Động lực mới ở Chí Linh

Thứ tư - 17/04/2019 11:10 - 1883 lượt xem
Mô hình cánh đồng rau an toàn ở xã Nhân Huệ (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cho sản phẩm đạt chuẩn tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn.
Mô hình cánh đồng rau an toàn ở xã Nhân Huệ (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cho sản phẩm đạt chuẩn tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn.
Đầu nhiệm kỳ, nhận định tiềm năng, lợi thế và nắm bắt xu hướng phát triển, Đảng bộ, nhân dân thị xã Chí Linh tập trung cao độ để đạt các tiêu chí thành lập thành phố Chí Linh trước năm 2020. Đến thời điểm này, Chí Linh đã về đích sớm hơn dự kiến, bước đầu tạo động lực mới để thành phố phát triển vững chắc, trên nền tảng văn hóa giàu bản sắc ở nơi địa linh, nhân kiệt.

Mở rộng không gian đô thị

Thời điểm đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cấp huyện, tuy nội lực chưa đủ mạnh, còn những khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị cao, Thị ủy Chí Linh khi đó thống nhất đề ra những bước đi và cách làm cụ thể. Kết quả vượt xa so mục tiêu đề ra khi cả 12 xã đã về đích (mục tiêu là đến năm 2020 có sáu trong số 12 xã đạt chuẩn NTM). Thị xã Chí Linh trở thành một trong hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2017. Trong tổng nguồn lực xây dựng NTM gần 2.116 tỷ đồng, có 30% vốn ngân sách nhà nước, còn lại đều xã hội hóa. Ðiều đáng nói là người dân chỉ phải đóng khoảng 8,5% chi phí xây dựng. Ngoài ra nhân dân tự nguyện hiến gần 170 nghìn m2 đất, cây cối, góp hơn 33 nghìn ngày công để mở rộng, nâng cấp và cứng hóa các tuyến đường.

Những ngày này, Ðảng bộ và nhân dân Chí Linh đang hoàn tất những công việc bộn bề, cùng đón niềm vui khi thị xã được công nhận là thành phố. Bí thư Thành ủy Lưu Văn Bản cho biết, trước đó, giá đất đô thị ngay ở khu vực trung tâm Chí Linh rất thấp. Ðể tăng giá trị nguồn tài nguyên đất còn khá dồi dào ở Chí Linh, Ban Thường vụ đã họp bàn, thống nhất phương án xin cơ chế đấu giá đất tạo nguồn lực. Thị ủy chủ trương đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, cải tạo hạ tầng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khu thương mại, dịch vụ. Ðến nay, giá đất ở Chí Linh đã tăng gấp nhiều lần. Người dân phấn khởi, chính quyền thì có nguồn thu để tái đầu tư.

Tại hai phường mới thành lập là Văn Ðức và Cổ Thành, những con đường vào khu dân cư trước đây còn lầy lội nay đã được mở rộng, trải bê-tông, đèn chiếu sáng tận ngõ. Phường Văn Ðức ngày nay được sáp nhập từ hai xã Văn Ðức và Kênh Giang trước đây, thuộc địa bàn vùng xa. Riêng xã Kênh Giang nằm bên kia bờ sông, khá cách biệt với khu trung tâm, nay một cây cầu đang được khẩn trương xây dựng để xóa khoảng cách giữa đôi bờ.

Theo lãnh đạo Thành ủy, tranh thủ nguồn lực của địa phương và cơ chế ưu đãi của tỉnh, Chí Linh đã tập trung đầu tư hạ tầng đô thị và nông thôn, mở rộng không gian đô thị từ khu trung tâm phường Sao Ðỏ đến các xã, phường vùng xa. Các công trình trọng điểm đã cơ bản được tôn tạo và đưa vào sử dụng như đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, Trường THCS Chu Văn An chất lượng cao,... Các tuyến đường giao thông quan trọng như Yết Kiêu, Bạch Ðằng, Thanh Xuân, đường xuống xã vùng sâu, vùng xa Cổ Thành, Nhân Huệ… đều được nâng cấp, trồng hoa và cây xanh ven đường. Sự đổi thay hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống bằng hệ thống công viên, điện chiếu sáng, điện trang trí, cây xanh, vỉa hè, thoát nước…, cảnh quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp. Chủ trương mở rộng không gian đô thị vừa tạo quỹ đất ở, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, vừa tạo nguồn lực cho thị xã. Từ đó, một số khu dân cư mới được hình thành…

Phát triển mô hình kinh tế hiệu quả

Ðường từ trung tâm thành phố Chí Linh tới xã Nhân Huệ là sự tiếp nối từ đô thị tới vùng quê bình yên. Xã Nhân Huệ nằm trọn trong triền đê, bao quanh bởi sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Ðiều kiện địa lý ấy cho Nhân Huệ tiềm năng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, tạo đà xây dựng những mô hình nông nghiệp bền vững, góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu NTM.

Anh Nguyễn Văn Chu, thôn Chí Linh 2, xã Nhân Huệ, là một trong những nông dân sản xuất giỏi, đã chuyển đổi thành công từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao. Sau dồn điền, đổi thửa, gia đình anh đầu tư sản xuất gần bốn mẫu đất trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP; vừa làm, vừa học hỏi, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về quy trình VietGAP, kỹ thuật sử dụng sản phẩm sinh học trong nông nghiệp. Anh cùng 30 gia đình thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ, được chính quyền địa phương hỗ trợ thủ tục, hạ tầng giao thông, thủy lợi, tìm thị trường. Sản phẩm của hợp tác xã được kiểm soát chất lượng, kỹ thuật chặt chẽ, tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C, Vinmart…

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ Nguyễn Văn Ðản cho biết, thực hiện nghị quyết chuyên đề của Ðảng ủy xã về xây dựng NTM, phát huy hiệu quả các mô hình, xã quyết tâm xây dựng mô hình cánh đồng rau an toàn, với 80 ha trong đê và 70 ha ngoài bãi. Xã đang từng bước hiện thực hóa chủ trương của thành phố là tận dụng lợi thế từ nguồn nước sông, triển khai hệ thống tưới tiêu hiện đại, trang bị nhà lưới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng tới sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Trong các cuộc trao đổi, làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh, chúng tôi được biết, lãnh đạo thành phố rất quan tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các dự án, đề án phát triển kinh tế được ưu tiên, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thay thế vườn tạp, nương chè cũ hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè giống mới chất lượng cao với tổng số gần 21 ha, tại các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An. Mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP được triển khai trên 40 ha ở hai xã Bắc An, Lê Lợi, áp dụng tiêu chuẩn Việt - Mỹ; dự án trồng cây thanh long ruột đỏ tại các xã Tân Dân, Bắc An, Hoàng Hoa Thám…, đều cho hiệu quả kinh tế cao. Kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Từ đó, hình thành mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng bán công nghiệp, tạo khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, như nuôi lợn, gà đồi. Thương hiệu gà đồi Chí Linh từng bước khẳng định giá trị trên thị trường…

Theo Bí thư Thành ủy Lưu Văn Bản, từ kết quả đáng ghi nhận, Thành ủy Chí Linh đặt quyết tâm đến năm 2020, phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tăng giá trị bình quân hằng năm hơn 9%; thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm. Và điều quan trọng hơn là mở rộng đô thị hiện đại trên nền tảng giữ gìn, bảo tồn vốn cổ, gắn với mục tiêu đưa Chí Linh trở thành thành phố phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; tận dụng sức hút của những địa danh Côn Sơn - Kiếp Bạc, sông Lục Ðầu, núi Ngũ Nhạc; là nơi có các di tích, di chỉ "Chí Linh bát cổ"- niềm tự hào trong tiềm thức của bao thế hệ người dân nơi đây.

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây