Nô nức trẩy hội, du xuân

Thứ hai - 15/02/2016 18:20 - 1575 lượt xem
Đông đảo học sinh đến tham quan di tích Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)
Đông đảo học sinh đến tham quan di tích Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)
Ngay từ những ngày đầu năm, lượng du khách đổ về các khu di tích, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh.
Kỳ nghỉ Tết năm nay thời tiết đẹp, trời ấm áp, khô ráo là điều kiện thuận lợi cho những chuyến du xuân. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu năm, lượng du khách đổ về các khu di tích, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh. 

Chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh nên ngay từ thời khắc giao thừa, di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) đã có rất đông người tới du xuân, đi lễ, xin lộc. Thời tiết chiều lòng người nên so với năm trước, lượng người đổ về đây dịp đầu xuân tăng mạnh. Trong đoàn người hành hương, có rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh… Màu sắc áo quần sặc sỡ cùng cái nắng xuân ấm áp khiến quang cảnh chùa bừng lên không khí vui tươi. 

Ở di tích Kiếp Bạc, du khách được thoải mái đi lễ trong sự thanh bình bởi tình trạng bói toán, chèo kéo, sắm lễ, khấn thuê không còn công khai như trước. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Từ ngày mùng 1 đến mùng 7 tháng giêng, khu di tích đã đón trên 7 vạn lượt người tham quan, chiêm bái. Riêng ngày mùng 1 Tết, Ban Quản lý miễn phí vé tham quan cho tất cả du khách. Do được triển khai tốt nên an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ được bảo đảm. Tại các di tích không xảy ra tình trạng lộn xộn, đánh nhau, trộm cắp, móc túi, mất cắp cổ vật. Hiện tượng bói toán, đổi tiền lẻ vốn là vấn đề nổi cộm các năm trước, năm nay được xử lý triệt để. Lực lượng công an bố trí hợp lý nên trong những ngày đầu xuân, lượng người về đông song không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Để bảo đảm vệ sinh môi trường sạch đẹp, Ban Quản lý di tích đã bố trí 12 nhân công trực dọn vệ sinh liên tục tại các khu vực đông người, đường lên Bàn Cờ Tiên, núi Ngũ Nhạc... 

Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An ở phường Văn An (Chí Linh) rất đông người tìm về du xuân, đi lễ, xin chữ đầu năm. Cầm trên tay chữ Trí đỏ chót, em Đỗ Thị Minh Huyền, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trãi (Chí Linh) cho biết: “Năm nào vào đầu xuân em cũng được bố mẹ cho đến đền thờ Nhà giáo Chu Văn An xin chữ".

Tại Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), đã có trên 5.000 người đến dâng hương, xin chữ đầu năm. Ban tổ chức bố trí 4 bàn viết chữ do các hội viên Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh và Câu lạc bộ Thư pháp TP Hải Dương thực hiện từ 6 giờ 30 đến 18 giờ 30 hằng ngày. Năm nay, Ban Quản lý di tích Văn miếu Mao Điền cải tiến in đồng loạt bản giấy viết chữ thư pháp khổ 26 x 76 cm, thiết kế đẹp, phục vụ du khách. Đền Bia cũng đã đón trên 1,6 vạn người đến thắp hương và vãn cảnh, tăng hơn 30% so với Tết Ất Mùi. Công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm di tích như Văn miếu Mao Điền, đền Bia... đều được triển khai từ rất sớm. Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, cơ quan công an và các ban ngành, đoàn thể tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra hướng dẫn, nhắc nhở người dân dâng hương theo đúng quy định. Lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông tránh ùn tắc, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu di tích đền Bia... Qua công tác giám sát đã phát hiện, bắt giữ và ngăn chặn được một số đối tượng có hành vi móc túi khách tham quan. 

Công tác tổ chức lễ hội đầu xuân tại khu di tích Đền Cao An Phụ (Kinh Môn) có nhiều nét mới so với các năm trước. Nếu trước đây các bãi đỗ xe do tư nhân hoặc địa phương quản lý thì năm nay, các bãi đỗ xe đều thuộc sự quản lý của Ban Quản lý khu di tích Kinh Môn. 2 doanh nghiệp vận tải với 25 xe ô tô đưa đón khách từ chân núi lên tham quan và ngược lại. Giá vé được niêm yết công khai và không có hiện tượng tăng giá, chèo kéo du khách. Bên cạnh đó, tại khu tích thường xuyên có 30-40 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, giữ gìn an ninh trật tự. Không còn hiện tượng những người bán hàng rong ngồi dọc đường lên khu di tích. Các cửa hàng ăn uống được bố trí theo khu riêng biệt. Theo ghi nhận của chúng tôi, khu di tích không có tình trạng ăn xin, không có các trò chơi biến tướng cờ bạc. Tình trạng vứt tiền lẻ xuống Giếng Ngọc và đặt lên các ban thờ cũng đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Văn Thoảng, du khách đến từ huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết: “Hơn chục năm tham dự lễ hội đầu xuân ở Đền Cao An Phụ, tôi thấy năm nay công tác tổ chức lễ hội được làm bài bản, quy mô và có sự thay đổi rõ rệt”. Theo Ban Quản lý khu di tích Kinh Môn, từ ngày mùng 1 đến hết mùng 6 tháng giêng, khu di tích Đền Cao An Phụ đã đón hơn 66.900 lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.    
So với năm ngoái, năm nay lượng du khách đổ về tham quan, vui chơi tại khu di tích danh lam thắng cảnh Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) cũng tăng mạnh (tăng hơn 3.000 lượt người). Ngay từ chiều mùng 1 Tết, hàng trăm du khách đã đến. Đông nhất là các ngày mùng 3, mùng 4, mỗi ngày có từ 2.500 - 3.000 lượt khách đến với Đảo Cò. Nhiều du khách từ các huyện lân cận và một số địa phương của tỉnh Hưng Yên cũng đến đây tham quan. Theo ước tính của Ban Quản lý di tích, tính đến hết ngày mùng 6 Tết, đã có hơn 1 vạn du khách đến thăm Đảo Cò. Nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, Ban Quản lý di tích bố trí bãi đỗ xe, dãy hàng quán hợp lý, trang bị đầy đủ áo phao, yêu cầu chủ thuyền chở đúng số người theo quy định... Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, khu du lịch này đã xuất hiện một số trò chơi ăn tiền, thu tiền gửi xe cao so với quy định nhưng vẫn chưa được chấn chỉnh, gây tâm lý bất bình cho du khách.

Theo thống kê của Ban Quản lý di tích đền Tranh, chùa Tranh ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang), từ ngày 29 đến mùng 6 tháng giêng, ước tính có hơn 1 vạn lượt khách đến tham quan, tăng gấp 2 lần so với Tết Ất Mùi. Mặc dù lượng khách tăng cao, nhưng chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án bảo đảm an ninh trật tự, bố trí hợp lý khu vực trông giữ xe nên không xảy ra ùn tắc giao thông... Tuy vậy, tại cổng khu di tích xuất hiện người ăn xin đứng, ngồi chèo kéo du khách rất phản cảm. Đặc biệt, vé trông giữ xe máy không in giá, du khách phải trả 10.000 đồng cho mỗi lượt gửi xe, cao hơn nhiều so với quy định của UBND tỉnh. 

Bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, thời gian nghỉ Tết kéo dài và nhiều nông dân chưa phải xuống đồng làm vụ xuân là những nguyên nhân khiến lượng khách đến các khu di tích tăng khá so với Tết năm ngoái. Tuy nhiên, lễ hội mùa xuân mới chỉ bắt đầu, các ban quản lý các di tích cần tăng cường quản lý tốt hơn để tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách, "mở hàng" một năm may mắn cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Nguồn tin: baohaiduong.vn

 Từ khóa: di tích, du khách, tham quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây