Xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Thứ hai - 26/10/2015 18:10 - 2792 lượt xem
CHAO MUNG DAI HOI
CHAO MUNG DAI HOI
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đã nỗ lực phấn đấu giành được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế; văn hóa, xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.
 
 
Thành phố Hải Dương đang đổi thay nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Sỹ Lực
Thành phố Hải Dương đang đổi thay nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Sỹ Lực

Thưa ông, được biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Dương trong 5 năm qua (2011-2015) đạt bình quân 7,7%/năm, cao hơn một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và cao hơn mức bình quân chung cả nước. Vốn là một tỉnh nông nghiệp, song đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh đã dịch chuyển khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Vậy ông có thể nói rõ hơn về sự phát triển kinh tế đáng mừng này của Hải Dương?

- Phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo và chủ động triển khai thực hiện các chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các khâu đột phá chiến lược, kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh... Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,7%/năm, cao hơn bình quân cả nước. Năm 2015, quy mô kinh tế tỉnh (GRDP giá hiện hành) đạt 76.734 tỷ đồng, gấp 1,83 lần năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch từ 20,1% - 47,7% - 32,2% năm 2010 sang 15,9% - 52,5% - 31,6% năm 2015. Cơ cấu lao động tương ứng chuyển dịch từ 47,9% - 31,4% - 20,7% năm 2010 sang 36,5% - 35,0% - 28,5% năm 2015. Triển khai và đạt kết quả bước đầu trong tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công; tăng tỷ trọng huy động vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn ĐTNN từ 68,4% năm 2010 lên 72,1% năm 2015.

 Quy mô sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng khá, bước đầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm. Quy mô ngành công nghiệp năm 2015 gấp gần 2,2 lần năm 2010. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Quy hoạch, phát triển 18 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô khá, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 60%; quy hoạch 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.403 ha, thu hút 301 dự án đầu tư với diện tích thuê đất 601 ha.

Để đạt được kết quả trên, các nguồn lực cho đầu tư phát triển đã được tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 135 nghìn tỷ đồng, bằng 93,1% mục tiêu đề ra; trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng bình quân 3,8%/năm, khu vực ngoài nhà nước tăng bình quân 11,3%/năm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng bình quân 0,2%/năm.

Các thành phần kinh tế được tạo điều kiện để phát triển. Kinh tế nhà nước tăng bình quân 1,4%/năm, chiếm tỷ trọng 17,9%, tiếp tục phát huy tốt vai trò cung cấp các dịch vụ cơ bản như: ngân hàng, bảo hiểm, xăng dầu, điện, thông tin viễn thông, nước sạch, vật tư y tế…; công tác đổi mới sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước được chú trọng, đạt kết quả tích cực. Kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân 5,7%/năm, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 49,2%, trong đó các doanh nghiệp tư nhân có bước phát triển khá (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ), tăng 7,6%/năm; kinh tế tư nhân cùng với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 16,9%/năm, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 32,2% trong nền kinh tế tỉnh. Kinh tế tập thể từng bước được củng cố, đổi mới, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 0,7%.

Bên cạnh sự phát triển ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp, bộ mặt nông nghiệp và nông thôn ở Hải Dương cũng đang có đổi thay từng ngày với một diện mạo mới rõ rệt. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể mà Hải Dương đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại - ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển 

 
- Trong thời gian qua nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, hiệu quả sản xuất được nâng lên; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,1%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, hiệu quả được nâng lên, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 94,4 triệu đồng năm 2010 lên 125,3 triệu đồng năm 2015. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt - lâm nghiệp; tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thủy sản tăng từ 36,9% năm 2010 lên 40,6% năm 2015.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đầu tư, đã thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 64 xã hoàn thành đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 28,3%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu 25%). Đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư. Đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được 2.350 km đường giao thông nông thôn; đến nay 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Mạng lưới cấp nước sạch được cung cấp tới 100% các xã; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2015 đạt 85%. Công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quan tâm thực hiện. Các loại hình tổ chức sản xuất phát triển tương đối đa dạng, hiệu quả ngày càng cao.

Năm 2016, Việt Nam sẽ tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, gia nhập những “sân chơi” lớn như TPP, FTA với EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN…Vậy theo ông, trong giai đoạn 5 năm tới Hải Dương cần tiếp tục phát triển ra sao để tận dụng được những cơ hội đồng thời hạn chế được những thách thức từ “làn sóng” hội nhập sắp tới?

- Trong giai đoạn 2015 - 2020, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi. Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô đang dần ổn định; nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai tích cực. Kinh nghiệm tổng kết được sau 30 năm đổi mới, cùng những chủ trương, quyết sách được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ tạo ra động lực mới, mạnh mẽ hơn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số hiệp định thương mại song phương, đa phương đang đàm phán, có khả năng ký kết trong thời gian tới, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakstan... sẽ mở ra cơ hội mới cho thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Tình hình chính trị, xã hội trong tỉnh tiếp tục ổn định; những thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới sẽ tiếp tục tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016-2020; một số dự án sản xuất công nghiệp lớn và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, có khả năng đưa vào khai thác, vận hành từ đầu nhiệm kỳ. Với vị trí quan trọng trong không gian phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô, cùng với tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng cuối năm 2015, tỉnh Hải Dương ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong mở rộng giao lưu hợp tác thương mại và đầu tư với các tỉnh trong vùng và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đã nêu ở trên, việc triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức phải giải quyết... 

Trước những thuận lợi đan xen khó khăn nêu trên, phương hướng và mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế của tỉnh là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chủ động, sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khai thác, phát huy tốt lợi thế của tỉnh với vị trí nằm ở trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời là vệ tinh trong không gian phát triển Vùng Thủ đô, có hạ tầng giao thông phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; từng bước tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao; chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư. Phát triển kinh tế nhanh đi đôi với  phát triển văn hóa; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và gìn giữ, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng, củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2015-2020

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8 ÷ 8,5%/năm; Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2020: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 11%, công nghiệp, xây dựng 56%, dịch vụ 33%; Năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 32%/năm; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng/ha vào năm 2020; Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm; Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm trở lên; Cơ cấu lao động đến năm 2020: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 27%, công nghiệp, xây dựng 42%, dịch vụ 31%; Lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 75%, trong đó có chứng chỉ đạt 30%...


 

Nguồn tin: Theo Báo Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây