Thời gian qua, nhờ được đầu tư đúng hướng nên cây na ở Chí Linh đã cho năng suất, chất lượng ổn định. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu đã trở thành yêu cầu cấp thiết để quả na ở đây có sức cạnh tranh mạnh và tăng giá trị trên thị trường.
Hiện nay, thị xã Chí Linh có hơn 500 ha na tập trung chủ yếu tại các xã Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Hoàng Tiến, Bắc An và phường Bến Tắm, Hoàng Tân. Trong thời gian qua, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh nên cây na ở đây đã cho chất lượng tốt, quả to, thơm và mẫu mã đẹp.
Hoàng Tiến là xã đầu tiên của Chí Linh đưa cây na vào trồng với quy mô tập trung. Toàn xã hiện có gần 200 hộ trồng na với tổng diện tích trên 200 ha. Mỗi hộ ở đây trồng từ 0,5-1 ha trở lên, một số hộ trồng na quy mô lớn với diện tích từ 3-5 ha.
Hằng năm, na thường cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các hộ có thể tính toán thời điểm cho na ra hoa để thu hoạch thêm vụ trái mùa. Trung bình mỗi ha na cho thu hoạch từ 8-10 tấn quả. Với giá bán từ 30.000-45.000 đồng/kg, nhiều hộ thu lãi từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Gia đình ông Phạm Bá Ngôn (60 tuổi) ở thôn Tân Tiến (Hoàng Tiến) đã có thâm niên hơn 10 năm trồng na. Gia đình ông đang có hơn 400 gốc na cho năng suất cao, mỗi năm bình quân đạt khoảng 10 tấn, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ông Ngôn cho biết: “Cây na rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Chính vì vậy, năng suất, chất lượng luôn ổn định và được nhiều người yêu thích vì thơm ngon hơn na của các địa phương khác. Nhiều thương lái ở Hà Nội, Lạng Sơn… đã về đặt mua cả vườn trước mùa thu hoạch”. Thấy rõ hiệu quả kinh tế của cây na, từ nhiều năm trước, các hộ ở đây đã chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng na. Hiện nay, thôn Tân Tiến có 115 hộ trồng na với tổng diện tích gần 100 ha.
Mặc dù cây na tại Chí Linh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, nhưng sự biến động của giá cả thị trường và phụ thuộc vào thương lái vẫn là điều khiến người dân lo lắng.
Hằng năm, vào đầu vụ, na thường có giá thu mua rất cao, từ 40.000-60.000 đồng/kg. Nhưng vào chính vụ, do nguồn cung dồi dào, giá na rớt xuống còn từ 20.000-35.000/kg. Ngoài ra, nông dân không chủ động được đầu ra của sản phẩm, khi đến vụ thu hoạch, các thương lái ở mọi nơi đổ về thu mua. Một số ít hộ dân ở đây đã đầu tư mua ô tô vận chuyển lên các chợ ở thành phố để bán. Tuy nhiên, việc này khiến người dân tốn kém thêm khoản chi phí xăng dầu, bến bãi… Hiện nay, chất lượng na của Chí Linh đã được người tiêu dùng tín nhiệm. Tuy nhiên, việc phân biệt được có đúng na của Chí Linh hay không còn rất khó khăn.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đối với người dân trồng na, thị xã Chí Linh đã triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho loại nông sản này. UBND thị xã đã lựa chọn Hội Nông dân thị xã là chủ đơn vị đăng ký nhãn hiệu tập thể “Na Chí Linh”. Đến nay, việc lựa chọn logo cho nhãn hiệu tập thể này đã hoàn thành. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Na Chí Linh” gửi Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt. Ngoài ra, thị xã Chí Linh cũng đã triển khai dự án Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất tập trung đối với cây na giai đoạn 2012-2015 tại các xã Hoàng Tiến, Bắc An và phường Bến Tắm. Các hộ tham gia dự án được tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Na Chí Linh” có ý nghĩa quan trọng để khẳng định vị trí của nông sản này trên thị trường, mở ra cơ hội cạnh tranh mới cho quả na của người dân Chí Linh. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến cho biết, người dân Hoàng Tiến rất ủng hộ chủ trương xây dựng nhãn hiệu tập thể na Chí Linh. Việc này sẽ giúp người dân chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, tập trung phát triển sản xuất. Thời gian qua, một vài doanh nghiệp, siêu thị trên Hà Nội chuyên thu mua nông sản đã về tìm hiểu sản phẩm na của địa phương. Việc này đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân.
Bà Vũ Thị Hiên, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chí Linh cho biết: Thời gian tới, bên cạnh tập trung hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể na Chí Linh, Hội Nông dân thị xã sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, ban hành các văn bản, tài liệu phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể như quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình sản xuất na mang nhãn hiệu tập thể... Ngoài ra, hội sẽ tổ chức tập huấn về sở hữu trí tuệ và phổ biến các văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể cho các hộ nông dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng nhãn hiệu tập thể na Chí Linh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn