỹ Lộc – Nam Định). Kiếp Bạc là nơi Hưng Đạo Vương sống chủ yếu trong suốt cuộc đời. Bảo Lộc là ấp phong của cha ngài và tương truyền là nơi ngài sinh ra. Trần Thương là một kho lương thời chống Nguyên và sau khi ngài mất thì dân lập đền thờ trên đó.

Câu nói này không rõ xuất hiện từ bao giờ nhưng nó là căn cứ chủ yếu cho những ý kiến ủng hộ giả thiết phần mộ Hưng Đạo Vương nằm ở Trần Thương. Trong bài giới thiệu đền Trần Thương của website hanam.edu.vn có đoạn nói rằng: “Có câu: sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc. Chữ thác ở đây là gửi, là phó thác. Ngay từ lúc sinh thời, Trần Hưng Đạo đã gửi gắm sinh phần ở Trần Thương, chính vì vậy mà nhiều người cho rằng thác Trần Thương có nghĩa là ông để phần mộ ở đây”.

Đền Trần Thương hiện nay thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ngôi đền được dựng lên từ thời Trần trên nền cái kho lương thực mà Trần Hưng Đạo lập ra trong kháng chiến chống Nguyên. Ở đây cũng như nhiều ngôi đền thờ Trần Quốc Tuấn trên khắp nước, lễ hội được tổ chức vào dịp tháng 8 để tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Vương. Mấy năm trở lại đây, địa phương lại tổ chức thêm hội phát lương vào dịp rằm tháng Giêng theo kiểu hội khai ấn ở đền Trần Nam Định.

Tuy nhiên, nói Trần Thương có phần mộ Trần Quốc Tuấn thì khó thuyết phục bởi vì địa danh này không có sự liên quan mật thiết đến thân thế hay cuộc đời của Hưng Đạo Vương. Nếu theo quan niệm “lá rụng về cội” thì nơi được chọn để an táng Hưng Đạo Vương phải là ở Bảo Lộc – nơi ngài chào đời. Liên quan nhiều đến cuộc đời ngài hơn thì phải nói đến Kiếp Bạc ở Hải Dương vì đó là nơi Hưng Đạo Vương sống phần lớn cuộc đời.

Vườn An Lạc ở Kiếp Bạc?

Nguồn tư liệu chính thống duy nhất chép về việc mai táng Hưng Đạo Vương là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy chỉ có vài dòng nhưng nó đã cung cấp một vài chi tiết quan trọng. Cuốn sử cho biết: “ Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm cho mau”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên chép đến đây có bình phẩm: “Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy”.

Từ địa danh vườn An Lạc lại dẫn tới nhiều suy đoán. Có người nói An Lạc tức là tên ấp An Lạc vốn là đất “thang mộc” của Trần Liễu ở Thiên Trường. Nay ấp An Lạc thuộc xã Mỹ Phúc – Mỹ Lộc – Nam Định. Lại cũng có người liên hệ An Lạc với 1 quả đồi nằm gần đền Kiếp Bạc. Tuy nhiên, giới nghiên cứu khảo cổ chưa có dấu hiệu nào khả quan để kết luận phần mộ Hưng Đạo Vương ở đâu.

Dân gian còn có truyền thuyết rằng khi làm đám ma Hưng Đạo Vương đã có nhiều quan tài xuất phát từ Kiếp Bạc tỏa đi các nơi. Mỗi quan tài đi các hướng đều có những người trong nhà được cắt cử đi cùng. Nhưng có lẽ đây chỉ là chuyện thêu dệt nhằm ly kỳ hóa một sự việc bí ẩn cho thêm phần bí ẩn.

Trong một lần trò chuyện với ông Bùi Văn Tam – người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân gian ở Nam Định, khi được hỏi về chủ đề này, ông Tam cho biết “Vấn đề này rất phức tạp, mọi cái mới chỉ là giả thiết thôi, chưa thể kết luận điều gì”. Như vậy, lăng mộ Hưng Đạo Vương thực sự ở đâu vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Nguồn tin: Báo Kiến Thức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây